Xin chào! Tôi là Sang. Và đây là series Tài chính thật đơn giản. Series này nói lên quan điểm của tôi về tự do tài chính đồng thời bóc tách sự phức tạp của tài chính cá nhân ra thành từng mảnh đơn giản nhất, hy vọng chúng ta sẽ càng ngày càng hiểu rõ hơn thứ ngôn ngữ phổ thông này. Sau phần 1 bàn luận về dòng tiền ròng và vai trò tối quan trọng của Khả năng tạo ra thu nhập trong lộ trình tài chính cá nhân. Từ khoá tiếp theo mà ngay lập tức bạn phải nắm bắt thật rõ, cũng là chủ đề của video ngày hôm nay, Quỹ dự phòng.
Ở bước đầu tiên trong lộ trình dài hơi của mình, Bạn đã bắt đầu biết chú ý hơn về dòng tiền. Tập trung lên kế hoạch xây dựng khả năng tạo ra thu nhập vững chắc cho bản thân. Nhưng thu nhập của bạn sẽ phát triển tới đâu? Mục tiêu tiếp theo của việc kiếm tiền là gì? Nếu bạn chưa có câu trả lời thoả đáng thì quỹ dự phòng sẽ giúp bạn.
Để chúng ta có thể hình dung dễ hơn vai trò của quỹ dự phòng, tôi sẽ đưa ra một ví dụ.
Giả sử có một anh A nọ. Ảnh rất là tự tin về tình trạng tài chính của mình. Tuy là ảnh đang vay nợ 2 tỷ ngân hàng để mua 1 BĐS giá 3 tỷ5, tuy nhiên dòng tiền thuần của ảnh dư sức trả lãi vay mỗi tháng. Cụ thể là tổng thu của ảnh từ lương và cho thuê phòng TB là 50 triệu hàng tháng, trừ đi lãi vay và chi phí sinh hoạt thì cũng dư ra vài triệu. BĐS ảnh mua cũng tăng giá khá tốt, thị giá cũng tầm 6 tỷ. Nghĩa là giờ ảnh bán ngay lập tức cái BĐS là lời cỡ 2 tỷ rồi. Rồi đùng 1 cái, dịch tới, ảnh mất công việc chính, mất luôn thu nhập phụ vì không ai thuê nhà, BĐS của ảnh do dịch bệnh nên mất giá. Nhưng mà lãi vay thì vẫn phải trả mỗi tháng. Cách ly mới có 2-3 tháng mà ảnh đã ngộp thở rồi.
Ảnh ráng gồng đầu này đắp đầu kia nhưng rồi cuối cùng không xoay sở được phải cắt lỗ. Hệ quả là mất dịch là ảnh mắc dịch luôn. Còn cái nịt!
Bên trên chỉ là ví dụ tôi giả sử cho Bạn về một anh A hư cấu thôi. Nhưng thật không may là cái giả sử của tôi ở 2 năm dịch bệnh vừa rồi nó trùng khớp với khá nhiều vài hoàn cảnh tương tự. Thay anh A bằng chị B, chú C hay thím D là ra đầy những ví dụ thực tiễn cho câu chuyện trên.
Vậy thì, Theo Bạn lý do tại sao kế hoạch tài chính của anh A lại phá sản. Ảnh có dòng tiền Dương, khả năng kiếm tiền cũng khá, BĐS cũng tạo ra dòng tiền và cũng tăng trưởng. Có nghĩa là ảnh Biết dùng đòn bẩy để tạo tài sản. Vậy ảnh thiếu cái gì mà phá sản? Có phải là tại dịch hay không? Dịch là một nguyên nhân, nhưng không đủ, cái quan trọng nhất mà anh A thiếu cũng là chủ đề của video này, Quỹ dự phòng.
Quỹ dự phòng là gì? Là một khoản tiền mặt hoặc tài sản có thể thanh khoản tốt tương đương tiền để phòng hộ cho bạn những khoản rủi ro không thường xuyên.
Ví dụ cơ bản là những khoản ốm đau bệnh tật, sự cố bất ngờ về khoản thu mà Bạn không có dự tính. Hoặc những giai đoạn nhảy việc trong sự nghiệp của bạn. Trường hợp này diễn ra rất thường xuyên ở những bạn trẻ. Công việc hiện tại là do gia đình hoặc hoàn cảnh đưa đẩy. Làm 1 vài năm thì Bạn nhận ra hoài bão và đam mê của mình nằm ở một công việc khác, Bạn chuyển tiếp sang học một chuyên môn mới. Vậy thì khoảng gap giữa 2 công việc sẽ khiến bạn rắc rối khi vừa không có thu nhập mà lại tăng chi. Lúc này, Khoản dự phòng sẽ hỗ trợ Bạn trong giai đoạn này.
Vậy thì, quỹ dự phòng bao nhiêu là đủ?
Thực chất thì không có con số chính xác cho khoản này. Nó có thể được định lượng bằng số lần chi phí hàng tháng của Bạn. Tuỳ thuộc vào đặc thù nghề nghiệp, mức độ chi tiêu và khả năng ước lượng rủi ro có thể xảy đến trong tương lai, Bạn sẽ có một mức dự phòng hợp lý. Ví dụ đối với đặc thù một công việc mà thu nhập của bạn không được ước tính trong 1 tháng mà mỗi 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần. Quỹ dự phòng của bạn ít nhất phải bằng 6 tháng đến 1 năm chi tiêu cho sinh hoạt thiết yếu, chưa kể những khoản dự phòng cho đau ốm bênh tật Bạn phải cộng thêm vào.
Bạn cứ hình dung quỹ dự phòng là tấm khiên bảo vệ, Nó càng rộng, càng dày, càng chắc chắn, thì Bạn sẽ càng yên tâm cho những bước tiếp theo.
Nên nhớ, bản chất của việc trích lập dự phòng là để bảo vệ bạn khỏi những rủi ro có thể xảy ra. Bởi vậy cho nên, trong giai đoạn bắt đầu trích lập dự phòng, Bạn buộc phải chịu khó cắt giảm tối đa chi tiêu của mình. Và đặc biệt khi quỹ dự phòng chưa đạt được mục tiêu, tất cả những khoản khác như đầu tư, hưu trí và bảo hiểm tôi khuyến nghị là chưa nên có trong trường hợp này, trừ khi Bạn có một mức thu nhập đủ để cân bằng việc xây dựng tất cả khoản trên cùng một lúc và đặc biệt là quỹ dự phòng phải đạt được mục tiêu trong khoản thời gian dưới 2 năm.
Điều này có nghĩa là, Bạn hình dung mỗi mục tiêu tài chính sẽ như là một tầng ly trong tháp champaige tiệc cưới. Chỉ khi lấp đầy tầng phía trên, rượu mới chảy xuống tầng bên dưới. Vậy thì bạn cứ theo quy trình trong series Tài chính thật đơn giản. Mục tiêu đầu tiên là làm sao cho thu nhập ròng Dương cái đã, kế tiếp là lập kế hoạch và xây dựng quỹ dự phòng trong khoảng thời gian dưới 2 năm. Bạn sẽ biết mình phải trích lập bao nhiêu % thu nhập định kỳ cho khoản này.
Có một lưu ý nữa đối với những Bạn đang phải chịu một khoản nợ khi lập nghiệp. Quỹ dự phòng chính là khoản bạn trích ra mỗi tháng để chi trả cho các khoản này. Đúng là khi bạn vay nợ để làm bất cứ điều gì, bạn đang chịu ơn của người cho vay. Tuy nhiên, việc dùng hết số dư thu nhập sau khi chi tiêu để trả nợ là một việc làm thiếu khôn ngoan. Bạn có thể lập quỹ dự phòng với thời hạn dài hơn vì phải trích bớt để trả nợ, nhưng tuyệt đối không được bỏ khoản này ra khỏi kế hoạch của mình.
Đối với lộ trình tài chính, bạn có 3 giai đoạn lớn phải vượt qua:
Thứ 1 là An toàn tài chính
Thứ 2 là Tự do tài chính
Và cuối cùng là Về hưu.
Và để đạt được cột mốc lớn đầu tiên: An toàn tài chính
3 điều kiện Bạn cần đạt được cũng chính là 3 Phần đầu tiên của series tài chính thật đơn giản này:
Dòng tiền thuần Dương
Trích lập được quỹ dự phòng theo mục tiêu.
Và điều kiện cuối cùng, hẹn gặp Bạn ở video tiếp theo với chủ đề: Tài sản ròng.
Cảm ơn Bạn đã theo dõi! Tôi là Sang, một người đồng hành với câu chuyện tài chính của Bạn!