Bài viết này sẽ dùng tên Shadow, tên tiếng việt có thể gọi là Bóng âm hay Mặt tối, nhưng mà dùng tên Shadow sẽ dễ hiểu hơn.
“Những thứ mà ta không nhận thức được sẽ xuất hiện trong cuộc sống ta dưới dạng số mệnh.” (Carl Jung)
Carl Jung nổi tiếng vì tạo ra khái niệm về Shadow, một phần của nhân cách chúng ta, thứ mà, trong suốt cả cuộc đời, hay bị vứt bỏ vào màn đêm đen tối của vô thức.
I) Bản chất của Shadow.
“Shadow có rất nhiều cái tên tương tự như vậy: từ chối bản ngã, tự hạ thấp giá trị bản thân, cặp song sinh hay cặp anh em trong kinh thánh và thần thoại, The Double, phần bản ngã bị kìm nén, nhân cách thứ 2, Id. Khi chúng ta mặt-đối-mặt với phần đen tối của chính mình, chúng ta thường hay dùng phép ẩn dụ để diễn tả những lần bắt gặp Shadow như là: chạm trán với ma quỷ (Demon), vật lộn với ác quỷ, đi xuống địa ngục, màn đêm đen tối của tâm hồn, cuộc khủng hoảng tuổi trung niên.” (Connie Zweig, Meeting the Shadow)
(*The Double: Một cuốn sách của Dostoevsky, chỉ kiểu người có 2 nhân cách cùng tồn tại trong cùng một người)
Trong khi Jung được biết đến như là người đã mang khái niệm này tới nhận thức của công chúng trong thời kỳ hiện đại, thì cái khía cạnh này của bản thân chúng ta đã từ lâu được xem như là một nét đặc trưng phổ biến của con người. Vào năm 1886, trước khi Jung tạo nên dấu ấn của riêng mình, thì Robert Louis Stevenson đã tạo nên câu chuyện nổi tiếng về Dr.Jekyll và Mr.Hyde. Trong câu chuyện của ông thì Dr.Jekyll là mặt nhân cách đại diện cho những thứ đáng quý của con người, nhưng khi anh ta biến thành Mr.Hyde, thì nhân cách Shadow đó chiếm hữu lấy anh và phá hủy cuộc đời anh.
Mặc dầu Shadow là một phần bẩm sinh đã có của con người, nhưng hầu hết chúng ta lại sẵn lòng mù mờ không biết tới sự tồn tại của nó. Chúng ta giấu đi những phẩm chất xấu xa tiêu cực, ra khỏi những người khác và cả chính bản thân mình. Để làm điều này thì chúng ta thường hay chỉ trích và kết án những người khác để đảm bảo rằng ta không để ý tới những khuyết điểm và khuynh hướng tự hủy hoại chính bản thân mình. Chúng ta sống một cuộc đời tràn ngập bầu không khí giả tạo của sự thượng đẳng về mặt đạo đức và một niềm tin rằng trong khi những người khác hành xử vô học và thích phá phách, thì chúng ta coi bản thân mình là một người hoàn toàn đức hạnh và luôn luôn đúng.
“Thật không may khi không thể không nghi ngờ rằng một người, xét về tổng thể, không được tốt cho lắm so với những gì anh tưởng tượng hay mong muốn về bản thân mình. Mỗi người đều mang một Shadow, nó càng ít xuất hiện trong đời sống ý thức của một cá nhân, thì nó càng đen tối và đậm đặc. Sau tất cả, nó sẽ tạo ra một chướng ngại trong vô thức, cản trở những ý định tốt đẹp nhất của ta.” (Carl Jung)
II) Cách để ý thức được Shadow.
Một số khía cạnh của Shadow chính là sản phẩm của sự tiến hóa. Chúng ta có, như tất cả các loài động vật khác, những bản năng tình dục và hiếu chiến mà ta thường kìm nén để có thể hòa nhập tốt với xã hội. Một số khía cạnh của Shadow là do ta nuôi dưỡng nó. Những nét tiêu biểu của tính cách và ham muốn, thứ gây ra sợ hãi hay lo lắng tới gia đình hoặc giáo viên của ta, ví dụ chẳng hạn, khiến cho họ trừng phạt hay chỉ trích ta; và vì thế mà ta phản ứng lại bằng cách kìm nén những tính cách này. Chúng ta tạo nên những cơ chế phòng vệ tâm lý để đảm bảo rằng nó không bộc lộ ra lần nữa, và thêm nữa những tính cách này đều bị kìm nén ở trong vô thức. Vì tất cả mọi người đều có Shadow, nên thứ khiến ta khác biệt đối với những người khác đó là mức độ mà ta ý thức được nó.
Khi Shadow vẫn còn trong vô thức, nó sẽ phá hủy cuộc đời của ta. Những thông tin bị kìm nén thường không biến mất ngay sau đó, mà đúng hơn là nó hoạt động độc lập với hữu thức của chúng ta. Nói cách khác, Shadow có đủ khả năng để thay thế phần bản ngã (Ego) của ý thức và chiếm hữu con người chúng ta, kiểm soát những suy nghĩ, cảm xúc, và hành vi. Khi điều này xảy đến thì ta sẽ trải qua những thời điểm khó khăn một cách vô thức, trong khi đó vẫn không hề biết rằng những thời điểm rắc rối như này là do chính mình tự áp đặt, chứ không phải là kết quả của vận rủi hay số phận.
“Một quy luật của tâm lý học đó là khi một tình trạng xảy ra bên trong không được ý thức tới, nó sẽ xảy ra bên ngoài dưới dạng số mệnh. Điều này có nghĩa rằng, nếu một cá nhân vẫn chưa bị chia tách ra và cũng chưa ý thức được mặt đối lập của mình, thì thế giới bên ngoài buộc phải đứng ra giải quyết xung đột nếu nó xảy ra và xé thành 2 nửa đối lập.” (Carl Jung)
Sự điều khiển của vô thức, nơi mà Shadow có thể tác động đến chúng ta cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều cá nhân phải chật vật với các hành vi tự hủy hoại chính mình và không thể kiểm soát được mặc dầu họ ý thức được rằng mình tốt nhất không nên tham gia vào những hành động như thế. Nhiều kẻ nghiện bị Shadow dẫn dắt, nó cũng là nguyên nhân gây ra “cuộc chiến tranh” ngầm xảy ra bên trong họ. Trong một khoảnh khắc họ tự hứa với bản thân mình sẽ từ bỏ cơn nghiện và sống một cuộc đời trong sạch, thì khoảnh khắc sau Shadow của họ thay thế phần bản ngã của ý thức và họ bắt đầu thèm muốn ly rượu tiếp theo, “chìm đắm hơi men”, hay là thỏa mãn về tình dục. Như Rober Louis Stevenson đã ghi chú trong cuốn sách The Strange Case of Dr.Jekyll and Mr.Hyde, con người không chỉ có một bản thể, mà đúng hơn là 2; anh ta chứa nhân cách của hữu thức và Shadow, và mỗi cái đều đấu đá lẫn nhau để giành phần kiểm soát bên trong tâm trí anh.
“Một người phải nhận ra rằng anh ta đang bị chiếm hữu bởi Shadow, thứ còn gọi là mặt tối của nhân cách; anh bị ép buộc phải thừa nhận “phần thấp kém” này của mình, nếu chỉ vì lý do rằng anh bị nó chèn ép thường xuyên, với kết quả xảy ra là thế giới muôn màu muôn sắc của hữu thức và những giá trị đạo đức của anh sẽ sụp đổ khi phần mặt tối này xâm chiếm. Tất cả sự đau khổ mang tới anh đến từ trải nghiệm của bản thân anh với con ác quỷ vốn có bên trong bản chất của mình – trên thực tế, nó là toàn bộ những rắc rối nhiều không thể đo đếm được của “nguyên tội” (Original sin) – thứ đe dọa sẽ nhấn chìm một cá nhân trong vòng xoáy hỗn loạn của lo âu và cảm giác tội lỗi.” (Depth Psychology and a New Ethic, Erich Neumann)
Để tránh trở thành nạn nhân của việc bị “Shadow-chiếm hữu”, chúng ta bắt buộc phải ý thức được những đặc tính của Shadow và liên hợp nó vào phần tính cách của ý thức mình; chấp nhận nó với vòng tay rộng mở, không nên coi nó như là mặt ghê tởm của bản thân, mà ta nên coi như là một điều cần thiết và quan trọng của con người. Khi hướng về mục tiêu này, sẽ thật tốt nếu ta nhận ra rằng mục tiêu đúng đắn của cuộc đời không phải là trở nên hoàn hảo, mà là trở nên toàn vẹn. Và vì sự toàn vẹn này bao gồm cả cái tốt và xấu, ánh sáng và bóng đêm, nên việc đạt được sự toàn vẹn trong quá trình phát triển nhân cách sẽ cần chúng ta đồng nhất Shadow của mình vào ý thức.
“Một người không thể thông tuệ chỉ bằng việc tưởng tượng về ánh sáng, mà đúng hơn là ý thức được phần đen tối. Phương pháp thứ hai, tuy nhiên, không được đồng ý cho lắm nên nó không phổ biến.” (Carl Jung)
Tuy nhiên, như Jung đã ám chỉ trong câu nói phía trên, việc thực hiện nó cực kỳ khó khăn. Hầu hết đều không thể làm được và cũng chẳng dám thừa nhận rằng sâu bên trong họ không phải là một người hoàn toàn đức hạnh, vị tha, một con người tốt bụng, nhưng đúng hơn là chất chứa sự ích kỷ, phá hoại, thích thực hiện các hành vi đi ngược với luân lý và khinh thường đạo đức. Hầu hết đều muốn tự lừa dối bản thân mình bằng một sự lạc quan mù quáng về bản chất “tốt đẹp” của họ, đó là lý do đa số cá nhân không bao giờ là một thể thống nhất, những người không biết gì về nơi ngự trị sâu bên trong của mình.
“Cuộc gặp mặt bản thân chính mình, trước hết, phải gặp Shadow của bản thân trước. Shadow là một hành trình khó khăn, một con đường chật hẹp, nơi chất chứa sự đau đớn mà sẽ không buông tha cho tất cả kẻ nào đang khám phá vực thẳm đen tối này. Nhưng một người buộc phải hiểu về bản thân thì mới biết mình là ai.” (Carl Jung)
III) Sức mạnh ẩn chứa của Shadow
Điều thật sự ấn tượng đó là ý tưởng rằng Shadow không chỉ chứa đựng những khía cạnh nguy hiểm của nhân cách, mà còn chứa đựng nguồn sức mạnh phi thường, khả năng sáng tạo, và những tiềm năng bị ẩn giấu. Trong quá trình phát triển thì một số nét tiêu biểu và những ham muốn bị chỉ trích bởi gia đình, bạn bè và thầy cô chúng ta, không phải vì muốn quan tâm ta mà là vì ghen tỵ, sợ hãi, ngu dốt hoặc ích kỷ. Cái mong muốn sống đúng với chuẩn mực của xã hội cũng làm cho ta kìm nén những tài năng, khả năng bẩm sinh, và những ham muốn mà nếu nó được vun trồng và phát triển thì những tiềm năng này sẽ biến ta trở thành một người có ích hơn trên thế giới này.
Ví dụ, điều này bây giờ đang trở nên phổ biến khi mà những nhà tâm lý học chuẩn đoán cho nhiều cá nhân, những con người đặt câu hỏi về chính quyền và có dấu hiệu tự chủ bản thân một cách cực đoan được xem như là một dạng bệnh lý, mắc phải tình trạng mà họ gọi là “chống lại-sự độc tài” (Xem một bài viết của Bruce Levine ở đây). Những cá nhân có sự tự chủ cao trong một xã hội bao gồm những tập thể hợp tác và phụ thuộc vào nhau coi họ như một mối đe dọa. Họ như một con sói đơn độc giữa bầy cừu hoang, và họ bị bầy cừu này tấn công và chế giễu chỉ vì lý do này.
Đây cũng chỉ là một ví dụ cho thấy việc hòa nhập với xã hội hiện nay lại làm cản trở sự phát triển chúng ta. Và điểm mấu chốt ở đây là nếu những tiềm năng của ta bị kìm kẹp, bị những người khác và cả bản ngã của ý thức chúng ta coi là điều tiêu cực và xấu xa, thì sự phát triển bản thân có thể bị chững lại, và cuộc sống, cũng chỉ là một sự lãng phí.
Để phát triển bản thân, chúng ta bắt buộc phải ý thức được Shadow của mình và sẵn sàng chấp nhận rằng chúng ta có lẽ không thân thiện, đúng đắn và có đạo đức như ta vẫn thường nghĩ. Chúng ta nên để ý một số khía cạnh của vô thức chúng ta có thể đang điều khiển hành vi của bản thân mình một cách “bí mật”. Chúng ta phải nhìn vào sâu bên trong chính mình và nhận ra rằng phần bản ngã của ý thức không phải lúc nào ta cũng kiểm soát được, mà nó thường bị chiếm hữu bởi sức mạnh của Shadow.
Một khi ta đã trở nên ý thức được mặt tối của bản thân, chúng ta nên quý trọng nó và tìm một cách để liên hợp nó trong cuộc sống. Nếu không làm được như vậy, con người sẽ trở nên yếu đuối và bị chia tách. Một người không thể làm hài lòng cả hai ham muốn thôi thúc ở bên trong bản thân mà không hao tổn sức lực và năng lượng của mình. Shadow bắt buộc phải trở thành một phần trong nhân cách con người.
IV) Liệu có một “Phương thức” nào để liên hợp Shadow không?
“Chẳng có một phương thức chung hữu hiệu nào để đồng nhất Shadow. Nó giống như là công việc ngoại giao hoặc quản lý nhà nước và nó luôn là vấn đề của mỗi cá nhân. Một người trước hết phải chấp nhận và nghiêm túc xem xét sự tồn tại của Shadow. Thứ hai, một người phải ý thức được những mong muốn và phẩm chất của nó. Làm được điều này cần một sự chú ý rõ ràng tới tâm trạng, những ý nghĩ kỳ hoặc và cả những ham muốn thôi thúc. Thứ ba, một quá trình đàm phán lâu dài là một điều không thể tránh khỏi.” (Carl Jung)
Như Jung đã ghi chú ở đoạn phía trên, không có một phương thức chung nào để liên hợp bóng tối cả. Shadow của mỗi người là độc nhất, và thêm nữa, để liên hợp nó yêu cầu ta phải có một cách tiếp cận đặc biệt. Bất kể phương thức tiếp cận nào mà ta dùng, để thực sự liên hợp với Shadow thì việc sống khác biệt với phần lớn xã hội và cả lương tâm của chúng ta là điều cần thiết. Hầu hết phẩm chất của Shadow, sau cùng, đều bị kìm nén ở trong vô thức bởi vì ta cho rằng chúng là một thứ không thể chấp nhận được, về mặt xã hội hoặc như lời đánh giá của gia đình và bạn bè chúng ta. Một phương pháp phổ biến trong việc liên hợp Shadow đó là tìm một thứ gì đó lành mạnh, hữu ích, hay ít nhất, có thể kiểm soát được sự hung hãn đang bị kìm nén hay ham muốn tình dục. Một cách khác đó là hãy bỏ qua những tập tục nhỏ nhặt hoặc vô nghĩa, mà trước kia mình làm để hòa nhập với xã hội. Một cách nữa là theo đuổi một đam mê bất chấp mọi người xung quanh gây áp lực cho mình. Những phương thức này có thể giúp ta tách biệt bản thân mình khỏi sự kỳ vọng và “con mắt-phù hợp” của người khác, và giúp cho ta nhìn vào bên trong chính mình, không bị phán xét hay chỉ trích, để khám phá ra ta là ai và ta thực sự như thế nào.
Nếu ta có thể tìm ra một cách để đàm phán với Shadow của mình, và để cho nó “sống” bên trong nhân cách của ý thức thay vì kìm nén nó, thì chúng ta không chỉ ý thức về bản thân một cách rõ ràng hơn, mà còn là những sự hiểu biết về điều mà ta thực sự muốn trong cuộc đời. Chúng ta sẽ tốt hơn trong việc mặc kệ những gì người khác nói về mình, giúp mình thoát ra khỏi đám đông tốt hơn, và hơn nữa là đủ sự vững vàng để bắt đầu một con đường hoàn thành vận mệnh của bản thân mình. Shadow, như Jung đã nhắc đến, chính là cánh cửa dẫn lối tới Self. Nhiều người không dám đi vào sâu bên trong nó, nhưng đây chính xác là điều ta bắt buộc phải làm để trở thành người ta thực sự muốn.
“Shadow, một được nhận ra, là cội nguồn của sự tái sinh; một ham muốn thôi thúc mới và hữu ích không thể đến từ những giá trị có sẵn của bản ngã. Mỗi khi xuất hiện một trở ngại, và một thời điểm khó khăn nào đó trong cuộc sống ta – mặc dù có một bản ngã phát triển hoàn thiện – nhưng chúng ta vẫn phải nhìn vào phần mặt tối, không thể chấp nhận được kể cả cho đến bây giờ, thứ từng là nơi hữu thức sử dụng cho việc vứt bỏ… Điều này mang đến cho chúng ta một sự thật rằng Shadow chính là cánh cửa tới sự thành toàn của mỗi cá nhân. Ở một mức độ nào đó Shadow giúp chỉnh sửa cách nhìn nhận về một phần của vô thức đến từ nhân cách ta, nó là giai đoạn nền tảng để gặp được Self. Trên thực tế, không có cách nào để tới vô thức và sự thật về bản thân mà không thông qua Shadow trước. Chỉ khi nào ta nhận ra được một phần của bản thân mình mà đến tận bây giờ vẫn chưa thấy hoặc không muốn biết thì tiếp đó ta mới có thể bắt đầu đặt câu hỏi và tìm ra nguyên nhân khiến cho nó lớn mạnh và nơi mà nó ngự trị. Do đó sẽ không có sự tiến bộ hay phát triển trừ khi ta đối diện một cách thích đáng với Shadow và việc đối diện khác với việc hiểu biết về nó. Chỉ khi ta thực sự sốc vì biết được bản thân mình như thế nào, thay vì chúng ta mong ước hay cho rằng mình như thế này thế nọ, thì khi đó ta mới có bước tiến đầu tiên tới hiện thực của mỗi cá nhân.” (Connie Zweig, Meeting the Shadow)