“Những kinh nghiệm thời trẻ con luôn là thứ ám ảnh cả đời người trưởng thành khiến cho ai cũng muốn trải qua nó thêm lần nữa. Cảm giác của sự ngây thơ, sự ngạc nhiên lớn lao trước những điều bình dị, một cảm nhận trong veo thuần khiết về cái đẹp… Sau đó thì với sự hỗ trợ của giáo dục, văn hóa, các niềm tin tôn giáo, khi những đứa trẻ lớn lên thì chúng cũng mất đi những khả năng đặc biệt này, cũng như mất đi sự háo hức với cuộc đời.
Không phải ngẫu nhiên mà người lớn – cả đời họ – dường như là cố gắng không ngừng để được quay trở lại thời trẻ thơ một lần nữa, được sống trong thế giới thuần khiết của tuổi thơ một lần nữa.”
Thật ra khi người lớn nói rằng họ muốn quay lại thời trẻ thơ, ý họ là quay lại cảm giác của một đứa trẻ vui vẻ vô ưu không lo nghĩ. Nhưng điều người lớn không nhận ra rằng, họ không cần phải trở lại thành đứa trẻ – điều bất khả – nhưng họ có thể ném hết lo lắng muộn phiền của mình đi trong vài khoảnh khắc, vài phút hay thậm chí vài giờ để lại ngây thơ, lại trong veo thuần khiết. Cách thức để làm việc ấy chúng ta gọi là thiền.
Thiền là việc “tẩy não” theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thiền là việc vứt bỏ mọi suy nghĩ lo lắng, tham vọng muộn phiền ra khỏi tâm trí. Thiền là khả năng sống hiện tại ở đây lúc này, không nuối tiếc quá khứ và không mơ về tương lai. Người lớn rất khó thiền vì họ đã quen với vận động. Tay chân họ luôn vận động và đầu óc thì dường như chưa bao giờ ngừng vận động cả.
Một người lao động nhiều sẽ nhanh bị lão hoá, nhanh già hơn so với người ít phải lao động. Người suy nghĩ nhiều thì nhanh gìa hơn người ít phải suy nghĩ. Tâm trí của bạn là thứ già cỗi nhất. Nó không ngừng hoạt động từ giây phút bắt đầu nhận thức và chưa bao giờ có điều kiện nghỉ ngơi. Bạn tưởng trong khi ngủ là bạn nghỉ ngơi sao? Không phải đâu, trong giấc ngủ chỉ có cơ thể của bạn nghỉ ngơi còn tâm trí vẫn hoạt động liên tục. Thỉnh thoảng trong giấc ngủ sâu không mơ thì tâm trí mới được nghỉ ngơi chút xíu. Nhưng khi bạn thức dậy và nói rằng mình không mơ, nhiều khả năng là do bạn không nhớ mình đã mơ gì. Việc hoạt động liên tục này của tâm trí khiến nó già cỗi, lão hoá và thậm chí là thoái hoá.
Nếu như não bộ là một người làm công của bạn thì bạn là một người chủ rất tồi. Bạn bắt nó hoạt động gần như 24/7 và chẳng bao giờ cho phép nó nghỉ ngơi. Tất nhiên nó sẽ mệt mỏi, nó sẽ tìm cách phản đối lại bạn chứ, và cách mà nó phản đối bạn là nó cũng sẽ không bao giờ cho bạn nghỉ ngơi.
Tâm trí liên tục tạo ra mớ hỗn độn và khiến đời bạn lao đao. Tâm trí khiến bạn trở nên tham lam, sợ hãi. Tâm trí khiến bạn phán xét, so sánh. Tâm trí khiến bạn buồn rầu, bất an. Tâm trí là hạt nhân kiến tạo nên lời nói, hành động và rồi nhân cách lẫn số phận của bạn. Bạn tưởng mình là chủ của nó nhưng thật ra nó mới đang là chủ của bạn. Chỉ khi bạn là thiền nhân, bạn có khả năng vượt lên trên tâm trí, đi ra ngoài tâm trí và không còn chịu sự tác động của tâm trí, lúc ấy bạn mới là người chủ.
Hãy cho tâm trí những khoảng lặng nghỉ ngơi – thông qua thiền – nó sẽ trở nên mạnh khoẻ, sắc bén và hoạt động hiệu quả hơn để trở thành trợ thủ đắc lực phục vụ cuộc sống của bạn. Hãy cho tâm trí nghỉ ngơi, nó sẽ biết ơn và mang lại cho bạn một cuộc sống nhẹ nhàng thanh thản. Hãy mang thiền vào đời sống của bạn để thay đổi chất lượng cuộc sống từ bên trong, và rồi con cái bạn cũng sẽ được hưởng lợi từ điều đó. Bằng việc bạn sống cuộc đời không hối tiếc, con bạn cũng sẽ có cơ hội đó.
Nếu như bạn có thể cho đứa trẻ tận hưởng trọn vẹn mùa đông cuộc đời, thưởng thức trọn vẹn tuổi thơ, nó sẽ lớn lên với một sự trọn vẹn và mãn nguyện mà không bao giờ còn ước gì được quay về tuổi thơ nữa.
Người luôn ao ước quay về thời tuổi thơ là người có tuổi thơ đã bị bỏ lỡ. Người mà đã sống tuổi thơ trọn vẹn sẽ rất trân trọng tuổi thơ của mình nhưng không có nhu cầu hay mong muốn quay trở lại nó một chút nào.
Tôi là người có tuổi thơ rực rỡ trọn vẹn và đầy tự do. Tôi có muốn trở lại thời thơ ấu đó không? Không. Không có nhu cầu chút nào.
Còn bạn, khi bạn nói rằng mình muốn trở về thời ấu thơ, bạn có thật muốn quay lại những khi phải ngồi trong lớp học hoặc những khi phải làm bài tập về nhà không? Hay bạn chỉ muốn quay lại tuổi thơ mà được tha hồ cười đùa vui vẻ? Nếu bạn vẫn cứ muốn quay lại thời thơ ấu, hãy cẩn thận nhìn lại xem có phải vì bạn đang nuối tiếc gì đó mà bạn chưa có dịp hoàn thành trong quá khứ hay không? Có phải vì một khúc mắc nào đó trong quá khứ mà bạn chưa có dịp giải bày, một cơ hội nào đó mà bạn đã bỏ lỡ?
Khi người thân của chúng ta mất đi, chúng ta không muốn chấp nhận thực tại, không phải vì ta đau buồn cho người đó đâu. Ta khóc vì ta đau buồn và hối tiếc cho bản thân. Ta khóc vì nhận ra rằng ta đã lỡ mất cơ hội rồi. Cơ hội để ở bên người đó nhiều hơn, thổ lộ nhiều hơn, đền đáp nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn.
Trong các đám tang, nếu những người thân càng bỏ lỡ nhiều thì tiếng khóc lại càng ai oán. Ta cứ tưởng mình khóc cho người đã khuất nhưng nếu nhìn đủ sâu, ta sẽ nhận ra mình chỉ đang khóc cho chính mình. Nếu những người con cái đã hết lòng hết dạ vì cha mẹ, đã không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để khiến cha mẹ sống đời vui vẻ hạnh phúc, thì người đó vẫn buồn nhưng sẽ không khóc than quá nhiều đâu.
Chẳng ai khóc vì tội nghiệp cho những chiếc lá vàng bắt đầu rụng vào mùa thu. Họ khóc vì họ đã bỏ lỡ những chiếc lá xanh của mùa xuân mất rồi.
Cảm giác hối tiếc là một cảm giác thông dụng mà nếu bạn hỏi bất cứ ai thì có lẽ 99% người được hỏi đều sẽ có những điều hối tiếc trong cuộc sống. Tôi thuộc 1% ít ỏi còn lại không phải vì tôi chưa bao giờ phạm sai lầm, nhưng vì tôi đã tận hưởng trọn vẹn cuộc đời mình, cả thành công lẫn sai lầm. Tôi nhìn sai lầm với đôi mắt trìu mến yêu thương hệt như cách tôi nhìn những thành công. Khi người ta không có gì để nuối tiếc, người ta sẽ không mộng mơ. Kể cả mộng mơ trở lại thời thơ ấu chăng nữa.
Nhưng đừng chỉ dừng lại ở việc tiếc nuối thời thơ ấu mà bạn đã bỏ lỡ. Hi sinh hiện tại để nghĩ về thứ bạn đã bỏ lỡ trong quá khứ lại là một hành động bỏ lỡ khác. Hiện tại bạn đang ở mùa nào, hãy tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của mùa ấy.
Nếu bạn đang ở mùa xuân rực rỡ, hãy trải nghiệm cuộc sống thật nhiều, lăn xả thật nhiều vào những điều mới mẻ với tâm thế không lo sợ.
Nếu bạn đang ở mùa hạ nồng cháy, hãy tìm niềm vui trong công việc, trong cống hiến, trong gầy dựng và men say của thành công.
Nếu bạn đang ở mùa thu, hãy tận hưởng sự bình an, sự cho đi, sự thư thái mà cuộc sống đem lại.
Nhưng nhớ, bạn tận hưởng mùa của bạn nhưng đừng cản trở người khác sống mùa của họ nữa.
Bằng cách này, sẽ không ai bỏ lỡ mùa của mình.
Bằng cách này, sẽ không ai phải hối tiếc.
Bằng cách này, sẽ không ai phải “giá như”.
Phi Tuyết, cuốn “Một hạt mầm” (đang làm bản thảo chứ chưa có sách nha)