Chúng ta hay dạy con, khi con làm sai thì bị phạt, còn khi con làm đúng thì được thưởng.
Cơ chế thưởng phạt đó vô tình tạo một lập trình tự động trong tư duy của trẻ, rằng cái gì được thưởng là cái đúng, còn không được thưởng là cái sai.
khi nó lớn lên, chập chững bước vào đời, nó lại quan sát được,
Người làm đúng thì bị phạt,
còn người làm sai rõ thì lại được thưởng,
Nếu theo tư duy thưởng phạt ngày xưa, lại cho nó niềm tin rằng, cái được thưởng chắc không sai đâu…
Thưởng là đúng, nên nó sẵn sàng làm tất cả để được thưởng.
Nên nuôi dạy con trẻ, không đơn giản, vì ngay chính tư duy và niềm tin ở bố mẹ, có khi cũng đã lệch rồi.
Tôi hay bảo vợ mình, cái khó là, chúng ta không biết bao nhiêu % trong những niềm tin hiện tại của mình là đúng. Đôi lúc tốc độ trải nghiệm rồi điều chỉnh lại tư duy của chúng ta lại chậm hơn tốc độ trưởng thành của con mình.
Đứa nào tuệ sáng, phước dày, thì có năng lực quan sát lại, phản tỉnh lại, nhìn mọi thứ rộng ra, để có thể lập trình lại tư duy của chính nó, để nhìn cuộc đời không quá móp méo.
Chứ còn đứa tuệ mỏng, phước mỏng, thêm trợ duyên của bố mẹ cũng không nhiều thì gần như niềm tin nào đã được hình thành thời niên thiếu là nó cứ sống mãi với nhận thức như thế, chỉ đến khi nó gặp những vấp ngã đầu tiên trên chính niềm tin đó mà thôi.
Tôi có một ông Anh khá thân, hồi nhỏ gia đình ổng dưới quê nghèo lắm, ba ổng không chịu nổi nên bỏ nhà đi, để lại mẹ ổng và 1 đứa em. Mẹ ổng vì thương nhớ chồng quá, rồi phải cày vất vả nuôi 2 anh em ổng, nên tầm vài năm sau mắc bệnh lao phổi. Cái thương tâm luôn khắc sâu trong tâm hồn tuổi thơ của ổng, là phải chứng kiến mẹ mình chết vì không có tiền chạy chữa.
Nên từ ngày đó trở đi, niềm tin của ổng về tiền bạc là “tiền là số một”. Sau này hai anh em ổng đi qua Mỹ, ổng cày ngày đêm, để dành tiền, lo cho ông em, rồi sau chục năm ổng lập gia đình, rồi mở cái xưởng tiện, rất thành công.
Mãi đến sau này, ổng mới tâm sự với tôi, ổng giành hết thời gian kiếm tiền để gia đình sống sung sướng, không cực khổ như ổng ngày xưa… nhưng vô tình lại dạy hư 2 đứa con. Tụi nó giờ ỷ lại vào tài sản của ổng, nói gì trong gia đình thì tụi nó cũng bảo, ba có tiền mà nên tụi con cố gắng làm gì.
Đỉnh điểm là, một đứa bỏ học ngang, đi theo băng nhóm rồi hút mai thúy,… may phước là kéo nó về kịp, nhưng giờ nó vẫn lông bông, chẳng chịu đi làm vì từ nhỏ đến giờ quá đầy đủ rồi.
Tuổi thơ quá thiếu thốn, nên đôi lúc tư duy của bậc phụ huynh là không muốn con mình phải chịu khổ như mình ngày xưa. Ông anh bảo tôi, thấy con mình như thế, thấy tâm hồn nó lạc lỏng và yếu đuối quá, phần nhiều là do anh, vì niềm tin của anh từ xưa đến giờ, tiền là số 1, nên anh không dành thời gian để kết nối với nó nhiều.
Quá khứ của chúng ta làm nên tâm hồn của chúng ta, một hệ thống niềm tin được xây dựng trên chính những sự kiện mà anh em đã trải qua. Nên đừng bao giờ đánh giá vội ai nếu chúng ta chưa biết họ đã trải qua những điều gì.
Nếu tôi có tuổi thơ như ổng, chứng kiến mẹ mình chết vì không có tiền, thì tôi cũng có niềm tin, tiền là số một thôi.
Ông hỏi tôi, thế niềm tin về tiền bạc của tôi thế nào,
“tiền không thể mua được hạnh phúc,
Nhưng không tiền, lại rất dễ gây tan vỡ hạnh phúc !”, tôi đáp
Mà để biết một niềm tin là đúng hay sai, thì cứ sống với niềm tin đó rồi cuộc đời sẽ điều chỉnh chúng ta từ từ. Nếu cái niềm tin đó gây cho chúng ta khổ đau và phiền não thì đó là tín hiệu để mình nên quan sát và điều chỉnh lại. Nhưng cái khó là có một số niềm tin cần cả đời để trải nghiệm, như trường hợp của ông anh tôi vậy.
Nên ở đời, có những cái khổ và nghịch cảnh là rất cần thiết, để chúng ta được lớn hơn, để tâm hồn này được mạnh mẽ hơn. Nhưng đôi lúc cũng chính nghịch cảnh đó, lại khiến cho một số tâm hồn lạc lối hơn.
Có những cái khổ dẫn ta đến con đường thoát khổ,
Nhưng cũng có cái khổ dẫn ta đến những đau khổ chồng chất hơn,
Niềm tin của chúng ta về cái gì, nó phản ánh trên cách chúng ta định nghĩa về nó,
Chúng ta định nghĩa nó như thế nào, thì chúng ta sẽ hành động như thế đấy,
Đó là tại sao tôi rất đề cao năng lực định nghĩa, vì nó kết nối trực tiếp với hệ thống niềm tin hiện có của chúng ta.
Hạnh phúc là gì, hôn nhân là gì, tiền bạc là gì, thành công là gì, mục đích cuộc đời này là gì v.v…
Mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta đều cần định nghĩa lại hết,
Định nghĩa đúng thì sẽ hành động đúng, anh em nên khắc ghi,
Như thế nào là đúng, anh em cũng phải định nghĩa cho thật kỹ.
Có một niềm tin mà khiến tôi luôn tự sửa mình mỗi ngày, đó là không có ai trong chúng ta mà có một hệ thống niềm tin hoàn hảo cả, không thiếu chỗ này thì hụt chỗ kia. Đó là tại sao hành trình trải nghiệm game đời của chúng ta rất khác nhau.
Chứ hệ thống niềm tin của ai đúng 100% thì đã là bậc Thánh Nhân rồi, nhưng để đợi đủ 100% để viết, để chia sẻ thì chắc còn rất lâu. Nên viết cũng là hình thức trải nghiệm, vừa viết, vừa tự nhìn lại mình, kèm với sự trợ duyên của bạn đọc nhiệt tâm, nên không nói ra thì ai mà biết mình sai để sửa cho mình.
Tôi tiếp xúc với ai, dù có va chạm hay mâu thuẫn về hệ thống niềm tin đến đâu, thì tôi cũng dành một sự tôn trọng cho người đó vì bản chất tôi hiểu được, những gì họ đã trải qua trong quá khứ có thể rất khốc liệt nên tâm hồn họ mới như vậy.
Có duyên gặp nhau trong cuộc đời này là có lý do cả, để chúng ta cùng điều chỉnh niềm tin cho nhau, để những tâm hồn yếu đuối này có cơ hội được mạnh mẽ hơn.
Chứ đừng để vì niềm tin của chúng ta khác nhau, rồi lại đẩy nhau ra xa rồi mất nhau, hoặc tệ hơn là thù ghét nhau thì thực sự rất bất hạnh anh em ah. Nếu chúng ta thấy được cái khổ của nhau thì hay biết mấy, vì mình khổ, họ cũng khổ, nên không muốn làm nhau khổ hơn nữa.
Một tâm hồn quá yếu đuối thì rất khó để phân biệt đúng sai, và cũng rất khó để tiếp nhận những niềm tin khác mình. Nên đã lạc lối thì lạc rất xa anh em ah.
Rồi nó lây từ đời mình xuống đời con mình, xuống đời cháu mình, thay vì anh em nên đối diện thẳng với những sai lầm của mình, những đau khổ và phiền não của mình… dù có thể nó sẽ gây rất nhiều vết thương trong tâm hồn anh em khi phải thay đổi nó.
Con đường sửa mình chưa bao giờ dễ dàng hết, nhưng bất kỳ lúc nào anh em thấy mình mệt mỏi quá thì hãy khích lệ mình như thế này,
Một tâm hồn mạnh mẽ đều phải trải qua nhiều nghịch cảnh, và kèm cả những vết thương rất lớn trong nó… để làm gì?
Để có chỗ trống cho ánh sáng chân lý có thể chiếu xuyên qua,
Cheers,
Bác 7B
—–
Hình của Johnson Tsang