Chân lý là một kinh nghiệm sâu sắc đến nỗi nó không thể diễn đạt được, nó là kinh nghiệm bao la đến nỗi không ngôn từ nào có thể hàm chứa hay chuyển tải được. Ngôn từ là thứ nhỏ bé tí hon, chúng có sự tiện dụng nhất định, nhưng chúng cũng có giới hạn. Và chân lý thì vô hạn, chân lý bao la hơn cả bầu trời. Chân lý là toàn thể sự tồn tại.
Khi bạn biến mất vào trong cái toàn thể, bạn biết nó. Việc nói rằng bạn biết nó là không chuẩn xác, đúng hơn là, bạn cảm thấy nó. Hay đúng hơn nữa là, bạn trở thành nó.
Khi bạn trở thành cái toàn thể thế thì không thể nào diễn đạt được. Và chân lý thì cần được nói ra, nó có phẩm chất nội tại rằng nó phải được chia sẻ.
Và, ngôn từ chỉ là thứ giả định. Chúng có thể được dùng, nhưng người ta không nên quá tin vào nó. Người ta nên dùng nó chỉ như bậc thang. Xét về tối hậu, chúng chỉ là dối trá, hay cùng lắm, chỉ là sự phản chiếu tương đối, và sự phản chiếu có thể coi như là một thứ dối trá.
Mặt trăng trên bầu trời và mặt trăng phản chiếu trong hồ là không giống nhau. Gương mặt trong gương không thực là gương mặt của bạn, nó chỉ là một ảo giác. Không có gì thực trong gương cả. Nhưng một đứa trẻ sẽ cứ liên tục tìm kiếm người đang đứng phía trong gương. Chẳng có ai cả.
Đây cùng là tình huống của người quá tin vào lời, nhưng theo cách nào đó, gương là hữu dụng. Bằng việc nói rằng sự phản chiếu là dối trá, tôi không nói rằng nó không hữu dụng. Nếu bạn có thể hiểu, bạn sẽ thấy sự phản chiếu đang nói gì đó về chân lý, không phải bản thân chân lý, chỉ là sự biểu thị.
Một ngón tay chỉ lên mặt trăng thì không phải mặt trăng, nhưng nó vẫn có tác dụng lớn lao: nó có thể chỉ lên mặt trăng. Nếu bạn trở nên quá ám ảnh với ngón tay, đó là lỗi của bạn, không phải lỗi của ngón tay. Nếu bạn quên ngón tay đi – và bạn phải quên nếu bạn muốn thấy mặt trăng – thế thì ngón tay đã hoàn thành sứ mệnh của nó.
Thậm chí những lời dối trá cũng có thể giúp bạn đạt tới chân lý, nếu không thì các chư phật đã chẳng nói ra lời nào. Trừ phi sự dối trá cũng có khả năng giúp bạn theo cách nào đó, bằng không nó đã chẳng được dùng tới làm gì. Thế thì nhân loại đã không có Kinh Thánh, Koran, Gita, Pháp thoại… chẳng gì cả.
Bạn nói đúng, ngôn từ là dối trá, bởi vì khi bạn trải qua kinh nghiệm, bạn không thể đặt nó vào trong ngôn từ. Làm sao bạn có thể đặt “tình yêu” vào trong ngôn từ? Và yêu là một hiện tượng chẳng phải hiếm hoi gì. Làm sao bạn đặt cái đẹp vào trong ngôn từ? Đã từng có nhà thơ nào thành công chưa? Chỉ có kẻ ngốc mới nghĩ mình thành công. Nhà thơ càng vĩ đại sẽ càng ý thức về thất bại và sự bất lực của mình. Hoạ sĩ cũng vậy.
Chưa từng có hoạ sĩ nào thực sự có thể vẽ ra cái đẹp mà anh ta kinh nghiệm. Không hoạ sĩ lớn nào từng mãn nguyện cả. Một sự không thoả mãn sâu sắc sẽ đeo bám anh ta cả đời như chiếc bóng. Nó ám ảnh anh ta. Anh ta cứ liên tục vẽ lần nữa và lần nữa, cả đời anh ta là một sự thất bại dài, một bi kịch. Tác phẩm lớn của anh ta có thể là tuyệt vời với chúng ta nhưng chỉ bởi vì chúng ta đã không thấy những gì người hoạ sĩ đã thấy. Nếu những bức tranh lớn không tồn tại, chúng ta hẳn đã bỏ lỡ rất rất nhiều điều.
Người ta nói rằng nếu mọi bức tranh trên thế giới đều biến mất, bạn sẽ không thể thấy vẻ đẹp của hoàng hôn. Bạn sẽ không có khả năng thấy vẻ đẹp của những đoá hồng. Bạn sẽ không có khả năng thấy vẻ đẹp của chú chim khi tung cánh. Bạn có khả năng thấy tất cả những điều này bởi vì những họa sĩ trong hàng thế kỉ đã chuẩn bị cho bạn bối cảnh để có thể thấy, nhưng cứ thử hỏi bản thân các hoạ sĩ mà xem.
Hỏi một Van Gogh hay Rabindranath Tagore hay Nandlal Bose và họ sẽ nói rằng họ đều đã thất bại, rằng những gì họ đã thấy hoàn toàn khác những gì họ vẽ ra. Những gì họ đã thấy thật sống động và những bức tranh thì hoàn toàn chết, chúng chẳng là gì ngoài màu vẽ trên vải vẽ. Làm sao có thể đặt hoàng hôn vào trong mảnh vải? Mọi khoảnh khắc của hoàng hôn đều là duy nhất, độc đáo, luôn thay đổi, luôn chuyển đổi, từng khoảnh khắc sang khoảnh khắc nó đều biến đổi. Bức tranh của bạn chỉ là hiện tượng chết, bị đóng khung và hoàng hôn thì không có cái khung nào cả.
Làm sao bạn có thể cất lên bài ca giống hệt với kinh nghiệm yêu đương của bạn? Điều đó là không thể, mọi ngôn từ đều không đủ, không thoả đáng. Vậy nên đầu tiên, khi bạn cố diễn đạt kinh nghiệm của bạn, 90% sẽ bị mất. Thậm chí nếu 10% còn lại đạt tới người kia, nó đã là điều hơn cả mong đợi rồi.
Khi tôi nói gì đó với bạn, tôi biết bao nhiêu phần trăm đã bị mất. Khi tôi nhìn vào mắt bạn, tôi biết thêm rằng những gì đọng lại trong ngôn từ đều đã bị biến dạng, bị bóp méo bởi tâm trí bạn.
Tâm trí liên tục và cố gắng chỉ cho phép một ít những gì khớp với nó được lọt qua, nó không cho phép những gì nó chống đối. Nó không nghe chút nào, nó chỉ nghe những gì là kinh nghiệm quá khứ của nó.
Tâm trí của bạn liên tục tô màu cho mọi thứ trong mọi khoảnh khắc. Bạn có thể nghe những gì không được nói, thấy những gì không tồn tại, thế thì ngôn từ trở nên xa xôi và ngày càng đưa bạn xa hơn khỏi chân lý.
Vâng, ngôn từ là dối trá, dối trá theo nghĩa rằng chúng không có khả năng truyền đạt cái thực. Ngay trong chính việc truyền đạt đó, nó chết.
Giống như ai đó cố giữ vẻ đẹp của phong cảnh trong một cái hộp. Bạn không thể bắt giữ vẻ đẹp, chân lý, tình yêu trong ngôn từ. Ngôn từ là những cái hộp nghèo nàn. Nhưng không có gì sai với chúng, chúng là hữu dụng trong thế giới thông thường. Nhưng khi bạn di chuyển vào thế giới bên trong, bạn đang di chuyển vào trong thế giới phi thường. Và nếu bạn tỉnh táo, ngôn từ có thể được dùng và được dùng một cách đầy hữu ích. Vâng, dối trá cũng có thể trở thành bậc thang đưa bạn tới chân lý.
Nhưng ngôn từ phải được hiểu, chúng phải được hiểu theo nghĩa của người nói ra chúng. Bạn không nên mang tâm trí của bạn vào. Bạn nên giữ tâm trí của bạn một chút xa khỏi con đường. Bạn càng có khả năng giữ tâm trí ở xa con đường, bạn càng có khả năng dùng ngôn từ như những bậc thang. Nếu không thì ngôn từ sẽ tạo ra chỉ những khu rừng rậm và rồi bạn sẽ bị mất hút trong nó.