Trong lòng nhiều người, có một cuộc giằng co âm thầm nhưng dai dẳng: nên mạnh mẽ lên tiếng trước những điều khiến mình tổn thương, bực bội hay phật lòng, hay là nhịn cho yên chuyện?
Nói cách khác, cuộc đấu tranh ấy nằm giữa việc chọn trở thành NGƯỜI QUYẾT ĐOÁN hay KẺ PHỤC TÙNG.
Những trận chiến này có thể diễn ra âm ỉ mỗi ngày. Ở công ty, có ai đó cứ làm rối tung mớ hóa đơn. Mình có nên góp ý không, hay lại làm ngơ như mọi lần? Một người bạn luôn khéo léo loại mình ra khỏi những bữa tiệc xa hoa nhất của họ. Mình có nên hỏi thẳng không? Trong nhóm, có người thỉnh thoảng buông lời châm chọc đầy ác ý. Mình có giả vờ như không nghe thấy không? Rồi đến cả chuyện nhỏ nhặt: bạn đời quên lần thứ mấy rồi việc mua sắm cuối tuần. Liệu tối nay mình có đủ can đảm để nhắc không?
Khó xử là vì, trong sâu thẳm, ta không tin rằng mình đủ khả năng đưa ra lời phàn nàn một cách lý trí và trưởng thành. Ta sợ rằng cảm xúc dồn nén quá lâu sẽ khiến mình bùng nổ, hóa thành cơn giận dữ không kiểm soát. Hoặc ngược lại, chỉ cần nửa chừng đang nói, ta có thể mất tinh thần, bật khóc, rồi rút lui, nhỏ bé như một con nai run rẩy, thậm chí xin lỗi vì đã dám… mở miệng. Ta bị kéo căng giữa NỖI SỢ TRỞ THÀNH NÚI LỬA và HOÁ THÀNH CON MỒI YẾU ỚT.
Những nỗi lo ấy không vô căn cứ. Đó là sản phẩm của lịch sử cá nhân. Những ai gặp khó khăn trong việc lên tiếng bảo vệ mình thường là con cái của những bậc phụ huynh quá độc đoán. Khi còn nhỏ, bạn chẳng có cơ hội nào để học cách bày tỏ ý kiến một cách mạnh mẽ và tự tin, vì chẳng ai thèm quan tâm đến điều bạn nói – hoặc tệ hơn, bạn phải giữ im lặng để tránh những cơn giận dữ hay sự trừng phạt. Làm sao có thể hình dung được cảnh phản kháng hiệu quả, khi điều duy nhất ta biết là sự áp đảo?
🐶 Để thoát khỏi di sản nặng nề này, các nhà tâm lý học đã gợi ý một bài tập có tên là “Chó dẫn đầu – Chó phục tùng”.
Bài tập yêu cầu bạn nhìn vào một tình huống cần sự phản kháng – có thể trong tình yêu, công việc, hoặc một mối quan hệ bạn bè – và thử tưởng tượng hai cách phản ứng: một lần với tư cách “Chó dẫn đầu” (Top Dog), và lần kia với tư cách “Chó phục tùng” (Underdog).
Chẳng hạn, nếu bạn đang bực bội vì người bạn kia luôn “bỏ rơi” bạn trong các buổi tiệc hoành tráng, bạn có thể nhập vai “Chó dẫn đầu” và nói:
“X, thật xin lỗi vì phải nhắc đến điều này. Nó không quá lớn, nhưng lại quan trọng với mình: mình nhận ra bạn thường tìm đến mình khi buồn, nhưng khi vui, bạn lại chỉ chia sẻ niềm vui ấy với nhóm bạn làm ngân hàng của bạn.
Làm thế nào để chúng ta cải thiện điều này, vì điều đó thật sự làm mình không vui?”
Hoặc nếu bạn muốn góp ý với bạn đời về việc quên nhiệm vụ đi chợ, hãy thử:
“Anh biết em rất yêu anh, nhưng em cần nói rằng chúng ta cần thay đổi cách quản lý việc nhà, vì điều này đang khiến mọi thứ khó khăn hơn.”
Sau khi làm quen với vai “Chó dẫn đầu,” hãy thử chuyển sang vai “Chó phục tùng” – nghe có vẻ quen thuộc và đau đớn hơn
“Thôi, không sao, lần này anh đi chợ cũng được… bánh nướng hôm nay cũng ngon mà.”
Hay:
“Hóa đơn hả? Để mình làm nốt.”
Hoặc:
“Không sao đâu, mình không đi tiệc cũng được. Mình cũng đang muốn đi ngủ sớm…”
Những câu trả lời kiểu “phục tùng” này, nếu lặp đi lặp lại, sẽ đưa bạn từ ngày hôm nay cho đến tận… giường bệnh trong viện dưỡng lão.
Điểm mấu chốt của bài tập này không phải là dạy bạn trở thành một “Chó dẫn đầu” – vì sự thật là, bạn đã luôn có khả năng đó. Những lời lẽ cứng cỏi của vai “Chó dẫn đầu” tuôn ra rất tự nhiên, chứng minh rằng bạn hoàn toàn biết cách mạnh mẽ. Vấn đề không nằm ở chỗ bạn thiếu kỹ năng, mà là bạn quá sợ hãi khi thể hiện sức mạnh ấy.
Nhưng nỗi sợ này không còn lý do để tồn tại nữa. Những kẻ từng làm bạn khiếp sợ nay đã qua đời, hoặc không còn khả năng áp chế bạn như trước.
Việc trở thành “Chó dẫn đầu” không có nghĩa là bạn phải gầm gừ, sủa ầm ĩ, hay xông ra cắn xé người khác. Nó đơn giản chỉ là sự quyết đoán trong hình thức nhẹ nhàng, thanh lịch, và – quan trọng nhất – biết dịu dàng với chính con người yếu đuối bên trong mình, người đã mệt mỏi vì bị giẫm đạp quá lâu.
Từ lâu rồi, trong ta luôn tồn tại hai “chú chó.” Đã đến lúc ta nên tử tế với bản thân hơn, để chú chó đúng đắn được cất tiếng khi cần.
NGUỒN: THE TOP DOG – UNDER DOG EXERCISE