Nói về cái Học thì nhiều người ngán lắm, đa phần chúng ta bị dạy dỗ sai cách từ khi còn mặc đồng phục đến trường. Cái tâm thái lên lớp học để đối phó ăn sâu vào trong tâm khảm, khiến đa phần anh em sẽ xem việc Học nhìn chung như một thứ gì đáng chán và vô nghĩa.
Nhưng cái Học lại len lỏi vào trong từng ngách nhỏ trong cục đời anh em, từ những cái học vị lợi như học một cái nghề đến những cái học cao hơn, như học để nội tâm trưởng thành hơn. Cái học nào cũng đáng và tâm thái học lại càng quan trọng hơn.
Chúng ta thấy ngán học cũng bởi trường học truyền thống chỉ áp dụng đến tất cả học sinh đúng 1 motif học thuộc lòng những kiến thức không mấy thú vị. Trong khi mỗi người lại chỉ phù hợp vs cách tiếp thu riêng, one fits all gần như không thể hiệu quả khi bàn đến việc Học.
Có 4 kiểu tiếp thu căn bản, bao gồm tiếp thu tốt thông qua Xem/Nhìn (Visual), Nghe (Auditory), Đọc-Viết (Reading vs Writing) và động học (Kinesthetic). Thông thường, một người học sẽ không chỉ mạnh 1 kiểu tiếp thu, đa phần anh em sẽ là sự tổng hoà từ 2 đến 3 cách học, 1 cái trội hơn so với những cái còn lại.
Phụ huynh nếu để ý sẽ nhận ra con mình rất giỏi những môn thực hành, nhưng giờ bảo nó nhai làu làu vài trang Sử Địa thì nó chịu chết. Anh em nào nghe nhìn tốt, thì anh em tự dưng sẽ hứng thú với việc học qua phim, ảnh, video này kia hơn. Và anh em cũng thấy vào đầu hơn so với việc ngồi nhìn vài con chữ chạy trên trang giấy.
Đọc/Viết thì không phải bàn. Đa phần tài liệu học quý đều nằm ở dạng con chữ, điều này nhìn chung phù hợp hơn với những người tiếp thu tốt qua việc ngồi nhiều giờ liên bên cạnh câu từ hơn. Dù thế thì anh em cũng không phải quá lo đâu, hiện tại có thể xem như nguồn học lẫn cách học là rất đa dạng rồi.
Một ví dụ lý tưởng cho việc kết hợp hiệu quả 2 kiểu tiếp thu chính là dân hoạ sĩ. Họ có thể nhìn thấy, thấu được những thứ mà mắt thường nhìn không ra. Họ kết hợp khả năng cảm thụ đó với việc vẽ tranh, từ đó cách tiếp nhận thông tin của họ bước sâu thêm 1 tầng nữa, họ lại càng ngày càng giỏi hơn.
Cá nhân tôi không phải là người tiếp thu tốt thông qua việc đọc. Thú thật tôi không nhớ gì mấy sau những giờ đọc của mình. Tuy nhiên, tôi lại tương đối khá ở khoảng Kinesthetic (động học), kết hợp với các hành động khác trong quá trình đọc, giúp chữ dễ vào đầu hơn – cho nên khi đọc, để dễ tiếp thu hơn tôi thường hay lấy bút gõ gõ lên bàn, gạch chân theo chữ mình đang đọc, hoặc thậm chí là mân mê trang sách 1 cách hoàn toàn vô ý thức. Đọc xong tôi viết ngay ra, để xem mình nhớ được đến cỡ nào.
Với cái nghề mà tôi đang theo học, tài liệu đọc là tương đối nhiều, đủ thứ tiếng Tây tiếng ta đều không thiếu. Học đến đâu tôi thực hành các tool đến đấy, take note liên tay. Cách tôi học ngoại ngữ qua phim cũng dậy, xem Engsub, nghe người ta nói chuyện, tôi cũng nhái theo mấy câu, rồi thực sự từ việc xem phim đó mà khả năng Nói cũng ổn hơn nhiều.
Có những anh em, để ý sẽ thấy, chỉ có thể học thuộc bài nếu anh em vừa học vừa đọc thật to thật rõ. Vì cơ bản anh em tiếp thu tốt qua việc Nghe nhiều hơn, đó cũng là một cách anh em kết hợp khả năng tiếp thu của mình. Btw, nhớ lại ngày xưa phải ráng nuốt cho vào tận vài trang Sử Địa đúng là cực hình.
Ở trên gu gồ á, anh em chỉ cần search what is my learning style, người ta sẽ sẵn có những bài test đơn giản, để anh em có thể kiểm chứng xem mình thuộc tuýp học nào. Thi thoảng vài tháng 1 lần tôi lại tò mò vào làm test, vì đôi khi nhờ đọc đều, khả năng tiếp thu qua đọc – viết của tôi cũng cải thiện hơn.
Nhận ra mình học như thế nào tốt hơn, thì anh em có thể linh hoạt kết hợp với tài liệu học hiện tại của mình. Thông thường anh em sẽ tiếp thu rất vô với 2 đến 3 cách học lận.