Đôi khi, ta bị lừa dối bởi ý nghĩ rằng vấn đề trong tình yêu phải thật lớn lao mới đáng để mình chú tâm. Chẳng hạn, ta nghĩ rằng muốn dành ra hai tiếng trò chuyện thì phải bàn về chuyện tài chính tương lai, mục đích sống hay, biết đâu, là ý nghĩa của Chúa trời.
Nhưng các cặp đôi hạnh phúc lại biết một sự thật khiêm tốn và thậm chí có chút hài hước hơn. Họ hiểu rằng những cuộc cãi vã nghiêm trọng thường bắt nguồn từ những “chuyện nhỏ như con thỏ” – như ai sẽ trả lời tin nhắn trước, ai sẽ chạm tay ai đầu tiên, hay một tách trà uống xong sẽ ra sao.
Đặc biệt, những cặp đôi “trí thức cao” lại càng dễ sa vào cái bẫy này, khi họ cho rằng mình chỉ nên bận tâm về những chuyện “đáng bàn” mà thôi. Tại sao những người như họ lại phải dính vào chuyện bát đĩa lặt vặt? Sao phải dành cả buổi tranh luận về thời gian trả lời tin nhắn? Trí óc họ hướng đến những điều to tát như chính trị, xã hội, và xa rời những thứ nhỏ nhặt như chuyện nhà cửa, gia đình; lòng kiêu hãnh không cho phép họ nghĩ rằng mối quan hệ có thể rạn nứt vì những chuyện tưởng chừng nhỏ xíu.
Và thế là họ buông những câu đầy nguy cơ: “Chuyện này có gì đáng nói đâu” hay “Chẳng lẽ không có gì quan trọng hơn để bàn sao?”. Họ quên rằng, đôi khi, sự đổ vỡ trong hôn nhân cũng nghiêm trọng chẳng kém, và thường bắt đầu từ những lần căng thẳng tưởng chừng vô nghĩa bên một chiếc tách trà mà họ bỏ qua không bàn tới.
Thực ra, ta đâu chỉ đang than phiền về một cái tách trà uống xong còn sót lại. Đó là câu chuyện về sự vô tâm hay lơ là đã len lỏi, bám vào một món đồ bỏ quên trong nhà. Hay, việc một tin nhắn mãi không thấy đâu cũng không đơn giản chỉ là chuyện tin nhắn; đó là một thông điệp nho nhỏ nhưng đầy ý nghĩa về cách đối phương đáp ứng nhu cầu tình cảm của ta.
Ở vài lĩnh vực khác, ta lại dễ dàng chấp nhận rằng những chủ đề lớn có thể lẩn khuất trong từng chi tiết nhỏ. Ta không trách một họa sĩ dành vài tháng chỉnh sửa từng sắc độ của bầu trời trên tranh. Ta không cằn nhằn khi một nhạc sĩ tốn nửa năm để hoàn thiện những khoảnh khắc nhỏ trong một bài hát ba phút.
Vậy tại sao trong tình yêu, lại nghĩ rằng sự tinh tế hay công sức là dư thừa? Tại sao lại không thể dành hai tiếng – thậm chí bốn tiếng, hay mười tiếng – để cùng nhau gỡ rối một câu nói vu vơ hay một chiếc khăn để sai chỗ?
Trong một thế giới lý tưởng, các cặp đôi sẽ được khuyên rằng nên thường xuyên đi ăn tối và cùng nhau bàn bạc về “Chuyện Nhỏ Nhặt Nhưng Đáng Nói.” Họ sẽ được khuyến khích mở lòng, kể ra những điều tưởng chừng rất tầm thường nhưng lại đọng lại những cảm xúc sâu xa trong lòng mỗi người. Những lần thảo luận tỉ mỉ như thế nghe có vẻ chẳng lãng mạn, nhưng lại chính là điều giúp duy trì và làm bền vững tình yêu một cách chân thật nhất.
Khi bước vào tình yêu, những ai thực sự trưởng thành đều hiểu rằng ta không thể tránh khỏi sự nhạy cảm – như một đứa trẻ thơ. Có khi chỉ vì một chữ “x” biến mất trong email, hay một cuộc trò chuyện kết thúc mà thiếu đi câu “Anh yêu em” quen thuộc, ta đã thấy lòng trĩu nặng và đôi khi muốn òa khóc. Đừng tự làm mình thêm bẽ bàng bằng cách cố gắng phớt lờ đi những điều ấy. Trong tình yêu, việc không hề xao động là không thể nào. Cách duy nhất để ngăn những vấn đề lớn bùng nổ, lại là tập trung thật kỹ lưỡng – và đôi chút hài hước – vào những vấn đề nhỏ nhất.
Tranh: Harold Knight, In the Spring Time, c. 1908-9
Nguồn: There Are No Small Issues in Love – The School of Life