Trong một dịp tình cờ, tôi đọc được quyển sách \”Zen in The Art of Archery\” (Thiền trong Nghệ thuật Bắn cung) của tác giả người Đức tên là Eugen Herrigel. Ông là một triết gia nổi tiếng của Đức, người có công truyền bá \”Thiền\” vào thế giới phương Tây. Qua cuốn sách này, tôi đã học được cách hướng sự tập trung vào mục tiêu của mình, đó là thực hành \”Zanshin\”.
Câu chuyện của tác giả bắt đầu từ thập niên 1920, khi đó một người Đức tên Eugen Herrigel đi đến Nhật Bản và bắt đầu quá trình tập luyện Kyudo (Cung đạo), một môn võ thuật bắn cung Nhật Bản. Herrigel được huấn luyện bởi huyền thoại cung đạo tên là Awa Kenzo. Sensei Kenzo tin rằng những người mới bắt đầu nên nắm vững các nguyên tắc cơ bản của bắn cung trước khi cố gắng bắn vào một mục tiêu thực sự và ông đã áp dụng phương pháp huấn luyện này cho các học trò của mình. Trong bốn năm đầu, Herrigel chỉ được phép bắn vào bó rơm cách ông khoảng 2m. Cuối cùng, khi Herrigel được phép bắn vào các mục tiêu ở xa hơn, màn trình diễn của ông quá tệ. Herrigel tin rằng vấn đề là do kỹ thuật ngắm bắn của ông quá yếu, nhưng Kenzo đã trả lời rằng vấn đề không phải do cách nhắm đến mục tiêu mà là cách tiếp cận mục tiêu mới quyết định kết quả. Không đồng ý với thầy, Herrigel buột miệng, \”Vậy thì thầy có thể bịt mắt bắn trúng mục tiêu không.\” Kenzo dừng lại một lúc rồi nói, \”Hãy đến gặp ta tối nay.\”
BỊT MẮT, BẮN CUNG
Câu chuyện tiếp diễn đến một đêm nọ, 2 người đàn ông quay lại sân tập bắn cung. Kenzo bước đến vạch bắn cung nhắm vào mục tiêu nằm đâu đó trong đêm tối ngoài kia. Vị sư phụ thủ thế, kéo căng sợi dây cung và bắn mũi tên đầu tiên vào màn đêm. Herrigel có viết lại trong sách: \”Khi nghe âm thanh phát lên là tôi đã biết thầy bắn trúng mục tiêu rồi\”.
Ngay sau đó, Kenzo kéo căng dây cung cùng mũi tên thứ 2 và tiếp tục bắn. Herrigel chạy qua sân tập để đến kiểm tra mục tiêu. Kết quả lần này ngoạn mục đến nỗi Herrigel đã viết trong sách rằng: \”Khi tôi rọi đèn lên mục tiêu, tôi ngạc nhiên phát hiện ra rằng mũi tên đầu tiên nằm trọn vào vòng tròn đen chính giữa bia bắn, trong khi mũi tên thứ hai cắm xuyên qua mũi tên thứ nhất.\”
NHẮM ĐẾN TẤT CẢ MỌI THỨ
Những cung thủ vĩ đại thường dạy rằng: \”mọi thứ đều ảnh hưởng đến việc nhắm mục tiêu .\” Vị trí các bạn đứng thủ thế, cách các bạn kéo căng dây cung, cách hít thở trong quá trình phát cung – chúng đều dùng để xác định được kết quả cuối cùng.
Trong trường hợp của Awa Kenzo, vị sư phụ này luôn chú tâm đến quá trình bắn ra một mũi tên chuẩn đến nỗi ông có thể lập lại chính xác chuỗi động tác đó để nhắm mục tiêu ngay cả khi không nhìn thấy. Nhận thức đầy đủ về toàn bộ cơ thể và tâm trí để nhắm đến mục tiêu được gọi là Zanshin.
Zanshin là một từ thông dụng trong các loại hình võ thuật truyền thống Nhật Bản đề cập đến một trạng thái tinh thần tỉnh táo và thoải mái. Zanshin dịch theo nghĩa đen là: \”tâm trí còn lại\”. Nói cách khác đó là trạng thái tâm trí của các bạn hoàn toàn tập trung vào hành động và hướng tới mục tiêu trong tầm tay. Zanshin là trạng thái tinh thần mà luôn nhận thức được cơ thể, tâm trí và môi trường xung quanh không gây căng thẳng cho bản thân. Đó là một sự tập trung cảnh giác thật tự như.
Ngoài việc được sử dụng trong tập luyện, Zanshin còn có một ý nghĩa sâu rộng hơn. Zanshin là trạng thái chọn sống có chủ đích và hành động có mục tiêu thay vì vô tâm vô tư để trở thành nạn nhân cho bất kỳ điều gì xảy đến với các bạn.
KẺ THÙ CỦA VIỆC CẢI THIỆN
Tôi lại nhớ đến một câu tục ngữ nổi tiếng của Nhật Bản, \”Ngay khi thắng trận, hãy buộc chặt mũ giáp\”.
Nói cách khác, trận đấu chưa dừng lại ngay cả khi các bạn đã chiến thắng. Tôi cho rằng trận đấu chỉ dừng lại khi các bạn trở nên lười biếng, khi các bạn đánh mất quyết tâm lúc ban đầu, và khi các bạn ngưng sự tập trung lại. Hãy nhớ: hành động với sự tỉnh táo bất kể mục tiêu đã đạt được hay chưa, đó cũng là yếu quyết của Zanshin. Chúng ta có thể áp dụng triết lý này vào bất cứ mảng nào trong cuộc sống của mình.
Đối với việc viết lách: cuộc chiến không dừng lại khi bạn đã xuất bản một cuộc sách hay đăng một bài viết lên FB. Nó kết thúc khi các bạn đã coi mình như là một sản phẩm hoàn chỉnh, khi các bạn mất đi sự cảnh giác cần thiết để tiếp tục cải thiện bài viết của mình.
Tập thể dục: Cuộc chiến không kết thúc khi các bạn đạt được cơ bắp hoàn hảo hay cơ thể cân đối mà mình mong muốn. Nó kết thúc khi các bạn mất tập trung mà bỏ qua các bài tập hoặc khi các bạn không còn tìm thấy quyết tâm để tập hay tập luyện quá sức, sai cách.
Trong kinh doanh: Cuộc chiến không kết thúc khi các bạn ký xong một hợp đồng lớn. Nó kết thúc khi các bạn trở nên ngày càng tự mãn về thành công của mình.
Kẻ thù của \”cải thiện\” không phải là thất bại cũng không phải là thành công. Kẻ thù của \”cải thiện\” là sự buồn chán, mệt mỏi và thiếu tập trung. Kẻ thù của \”cải thiện\” là không tuân thủ cam kết cho tới cùng bởi vì quá trình hoàn thành cam kết đó mới là tất cả.
THỰC HÀNH NGHỆ THUẬT ZANSHIN MỖI NGÀY
“Một người nên chuẩn bị cho mọi hoạt động và tình huống với cùng một sự chân thành, cùng cường độ và cùng nhận thức mà người đó có được với cung và tên trong tay.”
Kenneth Kushner, một master về “thiền học” của Đại học Wisconsin, Hoa Kỳ, viết trong tác phẩm “One Arrow, One Life” (Một mũi tên, một cuộc đời)
Tôi và các bạn, chúng ta ngày nay sống trong một thế giới bị ám ảnh bởi việc chú trọng vào một kết quả phải thấy được ngay. Chúng ta có xu hướng quá chú trọng vào việc liệu chúng ta bắn mũi tên có trúng đích hay không. Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt cường độ, sự tập trung và sự chân thành vào quá trình bắn tên – nơi chúng ta thủ thế, cách chúng ta cầm cung, cách chúng ta thở trong khi thả mũi tên – thì việc bắn trúng hồng tâm chỉ đơn giản như game.
Trọng điểm không phải là lo lắng về việc có bắn trúng mục tiêu hay không. Trọng điểm là yêu thích sự buồn chán trong khi đang làm cùng một công việc mỗi ngày và thấu hiểu từng phần trong quá trình làm việc này. Trọng điểm là phải nắm bắt khoảnh khắc mà các bạn hoàn toàn nhận thức và tập trung cao độ, và mang nó theo các bạn mọi lúc mọi nơi.
Các bạn hãy nhớ, mục tiêu không quan trọng. Vạch đích cũng không quan trọng. Quan trọng là cách mà chúng ta tiếp cận mục tiêu tiêu. Nên nhớ, mọi thứ đều hướng tới mục tiêu. Zanshin!