Mọi sách của Osho, đều về thiền. Thiền là chất im lặng đằng sau lời, là chất bình an, sự khai phóng đằng sau lời, là chất thơ, là sự vỡ oà đằng sau lời – là mọi thứ đằng sau lời. Lời chỉ là cái vỏ, là bình chứa bên ngoài. Chính Osho cũng nhắc đi nhắc lại việc dùng lời của ông ấy chỉ nhằm một mục đích là cho bạn thấy cái vô lời bên trong.
Nếu bạn đã đọc nhiều sách Osho mà không tìm thấy bất cứ chất thiền nào thì: 1 – việc đọc của bạn cho tới giờ đã chứng tỏ là hoàn toàn vô ích, vô dụng. 2 – có thể bạn đã cảm thấy gì đó trong lời của Osho nhưng không biết đó là thiền.
Thế thì:
Thiền không phải là kĩ thuật, nó là sự trống rỗng tràn đầy bình an và nhận biết. Kĩ thuật thiền chỉ là phương cách để đưa bạn đến với sự trống rỗng tràn đầy đó mà thôi. Bản thân kĩ thuật thiền không phải thiền. Giống như việc nói về im lặng thì không phải sự im lặng đích thực, nhưng nói về im lặng có thể giúp bạn nhận biết về im lặng thực trong cuộc sống.
Hiểu một cách đơn giản, thiền là sự im lặng bên trong khi mà không một tiếng ồn nào của suy nghĩ khởi lên trong tâm trí bạn. Khi không có tâm trí can thiệp, cơ thể bạn – sự tồn tại cá nhân của bạn hài hoà với sự tồn tại của cuộc sống và vũ trụ bao la, không có tách biệt nào.
Nếu bạn đã đọc sách Osho và đã thấm được những tinh tuý trong sách của ông ấy và chỉ đơn giản muốn biết thêm sách nào nói về những kĩ thuật thiền thuần tuý (các phương pháp mà Osho giới thiệu): thiền nhảy múa, thiền lắp bắp… thế thì, chà nói thiệt là mình không nhớ – vì nhiều lắm. Có một số cuốn sách sau các bài nói thì Osho sẽ hướng dẫn mọi người kĩ thuật thiền, các bước thiền nhưng thiết nghĩ chúng cũng không quan trọng gì lắm với những người muốn thiền ngày nay.
Bởi vì mọi phương pháp thiền của Osho đều cần được thực hiện trong một bầu phật trường đúng. Bầu khí hậu phật trường này được tạo ra quanh một vị Phật, một người giác ngộ. Khi Osho hướng dẫn thiền động, những người tham gia có mặt trong bầu khí hậu do Osho tạo ra, lắng nghe tiếng nói của ông ấy, cảm nhận sự tĩnh lặng của ông ấy và làm theo lời ông ấy với trọn vẹn sự tin cậy, phó thác, buông xuôi.
Ấy thế thì các kĩ thuật này (may ra) sẽ có tác dụng. Bạn có thể đọc những lời ông ấy hướng dẫn nhưng bạn không có bầu khí hậu đúng, không có sự buông xuôi và tin cậy đó, thế thì bạn có thể thử hàng ngàn kĩ thuật – cũng sẽ không tác dụng gì. Giống hệt như việc đọc hàng trăm sách của Osho mà chẳng thấy có thay đổi nào bên trong vậy. Vô nghĩa!
Nếu như bạn biết về sự khó khăn của việc tự thiền không trong bầu khí hậu phật trường đúng, nếu như bạn quyết tâm muốn thử những phương pháp này, google đi, google sách và các nhóm thực hành thiền động Osho, nhất định không thiếu kết quả từ sách tới các nhóm trên fb để bạn tham gia.
Nhưng nhớ, những phương pháp này chỉ có tác dụng khi bạn biết bạn đang làm gì, đồng thời không kì vọng kết quả gì, còn bằng không, đừng tốn quá nhiều thời gian cho các kĩ thuật.
Nếu như bạn vẫn quan tâm về kĩ thuật, nếu bạn quyết tâm thiền, đi vào thiền một cách thành tâm, nghiêm túc, kỉ luật – thế thì cách đơn giản nhất là tìm và đăng kí ngay một khoá thiền Vipassana ở bất cứ đâu mà bạn tìm thấy. Thế thì bạn sẽ được nếm mùi “thiền nghiêm túc”, sẽ có người hướng dẫn bạn, sẽ có người chuẩn bị chỗ ăn chỗ ở cho bạn để bạn không phải lo nghĩ gì, sẽ có những người khác cùng đồng hành với bạn. Đây là cách tuyệt vời nhất cho những người “nghiêm túc” muốn nếm trải hương vị thiền một cách chủ động khi không thể tự mình thiền được.
Nếu bạn có thể tự thiền, thế thì chẳng cần đi bất cứ đâu, chẳng cần đọc bất cứ sách nào, chẳng cần sự hướng dẫn của bất kì ai cả, chỉ cần chủ động đi vào im lặng nhiều hơn trong mọi tình huống cuộc sống và quan sát sự nhận biết của chính mình sâu đậm hơn qua mỗi ngày im lặng. Thế là đủ.
Thiền là khả năng sống trong khoảnh khắc, khả năng nhìn thấy cái tĩnh trong cái động và cả cái động trong cái tĩnh.
Rèn khả năng quan sát, khả năng tưởng tượng có mục đích (quán chiếu), thế thì bạn có thể thiền mọi nơi mọi lúc, thế thì bạn sống-thiền chứ không chỉ là thực-hành-thiền. Thế thì thiền sẽ thay đổi phẩm chất cuộc sống của bạn theo mọi cách và mọi hướng.
Khả năng quan sát cho bạn thấy cái tĩnh trong cái động.
Khả năng quán chiếu (tưởng tượng) sẽ cho bạn thấy cái động trong cái tĩnh.
Người bắt đầu muốn đi vào thiền sẽ có xu hướng đi về nơi thanh tịnh, nơi không có nhiều cái động của cuộc sống con người, những nơi như đền chùa, núi non, thiên nhiên… thế thì cái tĩnh của người đó sẽ được bồi đắp và làm giàu bởi cái tĩnh của thiên nhiên.
Ở trong thiên nhiên và quan sát thiên nhiên, người đó sẽ thấy cái động của thiên nhiên là rất tĩnh: nước chảy, mây trôi, chim tung cánh, lá cây rụng, giọt sương rơi vào mặt đất, nắng bừng lên rồi tắt… cái động này của cuộc sống đẹp và thơ đến nỗi làm cho thiền nhân như ngỡ ngàng, như đứa trẻ lần đầu mở mắt thấy cuộc sống thần tiên khắp xung quanh.
Quan sát kĩ hơn và sâu hơn, cùng với sự quán chiếu, thiền nhân sẽ thấy cái động trong những cái tĩnh xung quanh: hòn đá nằm bên bờ suối nhìn tĩnh tại nhưng nó có cuộc sống của riêng nó, sự chuyển động năng lượng bên trong của riêng nó, mầm cây nhìn như bất động nhưng đang lớn lên rất chậm rãi, tổ kén trên cành im lìm nhưng chứa đựng một sự lột xác của sâu bướm bên trong, quả kho rụng đang từng khoảnh khắc tan dần ra chìm vào lòng đất, lá đang xanh trên cây nhưng thực ra cũng đang úa vàng và rồi sẽ rụng xuống cùng cơn gió ngày nào đó, ngay cả giọt sương đang đọng trên lá long lanh thế cũng có thể tan biến hoặc rơi khỏi lá bất cứ lúc nào… Đây là những cái động bên trong cái tĩnh.
Cuộc sống là cái động và cái tĩnh đan xen, điều này là sự hài hoà của sự tồn tại. Thấy được sự hài hoà này, là một với sự hài hoà này thì người ta sẽ luôn thấy bình an, vui vẻ, mãn nguyện.
Thiền là việc nhận ra sự hài hoà này, trở thành một với sự hài hoà này.
Thiền là việc tích luỹ cái tĩnh bên trong giữa một cuộc sống đầy động đậy, ồn ào, hối hả bên ngoài.
Khi thiền nhân đã có sự tĩnh tại bên trong, thế thì hành động của người đó sẽ không còn “gây ồn ào” nữa. Lời nói của người đó, cử chỉ của người đó, mọi thứ người đó làm đều có một sự hài hoà, duyên dáng, nhẹ nhàng.
Bạn hoàn toàn có thể nhìn vào sự duyên dáng, tĩnh tại của một người mà biết chiều sâu bên trong của người đó.
Ngược lại, người chưa có nhiều chất thiền trong bản thể cũng rất dễ nhận ra, người đó làm ổn về mọi sự dù là sự nhỏ nhặt nhất. Người đó muốn cả thế giới biết từng động tĩnh, từng lời nói của mình. Người đó muốn trở thành người quan trọng, người đó thu thập quyền lực và danh tiếng, tiền và cả sự tôn trọng – vì đây là những thứ vật liệu tạo nên cuộc sống của người đó.
Thiền nhân cũng thu thập những vật liệu của cuộc sống nhưng là những vật liệu rất tinh tế. Người đó lắng nghe và tận hưởng từng tiếng chim buổi sáng, tiếng lá reo trong gió, tiếng mưa rơi. Người đó thu thập màu sắc của cuộc sống qua việc ngắm nhìn màu nắng, màu hoa, màu lá cây và cả màu sỏi đá. Người đó thu thập mọi chất liệu của cuộc sống nhưng không có nhu cầu tích trữ vì thứ nhất – những thứ này không thể tích trữ được và thứ hai – không có nhu cầu.
Cuộc sống luôn mang lại mọi âm thanh, mọi màu sắc, mọi hương vị dù người ta có ở bất kì đâu, đi đâu hay làm gì. Chỉ cần có khả năng quan sát và chiêm ngắm, người ta sẽ luôn sống trong sự giàu có vô cùng mà thiên nhiên và cuộc sống mang lại.
Một thiền nhân khi đã có khă năng quan sát sâu sắc đôi khi lại có xu hướng rời thiên nhiên rừng núi để đi về nơi bãi chợ, nơi phố thị bởi vì trong cái động của phố thị, cái tĩnh của thiên nhiên càng được tô đậm rõ nét và nổi bật hơn bao giờ.
Một chiếc lá rụng bay trong gió ở trong rừng rồi rơi xuống mặt đất có cái đẹp của nó, tất nhiên. Nhưng sẽ không giống với cái đẹp khi một chiếc lá rụng, xoay vòng bay trong gió rất nhẹ nhàng, rất chậm rãi đáp xuống mặt đường xi măng xám xịt với “background” là một dòng xe nối đuôi chạy tấp nập. Tưởng tượng sự chuyển động của dòng xe ở phía sau mờ đi, làm nổi bật sự rơi chầm chậm của chiếc lá – như một shot quay bằng camera chuyên nghiệp nhất – sẽ khiến bạn ngỡ ngàng. Nền xám xi măng cũng có tác dụng tôn màu vàng của chiếc lá hơn so với nền đất rừng đầy màu sắc. Tất nhiên mọi cảnh đều có vẻ đẹp và chất thơ riêng, nhưng việc thưởng thức chất thiền, chất tĩnh trong bối cảnh cuộc sống sôi động và mọi người hối hả như ở thành phố lớn cũng là điều rất đáng để thử.
Mọi người thường nói, “ở thành phố lớn không thể thiền được”, đó là vì người đó chưa có khả năng quan sát và cảm nhận, khả năng cảm thụ và thưởng thức chất thiền ở khắp xung quanh, thế thì việc đi vào thiền viện, đền chùa, về thiên nhiên sẽ có ích cho người đó.
Nhưng nhớ, điều đó không có nghĩa ở thành phố lớn thì không thể thiền hay không có chất thiền. Nó hoàn toàn tuỳ thuộc vào bạn, vào “độ mở” của mắt bạn, “độ thính” của tai bạn, “độ nhạy” của mũi và độ cảm của tâm hồn bạn.
Bạn càng có khả năng cảm nhận nhiều, bạn càng thấy nhiều cái đẹp, nhiều chất tĩnh, nhiều chất thiền ở khắp mọi nơi xung quanh cuộc sống. Thế thì bạn chẳng cần đi bất cứ đâu mà vẫn cảm thấy mãn nguyện, đủ đầy và trọn vẹn.
Cuộc sống con người ở rừng thì khác ở phố thị nhưng cây ở rừng và cây ở phố im lặng hệt như nhau, đá ở rừng và đá ở phố tĩnh lặng hệt như nhau, nắng ở rừng và nắng ở phố chiếu lên lá cây, lên hoa, lên cỏ hệt như nhau và tiếng gió, tiếng chim ở rừng hay ở phố đều cùng một hương vị.
Có khả năng cảm thụ chất tĩnh này của tự nhiên, bạn sẽ dần có khả năng cảm thụ chất tĩnh trong mỗi người và mọi người xung quanh bạn nữa. Bạn sẽ thấy cái tĩnh trong những gì đang động nhất. Một anh chàng đang ngồi thinh lặng bên cô người yêu đang miệt mài miết ngón tay trên điện thoại, một thanh niên ngồi góc quán cà phê nhẩn nha hút thuốc ngửa cổ phả làn khói xám đục lên trời, bên cạnh là một cô gái đang tập trung tô vẽ gì đó trên xấp giấy trắng bằng những cây bút màu… Một người khác đang ngồi im trên băng ghế ngắm nhìn chú chó của mình được tháo dây đeo cổ chạy loăng quăng trên bãi cỏ, một nhân viên lơ đãng đứng tựa vào tường nhìn xa xa khi mọi thực khách đều đã được phục vụ, một nhóm người ngồi phía xa đang trò chuyện cười đùa rôm rả nhưng bạn không nghe thấy bất cứ âm thanh nào… Tất cả những cái động này đều mang theo cái tĩnh bên trong mà nếu bạn có khả năng thấu cảm thì chúng đều làm giàu thêm cho chất tĩnh bên trong của bạn.
Cho nên, tất cả tuỳ thuộc vào bạn, vào chiều sâu và chất tĩnh bên trong của bạn.
Thiền là quá trình làm giàu cho cái tĩnh này, là việc đào sâu hơn vào chiều sâu của cuộc sống để khám phá chiều sâu của chính mình và ngược lại, đi vào chiều sâu của chính mình để khám phá chiều sâu của cuộc sống. Chúng là một.
Bạn càng có chiều sâu, cuộc sống càng có chiều sâu. Bạn càng nông cạn, cuộc sống xung quanh cũng xem chừng nông cạn. Nó không phải vì cuộc sống là thế, nó là vì bạn đang là thế.l
Bạn chỉ có thể thấy và cảm nhận cuộc sống tương ứng với chiều sâu và sự nhận biết của chính mình.
Đó là lý do sách Osho lại có một sức thu hút nhất định đối với những người muốn đi vào chiều sâu của cuộc sống theo cách toàn bộ và trọn vẹn nhất: một sự kết hợp của cả ba chiều kích: chiều sâu của tâm trí thông qua những triết lý, tính logic và khả năng hùng biện bậc thầy + chiều sâu của tâm hồn thông qua những hình ảnh biểu dụ mang đầy tính thơ ca và thẩm mỹ nghệ thuật + chiều sâu tâm linh vốn luôn là chất tĩnh, sự vô lời, cái trống rỗng đầy tràn ẩn nấp đàng sau lời.
Nếu bạn chưa mệt mỏi với lời, tiếp tục đọc đi, đọc Osho, đọc thơ, đọc văn học, đọc bất cứ gì bạn thích và chiêm ngẫm về những gì bạn đọc, tiêu hoá chúng chứ đừng chỉ nuốt vội chúng. Nuốt vội sẽ không cho bạn sự thoả mãn bao giờ, thậm chí còn gây bội thực.
Đọc và ngừng lại để suy nghĩ, để chiêm ngẫm, để đưa lời vào hành động, thế thì lời sẽ biến thành chất liệu tạo nên cuộc sống của bạn. Cuộc sống chẳng mấy chốc sẽ tràn đầy đến mức lời cũng không chứa đựng được nữa, bạn sẽ rơi vào im lặng một cách tự nhiên. Bạn sẽ vào thiền một cách tự nhiên.
Còn nếu như bạn đã cảm thấy bắt đầu mệt mỏi với lời, buông sách xuống, đừng đọc nữa, đừng chiêm ngẫm hay suy nghĩ hay bất cứ gì cả. Đơn giản buông sách, buông tâm trí và bắt đầu mở trái tim, mở tâm hồn, mở con mắt của mình ra để quan sát cuộc sống xung quanh đi.
Việc quan sát cần sự tĩnh lặng, không phải tĩnh lặng của người xung quanh mà tĩnh lặng của chính bạn. Càng tĩnh lặng bạn càng quan sát được kĩ hơn, sâu hơn. Càng tĩnh lặng bạn sẽ càng đi sâu hơn vào cuộc sống và sự tồn tại. Tĩnh lặng này chính là thiền.
Thế thì, nếu như bạn thực sự muốn sống trong thiền, muốn biến thiền thành một việc tự nhiên như hơi thở, muốn thiền trở thành bản tính mới của bạn – thì bạn có thể bắt đầu ngay lúc này, không cần sách vở nào cả, không cần kĩ thuật và phương pháp nào cả – bắt đầu im lặng đi.
Từ im lặng mà tĩnh lặng nảy sinh.
Từ im lặng mà tính quan sát được hình thành.l
Từ im lặng mà khả năng nhận biết được mài giũa.
Im lặng là nhịp đầu tiên của cây cầu nối bạn giữa hai thế giới.
Nếu bạn đã sẵn sàng, chỉ cần im lặng thôi, im lặng về mọi thứ, đừng làm ồn về bất cứ gì. Lời nhận xét, lời than trách, lời phàn nàn, lời cầu xin, lời giải thích, ngay cả lời cảm ơn và xin lỗi cũng là những lời ồn ào không cần thiết, một khi im lặng đã thấm vào chiều sâu của sự im lặng.
Mọi lời đều là sự ồn ào. Cảm nhận sự ồn ào mà bạn đang trao vào cuộc sống mỗi ngày đi, rồi ý thức để không làm ồn thêm nữa. Thế thì bạn đã đặt một chân vào hành trình rồi. Thế thì bạn đã bước đầu tiên trong cuộc hành hương đi vào nội tại rồi.
Cho nên, nếu bạn thành tâm muốn biết về thiền, muốn sống thiền và là thiền nhần – đừng hỏi sách nào dạy về kĩ thuật thiền, về bản chất nó giống như hỏi kĩ thuật im lặng vậy. Bạn không cần kĩ thuật nào, bạn chỉ cần im lặng thôi.
Khi nhận thấy mình đang ngập tràn trong im lặng, thanh thản, hãy nhẹ mỉm một nụ cười, nó sẽ trở thành dấu hiệu nhắc bạn thấy cái đẹp và chất thơ của cuộc sống, sự tĩnh lặng trong cái động, vẻ đẹp và sự hài hoà khi động tĩnh đan xen. Nụ cười mỉm ấy cũng sẽ trở thành dấu hiệu cho những thiền nhân khác nhận ra bạn nếu lỡ hai người vô tình cùng nhìn thấy nhau trong quán cà phê một sáng đẹp trời.
Một nụ cười mỉm không nguyên do là biểu tượng hoàn hảo cho vẻ đẹp của người sống thiền trong cuộc sống. Tìm nó đi. Tạo ra nó đi. Nhân rộng nó lên.
Mỉm cười đi – nếu bạn đang cảm thấy một niềm vui vô cớ bên trong bản thể mình.
Namaste!