Chính sự hiểu biết sai lầm của chúng ta về bản thân đã gây ra thất vọng, lo lắng, buồn bã và sợ hãi. Lòng can đảm là tự do, và tự do mang lại hạnh phúc.
Hãy tưởng tượng: Bạn được trao một quả trứng lớn, mỏng manh, và có người bảo bạn, “Quả trứng này là chủ nhân của bạn, bạn phải bảo vệ nó.”
Sau đó, bạn được yêu cầu mang quả trứng đó trong nhiều tuần liền, và bạn phải giữ cho nó nguyên vẹn bằng mọi giá, nếu không sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Bạn sẽ luôn sợ hãi rằng quả trứng có thể bị vỡ, bạn phải hành động theo những cách không tự nhiên, gò bó và không thoải mái.
Hãy nghĩ về cái tôi (ego) giống như quả trứng đó. Khi chúng ta lớn lên, ý niệm về cái tôi trở nên vô cùng quan trọng, và ý niệm này liên tục được củng cố trong các tương tác xã hội và cách thức vận hành của thế giới xung quanh.
Chúng ta hình thành một hình ảnh mong manh về cái tôi trong đầu mà chúng ta phải bảo vệ bằng mọi giá. Điều này khiến chúng ta trở nên ích kỷ, ám ảnh về sự thiếu thốn và khan hiếm như những mối đe dọa đối với ý niệm về cái tôi. Vì vậy, để bảo vệ nó, chúng ta có thể trở nên tham lam và khó ưa.
Chúng ta nghĩ rằng giữ cho cái tôi nguyên vẹn và bảo vệ nó bằng mọi thứ mà chúng ta nghĩ rằng nó cần sẽ mang lại hạnh phúc. Chúng ta tin rằng hạnh phúc là kết quả của việc làm và đạt được mọi thứ; nhưng ảo tưởng về cái tôi lại liên tục kích hoạt cảm giác thiếu thốn, cứ lặp đi lặp lại mỗi khi chúng ta thỏa mãn một khao khát mới.
Cũng giống như việc mang theo và bảo vệ một quả trứng như thể nó là chủ nhân của chúng ta thật kỳ lạ, thì việc chúng ta ám ảnh với cái tôi cũng kỳ lạ không kém. Tuy nhiên, đây lại là một quy ước được chấp nhận. Được coi là điều “bình thường”. Chúng ta trở thành nô lệ cho cái tôi, thứ thực chất chỉ là một tập hợp suy nghĩ, không hơn không kém.
Khi chúng ta bị cái tôi chi phối, chúng ta sợ bị phán xét, sợ thiếu thốn, sợ thất vọng, sợ bỏ lỡ, sợ mất đi những gì mình có, sợ không đạt được nhiều hơn, và tất nhiên, sợ cái chết.
Nhưng đáng lẽ mọi thứ phải ngược lại. Cái tôi công khai của chúng ta – nhân cách (the persona) – nên phục vụ cho năng lực hành động của chúng ta, điều mà các nhà Khắc Kỷ gọi là “Quyền Lực Cai Trị” (Ruling Power), tức khía cạnh sâu xa và được dẫn dắt bởi lý trí của tâm trí.
💫 “Vô Ngã” Trong Chủ Nghĩa Khắc Kỷ
Thứ mà chúng ta giản lược thành “cái tôi” rất phức tạp và bí ẩn. Chúng ta biết điều này bởi vì chính chúng ta đôi khi cũng làm những việc khiến bản thân ngạc nhiên. Chúng ta khám phá ra những trực giác, thành kiến và thậm chí là sự tự hủy hoại trong các hành động và suy nghĩ của mình.
Các nhà Khắc Kỷ thừa nhận điều này. Triết gia Panaetius đã chia cái tôi thành bốn khía cạnh cơ bản tạo nên tính độc nhất của nó – lý trí (reason), lựa chọn (choices), đặc điểm (traits) và hoàn cảnh của chúng ta (circumstances).
Con người được hình thành tại giao điểm của những lực lượng này. Chúng ta phải đối mặt với một số đối lập quan trọng – bị mắc kẹt giữa thân thể và tâm trí, bản năng và lý trí, độc nhất và phổ biến, riêng tư và công khai.
Thứ chúng ta gọi là nhân cách (persona) là chiếc mặt nạ mà chúng ta cần đeo để trình diện bản thân với người khác như một cái tôi công khai. Nhưng khi chúng ta phục tùng chiếc mặt nạ đó, đó là lúc nó trở thành cái tôi (ego). Cái tôi là một khía cạnh nhân cách nhân tạo mà chúng ta không thực sự cần, một sự rối rắm của các khía cạnh đó do ảo tưởng mà ra.
Cái tôi như chúng ta thường nghĩ về nó – người đang nhìn chằm chằm vào bạn trong gương, như một thực thể thống nhất và nhất quán – chỉ là một điều hư cấu thuận tiện. Nhưng nó sẽ trở thành một hư cấu có hại nếu chúng ta coi nó là sự thật. Nó trở thành một trở ngại ảo tưởng cản trở cảm giác mãn nguyện và hạnh phúc sâu sắc và bền vững – thứ xuất hiện khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta chính là Vũ trụ (Cosmos).
Một số người có thể dừng lại và nhăn mặt trước tuyên bố này. Nó nghe có vẻ như những lời huyền bí mơ hồ. Nhưng việc nói rằng chúng ta là Vũ trụ được đại đa số những người có đầu óc minh mẫn chấp nhận. Chúng ta, như Carl Sagan, Neil deGrasse Tyson, và tất nhiên, Janis Joplin đã nói, là “bụi sao”. Cơ thể vật chất của chúng ta được tạo thành từ vật chất luôn thay đổi và được hình thành từ các ngôi sao. Khi chúng ta chết đi, vật chất này sẽ phân tán để hình thành những điều mới mẻ, bao gồm cả những con người mới.
Hạnh phúc không phải là làm và đạt được mọi thứ, nó không phải là thứ mà chúng ta cần phải nỗ lực để có được. Chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc đòi hỏi nỗ lực bởi vì cái tôi của chúng ta đòi hỏi một nhu cầu luôn hiện hữu, biểu hiện dưới dạng thiếu thốn, giống như quả trứng cần được bảo vệ.
Hạnh phúc thực sự luôn ở đây, luôn hiện hữu, bởi vì chúng ta không cần “đạt được” nó. Chúng ta chỉ cần gạt bỏ những trở ngại ngăn cản cảm giác viên mãn và trọn vẹn đó. Trở ngại chính là cái tôi.
Hạnh phúc xuất hiện khi chúng ta buông bỏ cái tôi, buông bỏ ý niệm sai lầm về bản thân cùng mọi quyền lợi và đòi hỏi của cái tôi đó. Can đảm, như một đức tính, không phải là chủ động làm những điều dũng cảm – can đảm sẽ dẫn đến những hành động đó – mà đúng hơn là sự vắng mặt của nỗi sợ.
Khi chúng ta ngừng sợ hãi về sự nổi tiếng, tài sản, ngoại hình và hạnh phúc vật chất của mình, chúng ta sẽ trở nên trọn vẹn, toàn vẹn, tự do và tự chủ. Cũng giống như Vũ trụ vậy.