Mỗi khi cảm thấy mất động lực hay xuống tinh thần, tôi luôn làm điều này. Tôi quay lại với việc theo đuổi kiến thức. Vài tuần trước, tôi hơi mất động lực. Bạn biết đấy, đó là một trong những khoảng thời gian không thể giải thích được, khi bạn không hào hứng với mọi thứ. Bình thường, tôi thức dậy và háo hức đi làm hoặc tập thể dục. Không hẳn là có chuyện gì xảy ra cả. Không có gì xấu thực sự xảy ra, và tôi cảm thấy khá tốt về mặt thể chất. Tôi chỉ đơn giản là không muốn làm gì.
Mọi người đều từng trải qua những giai đoạn tương tự. Nhưng nhiều người trong chúng ta bị mắc kẹt trong những giai đoạn này và điều đó thật nguy hiểm. Không ai thích luôn ở trong trạng thái “Mình chẳng muốn làm gì cả”. Vậy bạn có thể làm gì để lấy lại động lực?
Hãy thử điều này: Khi bạn mất tập trung, thiếu động lực, hãy đọc một cuốn sách về chủ đề bạn quan tâm. Hoặc lướt web tìm bất cứ điều gì bạn tò mò và muốn tìm hiểu thêm. Bất cứ điều gì. Bạn muốn trở thành một nhà văn giỏi hơn? Hãy thử đọc William Zinsser.
Bạn muốn trở thành một nhà giao dịch thị trường chứng khoán tốt hơn? Hãy xem sách của Jack Schwager. Bạn muốn tìm hiểu thêm về lịch sử loài người? Chọn cuốn The Dawn of Everything của David Graeber và David Wengrow. Đó là điều tôi đã làm. Tôi thích đọc về nhân loại vì càng hiểu về tổ tiên, chúng ta càng hiểu về chính mình. Cuốn sách của Graeber và Wengrow thực sự hấp dẫn và mang đến cái nhìn mới về lịch sử loài người.
David Graeber đã qua đời một tháng sau khi hoàn thành The Dawn of Everything vào năm 2020. Ông là người rất “tò mò”. Tôi đã có dịp trò chuyện với ông và thực sự cảm nhận được sự hào hứng của ông trước các chủ đề về nhân chủng học. Năng lượng và tinh thần ham học hỏi của ông có sức lan tỏa. Nó đã truyền cảm hứng cho tôi tiếp tục theo đuổi kiến thức dù có chuyện gì xảy ra trong cuộc sống. Khoảng bảy năm trước, tôi biết mình đã quá chán ngán với những trò tiêu khiển vô nghĩa và buồn chán. Sau nhiều năm sống không mục đích, tôi cảm thấy sống một cuộc đời không có định hướng như thế là đủ rồi.
Mọi người thường cho rằng mình cần một mục tiêu cao cả nào đó cuộc sống có ý nghĩa hơn. Nếu ta không giống những người làm việc vì những mục tiêu lớn lao, chúng ta sẽ nghĩ cuộc sống của mình thật vô ích. Nhận định này không chính xác. Nếu bạn không có mục tiêu lớn lao, bạn có thể coi việc theo đuổi kiến thức thành mục đích của mình. Đây cũng là điều mà các nhà Khắc Kỷ đã nói đến. Seneca là người chỉ trích lối sống không mục đích.
Khi bạn nỗ lực tiếp thu kiến thức, bạn đang nuôi dưỡng tinh thần của mình. Việc học mang lại cho bạn năng lượng, ngay cả khi bạn không sử dụng mọi thứ bạn học được.
Mặc dù tôi rất tin tưởng vào việc áp dụng kiến thức nhưng bạn không bao giờ biết khi nào bạn sẽ áp dụng những gì mình đã học. Ví dụ, tôi đọc nhiều về đầu tư vì tôi không bao giờ biết khi nào tôi thực sự cần một lời khuyên. Nhưng nếu tôi dành thời gian hôm nay để học, tôi có thể tham khảo kiến thức đó vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Và khoảnh khắc đó có thể thực sự thay đổi cuộc đời tôi. Nếu tôi chưa bao giờ đọc những kiến thức đó, tôi sẽ không bao giờ có thể áp dụng chúng. Khi nói đến đầu tư, việc có kiến thức về lịch sử của ngành tài chính và thị trường chứng khoán giúp tôi có cái nhìn tổng thể hơn.
Cuối cùng, dù bạn có sử dụng kiến thức hay không, đó vẫn là một cách sống tuyệt vời. Một cách sống mang lại cho bạn năng lượng và có thể thay đổi cuộc đời bạn. Seneca đã nói rất đúng: “Vậy điều tốt là gì? Đó là kiến thức về cuộc sống. Điều xấu là gì?
Đó là sự thiếu hiểu biết về cuộc sống.” Để có kiến thức về cuộc sống, hãy tìm kiếm sự khôn ngoan trong sách, bài viết và qua những cuộc trò chuyện với những người khác đang đi trên cùng một con đường. Khi bạn tiếp tục học hỏi, bạn sẽ không bao giờ chán nản lâu hơn một vài ngày. Bởi vì ngay khi bạn cầm lên cuốn sách mình yêu thích, cảm giác phấn khích sẽ dâng cao đến mức sự kinh ngạc sẽ đẩy bạn tiến về phía trước. Hãy nhớ: Khi gặp khó khăn, hãy luôn quay lại việc theo đuổi kiến thức. Chúc bạn thành công.