Xin chào! Tôi là Sang và đây là chuỗi bài viết mang tên Tài chính thật đơn giản! Series này sẽ bóc tách toàn bộ tài chính của một cá nhân ra từng mảnh đơn giản nhất có thể. Hy vọng Bạn có thể tự đối chiếu tình trạng tài chính của Bản thân qua những gì tôi chia sẻ để có thể áp dụng cho mình một lộ tình phù hợp nhất.
Chúng ta đã trải qua những nội dung nền tảng trong tài chính cá nhân, từ dòng tiền thuần, quỹ dự phòng, tài sản ròng và chi tiêu. Chủ đề của ngày hôm nay sẽ là một khái niệm nghe có vẻ khá mơ hồ, nhưng lại là cốt lõi xuyên suốt sự nghiệp tài chính của Bạn. Tài sản vô hình.
Khái niệm Tài sản vô hình không phải là mới trong tài chính. Từ này thường được dùng trong Doanh nghiệp. Dùng để chỉ những loại tài sản không thể đong đếm một cách hữu hình được. Thường sẽ là những bằng cấp, bằng sáng chế, những data, hệ thống phần mềm hay thương hiệu của một Doanh nghiệp. Những thứ không thể định giá ngay bằng hữu hình, nhưng lại có giá trị quy đổi rất lớn trong tương lai. Tuy nhiên, trong series này, Tôi sẽ chỉ nói về tài sản vô hình trong tài chính cá nhân. Nghĩa là mỗi chúng ta ngoài những tài sản nhìn thấy và quy đổi ra tiền ngay lập tức, đều có một lớp tài sản vô hình bên trong.
Tài sản vô hình bao gồm 3 yếu tố chính: Năng lực, mối quan hệ và nhân hiệu.
1. Đầu tiên tôi sẽ nói về năng lực:
Nếu bạn có từng nghe về tháp tài sản thì tài sản vô hình chính là lớp tài sản đầu tiên và rộng nhất bạn cần phải có trước hết thảy những lớp tài sản còn lại.
Giả sử tôi có một đẳng thức như thế này
Giá trị Bạn có thể trao đi = những thứ Bạn mong muốn có
Bạn có thể hình dung tài sản vô hình này chính là vế bên trái của đẳng thức. Với tất cả những mục tiêu mà bạn muốn đạt được, bạn cần phải có tài sản vô hình tương xứng. Giá trị mà bạn được xã hội công nhận chính xác là giá trị mà bạn mang lại cho xã hội này. Nói cách khác, tất cả chúng ta có mối quan hệ cộng sinh với nhau. Dù cho bạn có muốn công nhận hay không, thì chúng ta kết nối với nhau luôn bởi vì ít nhất một lợi ích nào đó. Và nếu lợi ích đó sẽ là thứ mà bạn mong muốn đạt được thì Bạn cần phải phát triển chuyên môn và kỹ năng để giá trị bạn tạo ra tương xứng với lợi ích đó.
Vậy thì phát triển chuyên môn như thế nào cho tối ưu?
Thực chất hỏi câu này thì có hàng ngàn đáp án cho Bạn lựa chọn. Không ai có thể đưa ra một đáp án chung cho mọi trường hợp. Nhưng hôm này tôi sẽ chia sẻ vài nguyên tắc tôi được được học và đúc kết được trong suốt quá trình va chạm trong cuộc sống của mình, hy vọng ai đó sẽ có thể áp dụng nó nếu cảm thấy phù hợp:
Nguyên tắc 1: Tìm một mục tiêu, sau đó tìm người thầy:
Tìm ra mục tiêu có lẽ là điều mà mọi người mất thời gian nhiều nhất trên lộ trình. Không biết mình muốn gì, thích gì hay giỏi gì là câu trả lời quen thuộc của số đông khi mới bước chân vào cuộc chơi dài hạn này. Nhất là những Bạn trẻ mới ra trường, chưa bao giờ trải nghiệm gì hết làm sao biết mình thích cái gì? Cũng đúng ha! Sau đây là cách tôi đã làm và tôi nghĩ nó có thể hiệu quả với Bạn. Chắc Bạn sẽ đồng ý với tôi là kể từ khi còn là một đứa trẻ cho đến khi trưởng thành, chắc chắn ai cũng trải qua cảm giác thích hoặc là không thích một người nào đó. Nếu Bạn thích thì không nói, nhưng bạn ghét ai đó thì chỉ có 2 lý do: 1 là người đó từng tác động tiêu cực tới bạn, 2 là bạn ganh tỵ với người đó. “Sao nó học giỏi quá, sao nhà nó giàu quá, sao lương nó cao quá, sao nó nói chuyện hay hơn mình, sao Bạn gái nó đẹp hơn Bạn gái mình chẳng hạn”(mà chắc gì mình đã có bạn gái!). Thì hãy tranh thủ mà chuyển tất cả những năng lượng này thành đòn bẩy. Biến những thứ đó thành mục tiêu mà Bạn sẽ hướng tới. Cái sự giỏi, sự giàu đó, mức lương đó, phong cách nói chuyện đó sẽ là cái Bạn phải tiệm cận để nâng level của mình lên. Bằng cách nào? Bạn phải tự thân mà nghiên cứu xem, người đó học gì, bằng cấp, kiến thức như thế nào? làm gì, nghe gì, thói quen sinh hoạt thế nào? chơi với ai? môi trường người ta thế nào? Tất cả những câu hỏi được đặt ra sẽ là kế hoạch và mục tiêu tiếp theo mà Bạn phải hoàn thành, từng cái một. Việc của Bạn là giống như cách tôi đã chia sẻ ở Bài viết 5 nguyên tắc chi tiêu, chia nhỏ những mục tiêu ra mà thực hiện. Sau khi đã có mục tiêu, giờ thì một là Bạn tự làm thầy của Bản thân mình (tự học), 2 là tìm 1 người thầy đang sở hữu từng thứ đó mà theo người ta học.
Nguyên tắc 2: Vừa làm vừa học
Nguyên tắc này đến từ một sai lầm không chỉ của riêng tôi mà tôi nghĩ là ai cũng đã từng bị thế này. Chúng ta thường mất rất nhiều thời gian chuẩn bị hành trang, đến nỗi quên luôn cả việc là mình phải hành động. “Tôi cảm thấy chưa đủ, tôi cảm thấy còn thiếu một chút, tôi chưa có đủ kinh nghiệm,..”. Những lý do đó khiến sự chuẩn bị của Bạn trở thành sự trì trệ. Có một sự thật tôi đã thấm thía khá nhiều lần trong đời bởi cái sự cầu toàn ảo này, đó là không có sự chuẩn bị nào là đủ hết. Bạn có bao giờ nhìn thấy một người thành công người ta ngưng không học nữa đâu? Thành công rồi thì họ vẫn học tiếp, vừa làm vừa học mỗi ngày. Thì kiểu gì mà chỉ học và chuẩn bị chứ không chịu làm mà Bạn có được kết quả, đúng không nào? Bạn có thể chuẩn bị 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hay thậm chí là vài năm, nhưng một khi bạn làm một việc mà Bạn chưa bắt tay vào làm bao giờ, Bạn chắc chắn sẽ vẫn thất bại. Nên thôi! Cứ vừa học vừa làm là tối ưu nhất.
Nhưng nếu làm mãi mà không thành công thì thế nào? thì dưới đây có nguyên tắc thứ 3 dành cho Bạn:
Thầy của tôi hay nhắc nhở tôi thế này. Sai sữa chữa đẻ! Tôi không tin là ai đó làm đi làm lại một chuyên môn trong cả một thời gian dài mà không tiến bộ hoặc trở thành chuyên gia được. Nhất là nếu Bạn làm một việc mà trước đó chưa ai từng trải qua thì việc thực thi liên tục chính là cách tốt nhất để tự định hướng cho công việc của mình. Bởi vì mỗi lần sai giống như một lần điều chỉnh lại bánh lái để cho bạn đi đúng hướng hơn. Và chỉ cần một lần gần đúng thôi, tất cả thành quả sẽ bù lại hết cho những lần sai trước đó.
Đó là 3 nguyên tắc để đời mà tôi học được để phát triển năng lực của mình. Xong yếu tố đầu tiên của Tài sản vô hình, tiếp phần 2 ha!
2. Mối quan hệ
Bên cạnh việc phát triển năng lực, yếu tố thứ 2 bạn phải trau dồi chính là mối quan hệ. Hãy Kết nối mình với những mối quan hệ chất lượng và cả kết nối những mối quan hệ chất lượng với nhau. Cho dù đặc thù công việc và chuyên môn của Bạn như thế nào? Keyword chính là sự chân thành! Như tôi đã nói bên trên, tất cả chúng ta đều cộng sinh với nhau để vận hành xã hội, tất cả đều là những giá trị nào đó được trao đi trao lại. Nếu Bạn còn trẻ như Tôi, chưa có nhiều tài sản hay kinh nghiệm để trao đi. Thì ngoài thời gian ra, Chân thành chính là lợi thế của người trẻ chúng ta để có thêm nhiều mối quan hệ chất lượng. Và đến một thời điểm nhất định, bạn sẽ nhận ra, những mối quan hệ chất lượng đó sẽ giúp bạn giải quyết hầu như mọi vấn đề, chưa kể tới những cơ hội trong sự nghiệp mà bạn sẽ không ngờ tới.
3. Nhân hiệu
Nhân hiệu là thuật ngữ thứ ba và cuối cùng trong tài sản vô hình tôi muốn đề cập đến. Giá trị và uy tín sẽ tạo nên một nhân hiệu vững chắc. Dù cho đặc thù nghề nghiệp của Bạn là gì, tính chất công việc ra sao, công thức chung vẫn là Không ngừng trao đi giá trị đối với người khác. Và một điều cực kỳ quan trọng: Đặt uy tín về thời gian và tiền bạc lên hàng đầu. Niềm tin từ những người xung quanh sẽ tìm tới bạn, tạo nên một nhân hiệu tốt đẹp. Và bạn cứ tin tôi ở khía cạnh này, chỉ cần xác định mục tiêu, nguồn lực mà bạn hiện có, sau đó lên một lộ trình phát triển tài sản vô hình tương xứng với mục tiêu đó, bạn sẽ đạt được mọi thứ mà bạn mong muốn.
Lưu ý:
Bên trên là 3 yếu tố cơ bản cấu thành nên tài sản vô hình của Bạn, Tuy nhiên có một nguyên tắc mà tôi nghĩ là Bạn phải luôn ghi nhớ về lớp tài sản này. Về mặt lý thuyết, đó là lớp tài sản tạo ra tất cả những loại tài sản khác. Tuy nhiên, Bạn không được quên một yếu tố vô cùng quan trọng này, đó là sự chuyển đổi.
Năng lực, mối quan hệ và nhân hiệu là cái mà Bạn phải luôn tích luỹ. Tuy nhiên, nếu không thực hành chuyển đổi, thì đúng với cái tên của nó, nó sẽ luôn vô hình. Mục tiêu xây dựng tài sản của Bạn chắc chắn không dừng lại ở sự vô hình đúng không?
Tóm lại, Dù bạn có hình dung câu chuyện tài chính (xây dựng thu nhập và phát triển tài sản) theo bất kỳ một hướng nào khác, xây dựng tài sản vẫn là câu chuyện của sự tích lũy: dù là tài sản vô hình hay hữu hình đi nữa thì duy trì mỗi ngày là điều tất yếu mà bạn cần phải thực hiện.
Và cuối cùng, tài chính cá nhân của mỗi người không phải bài học trong sách vở. Đó là cả một hành trình trải nghiệm thực tế, là thành công và cả sai lầm trong một thời gian nhất định. Và đó là tất cả những gì tôi muốn chia sẻ với các bạn về Tài sản vô hình, một nền móng, trụ cột quan trọng trong cuộc đời tài chính của bạn. Hy vọng nội dung này sẽ hữu ích với bạn. Hẹn gặp bạn ở những nội dung tiếp theo.