Cũng biết rằng đây là giai đoạn khó khăn của đất nước nói chung và cá nhân nói riêng, nên không thể tránh khỏi những cảm xúc, tâm trạng tiêu cực. Dù cuộc sống vẫn còn đó khó khăn, nhưng bản thân mình vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc, tìm thấy niềm vui nơi những điều nhỏ nhặt. Nay mình viết bài này, mong muốn lan tỏa đến các bạn một vài niềm vui nho nhỏ, hy vọng sẽ phần nào xoa dịu những mệt mỏi, tổn thương trong tâm hồn của các bạn. Chính vì những lý do nêu trên, nên đây sẽ giống một lời tâm sự hơn là một bài viết về tu thân, các bạn nhớ phản hồi để lan tỏa lại niềm vui với Tuệ he.
Đầu tiên, cần phải làm rõ rằng, mình không hề chối bỏ những cảm xúc tiêu cực – những nốt trầm trong bản nhạc của cuộc đời. Bởi “có bình yên nào không xót xa”, thực ra, nhờ những nốt trầm, những năm tháng cơ cực này mà chúng ta biết trân trọng hơn, cảm nhận trọn vẹn hơn vẻ đẹp của những nốt thăng, của những tháng ngày bình yên. Chính vì thê,s nếu bạn đang có những cảm xúc tiêu cực, không sao cả, đừng trốn tránh, cũng đừng đè nén, hãy dũng cảm đối mặt với chúng, để nhận ra rằng, sự vất vả kia không kinh khủng như chúng ta tưởng tượng. Mình nói thiệt đó, nếu vẫn cảm thấy chưa hài lòng thì bạn đọc lại bài “Khổ” của mình trong link sau: https://www.facebook.com/nhutuee/posts/109369371235656
Còn những cảm xúc tích cực thì sao? Chắc hẳn các bạn sẽ nói rằng, dĩ nhiên là tận hưởng thôi, ai mà chẳng biết câu trả lời cơ chứ. À thì đúng là như vậy, cảm xúc tích cực thì cứ an nhiên, nhẹ nhàng dang tay đón nhận là được. Nhưng chẳng biết bạn có nhận ra giống như mình hay không, dường như con người hiện đại nói chung và người lớn chúng ta nói riêng dường như đã quên mất cách mở ra cánh cửa của niềm hạnh phúc đang luôn ở bên mình, nói đúng hơn là chúng ta đã đóng kín chúng tự bao lâu rồi cũng nên.
Tại sao mình nói như thế, là bởi vì dẫu cho chúng ta sở hữu bao nhiêu điều kiện của hạnh phúc, có thể kể đến là một cơ thể lành lặn với sáu căn đầy đủ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), một nơi để trở về, thực phẩm để ăn, những trang thiết bị, phương tiện trợ giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, có thể kể đến là xe máy – giúp bạn đi xa hơn, nhanh hơn, đỡ tốn sức hơn, cái điện thoại – giúp bạn ghi lại những khoảnh khắc, giữ liên kết với những người thân, phát ra những giai điệu du dương mà bạn luôn yêu thích, bếp gas, lò nướng, cây quạt máy, chiếc tủ lạnh… Bao nhiêu là điều kiện của hạnh phúc như vậy, mà chúng ta vẫn cứ luôn dửng dưng, cô lập bản thân trong mớ cảm xúc tiêu cực thì thật là phí.
Thật khó để mà hạnh phúc khi chúng ta luôn khao khát những gì mình không có. Nhưng thật dễ để hạnh phúc khi chúng ta luôn khát khao những điều mình đang sở hữu.
Một cách hay hay để khao khát những điều đang sở hữu chính là tưởng niệm lần cuối – như mình đã bàn ở chap 1, hãy hình dung thật rõ ràng, đầy đủ về những cảm xúc khi bạn mất đi những thứ mình đang có.
Thử tưởng tượng nếu ngày mai chiếc xe của bạn bị hỏng hay ai đó cướp mất, chiếc điện thoại sập nguồn rồi ra đi vĩnh viễn… chắc bạn sẽ đau lòng lắm nhỉ, nhưng giờ, lúc đang sở hữu chúng, bạn lại dửng dưng như không. Chao ôi, thật là vô ơn mà. Đọc đến đây thì bạn nên thầm cảm ơn, nâng niu chiếc điện thoại, laptop của mình đi, và ngày mai nhớ tắm cho chiếc xe gắn bó với mình bao nhiêu năm trời, đi thay nhớt nữa.
Tới đây thì mình chợt nhớ về lời ước của nhà văn người Pháp, mình không nhớ rõ lắm, nhưng có lần bà ước toàn thế giới đều bị mù trong một năm hay vài tháng, để giải thích cho mong muốn kỳ quặc này của mình. Bà kể rằng, một người bạn của bà vừa trở về từ chuyến du lịch rừng nguyên sinh và họ bảo “chẳng có gì vui cả”. Nhận được câu trả lời này, bà cảm thấy rất vô lý, bởi vì bản thân bà, một người bị mù, nhưng mỗi khi có cơ hội ở cùng thiên nhiên, bà luôn cảm thấy thiêng liêng đến kỳ lạ, đôi lần bà còn cảm thấy kinh ngạc trước một chiếc lá, phải chăng có một bàn tay kỳ diệu của Tạo Hóa đã sắp xếp những vân lá một cách hoàn hảo như vậy. Rồi những tiếng chim líu lo, tiếng gió xào xạc, tiếng con dế kêu trong hang nhỏ… mỗi âm thanh đều có cho mình một giai điệu, âm sắc riêng. Bà ước rằng mình có thể ngắm nhìn những điều này một lần nữa, nhưng điều này chẳng có thể xảy ra, nhưng vẫn may mắn khi bà có thể cảm nhận bằng các giác quan còn lại.
Bạn thấy đó, cho đến khi mất đi thị giác của mình, con người mới nhận ra trước đây mình hạnh phúc biết nhường nào. Hãy cảm thấy biết ơn cuộc đời vì ở bạn vẫn có thể ngắm nhìn gương mặt yêu dấu của người thân, vẫn có thể đón nhận vẻ đẹp của áng mây trôi lững lờ trên bầu trời xanh thẳm, hay cảm nhận sự trong lành của một buổi sớm bình minh rực rỡ cạnh người bạn đời của mình bằng đầy đủ các giác quan.
Suy niệm về lần cuối có thể ứng dụng lên các giác quan, sức khỏe của bản thân, để từ đây, chúng ta biết trân trọng hơn món quà vô giá mà cha mẹ cùng thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta – cơ thể vàng ngọc này. Từ đó tránh khỏi những con đường tự hủy như pỏn suk, rượu bia, thuốc lá, thức khuya, game… hướng về một cuộc sống lành mạnh, vui tươi, bình dị.
Cuối cùng, bạn sẽ làm gì vào hôm nay nếu biết rằng ngày mai tỉnh dậy bạn không còn nhìn thấy gì nữa?
Chúc bình an ở cùng các bạn!
Thân ái!
Như Tuệ.