Đôi khi, và thường là khi nằm cạnh nhau trên giường, ta phải đối mặt với một thử thách đầy bất ngờ từ người yêu thương. Họ quay sang, bằng một giọng nghiêm túc, hỏi: “Em yêu anh vì điều gì?”
Hiếm khi nào trong một mối quan hệ, ta gặp phải một câu hỏi vừa sâu sắc lại vừa nguy hiểm đến thế. Một câu trả lời đúng có thể củng cố và thăng hoa tình yêu. Nhưng một câu trả lời sai lại đủ sức làm tan vỡ mọi thứ. Trong khoảnh khắc cố gắng tìm câu trả lời, ta lập tức nhận ra rằng chẳng thể đơn giản đáp:
“Em yêu anh vì tất cả.” Câu hỏi ấy đòi hỏi sự chọn lọc, và mức độ chân thành của tình yêu sẽ được đánh giá dựa trên sự chính xác của những lựa chọn ấy đối với người hỏi.
Ẩn sau câu hỏi này là một giả định quan trọng: có những điều đáng được yêu hơn những điều khác. Không phải việc ta được yêu thích mới là điều đáng kể, mà tình yêu ấy phải nhắm đến những phẩm chất tốt đẹp nhất – theo cách mà ta tự định nghĩa về bản thân. Điều này đồng nghĩa với việc trong mỗi chúng ta, có những phần mà ta tin rằng thể hiện rõ “con người cốt lõi” của mình hơn những phần khác. Ta không hiện diện đồng đều ở mọi phần trong con người mình.
Về cơ thể, ta thường cảm thấy mình “hiện diện” nhiều hơn ở đôi bàn tay so với gót chân. Còn về trí óc, ta thấy bản thân rõ nét hơn ở khiếu hài hước hơn là trong kiến thức về bảng cửu chương. Nếu có một con quỷ buộc ta phải từ bỏ một phần trí óc, có lẽ ta sẽ sẵn sàng đánh đổi khả năng nói ngoại ngữ, hơn là từ bỏ gu âm nhạc của mình. Tương tự, ta có thể chấp nhận một sự thay đổi ở ngón chân cái, hơn là ở đường nét sống mũi.
Khi nghe ai đó nói: “Anh yêu em vì em có một trí óc tuyệt vời,” điều đó có thể là một khởi đầu tốt, nhưng chưa đủ. Bởi tâm trí ta làm được rất nhiều thứ: dọn bàn ăn, lái xe an toàn, lên ngân sách gia đình, nhớ các kiến thức địa lý… Thế nhưng, những tài năng chung chung này hiếm khi mang lại sự thỏa mãn sâu sắc.
Nếu ai đó yêu ta chỉ vì những kỹ năng ấy, thì chẳng có gì ngăn họ rời bỏ ta và yêu một người khác có những tài năng tương tự. Mà đó chính là điều ta lo sợ và cố tránh khi hỏi câu hỏi ấy.
Những điều đáng yêu thực sự nằm ở những khía cạnh độc đáo, những nét riêng biệt mà không ai khác có được. Đó có thể là cách ta trang trí lớp kem trên chiếc bánh sinh nhật, chọn nhạc cho chuyến đi qua sa mạc, phân tích một cuốn tiểu thuyết lịch sử, hay nhẹ nhàng trêu đùa một đồng nghiệp khó chịu mà không làm tổn thương họ. Khi một người bắt đầu để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt ấy, ta cảm nhận được rằng tình yêu của họ đã trở nên cụ thể và sâu sắc, chứ không chỉ mơ hồ hay chung chung.
Vì thế, một lời khen nhỏ như: “Anh rất thích cách em có thể khiến một người họ hàng khó chịu thay đổi tâm trạng,” thực sự ý nghĩa hơn rất nhiều so với lời ca ngợi: “Em thật tuyệt vời khi biết thủ đô của New Zealand.”
Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Chúng ta không chỉ muốn được ngưỡng mộ; ta còn mong người yêu hiểu và chấp nhận những điểm yếu mềm trong mình. Dù có tài giỏi hay mạnh mẽ đến đâu, ta luôn có những giây phút sợ hãi, vụng về, bối rối, trẻ con và buồn bã. Chính những khoảnh khắc ấy, ta khao khát người yêu có thể rộng lượng, bao dung và ở bên.
Đúng là được ngợi khen thật dễ chịu, nhưng điều khiến ta yên lòng hơn cả là cảm giác biết rằng ta có thể yếu đuối mà không bị phán xét. Rằng ta đang ở cạnh một người cho phép ta buồn bã, mệt mỏi hay thậm chí bật khóc. Một người nhận ra ta có thói quen cắn móng tay, hay thao thức lo lắng về công việc giữa đêm khuya – và vẫn yêu thương ta. Ta không muốn trở thành một siêu anh hùng trong mắt người yêu, ta chỉ cần họ có đủ niềm tin vào sức mạnh bên trong ta để không run sợ trước những lúc ta gục ngã.
Câu nói: “Em yêu anh vì anh là người hùng,” nghe thật xa cách. “Em yêu anh vì anh như một đứa trẻ,”cũng chẳng gần gũi hơn. Nhưng nếu ai đó nói: “Em yêu cả đứa trẻ buồn bã mà em đôi khi nhìn thấy phía sau con người trưởng thành và đầy bản lĩnh của anh,” thì đó có lẽ là lời yêu thương chạm gần nhất đến cốt lõi của tình yêu.
Hy vọng của chúng ta về việc cơ thể sẽ đóng vai trò thế nào trong việc khơi gợi tình yêu cũng tương tự như những khía cạnh khác. Những lời khen chung chung, mơ hồ, chẳng khác gì sự quan tâm hời hợt – như thể người ta sẽ chẳng nhận ra nếu cơ thể ta trong đêm bị thay thế bởi ai khác. Có thể đúng rằng ta có “đôi mắt đẹp” hay “mái tóc mềm mại,” nhưng những lời ấy có thể áp dụng chính xác với hàng triệu người khác.
Giống như một người chủ nhà chẳng muốn chỉ nghe cảm ơn vì “bữa tối ngon” mà sẽ thích hơn nếu được khen rằng món sốt chanh có chút mùi thì là thật tinh tế, hay cách sắp xếp chỗ ngồi đã dung hòa được những người có quan điểm chính trị đối lập. Chính ở những chi tiết nhỏ, ta mới cảm nhận được rằng người ta thực sự để tâm.
Những lời khen ngợi hay nhất về cơ thể thường mang tính tâm lý – vật lý. Nghĩa là, chúng ca ngợi một khía cạnh vật lý để làm nổi bật một phẩm chất tinh thần. Những lời này khẳng định rằng cơ thể ta không chỉ là một vỏ bọc vật lý, mà còn được kết nối với những nét đáng yêu nhất trong tính cách. Một người yêu tinh tế có thể nói:
“Anh thích cách nụ cười của em có chút khác biệt ở mỗi bên khóe miệng. Một bên thật ấm áp và chào đón, bên còn lại lại trầm tư và thoáng chút u sầu. Em không chỉ đang cười, mà như thể đang nghĩ ngợi sâu sắc khi cười vậy.”
Hoặc:
“Có một điều rất dễ thương em làm với đôi mắt khi em lắng nghe: em hơi hạ mí mắt xuống một chút, như thể đang nghi ngờ. Nhưng thật ra, đó là một lời động viên, như muốn nói: ‘Em biết anh đang giữ lại phần hay nhất vì sợ không ai hiểu được, nhưng anh cứ kể đi. Anh sẽ được hiểu mà. Với em, anh an toàn.’”
Hoặc:
“Anh mê mẩn cách em đưa ngón cái và ngón giữa chạm nhau mỗi khi em hào hứng với một ý tưởng nào đó. Như thể em đang cảm nhận chất liệu của một mảnh lụa vậy… Em không chỉ nghĩ, mà như đang ‘chạm’ vào ý nghĩ bằng chính đôi tay mình.”
Hoặc:
“Anh yêu dấu chấm tàn nhang trên bắp tay trái của em. Nó giống như em vậy: nhẹ nhàng nói, ‘Tôi là chính tôi; không có gì đặc biệt, nhưng tôi hài lòng với mình.’ Nó khiêm nhường, chẳng phô trương, nhưng tự tin vào sức hút của mình – đủ để cuốn hút những người thực sự hiểu được nó. Anh thích ý nghĩ rằng nó đã ở đó từ khi em còn nhỏ và luôn đồng hành với em qua từng ngày tháng.”
Nghệ thuật biếm họa thường nhắm vào những chi tiết độc đáo trên khuôn mặt hay cơ thể của một nhân vật chính trị, để chúng ta học cách ghét bỏ hoặc chế giễu họ. Người vẽ biếm họa có thể để ý đến một chóp mũi hơi nhô lên, một cặp dái tai to bất thường, hay một kiểu tóc lượn sóng kỳ quặc. Những chi tiết ấy được phóng đại đến mức ta không thể quên – và từ đó nuôi dưỡng sự khinh thường.
Tình yêu, xét trên khía cạnh nào đó, cũng giống như một quá trình phác họa – nhưng thay vì mang tính chế giễu, nó lại đầy lòng trắc ẩn. Người yêu sẽ ngắm nhìn người mình thương bằng ánh mắt chăm chú, tìm ra những chi tiết nhỏ như một ngón tay trỏ, mặt trong của đầu gối, xương bả vai, hay cách nhắm mắt. Và những chi tiết tưởng chừng vụn vặt ấy sẽ trở thành những biểu tượng của yêu thương, là lý do khiến họ ngưỡng mộ và yêu sâu sắc.
Cũng như trong tâm hồn, chính sự mong manh trong những chi tiết cơ thể mới làm ta say mê. Một ngón chân út, một ngón tay nhỏ có khi còn quyến rũ hơn cả bắp đùi hay lồng ngực. Đó có thể là bàn tay vô thức cuộn lại giống như cách nó từng làm khi còn thơ bé. Là gáy mỏng manh với những mạch máu xanh li ti, ẩn sau mái tóc đầy tự tin. Là cổ tay nhỏ nhắn, nơi các đường gân xanh hiện lên mờ ảo.
Trong một cơ thể trưởng thành, những dấu vết của thời thơ ấu – một phiên bản yếu đuối và dễ tổn thương hơn – trở nên thật đáng yêu, khiến ta muốn bảo bọc, che chở, và trấn an.
Câu hỏi: “Anh yêu em vì điều gì?” không nên làm ta sợ hãi. Chúng ta chỉ cần dành thời gian truy lại những xúc cảm chân thật nhất đã khiến mình rung động, đồng thời nhớ rằng tình yêu thường dừng chân ở những góc nhỏ bé, mong manh và ít ngờ tới nhất trong con người ta. Chính ở những nơi tưởng như tầm thường ấy, tình yêu mới bừng nở rực rỡ và chân thành nhất.
Nguồn: What do you love me for? The School Of Life