Với tư cách là một bác sĩ tâm lý hành nghề và là một người quan sát sắc bén về thế giới Phương Tây, Carl Jung để ý rằng có nhiều người trong thời kỳ của ông mắc phải những cảm xúc yếu nhược đến từ sự tầm thường, thiếu thốn và vô vọng. Hơn vài chương trong Volume 10 của cuốn Collected Works, Jung đã nghiên cứu vấn đề này và đi đến kết luận rằng những cảm xúc như vậy gây ra bởi một thứ mà ông gọi là “vấn đề tâm linh” (Spiritual Problem)
Cái “vấn đề tâm linh” này tiếp tục trở thành một vấn nạn đối với nhiều người ở thế giới hiện đại và sự lan rộng của nó như một mối đe dọa đối với nền tự do và phồn thịnh của xã hội phương Tây. Khi không chỉ những người bị nó ảnh hưởng phải chịu sự đau khổ khi còn là một cá nhân, nhưng khi càng nhiều người trở thành nạn nhân của nó, thì cán cân bằng của xã hội bắt đầu chao đảo và nguy cơ xảy ra xung đột chính trị và xã hội ngày càng gia tăng. Jung đã quan sát thấy sự chia rẽ của xã hội vì vấn đề này bắt đầu dưới dạng 2 cuộc thế chiến và cùng lúc là những chính quyền độc tài chuyên chế trỗi dậy. Ông thật sự kinh sợ trước những sự kiện này đến nỗi mà ông phải cố hết mức truyền đạt lại những hiểu biết sâu rộng của mình tới người khác với hy vọng có thể ngăn chặn được thảm kịch như này xảy ra trong tương lai.
Jung tin rằng sự xuất hiện của vấn đề tâm linh này thường đi kèm theo đó là những tôn giáo truyền thống, nổi bật nhất là Thiên Chúa Giáo, xuất hiện ở xã hội phương Tây qua nhiều thế kỷ, đang dần mất đi sức ảnh hưởng của mình. Không bàn tới việc những tôn giáo này có sức ảnh hưởng lớn như nào, nhưng cái mà Jung thấy là nghiêm trọng nhất, đó chính là sự thật rằng nó bắt vô số con người đối diện với nan đề của sự tồn tại trong cuộc sống và thiếu đi các giáo điều hữu ích của tôn giáo làm trụ cột.
“Thế giới thực sự khác biệt đối với một con người thời Trung Cổ! Với anh ta Trái Đất vĩnh viễn bất động và nằm ở giữa Vũ Trụ này… Loài người chính là tất cả người con của Chúa nằm dưới sự yêu thương chăm sóc đến từ Đấng Tối Cao (Most High), người ban phát cho họ phước lành vĩnh cửu; và tất cả đều biết rõ những gì mình cần phải làm và cách mình nên tự ứng biến ra sao để vươn lên trong một thế giới đầy sự đồi trụy và tiến tới một cuộc sống vĩnh hằng và tràn ngập niềm vui. Một cuộc đời như thế này không còn thực tế nữa, kể cả trong giấc mơ của chúng ta.” (Carl Jung, The Spiritual Problem of Modern Man)
Ngoài sự phát triển của chủ nghĩa thế tục (Secularism), Jung đề xuất thêm rằng công cuộc phát triển một xã hội hiện đại quy mô lớn cũng đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo nên vấn đề tâm linh này.
Xã hội hiện đại đã xuất hiện trong thời kỳ công nghiệp hóa, khi phần lớn dân số ở những thị trấn nhỏ dời vào các thành phố lớn để tìm công việc và cơ hội – là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của một xã hội lớn.
Trong khi sự phát triển của một xã hội lớn tạo ra những lợi ích thông qua việc tăng cường phân chia lao động, nó cũng mang tới những vấn đề nghiêm trọng khác. “Cách thức sống mới này… tao nên một cá nhân không ổn định, bất an, và dễ bị dắt mũi.” (Carl Jung, The Fight With the Shadow)
Sự bất an của một cá nhân trong xã hội rộng lớn này đa phần đến từ những con người xung quanh anh ta. Đám đông càng lớn bao nhiêu, thì một cá nhân càng cảm thấy mình vô dụng bấy nhiêu. Nhưng sự bất an này cũng gây ra bởi, như Jung nói, việc xuất hiện một kiểu tư duy lý trí và khoa học có trong thời kỳ công nghiệp hóa này, và theo thời gian, lan rộng và rộng hơn khắp cách ngõ ngách xã hội.
Vào thế kỷ 19 và thậm chí là cả thế kỷ 20, những nhà hoạch định xã hội, chính trị gia, và nhà lãnh đạo các ngành công nghiệp khác nhau, bị mê hoặc bởi thành quả của những nghiên cứu khoa học đến từ lĩnh vực công nghiệp và y dược, bắt đầu tin rằng các phương pháp khoa học có thể được dùng để định hình lại xã hội. Kết quả của phong trào này đó là sự đại chúng hóa (Massification) xã hội, tăng cường sự đồng nhất và giảm đi tầm quan trọng của mỗi cá nhân.
Để mô hình hóa và sau đó là làm lại xã hội dựa vào những quy tắc khoa học và lý trí, thì tính đặc biệt của mỗi cá nhân bắt buộc phải bị loại bỏ để phù hợp với các thống kê thông thường, và việc thay đổi xã hội được một nhóm tinh hoa, hay những người Kỹ Trị (Technocrats) thực hiện, những kẻ xem con người giống như các đơn vị xã hội trừu tượng, đồng nhất để thao túng và điều khiển.
Tác động nguy hiểm của việc này đó là dùng khoa học để định hình lại cá nhân và xã hội, và nó vẫn còn tồn tại cho tới ngày hôm nay, được Jung miêu tả:
“Dưới sức ảnh hưởng của những giả thuyết khoa học, thực vậy, không chỉ Psyche mà cả cá nhân và tất cả những sự kiện riêng lẻ đều phải chịu cảnh bị san bằng và một quá trình bôi bẩn, thứ bóp méo đi bức tranh hiện thực thành một khái niệm bình thường. Chúng ta không nên đánh giá thấp tác hại về mặt tâm lý của một thế giới đầy tính thống kê: Nó đẩy cá nhân sang một bên để hài lòng những thành phần vô danh trong xã hội chồng chất thành những hệ thống tổ chức lớn… Khi đã là một thành phần của xã hội thì anh đánh mất đi bản sắc cá nhân mình và đơn thuần là trở thành một con số đồng nhất trong các văn phòng thống kê. Anh ta chỉ có thể đóng vai trò như là một đơn vị thay thế được có giá trị thấp kém.” (Carl Jung, The Undiscovered Self)
Không chắc chắn về sự tồn tại của chính mình do những tôn giáo đã suy tàn và mất đi tầm quan trọng của mỗi cá nhân trong một xã hội lớn đã tạo nên một tình cảnh mà phần lớn con người nhìn nhận chính mình như những kẻ bất lực và tầm thường. Thứ tư duy này rất có hại như Jung đã phát hiện ra, khi thái độ ý thức của một cá nhân bị giảm sút theo một cách mà gây hại đến cả sức khỏe tâm lý, thì cơ chế tự điều chỉnh bản thân mình của Psyche sẽ tạo ra một sự bù đắp từ trong vô thức để sửa chữa lại thái độ ý thức sai lệch, và mang Psyche trở lại thế cân bằng tương đối.
Những người có cảm giác vô nghĩa, do mắc phải vấn đề tâm linh, thiếu đi niềm tin cần thiết vào năng lực bản thân mình để có được sức khỏe về mặt tâm lý, Jung đề xuất rằng để bù đắp cho việc thiếu thốn này thì vô thức sẽ tạo ra một sự bù đắp đó dưới hình thức một cơn thèm khát quyền lực.
“Cảm giác yếu nhược của cá nhân, cảm giác mình không tồn tại, [thì] được bù trừ bởi cơn bùng phát ham muốn quyền lực từ trước tới nay không được biết tới. Nó [là] cuộc nổi dậy của cơn bất lực và cao ngạo vô độ khi không được sở hữu chúng.” (Carl Jung, The Fight with the Shadow)
Một sự bù trừ có thể tốt nếu một người có thể liên hợp những nội dung bù trừ ở trong vô thức vào hữu thức của họ, nhờ đó mà hữu thức của họ cân bằng hơn và sức khỏe tâm lý của mình hoàn toàn được đổi mới. Tuy nhiên, nếu nội dung bù trừ bị ẩn giấu trong vô thức, trong trường hợp của vấn đề tâm linh lại xuất hiện theo hướng thèm khát quyền lực, thì cơn bù trừ đó cực kỳ nguy hiểm.
“Nếu một cách bù trừ của vô thức không được liên hợp vào trong hữu thức của một cá nhân, nó sẽ dẫn đến chứng rối loạn tâm thần (Neurosis) hoặc thậm chí là loạn thần kinh (Psychosis).”
Nếu ham muốn bù trừ cơn thèm khát quyền lực không được liên hợp vào hữu thức, Jung cảnh báo rằng một người sẽ bị chiếm hữu bởi những cơn thôi thúc quyền lực trong vô thức, và hơn nữa sẽ tìm cách để đạt được nó bất kể cái giá phải trả là gì. Thất bại trong việc tìm kiếm cuộc sống cá nhân của chính mình do cảm giác bất lực cực kỳ, những người như thế rất dễ bị thu hút bởi các hệ tư tưởng của tập thể, phong trào quần chúng, và các tổ chức mà họ xem như là có thứ sức mạnh mà cá nhân mình đang thiếu.
“Nếu một cá nhân, choáng ngợp bởi cảm giác yếu ớt và bất lực của mình, sẽ cảm thấy rằng cuộc đời anh ta đã mất đi ý nghĩa… vậy thì anh đã hoàn toàn trên con đường trở thành nô lệ của Nhà Nước (State) và, không hay biết gì, trở thành một người nhập hội mới.” (Carl Jung, The Undiscovered Self)
Khi quá trình tâm lý này diễn ra ở quy mô lớn, một xã hội dễ gặp nguy hiểm trước sự trỗi dậy của một chính quyền độc tài chuyên chế.
Jung diễn tả quá trình này trong một đoạn văn rùng mình sau đây:
“Thay vì trở thành một cá nhân rắn rỏi, thì giờ bạn đã mang cái tên của những tổ chức và, ở mức độ cao nhất, ý tưởng trừu tượng của Nhà Nước giống như là nguyên tắc thực tế của chính trị. Trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân giờ đây bị thay thế bởi chính sách của Nhà Nước. Thay vì sự khác biệt về mặt đạo đức và tinh thần của mỗi cá nhân, thì bạn đã có phúc lợi công cộng và nâng cao chuẩn mực sống. Mục tiêu và ý nghĩa của cuộc đời mỗi cá nhân (chính là cuộc sống thực tế duy nhất) không còn có trong con đường phát triển bản thân mà nó nằm trong chính sách của Nhà Nước, thứ gạt bỏ cá nhân ra ngoài… Mỗi cá nhân ngày càng bị tước đoạt nhiều lựa chọn mang tính đạo đức như là làm thế nào anh sống cuộc đời của mình, và thay vào đó là bị cai trị, cho ăn, mặc, và giáo dục như một thành phần của xã hội… và vui vẻ trước những chuẩn mực mang đến niềm vui và thỏa thích cho đám đông.” (Carl Jung, The Undiscovered Self)
Hình thức của một xã hội Dystopia như này xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau trong thế kỷ 20, và có vẻ sẽ xuất hiện lại ở Phương Tây ngày hôm nay. Trong khi nhiều người nhận ra những nguy hiểm đến từ một chính quyền trung ương, hầu hết thì cảm thấy vô vọng trước một chính quyền lớn mạnh, tin rằng cá nhân mình chẳng thể làm được gì để cứu vãn. Phân tích của Jung cực kỳ sâu sắc bởi lý do ông cho rằng sự trỗi dậy của chính quyền độc tài chính là sản phẩm phụ của vấn đề tâm linh đang ngày càng gia tăng tác động tới thế giới hiện nay, và thêm nữa nó có thể bị đẩy lùi nếu nhiều người học được cách giải quyết vấn đề tâm linh đang tác động tới cuộc sống chúng ta.
Jung hy vọng rằng nhiều người ở Phương Tây sẽ có khả năng làm được điều này, và đã thấy được bằng chứng cho khả năng đó khi ngành tâm lý học phát triển trong thế kỷ 20, và ngày càng nhiều người mong muốn khám phá vực thẳm của Psyche để tìm kiếm kiến thức về bản thân mình.
“Đối với tôi mấu chốt của vấn đề tâm linh hiện nay có thể tìm thấy trong sự mê hoặc mà Psyche dành cho con người hiện đại… nếu chúng ta có xu hướng lạc quan, thì ta sẽ thấy bên trong đó là lời hứa hẹn về việc thay đổi tâm linh rộng rãi ở thế giới Phương Tây. Trong tất cả sự kiện, nó là một hiện tượng đầy ý nghĩa… quan trọng bởi vì nó chạm đến những điều phi lý trí và – như lịch sử đã cho thấy – những luồng năng lực tâm linh không đếm xuể giúp thay đổi cuộc sống của con người và nền văn hóa theo một cách không lường trước và không đoán trước được. Đó là những luồng năng lượng, vô hình với nhiều người ngày nay, thứ xếp sau cùng những mối quan tâm về mặt “tâm lý” hiện giờ.” (Carl Jung, The Spiritual Problem of Modern Man)
Trong thời khắc tuyệt vọng thì những người cổ đại thường nhờ vào các vị thần sống dưới biển, trong rừng, và bầu trời để giúp đổi mới. Trong góc quan của Jung, con người bây giờ, cho rằng các vị thần đã chết, phải tìm kiếm một thứ sức mạnh bên trong để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề tâm linh đang giáng lên đầu họ. Trong lúc tìm kiếm câu trả lời, ông nghĩ rằng một người sẽ không chỉ chữa được cơn bệnh tật về mặt tâm linh, thứ ảnh hưởng đến cá nhân mình, mà còn đóng góp trong việc đổi mới một thế giới đang lầm đường lạc lối trong bóng đêm đến từ sự thống trị của Nhà Nước:
“Một cánh cửa ẩn giấu và nhỏ bé dẫn đường vào trong, và lối vào bị ngăn cản bởi vô số lời định kiến, những giả định sai lầm, và nỗi sợ. Sẽ có người muốn nghe những chủ đề trọng đại về kinh tế và chính trị, thứ mà đã khiến cho từng quốc gia trở thành một mớ hỗn độn. Do đó nghe có vẻ kỳ cục khi mọi người nói về những cánh cửa bị ẩn giấu, giấc mơ, và thế giới bên trong. Thứ chủ nghĩa duy tâm nhàm chán này có liên quan gì đến những chương trình kinh tế vĩ mô, với các vấn đề được cho là thực tế?
“Nhưng tôi không nói về các quốc gia, tôi chỉ nói về một vài cá nhân, rằng các giá trị văn hóa không phải tự nhiên như một món quà rơi xuống từ thiên đàng, mà đúng hơn nó được tạo ra bởi đôi bàn tay mỗi cá nhân. Nếu mọi thứ trở nên không ổn trên thế giới này, thì đó là bởi vì có điều gì đó sai lầm bên trong mỗi cá nhân, bởi vì có thứ gì đó sai bên trong tôi. Do đó, nếu tôi nhận ra được, thì tôi sẽ xem xét bản thân mình trước. Đây chính là điều tôi cần – bởi lẽ quyền lực bên ngoài chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả – Tôi cần kiến thức nền tảng đến từ nơi sâu nhất bên trong con người mình, nhờ đó mà tôi có cơ sở vững chắc về những sự thật vĩnh cửu của Psyche con người.” (Carl Jung, The Meaning of Psychology for Modern Man)