Nỗi sợ này làm chúng ta dễ sống ảo một cách vô thức, vì ở đời, cảm giác bị người khác xem thường nó khó chịu lắm, nó làm cho cái bản ngã này rất dễ nhạy cảm và sân hận.
Anh em đi họp lớp, hay gặp lại các mối quan hệ cũ, nếu được hỏi về công việc và gia đình dạo này thế nào thì ít ai nói ra đúng sự thật về mình. Vì sau khi ra trường cả chục năm, không lẽ nói bây giờ mình vẫn còn loay hoay chưa biết làm gì, hoặc đã làm rồi mà phá sản.
Nên việc nói ra, rằng mình chưa đến đâu hay đã thất bại trong sự nghiệp hoặc cả trong hôn nhân là một điều rất khó để vượt qua, nên bắt buộc chúng ta phải tạo một vỏ bọc ảo để người khác không xem thường mình.
Nhưng anh em đâu biết, càng nhiều vỏ bọc thì anh em càng ức chế trong tâm, rồi cũng sẽ đến lúc tâm quá tải, sinh tâm bệnh mà thôi. Cũng dễ hiểu là tại sao số lượng tra cứu về các từ khoá như chữa lành, quay về bên trong, chánh niệm, thiền, lại tăng đột biến như thế. Đó là sự cân bằng bắt buộc cần diễn ra trong giai đoạn này.
Mạng xã hội càng phát triển, kết nối tức thì, chia sẻ gì cũng ngay lập tức, nên chúng ta càng dễ sa đà vào việc xây dựng một vỏ bọc mới trên cõi mạng, online luôn là nơi để trình diễn những điều tốt đẹp nhất, rồi chúng ta lại vô tình so sánh cuộc đời mình với trailer phim của người khác… mà trailer thì lúc nào cũng hay cũng đẹp cả.
Đã là kiếp người, từ lúc sinh ra, cái tâm này đã luôn so sánh mình với mọi thứ xung quanh rồi, mà hồi lâu tôi vẫn hay nhắc anh em, khổ đau hay hạnh phúc chỉ là những giả niệm, tại sao vậy?
Vì khổ hay lạc là do cái tâm so sánh nó tạo ra cảm xúc cho anh em, một đứa trẻ sinh ra đã mù một mắt, nhưng lớn lên trong một ngôi làng mà tất cả mọi người đều mù cả hai mắt thì đứa trẻ sẽ thấy mình may mắn, còn ngược lại, cũng đứa trẻ đó mà đưa vào cái nơi ai cũng sáng mắt thì rất khó để nó thấy bản thân nó may mắn được… nỗi bất hạnh sẽ tự động trồi lên.
Cùng một đứa trẻ, nhưng đối tượng nó so sánh khác nhau, tạo ra khổ hay lạc khác nhau, nói giả niệm là như thế.
Khổ, không phải do cảnh hay môi trường gì, mà do tâm chúng ta đang so gì với cảnh đó!
Hiểu cái này, anh em sẽ thông cảm tại sao người ta lại hay nói dối (rất tự động), vì cái tâm này, không bao giờ muốn thấy mình xếp thấp hơn trong mắt người khác cả.
Sợ bị khinh, nói sâu hơn, là chấp cái danh này, người ta vẫn hay nghĩ, mình không có gì nên mới sợ bị khinh, nhưng thật ra người càng có nhiều thì cảm giác sợ bị khinh còn sâu đậm hơn, vì mình như thế, sao nó lại không tôn trọng mình, nói nhanh anh em hiểu ngay, nếu tôi làm bảo vệ, bước vào cái hội thảo CEO, không ai thèm ngó đến tôi cũng là lẽ bình thường, có sân thì sân nhẹ tý thôi.
Nhưng nếu tôi làm CEO của một công ty cũng to, mà bước vào hội thảo thế này, mà người ta xếp tôi ngồi ghế cuối ngay kế cái cột, là tâm nó sân tới nóc.
Nó nôm na kiểu, đi hội thảo chữa lành, mà người ta xếp bác 7B tuốt ở ghế hành lang, thì lúc đó mới biết 7b này hàng real hay hàng fake, nói cho lắm vào mà lúc đó vẫn sân là dở rồi.
Nên tính ra, người càng có nhiều thứ trong tay, thì nỗi sợ bị khinh hay sợ người ta không tôn trọng mình, lại càng tăng mạnh hơn,
sự hiện hữu này rất hấp dẫn, nó làm chúng ta rất dễ nghiện chính mình, càng nghiện bản thân mình thì mình càng khó chấp nhận việc người đời không biết mình là ai.
Mà cái danh này, tính ra cũng có deadline của nó, hết vai thì anh em cũng trả hết lại tất cả cho game đời này thôi, nói vậy thì anh em hiểu ở đây, nhưng quay lại game đời thì cũng đâu vào đấy như cũ, vì cái tập khí trong tâm anh em cần thời gian để dừng lại, chứ không phải nói dừng là dừng, nó như nguyên đoàn tàu lửa, muốn dừng lại thì anh em đừng đốt thêm nguyên liệu nữa, nhưng dừng thì cũng cần hết cái đà của nó.
Nghiện chất kích thích, đã rất khó bỏ; thì nghiện chính mình, lại càng khó bỏ gấp vạn lần, nên chuyện người ta ngụp lặn luân hồi mãi, không có gì lạ.
Cheers,
Bác 7B
———
Hình của Davide Cambria