Socrates, người được coi là “ông tổ” của trường phái Khắc Kỷ, nổi tiếng với câu nói rằng con người chỉ làm điều sai trái vì vào thời điểm đó, họ tin rằng đấy là điều đúng đắn. Tại phiên tòa xét xử mình, ông lập luận rằng nếu ông có làm hư hỏng giới trẻ như bị cáo buộc, thì đó hẳn là do vô tình, bởi ông luôn hiểu rằng làm hư hỏng giới trẻ, hay bất kỳ ai khác, cũng đồng nghĩa với việc làm hại chính mình. Do đó, nếu ông có làm sai, thì thành phố và các bồi thẩm nên giáo dục chứ không nên trừng phạt ông.
Trong quan hệ với người khác, hãy nhớ rằng, trong suy nghĩ của họ, họ chỉ đang làm những gì họ cho là đúng hoặc tốt nhất. Họ, cũng giống như chúng ta, đang hành động dựa trên giới hạn hiểu biết của mình, bởi vì đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm, không hơn cũng không kém.
Đôi khi, việc giáo dục là không thực tế hoặc không thể thực hiện được. Nhưng ngay cả khi chúng ta phải trừng phạt ai đó, hành động này không nên là người khác, mục đích không bao giờ nên là để trả thù mà chỉ nên là để giúp họ cải thiện. Có một câu chuyện kể rằng, Plato từng định đánh một người nô lệ nhưng rồi đột ngột dừng lại.
Vài giờ sau, khi một học trò thấy ông vẫn giữ nguyên tư thế đó, ông nói, “Ta đang trừng phạt một người đang nổi giận.” Trong một câu chuyện khác, Plato trong lúc nóng giận đã yêu cầu cháu trai mình là Speussipus đánh một người nô lệ không vâng lời thay cho ông, và giải thích rằng một nô lệ không nên bị kiểm soát bởi một người thậm chí còn không kiểm soát được chính mình.
Vậy nên, nếu chúng ta vẫn quyết tâm trả thù, chúng ta không cần phải làm vấy bẩn tay mình mà chỉ cần để cho vận mệnh, vốn thường đứng về phía cái thiện, lo liệu. Cái chết, nếu không có gì khác xảy ra trước đó, sẽ giải quyết những bất bình của chúng ta và chôn vùi kẻ thù của chúng ta trong sự tầm thường của chính họ.