Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống kiểu như thế này chưa? Một ai đó nhờ bạn làm một việc gì đó mà bạn không muốn làm, nhưng vì cả nể nên bạn vẫn đáp ứng nhu cầu của họ. Kiểu như một người bạn muốn vay tiền trong khi bạn đang gần nhẵn túi, nhưng bạn vẫn cố gắng xoay sở và chắt bóp để có tiền cho họ vay?
Tôi rất thường xuyên rơi vào những tình huống kiểu như thế này. Ngày trước khi ai đó nhờ vả hay yêu cầu tôi làm một điều gì đó, tôi hiếm khi từ chối. Không phải vì tôi là một gã tốt bụng muốn dang tay ôm cả thế giới như đức mẹ Teresa, lý do thực sự là vì tôi rất ngại nói ra lời từ chối. Nếu như một ai đó nhờ tôi giúp đỡ và tôi nói không, thì cảm giác như thể tôi là một thằng khốn đã từ chối cho người khách qua đường tội nghiệp trú chân trong đêm bão tuyết vậy. Tôi không muốn người khác nghĩ mình là một thằng khốn. Tôi muốn xây dựng hình ảnh mình trong mắt những người xung quanh như một anh chàng thân thiện tử tế và tốt bụng. Đó là động cơ thực sự của tôi.
Đóng vai một anh chàng tử tế giả tạo như vậy khá là mệt mỏi. Vì tôi luôn đồng ý giúp đỡ với mọi yêu cầu, tôi thường xuyên làm những việc mà tôi không muốn làm, hoặc tôi không cho đó là đúng đắn. Tôi mua bánh cho một cô bạn đang khởi sự bán hàng online dù tôi không thích, giúp đỡ một cô bạn khác làm bài tập trong khi tôi còn chưa xong bài của mình, đóng góp cho sự kiện thiện nguyện của câu lạc bộ bạn tôi mặc dù tôi thấy cái tổ chức ấy chẳng có tí xíu nào đáng tin, và bỏ ra 50k mua 2 gói tăm từ thiện cho một bạn nữ, chỉ vì bạn ấy nhìn tôi bằng ánh mắt đầy hy vọng.
Chính vì thế, tôi tự nghĩ ra một lý thuyết về việc ứng xử khi được người khác nhờ giúp đỡ hay yêu cầu làm. Những việc nào tôi nên làm và những việc nào không. Nghe dở hơi lắm, nhưng mà kệ mẹ nó đi. Đây là blog của tôi mà.
PHỄU LỌC LỜI ĐỀ NGHỊ
Quan điểm đầu tiên của tôi là, chúng ta nên chọn lựa những việc ta sẽ làm và không làm dựa trên giá trị của ta. Tôi sẽ tự hỏi bản thân 3 câu hỏi để lọc ra những việc tôi có thể làm khi được ai đó nhờ vả: a) Đây có phải điều đúng đắn không?, b) Tôi có thể làm được việc này không? và c) Tôi có thích làm việc này không?. Nếu như tôi được nhờ làm một việc đúng đắn mà tôi có thể và tôi cũng muốn làm điều đó, tôi chẳng có lý do gì để từ chối cả. Nhưng nếu việc làm đó không phải đúng đắn hoặc vượt quá khả năng của tôi hay tôi không thích, tôi sẽ xem xét việc từ chối, bất kể người đề nghị là gia đình, người thân hay bạn bè tôi. Giờ thì ta sẽ thử xem 3 phễu lọc đó như thế nào.
A. Đây có phải là việc đúng đắn không?
Những điều đúng đắn là: a) Mang lại lợi ích cho bản thân hoặc những người xung quanh và b) Phục vụ những mục đích tốt đẹp.
Những điều sai trái là:
a) Gây hại cho bản thân hoặc cộng đồng
b) Phục vụ những mục đích xấu và sự ích kỷ.
Quyên góp cho một tổ chức từ thiện là điều đúng đắn vì nó mang lại lợi ích cho cộng đồng. Chăm sóc người thân lúc ốm đau là điều đúng đắn vì nó phục vụ lòng tốt và phát triển mối quan hệ. Nhận lời đi chơi thể thao khi được rủ là điều đúng đắn vì nó bồi đắp sức khỏe. Ủng hộ bạn bè khi họ mới khởi sự kinh doanh là điều đúng đắn vì đó là sự tương trợ lẫn nhau.
Nhận lời rủ rê chơi chất kích thích là một điều sai trái, vì nó gây hại cho tôi và chỉ để thỏa mãn tính tò mò trẻ con. Đi thi hộ bạn là một điều không đúng đắn vì nó dung dưỡng cho sự lười biếng và thiếu trung thực. Phi ra khỏi nhà lúc 12h đêm chỉ để mua cho crush một cốc trà sữa là một điều không tốt vì điều này chỉ phục vụ sự ích kỷ của người kia. Chọn trường học và sự nghiệp vì mong muốn của bố mẹ là sai trái vì nó gây hại cho cuộc đời ta chỉ vì mong muốn của người khác.
Một số hành vi đúng đắn thường được nhờ là: tương trợ bạn bè, chăm sóc người ốm đau, giúp đỡ người yếu thế, thực hiện những điều mà mình có bổn phận phải làm,…
Một số hành vi không tốt thường được rủ rê hoặc đề nghị là: Cho những người không có khả năng trả nợ vay tiền, tiếp tay cho những điều xấu, phục vụ tính ích kỷ của người khác, thử chất kích thích hoặc gây nghiện…
Nếu một điều gì đó được xác định là không đúng đắn, nó gây hại cho tôi hoặc phục vụ những mục đích xấu thì tôi sẽ không làm điều đó, bất kể người yêu cầu hay nhờ vả tôi là ai.
B. Tôi có thể làm được điều này không?
Có một lần một cô bạn nhờ tôi làm giúp cổ một bài tập toán cao cấp. Tôi chả biết quái gì về cái môn này cả. Nhưng bạn biết tôi rồi đấy, tôi có tố chất của một thằng SIMP đích thực. Thế là, tôi lục lại các giáo trình cũ, và vật lộn với các công thức trong vòng 3 tiếng đồng hồ chỉ để giải bài tập cho cổ. Dĩ nhiên là tôi được cô ấy cảm ơn vì việc làm nghĩa hiệp này, và cũng chỉ có thế mà thôi. Thật là mệt mỏi khi phải làm điều đó, trong khi những điều tôi nhận được sau đó chẳng xứng đáng với thời gian quý giá mà tôi đã mất đi.
Chúng ta bị giới hạn trong khả năng của mình và nếu bạn cố giúp đỡ người khác làm những việc ngoài tầm với, bạn sẽ thấy rất mệt mỏi. Khi đó, bạn sẽ phải hy sinh một phần bản thân và cuộc sống của mình vì họ. Trừ khi bạn muốn hy sinh cho người kia một cách vô điều kiện, kiểu như bố mẹ hy sinh vì con cái, bằng không thì bạn sẽ cảm thấy cực kỳ ngột ngạt. Những áp lực xảy ra khi bạn gắng sức giúp đỡ sẽ đè nặng lên bạn và làm bạn thấy khó chịu với người kia. Kết quả là mặc dù sự giúp đỡ đã xảy ra, mối quan hệ giữa 2 người thường xấu đi chứ chẳng tốt đẹp lên chút nào.
Thế nên tôi sẽ không giúp đỡ người khác những việc mà tôi không thể kham nổi. Điều đó sẽ phá hủy mối quan hệ của tôi và cả bản thân tôi, thay vì vun đắp nó.
C. Tôi có thích làm điều này không?
Đối với việc làm khi người khác nhờ vả hoặc rủ rê, cảm xúc của chúng ta là một điều rất quan trọng. Nếu ai đó đề nghị tôi làm điều gì đó đúng đắn và trong tầm khả năng của tôi nhưng tôi chẳng thích làm thì tôi sẽ từ chối. Vì đơn giản là tôi đ*o thích làm, vậy thôi. Nếu thằng bạn thân rủ tôi đi phượt vào cuối tuần nhưng tôi chỉ thích nằm nhà và vuốt ve mèo vào ngày chủ nhật, thì tôi sẽ từ chối. Nếu người yêu rủ tôi đi hội sách nhưng tôi chỉ muốn nằm nhà chơi game, tôi sẽ nói không. Nếu một người nhờ tôi share bài trên trang cá nhân để ủng hộ cho một cuộc thi mà họ tham gia nhưng tôi không thích share những bài như thế, tôi cũng say no luôn.
Nhưng lưu ý là, bạn nên cẩn thận với chiếc phễu này. Vì đa phần những điều hay ho trong cuộc đời ta thường ít khi tạo ra sự thích thú cho ta vào lúc ban đầu. Nếu bạn quyết định hành vi của mình trước những lời nhờ vả, rủ rê hoặc đề nghị, bạn rất có thể sẽ bỏ lỡ những điều quý giá.
NÊN NHẬN LỜI TRƯỚC NHỮNG LỜI NHỜ VẢ NÀO?
Nếu tôi được yêu cầu làm một việc đúng đắn mà tôi có thể làm và cũng thích làm, chả có lý do gì để tôi từ chối cả. Nhưng thường thì những việc ta được nhờ hoặc yêu cầu làm ít khi đáp ứng được cả 3 phễu lọc.
Hãy nhìn vào cái ma trận ở bên dưới. Cá là bạn chưa từng thấy nó ở đâu, vì cái này do tôi tự nghĩ ra mà. Nó giúp tôi chọn lọc những việc tôi sẽ nhận lời khi được yêu cầu hoặc rủ rê hay nhờ vả. Cụ thể là:
[AB] Nếu ai đó muốn tôi làm một điều đúng đắn và tôi có thể làm nhưng không thích, tôi sẽ làm khi xét thấy việc đó mang lại nhiều lợi ích cho mình. Một lần tôi được nhóm bạn của mình rủ ra ngoài tụ tập vào cuối tuần. Tôi chẳng hứng thú lắm vì tôi không thích ra ngoài và chỉ muốn ở nhà chơi game. Nhưng tôi nghĩ rằng việc tụ tập vào cuối tuần có thể giúp thay đổi không khí và làm tôi thoải mái hơn, nên tôi vẫn quyết định đi. Cuối cùng thì tôi đã có một cuối tuần vui vẻ.
[AC] Nếu ai đó yêu cầu tôi làm một việc đúng đắn và tôi muốn làm nhưng không thể, tôi sẽ giúp đỡ họ trong khả năng của mình. Nếu thằng bạn thân vay tôi 1 tỉ để kinh doanh nhưng tôi chỉ có 100 triệu, tôi sẽ cho hắn mượn 100 triệu. Nếu tôi chỉ có 10 triệu, tôi sẽ cho hắn vay 10 triệu. Nếu tôi chả còn đồng nào trong túi, tôi sẽ cho cậu ấy một lời động viên và một lời tư vấn về việc kinh doanh mà tôi biết.
[A] Nếu ai đó yêu cầu tôi làm một việc đúng đắn nhưng tôi không thể và cũng không muốn, tôi sẽ xét đến lợi ích của việc làm và nếu nó mang lại nhiều lợi ích, tôi sẽ làm những việc trong tầm với để giúp đỡ họ. Nếu một người bạn nhờ tôi quyên góp cho quỹ từ thiện của cổ nhưng tôi không có xu nào cho việc đấy và cũng chẳng thích làm từ thiện, tôi có thể sẽ giới thiệu cho cô ấy một người hảo tâm mà tôi biết.
[BC, B, C] Với những việc không đúng đắn, tôi sẽ không làm kể cả khi tôi thích. Nếu một anh bạn rủ tôi hút cần, tôi sẽ không hút vì tôi cho rằng dùng chất kích thích là điều không đúng đắn. Nếu một cô bạn nhờ tôi thi hộ, tôi cũng sẽ không làm vì tôi không thích những việc gian dối.
Lưu ý là các phễu lọc này là định tính và chúng sẽ khác biệt với từng người và từng hoàn cảnh. Tiêu chuẩn của tôi trong việc thế nào là đúng đắn khác với tiêu chuẩn của bạn.
TỪ CHỐI NHỮNG LỜI ĐỀ NGHỊ
Chả cần tôi nói, bạn có lẽ cũng nhận ra được đâu là việc mình nên hoặc không nên làm khi được người khác yêu cầu. Lý do mà ta vẫn làm những điều xấu khi được nhờ vả không phải là vì ta không phân biệt được điều gì là tốt, mà là vì ta sợ phải nói ra lời từ chối. Làm phật lòng người khác khiến họ cảm thấy tệ, và khi họ cảm thấy tệ thì ta cũng cảm thấy tệ.
Nhưng nếu ta không biết cách nói ra lời từ chối với những điều không tốt, điều ấy có nghĩa là, ta sẽ chẳng bao giờ có được một điều gì đó tốt đẹp cả. Nếu bạn muốn có được X, bạn phải nói không với những thứ không phải là X. Nếu bạn muốn có được sức khỏe lành mạnh, bạn phải từ chối lời rủ rê đến những buổi tiệc tùng vô độ. Nếu bạn muốn có được sự nghiệp như mơ ước, bạn phải bác bỏ yêu cầu của gia đình trong việc chọn một công việc ổn định. Nếu bạn muốn có những mối quan hệ lành mạnh với người yêu mình, bạn phải nói không với người yêu cũ và mấy cô em gái mưa. Nếu như bạn không bao giờ nói không và luôn đồng thuận với những lời yêu cầu, nhờ vả và rủ rê, thì về cơ bản là, bạn chẳng thực sự chọn lựa một điều gì có ý nghĩa trong đời mình cả. Điều ấy có nghĩa là, bạn chẳng có chút bản sắc cá nhân nào, và những giá trị sống của bạn thật hời hợt vô nghĩa. Vì tôi rất có kinh nghiệm trong việc này, tôi sẽ tiết lộ một bí mật nho nhỏ: chẳng ai thích những người như vậy đâu.
Giải pháp là hãy nói ra lời từ chối với một thái độ đúng mực kèm lý do rõ ràng. Nếu bạn thấy đó là việc sai trái thì bạn bảo rằng đó là việc sai trái, thay vì xúc phạm người ta. Nếu ai đó nhờ bạn làm việc bất khả thi thì bạn trả lời rằng bạn không thể, thay vì nói mày điên à tao sao làm thế được. Nếu ai đó muốn bạn làm điều bạn không thích, bạn chỉ cần bảo là mình không thích, thay vì mẹ kiếp, tao sẽ đéo làm cái việc chết tiệt đấy đâu.
Kiểu như thế này:
Bị bố mẹ bắt chọn trường: Con sẽ không vào trường y chỉ vì mong muốn của bố mẹ. Đó không phải việc tốt cho con vì con chỉ muốn làm họa sĩ mà thôi.
Bạn bè vay tiền khởi nghiệp: Tao chẳng còn đồng nào cả nên tao không thể cho mày vay số tiền đó được. Nhưng nếu mày cần một lời khuyên về việc nên làm thế nào để bắt đầu, tao có thể giúp mày.
Người yêu cũ rủ đi chơi: Anh sẽ không gặp em đâu vì chuyện của chúng ta đã kết thúc rồi và anh không còn quan tâm đến em nữa. Tạm biệt.
Được mời mua tăm từ thiện: Em không mua gói tăm từ thiện này đâu, nhà em đã có đủ tăm rồi.
Bị rủ rê chơi ma túy: Tớ không hút đâu, mẹ tớ bảo không được làm vậy.
Có người nhờ làm bài tập: Tao không giúp mày làm bài tập đâu, tao còn đang hấp hối với đống bài của tao đây.
Cũng nên có một số trường hợp ngoại lệ, kiểu như:
Khi được Cá Hồi kêu gọi like post: Ok, bài này hay đấy, tớ ấn like rồi nhé.
Thế là xong.