“Suy Tưởng” của Marcus Aurelius không phải là một chỉnh thể được biên soạn để xuất bản thành sách. “Suy Tưởng” là tập hợp các ghi chép, phác thảo và suy ngẫm mà ông viết cho chính mình. Một trong những suy tư đó là: “Tâm trí ta. Nó là gì? Nó giúp ta tạo ra điều gì? Ta đang dùng nó làm gì?” Trong suốt “Suy Tưởng”, bạn sẽ nhận thấy Aurelius tự đặt rất nhiều câu hỏi. Tôi thích điều này vì ông không đưa ra bất cứ nhận định hay giả thuyết nào. Thay vì giả định về cách hoạt động của tâm trí, ông đặt câu hỏi. Tâm trí là gì? Ta đang sử dụng nó cho điều gì? Nếu bạn biết cách suy nghĩ của mình, bạn có thể sử dụng trí óc của mình tốt hơn nhiều.
Mặc dù rất khó để trả lời câu hỏi đầu tiên (không ai biết chính xác tâm trí là gì), nhưng bạn có thể nghĩ xem mình đang sử dụng trí óc của mình vào việc gì. Ví dụ, một số ngày tôi nhận thấy mình chìm đắm trong suy nghĩ ngay từ lúc thức dậy. Thay vì rời giường và bắt đầu ngày mới, tôi hoàn toàn không có sự tập trung. Chuyện này đôi khi vẫn xảy ra.
Trước khi bắt đầu thực hành Chủ nghĩa Khắc Kỷ, tôi thường nghĩ về những điều mà tôi không thể kiểm soát được. Tôi thường lo lắng về tương lai. Nếu việc kinh doanh của tôi thất bại thì sao? Nếu tôi phải làm một công việc mà mình ghét thì sao? Nếu mối quan hệ của tôi thất bại thì sao? Nếu <điền vào chỗ trống> thì sao?
Tôi đã học cách ngừng lo lắng và tập trung nhiều hơn vào hiện tại. Nhưng tôi không kiểm soát được suy nghĩ của mình, và đôi khi tôi nghĩ rất nhiều về công việc, viết lách, mục tiêu, kế hoạch tương lai,… Tôi nghĩ về những cuốn sách mà tôi muốn viết, những sự kiện mà tôi muốn tổ chức, những nơi mà tôi muốn đến thăm, bạn biết đấy, những suy nghĩ mơ mộng hàng ngày. Nhưng khi bạn đắm chìm trong những suy nghĩ đó, bạn cũng có xu hướng nghe theo suy nghĩ của mình.
Hôm nọ, tôi nghĩ, “Tôi muốn tổ chức một sự kiện dành cho những người quan tâm đến triết học và phát triển bản thân.” Nghe có vẻ hay nhưng đó không phải là điều tôi thực sự muốn làm lúc này. Nó chỉ nghe có vẻ hay trong đầu tôi. Hãy quay lại câu hỏi mà Marcus Aurelius đặt ra: Ta đang sử dụng trí óc của mình cho điều gì? Trong trường hợp này, tôi đang sử dụng tâm trí của mình để mơ mộng và giải trí bằng những tưởng tượng thú vị. Có ý tưởng là điều tuyệt vời, nhưng bạn có thực sự cần dành nhiều thời gian để tưởng tượng ra các kịch bản trong đầu không? Nó giống như việc bạn phát lại các cuộc hội thoại trong đầu sau khi chúng diễn ra.
Bạn cũng như vậy phải không? Đó có phải là lãng phí thời gian không? Sẽ không có gì thay đổi nếu bạn cứ tua lại cuộc trò chuyện trong đầu. Bạn có thể xem lại mọi thứ và thay đổi những gì bạn đã nói trong đầu, nhưng bạn không thể quay ngược thời gian để thực sự có lại cuộc trò chuyện tương tự. Bạn chỉ đang khiến tâm trí mình lạc lối. Và đó là ví dụ hoàn hảo cho việc có những suy nghĩ vô ích. Chắc chắn, việc nghĩ về những bài học bạn đã học được từ những sự kiện nhất định là rất hữu ích, nhưng sẽ không hữu ích nếu bạn nhớ lại những sự kiện trong quá khứ như một bản ghi âm bị hỏng.
Để tránh lãng phí thời gian và năng lượng vào những suy nghĩ vô ích, bạn nên quan sát tâm trí mình nhiều hơn. Đơn giản chỉ cần lấy một cuốn sổ và bắt đầu viết nhật ký như Marcus Aurelius. Điều quan trọng là viết nhật ký xoay quanh một thử thách hoặc câu hỏi cụ thể. Ví dụ, khi tôi muốn cải thiện kỹ năng giao dịch chứng khoán của mình, tôi đã tự hỏi bản thân: “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi mắc lỗi trong giao dịch?”
Thông qua việc viết nhật ký, tôi nhận thấy rằng tôi thường nhượng bộ những cảm xúc của mình như lòng tham và sự cố chấp rằng mình đúng. Một chiến lược tôi đã thực hiện nhiều lần là “hạ giá trung bình”. Giả sử bạn là một nhà đầu tư giao dịch theo đà (không phải nhà đầu tư dài hạn), bạn chỉ muốn mua những cổ phiếu tăng giá. Vì vậy, khi mua một cổ phiếu ở mức giá 50, bạn mua nó vì bạn nghĩ nó sẽ tiếp tục tăng giá.
Và bạn tiếp tục mua thêm khi nó di chuyển cao hơn. Một nhà đầu tư có tầm nhìn không bao giờ mua theo cảm hứng. Nhưng tôi làm vậy vì tôi nghĩ: “Nếu mình mua nhiều hơn với mức giá thấp hơn, lợi nhuận tiềm năng của mình sẽ còn nhiều hơn nữa!” Đó là tiếng lòng tham lam của tôi. Và tôi đã có vài lần làm vậy. Đó là vì tôi phải chứng minh rằng mình đúng: “Cuối cùng cổ phiếu này SẼ tăng giá. Tôi sẽ mua nhiều hơn khi nó giảm xuống. Chỉ là một vấn đề thời gian!”
Qua việc viết nhật ký, tôi nhận thấy mình đang lắng nghe những kiểu suy nghĩ vô ích đó. Bằng cách áp dụng các nguyên tắc Khắc Kỷ vào chiến lược giao dịch của mình, đồng thời nhận thấy lòng tham và nhu cầu đúng đắn của mình vào thời điểm hiện tại, tôi đã ngăn chặn nó.
Viết nhật ký về những suy nghĩ của bạn thực sự rất đơn giản. Không có phương pháp đúng hay sai để làm điều đó. Bạn chỉ cần viết ra tất cả những gì hiện lên trong đầu mình. Nhưng hãy luôn bắt đầu bằng một câu hỏi. Và sau đó quan sát tâm trí của mình trên giấy. Càng quan sát, bạn càng có thể phát hiện ra những hành vi vô ích. Tất cả những gì bạn cần làm bây giờ là bớt làm những việc vô ích và tập trung làm những việc giúp bạn trở thành một người cân bằng. Chúc bạn mọi điều tốt đẹp nhất.