Xin chào! Tôi là Sang. Đây là series tài chính thật đơn giản. Tài chính thật đơn giản là một series bóc tách toàn bộ tài chính cá nhân thành từng phần đơn giản và dễ hiểu nhất. Theo chân series này, Bạn sẽ biết từng bước tiến tới mục tiêu cuối cùng mình sẽ phải bước đi như thế nào? Bên cạnh 2 video trước về dòng tiền thuần và quỹ dự phòng, nội dung của ngày hôm nay là yếu tố quan trọng tiếp theo Bạn phải nằm lòng trên lộ trình, Tài sản ròng!
Có thể nói là, độ quan trọng của Dòng tiền thuần và tài sản ròng là 2 thứ bắt buộc phải song hành trong tư duy tài chính của bạn. Tôi thích ví 2 yếu tố này như 2 loại tư duy người lao động trong xã hội. Nếu như dòng tiền thuần thiên về chuyên môn, thì tài sản ròng sẽ thiên hướng quản trị. Video này tôi sẽ chia làm 2 phần để Bạn dễ hình dung. Phần đầu tôi sẽ nói về tính chất của từng loại tài sản trong công thức tài sản ròng, và phần sau sẽ là vài nguyên tắc để tối ưu hiệu quả tài sản của Bạn. Bắt đầu nào!
Công thức tính tài sản ròng rất cơ bản, Bạn lấy tổng tài sản trừ đi toàn bộ nợ hiện tại là ra. Tuy nhiên, vì quá cơ bản nên cách tính trên có thể mang lại cho bạn một số rắc rối nho nhỏ khi đánh giá tình trạng tài sản hiện tại.
Căn nguyên của sự rắc rối này đến từ tính chất của từng loại tài sản!
Chúng ta chia tài sản làm 2 loại chính: Hữu hình và vô hình. Tài sản vô hình là một dạng khó phân tích và định giá, tôi sẽ để riêng nó thành 1 video khác sau này, ở bài viết này tôi chỉ tập trung vào cái còn lại.
Đối với tài chính cá nhân, tôi sẽ chia tài sản hữu hình làm 2 loại: Tài sản tiêu dùng và tài sản đầu tư.
Tính chất của tài sản tiêu dùng là nó luôn phải khấu hao, nghĩa là chiếc xe, cái điện thoại mà bạn mua hôm nay thông thường sẽ có giá thấp hơn vào ngày mai. Đây là rắc rối đầu tiên cho công thức trên nếu bạn chỉ trừ nợ mà không trừ đi khấu hao định kỳ cho tài sản tiêu dùng của bạn. Nghĩa là, để đánh giá đúng hơn chất lượng tài sản của mình, sau khi trừ hết nợ đi, bạn phải trừ tiếp khấu hao tài sản tiêu dùng nữa.
Còn nữa, đối với tài sản đầu tư, đặc trưng của nó là sự biến động. Để đánh giá chất lượng tài sản, bạn phải định kỳ đánh giá lại lãi lỗ của các khoản này.
Từ 2 rắc rối trên, công thức để Bạn đánh giá chính xác hơn chất lượng tài sản:
Tài sản ròng = Tổng tài sản – Nợ – Khấu hao tài sản tiêu dùng +/- Lãi/Lỗ đầu tư các loại tài sản
Lúc này, chất lượng Tài sản ròng của bạn mới có thể được đánh giá một cách chính xác nhất.
Bạn nên cơ cấu tài sản như thế nào cho hợp lý?
Hiểu được đặc thù tính chất của từng loại tài sản, Bạn sẽ tự hình dung được phải phân bổ tỷ trọng tài sản như thế nào! Chất lượng tài sản sẽ được đánh giá dựa trên 2 yếu tố: hiệu quả khoản nợ và cơ cấu tài sản.
Bạn cứ hình dung cá nhân Bạn cũng phải có một bảng Cân đối tài sản tương tự những gì bạn xem trên báo cáo của một DN. Cột bên trái sẽ là tài sản và cột phải sẽ là Nợ.
Nguyên tắc đầu tiên tôi dành cho Bạn là về tỷ trọng giữa Nợ và Tài Sản:
Trên bảng cân đối tài sản cá nhân. Mỗi khoản nợ mà Bạn chịu, về lý mà nói thì Bạn bắt buộc phải có một khoản mục tương đương bên phần tài sản. Nghĩa là, Nếu như khoản nợ Bạn vay tăng bao nhiêu, tương ứng Tài sản của Bạn cũng sẽ tăng bấy nhiêu. Nếu hiện tại Bạn đang có nợ, mà không có tài sản hữu hình tương ứng. Thì có 2 trường hợp tôi có thể đánh giá trước tiên về tình trạng tài sản của Bạn. Một là bạn đang vay nợ không hiệu quả, đây là một điều rõ ràng. Hai là Bạn đang dùng nợ vay để xây dựng một lớp tài sản khác không có trên bảng cân đối, Tài sản vô hình. Lúc này, việc đánh giá hiệu quả vay nợ cũng như là chất lượng tài sản sẽ phụ thuộc vào trình độ chuyên môn hiện tại của bạn, hay nói cách khác là định giá khả năng tạo ra thu nhập của Bạn. Nếu thật sự định giá Tài sản vô hình tương xứng với khoản nợ vay mà Bạn đã đánh đổi, Tôi xin chúc mừng Bạn! Bạn là một người dám quyết định và đang đi rất đúng trên lộ trình của mình. Việc tiếp theo Bạn cần phải làm là nhanh chóng chuyển đổi tài sản vô hình đã được định giá thành dòng thu nhập thực tế. Bởi vì Tài sản vô hình có một ranh giới rất mong manh giữa giữa vô giá và vô giá trị. Đó là việc Bạn có chuyển đổi năng lực thành kết quả hữu hình hay là không?
Nguyên tắc thứ 2 Tôi sẽ đề cập là về các khoản nợ:
Chưa kể đến hiệu quả đầu tư vào tài sản, mục đích của khoản vay hầu hết nên là để xây dựng tài sản đầu tư và tài sản vô hình. Tuyệt đối không vay nợ cho những khoản tài sản tiêu dùng. Bạn nên sử dụng phần thặng dư dòng tiền thuần sau khi đã chi trả cho tất cả các khoản dự phòng để mua tài sản tiêu dùng. Lý do đơn giản là do tính chất của tài sản tiêu dùng là khấu hao. Bạn vay nợ mua một sản phẩm tiêu dùng, ngoài việc trả lãi định kỳ cho khoàn vay, bạn phải khấu hao định kỳ cho tài sản. Nếu Bạn không đảm bảo thứ tài sản này đem lại công năng thật sự tối ưu cho cuộc sống của Bạn, phần lỗ kép trên sẽ là rất đáng lưu ý, thậm chí còn có thể là mức báo động cho sức khoẻ tài chính của Bạn!
Nguyên tắc thứ 3 là một nguyên tắc về cơ cấu tỷ trọng giữa 2 loại tài sản: Tiêu dùng và đầu tư
Giả sử cho dù là Bạn mua tài sản tiêu dùng với khoản dòng tiền thuần thặng dư của mình. Nếu như mục tiêu tài chính của Bạn chưa được hoàn thiện (ý tôi ở đây ít nhất là Cột mốc An toàn tài chính vẫn chưa đạt được), tôi vẫn không khuyến khích Bạn mua những khoản tài sản tiêu dùng nằm ngoài nhu cầu thiết yếu phục vụ sinh hoạt và cải thiện chuyên môn của Bạn. Nếu Bạn có xem video trước của Tôi, một phần vô cùng quan trọng là Quỹ dự phòng mới là thứ Bạn phải ưu tiên cho sự An toàn tài chính của bản thân.
Nguyên tắc cuối cùng cũng là một trong những điều kiện xác nhận tài chính của Bạn đã chinh phục được cột mốc an toàn, đó là dòng tiền từ tài sản đầu tư của Bạn có thể lấp đầy các khoản chi phí thiết yếu hiện tại.
Tóm lại tất cả các ý trên, An toàn tài chính phải luôn là cột mốc lớn đầu tiên mà Bạn hướng tới, Bởi vì an toàn thì mới an tâm, tâm an thì mới tự do, tự do tự tại mới đem lại Hạnh phúc. Và để An toàn tài chính, nhắc lại một lần nữa 3 yếu tố mà Bạn không được bỏ quên trên suốt lộ trình, dòng tiền thuần dương, xây dựng quỹ dự phòng và tối ưu Bảng cân đối tài sản. Tôi khuyến nghị là Bạn nên xem đi xem lại 3 video đầu tiên này cho đến khi nó trở thành một phần tư duy không thể thiếu cho bản thân Bạn. Sức khoẻ tốt thì cần nhận thức tốt và duy trì những thói quen tốt. Đối với tài chính cũng không ngoại lệ.
Cho dù Bạn là kiểu người như thế nào? Khẩu vị và triết lý sống của Bạn ra sao? Với vai trò là một người cố vấn, về mặt tài chính, đó là tất cả những lời khuyên tốt nhất Tôi dành cho Bạn. Hẹn gặp Bạn vào tuần sau, với những bước đi tiếp theo trên lộ trình Tự do tài chính của mình. Tôi là Sang, một người đồng hành với lộ trình tài chính của Bạn.