Tình yêu vô điều kiện từ người nuôi dưỡng là nền tảng không thể thiếu cho sự phát triển của một đứa trẻ.
Điểm chính:
— Những trải nghiệm đầu đời với người chăm sóc có thể in sâu vào khả năng hình thành mối quan hệ lành mạnh của chúng ta sau này.
— Tình yêu có điều kiện dạy cho trẻ em rằng chúng chỉ xứng đáng được yêu khi chúng cư xử theo những cách nhất định.
— Lớn lên với niềm tin mình có khuyết điểm, trẻ dễ nghĩ rằng bản thân không xứng đáng được yêu thương vì những thiếu sót của mình.
“Tình yêu vô điều kiện. Không nhiều người ở đây biết thế nào là tình yêu ấy. Nhiều người lớn lên mà chưa từng cảm nhận được chút tình yêu nào. Điều đó khiến một người đàn ông đau đớn. Nó bẻ gãy anh ta, làm tổn thương anh ta theo cách không ai đáng phải trải qua.” —Anthony Ray Hinton, trong hồi ký The Sun Does Shine (2019, tr.170).
Lainey đã trải qua cuộc ly hôn thứ ba. “Lần nào em cũng mắc sai lầm như thế, cứ nghĩ rằng cuối cùng sẽ có người yêu mình thật lòng!” cô nghẹn ngào. Ngồi đối diện với tôi trong một ngày mưa, cô như muốn thu mình vào góc sofa mềm nhũn, cố lẩn tránh ánh mắt. “Em cứ lặp đi lặp lại một điều, nhưng em không biết vì sao.”
Khi chúng tôi bắt đầu khai thác câu chuyện của cô, cô chia sẻ rằng mình đã bị cha mẹ chối bỏ từ khi còn nhỏ, ngay sau khi cô công khai là người song tính. Được nuôi dạy trong một gia đình vô cùng bảo thủ, cha mẹ cô lập tức bảo cô phải “quên đi” phần con người đó. Nhưng với tất cả sức sống mới mẻ của một thiếu niên đang tự khám phá bản thân, cô vẫn kiên quyết đây là con người thật của mình.
Cha mẹ phản ứng bằng cách từ chối hoàn toàn, nhưng cô không thể nhận ra sự chối bỏ đó cho đến nhiều năm sau, vì khi ấy cô vẫn còn sống trong cùng một mái nhà với họ. “Họ vẫn chăm lo cho em,” cô nói nhỏ, như một cách để phủ nhận hành động của họ đối với mình. “Em không nghĩ đó được coi là sự chối bỏ… đúng không?”
Tôi để lại khoảng không yên lặng giữa hai chúng tôi, để cô có thời gian suy ngẫm. Có một bản hợp đồng vô hình của tình yêu và sự che chở của cha mẹ. Đó là dù đứa con có làm gì hay là ai, cha mẹ vẫn phải yêu thương chúng. Khi tình yêu bị rút đi sau những lỗi lầm hoặc khi đứa trẻ làm điều gì khiến cha mẹ không hài lòng, đó chính là tình yêu có điều kiện.
Điều này không có nghĩa là hành vi xấu cần được tha thứ, mà là việc rút bỏ tình yêu và sự hỗ trợ sau khi trẻ mắc lỗi sẽ để lại những tổn thương sâu sắc cho sự phát triển của trẻ. Khi trẻ có hành vi nổi loạn, như gây rắc rối ở trường hoặc gây xung đột, đó thường là dấu hiệu của sự căng thẳng, là lúc trẻ cần sự yêu thương của cha mẹ nhiều hơn chứ không phải ít đi.
Là một nhân viên xã hội và nhà trị liệu tâm lý, tôi chứng kiến tận mắt những ảnh hưởng của tình yêu có điều kiện — loại tình yêu chỉ được trao khi trẻ tuân theo những quy tắc — lên những đứa trẻ lớn lên trong khát khao tìm kiếm sự yêu thương và hỗ trợ. Những gì chúng ta không nhận được từ cha mẹ, ta sẽ cố gắng kiếm tìm từ thế giới xung quanh — từ bạn bè, người yêu, thậm chí là các chất kích thích và nhiều hình thức khác. Nếu ta không nhận được tình yêu ổn định và nhất quán từ gia đình, khả năng phát triển và duy trì mối quan hệ lành mạnh khi trưởng thành sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình yêu có điều kiện dạy cho trẻ rằng chúng chỉ xứng đáng được yêu nếu chúng cư xử theo cách làm vừa lòng cha mẹ, chứ không phải chỉ đơn giản vì chúng là chính mình. Trẻ sẽ dần học rằng bản chất thật của mình là sai trái, tồi tệ, không xứng đáng được yêu thương. Điều này ảnh hưởng đến giá trị bản thân, lòng tự trọng và khả năng xây dựng mối quan hệ xã hội của chúng.
Nhiều người đã trải qua tình yêu có điều kiện lớn lên với niềm tin rằng mình vốn dĩ đã có khuyết điểm, không xứng đáng được yêu thương và hỗ trợ chỉ vì những khiếm khuyết của bản thân. Họ khó lòng tin rằng mình xứng đáng được hạnh phúc trong cuộc sống và trong các mối quan hệ. Kết quả là, họ cảm thấy mình chỉ xứng đáng với một mối quan hệ nếu mình “đóng góp được gì đó” như tiền bạc, vẻ bề ngoài, địa vị, thành tựu… bởi họ tin rằng mình không xứng đáng chỉ vì con người thật của mình.
Bạn có thể nhận thấy điều này ở chính mình. Tôi cũng từng như thế trong suốt một thời gian dài. Những bậc cha mẹ yêu con vô điều kiện sẽ dạy cho con rằng thế giới này là nơi an toàn. Ngược lại, khi cha mẹ chối bỏ con bằng tình yêu có điều kiện, họ gieo vào lòng trẻ một niềm tin rằng thế giới là nơi thiếu an toàn và rằng trẻ sẽ luôn phải đối mặt với sự chối bỏ. Những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh này dễ mang theo niềm tin rằng mình sẽ bị bỏ rơi, rằng mình không xứng đáng được yêu thương.
Hành vi và cách ứng xử của chúng với mọi người xung quanh thường phản ánh những niềm tin ấy, vì chúng không biết cách đối diện với mâu thuẫn và luôn gặp khó khăn với lòng tự trọng và giá trị bản thân. Chúng có thể e ngại, né tránh sự gần gũi để khỏi phải chịu nỗi đau khi bị tổn thương.
Ngược lại, chúng cũng có thể khao khát mãnh liệt một mối quan hệ, cố gắng “chứng minh” rằng mình được yêu thương và cần đến, dù chỉ từ một ai đó. Khát khao được thuộc về, được yêu thương, được kết nối, nhiều đứa trẻ lớn lên tìm kiếm trong các mối quan hệ tình cảm những sự ấm áp và chở che mà chúng chưa bao giờ nhận được từ gia đình. Cả hai xu hướng này đều là những phản ứng tự nhiên từ những trải nghiệm của chúng.
Sự an toàn và chở che từ người nuôi dưỡng là cần thiết cho sự phát triển cá nhân và mối quan hệ của trẻ. Thiếu đi những trải nghiệm ấy, những người chỉ từng nhận được tình yêu có điều kiện có thể dành cả đời mình để bù đắp cho những nhu cầu chưa bao giờ được đáp ứng từ khi còn bé.
Nguồn: The Long-Term Damage of Conditional Parental Love