Một trong những thắc mắc của người xem Tây Du Ký là tại sao Tôn Ngộ Không hoành hành ở núi Hoa Quả, trước đánh tan tác thiên binh thần tướng, sau lại Đại náo Thiên cung, làm trời nghiêng đất lệch. Trong bộ phim Tây Du Ký phiên bản 1986 rất nổi tiếng, Tề Thiên Đại Thánh nhảy khỏi lò Bát Quái, vác gậy Như Ý xông thẳng vào điện Linh Tiêu đánh tán loạn khiến cho chư thần tan tác như ong vỡ tổ, Ngọc Hoàng sợ hãi đến mức phải trốn cả vào gầm bàn.
Thế nhưng không hiểu sao đến khi theo Đường Tăng đi thỉnh kinh thì Ngộ Không lại khá… cùi. Đại Thánh đi đến đâu cũng vỗ ngực “500 năm trước, Lão Tôn từng Đại náo Thiên cung” nhưng lại nhiều lần thất bại trước các yêu quái là hóa thân của thú cưỡi hoặc tiểu đồng của các vị thần tiên trốn xuống trần. Kịch bản thường thấy trong các kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng là Sư phụ bị bắt → Ngộ Không đánh không lại yêu quái → Ngộ Không đi nhờ viện trợ → Chư Thần, Phật, Bồ Tát đến giúp thầy trò Đường Tăng tai qua nạn khỏi. Chưa cần nói đến những yêu quái trên trời như anh em Kim Giác, Ngân Giác, Độc Giác Tỷ, Hoàng Mi quái,… vốn có bảo bối của thần tiên hạ phàm, chỉ cần bọn yêu ma dưới trần như Hắc Hùng Tinh, Hồng Hài Nhi, Bà La Sát thôi cũng đủ cản đường thỉnh kinh của thầy trò Tam Tạng rồi. Tại sao mà Tề Thiên Đại Thánh từng Đại náo Thiên cung lại gặp khó khăn dưới trần như vậy?
TÔN NGỘ KHÔNG “QUẬY PHÁ” THIÊN CUNG
Lý do là vì chiến tích Đại náo Thiên cung của Ngộ Không đã được phiên bản Tây Du Ký năm 1986 phóng đại lên so với nguyên tác. Đại náo Thiên cung thực ra chỉ là một màn nghịch ngợm phá phách của khỉ con mà không hề gây ra thiệt hại nhiều cho thiên đình. Trong nguyên tác, Ngộ Không chỉ chạm trán với những vị thần cấp thấp, chứ không hề có chuyện đánh tan chư thần, khiến Ngọc Hoàng bỏ chạy như trong phiên bản điện ảnh.
Tây Du Ký hồi thứ 7 “Đại Thánh trốn khỏi lò Bát Quái, Thích Ca nhốt yêu núi Ngũ Hành” chép việc khỉ con làm loạn Thiên cung sau khi ra khỏi lò Bát Quái như sau: “Đại Thánh….tức thì co người nhảy vút ra ngoài, hét vang một tiếng, đạp đổ lò bát quái, rồi chạy vụt đi. Viên sĩ đạo coi lò, tiểu đồng đốt lò cùng các thần Lục đinh, Lục giáp chạy vào túm chặt lấy, bị Đại thánh đạp cho mấy phát ngã lăn cả ra, Đại thánh lúc này hung hăng tựa mãnh hổ trán trắng, điên cuồng như con rồng một sừng…. Đại thánh rút ngay cây gậy Như ý trong tai ra đón gió múa loang loáng, cây gậy to lại như cũ, rồi bất kể hay dở, phá phách thiên cung một lần nữa. Đại thánh đánh tơi bời, khiến cho Cửu Diệu tinh quân phải đóng chặt cửa, Tứ Đại Thiên vương thì không biết chạy trốn phương nào…. . Khi Đại thánh đánh tới điện Thông Minh và điện Linh Tiêu, may có vị tá sứ của Hựu Thánh chân quân là Vương Linh Quan đang giữ điện, thấy Đại thánh tung hoành ngang dọc, bèn rút cây roi vàng xông đến ngăn lại…..Hai người đánh nhau không phân thắng bại.
Hựu Thánh chân quân lại sai tướng tá mang giấy tới Lôi phủ điều ba mươi sáu lôi thần đến vây chặt, và cùng xông vào đánh Đại thánh. Đại thánh không chút sợ hãi, múa cây gậy Như ý đỡ phải đánh trái, che trước chặn sau. Được một lát, các lôi thần mang đủ các loại binh khí đao, thương, kiếm, kích, roi, giản, búa rìu… vây đánh Đại thánh càng ráo riết hơn. Đại thánh bèn lắc mình một cái, biến thành ba đầu sáu tay, biến cây gậy Như ý thành ba cây, sáu tay cầm ba cây gậy, bay múa đánh nhau giữa vòng vây, loang loáng vù vù khác nào bánh xe quay tít. ” Trận chiến này bất phân thắng bại mãi cho đến khi Phật Tổ Như Lai đến hàng phục khỉ quái.
Đoạn miêu tả rất hay của Ngô lão tiên sinh làm độc giả có cảm tưởng như Ngộ Không đã quậy banh nóc cả Thiên đình, nhưng có thể thấy thực ra Ngộ Không không hề chạm mặt những vị thần tiên cấp cao trên thiên đình. Sau khi nhảy khỏi lò Bát Quái, Ngộ Không vung gậy hò hét, múa gậy đánh loạn xạ chỉ đánh được những người giữ lò của Lão Quân và thần Lục đinh Lục giáp, vốn chỉ là những hạng sai vặt trên thiên giới. Cửu Diệu Tinh Quân, Tứ Đại Thiên Vương đều là những vị thần cấp thấp trước đó đã bị Ngộ Không đánh tan tác ở núi hoa quả nên mới “đóng chặt cửa không ra”. Đến khi vào điện Linh Tiêu, Ngộ Không cũng chỉ giáp mặt với viên tá sứ (cấp dưới) của Hựu Thánh chân quân và những lôi thần (là cấp bậc tay sai trên thiên đình chuyên việc tạo sấm sét, pháp lực không có gì nhiều), và Ngộ Không cũng chỉ “bất phân thắng bại” họ. Ngoài ra, khỉ con không hề chạm mặt các vị thần cấp cao như Nhị Thập Bát Tú hay các vị thần thuộc Đạo giáo trên Thiên đình, chứ chưa nói tới Đấng Chí Tôn như Ngọc Hoàng. Việc Ngộ Không Đại náo Thiên cung có lẽ chỉ là do khỉ quái bất ngờ nhảy ra từ lò luyện đơn, gặp khi chư thần không cảnh giác mà phá phách loạn xạ, đánh bại một số nhân vật hạ cấp trên thiên đình mà thôi. Việc Tôn Ngộ Không làm có lẽ chỉ như đứa trẻ con nhân khi người lớn không có nhà mà quậy phá vậy.
Từ đó về sau, trong truyện chỉ thấy có Ngộ Không hoặc những người kém hơn khỉ con như Bát Giới, các tiểu thần nói đến bốn chữ “Đại náo Thiên cung” để quảng cáo cho Hành Giả mình khi đối đầu với yêu ma trên đường thỉnh kinh mà thôi. Còn những thượng thần hay chư Bồ tát, chư Phật thì chưa nói rằng Ngộ Không “Đại náo Thiên cung” bao giờ.
SỨC MẠNH NGỘ KHÔNG Ở Đ U TRONG THẾ GIỚI T Y DU?
Tôn Ngộ Không là nhân vật được yêu thích nhất trong Tây Du Ký. Bởi trong đoàn thỉnh kinh với một hòa thượng hồ đồ chỉ biết niệm Phật, một con heo tham ăn háo sắc và hai kẻ chỉ chuyên gánh hành lý, người tài trí nhất ắt phải là nhân vật chiếm trọn ánh hào quang. Tuy vậy, sức mạnh của Tôn Hành Giả chỉ đủ sức dẫn đầu đoàn thỉnh kinh, chứ trong thế giới Tây Du, Ngộ Không còn kém rất nhiều người.
Tây Du Ký phân chia các cấp bậc của thần tiên ra làm 5 bậc: Thiên Tiên, Địa Tiên, Thần Tiên, Nhân Tiên và Quỷ Tiên. Thiên Tiên là cấp bậc cao nhất, sau đó lần lượt đến các bậc Địa, Thần, Nhân, Qủy. Nhị Lang Thần ở vào bậc Thiên Tiên. Trấn Nguyên Tử ở núi Ngũ Trang với cây nhân sâm là ông tổ bậc Địa Tiên. Tam tinh Phúc, Lộc, Thọ thuộc hàng Thần Tiên, còn những vị sơn thần, thổ địa trong suốt dọc đường thỉnh kinh đều là Quỷ Tiên.
Ngộ Không ở vào bậc giữa của Thiên tiên và Địa tiên. Trấn Nguyên Tử sau khi thấy cây nhân sâm bị khỉ con quật đổ đã nói với các học trò rằng: “Đừng khóc nữa. Các con không biết, người họ Tôn ấy cũng là một vị Thái Ất tiên, đã từng đại náo thiên cung, thần thông quảng đại”. Tam Tinh Phúc, Lộc, Thọ cũng nói: “Đại Thánh tuy đắc đạo thần tiên, nhưng vẫn thuộc Thái Ất tán số, chưa phải là dòng chân truyền”. Sau này, rất nhiều nhân vật đã gọi Ngộ Không là “Thái Ất Kim tiên”. Như vậy Ngộ Không là Thái Ất tiên, một cấp bậc thấp của Thiên tiên, là những Thiên tiên chưa hoàn toàn đắc đạo, hoặc không phải dòng chân truyền. Vậy nên Ngộ Không phải chạy mất dép khi đối đầu với Nhị Lang thần. Đầu gà hơn đuôi phượng, nên Ngộ Không đánh không lại Trấn Nguyên Tử là ông tổ dòng địa tiên. Như thế đủ thấy khỉ con còn kém rất nhiều vị tiên cấp cao trên thượng giới. Trên đường thỉnh kinh, khi chạm trán Hoàng Bào lão quái là hóa thân của Khuê Mộc Lang, một trong Nhị thập bát Tú, Hành Giả cũng không thể chiến thắng được vị này. Khi chạm trán con rết tinh ở động Tỳ Bà tại Tây Lương nữ quốc, anh em Ngộ Không bất lực nhưng khi Mão Nhật Tinh Quan, cũng là một trong Nhị thập bát Tú ra tay thì mọi chuyện êm xuôi. Chính Ngộ Không cũng từng nói: “Ở cung Di La (của Nguyên Thể thiên tôn) ai chẳng là Thái Ất thiên tiên?”. Như vậy đủ thấy việc Ngộ Không đại náo thiên cung chỉ là chạm mặt những vị tiên hạ cấp trên thượng giới, chứ không hề có chuyện đánh tan tác chư thần, làm Ngọc Hoàng bỏ chạy như trong phiên bản điện ảnh năm 1986 vậy.
Với sức mạnh như thế, dễ hiểu vì sao Ngộ Không không địch lại thủ hạ của các thượng tiên cầm bảo bối trốn xuống trần. Vì Ngộ Không được mọi độc giả Tây Du Ký yêu mến nên khỉ con thường được gắn với hình ảnh thần thông quảng đại, chứ thực ra pháp lực Ngộ Không cùng lắm chỉ ở bậc trung trong thế giới Tây Du mà thôi. Sức mạnh của Ngộ Không chủ yếu nằm ở võ nghệ và cây gậy Như Ý, còn 72 phép biến hóa thực chất chỉ toàn là những trò mèo, không có mấy tác dụng trong chiến đấu. Vậy nên khỉ con có thể đánh tay đôi ngang với các yêu quái, nhưng khi gặp pháp thuật như các bảo bối của anh em Kim, Ngân, lửa Tam Muội của Hồng Hài Nhi, quạt Ba Tiêu của Bà La Sát thì khỉ con chạy dài. Phép thuật mạnh mẽ nhất của Ngộ Không chỉ có Cân Đẩu Vân là hữu dụng nhất, vô cùng đắc lực trong việc đi cầu cứu viện trợ. Và Ngộ Không đã sử dụng rất hiệu quả phép này để cầu cứu bốn phương giúp sức trên đường thỉnh kinh.