Từ thuở nhỏ, chúng ta đã được dạy rằng một trong những mối nguy lớn nhất đối với phẩm giá và sự phát triển của bản thân chính là sự ích kỷ. Chúng ta phải – bất cứ khi nào có thể – học cách nghĩ nhiều hơn cho người khác, cố gắng đặt mình vào vị trí của họ, và nhận ra những cách lớn nhỏ mà ta vô tình gây thiệt thòi hoặc lờ đi lợi ích chung. Làm người tốt, về cơ bản, nghĩa là đặt người khác vào trung tâm của cuộc đời mình.
Nhưng với một số người trong chúng ta, vấn đề không phải là ta không nghe lời khuyên đó, mà là ta tiếp thu nó quá chặt chẽ, quá nghiêm khắc. Vì quá sợ hãi sự ích kỷ, ta lại rơi vào một nguy cơ đối lập: đánh mất chính mình. Ta sống với một sự khiêm nhường đến mức gần như tự xóa bỏ bản thân, với một phản xạ mặc định là nhường hết mọi thứ cho người khác, ngại ngùng khi phải đấu tranh vì mình, và không thể nói lời từ chối hay gây ra dù chỉ một chút khó chịu cho bất kỳ ai.
Kết quả là, nhờ cái tài “vị tha” của mình, ta nhồi kín lịch trình bằng những lời hứa hẹn với những người làm ta mệt mỏi và chán nản. Ta bám lấy những công việc không tận dụng được tài năng thực sự của mình. Ta ở lại quá lâu trong những mối quan hệ với những người lừa dối, làm phiền và, một cách tinh vi (thậm chí là ngọt ngào một cách giả tạo), lợi dụng ta không thương tiếc. Rồi một sáng nọ, ta tỉnh dậy và nhận ra phần lớn cuộc đời mình đã trôi qua, những năm tháng đẹp nhất đã lặng lẽ rời xa, chẳng ai thực sự biết ơn cho những hy sinh mà ta từng nghĩ là cao quý. Ta chợt nhận ra rằng không hề có phần thưởng nào trên thiên đàng cho sự nhún nhường mù quáng ấy, và ta cảm thấy tức giận với chính mình vì đã nhầm lẫn giữa sự chịu đựng, nhẫn nhịn với lòng tốt.
Ưu tiên của chúng ta lúc này là tìm lại nguồn sức mạnh ích kỷ tiềm ẩn bên trong. Dẫu rằng chữ “ích kỷ” nghe thật đáng sợ, bởi từ nhỏ chúng ta không được dạy cách phân biệt – mà lẽ ra ta nên làm – giữa những dạng ích kỷ tốt và xấu. Một bên là kiểu ích kỷ bần tiện, bóc lột và hạ thấp người khác, hành xử mà không màng đến giá trị cao cả nào, cố tình lờ đi nhu cầu của người khác bằng sự nhẫn tâm và thờ ơ. Bên kia lại là kiểu ích kỷ mà ta cần có để đạt được những điều ý nghĩa, mang lại cho ta lòng dũng cảm để ưu tiên những điều quan trọng của chính mình giữa vô vàn chuyện vụn vặt đời thường. Đó là kiểu ích kỷ giúp ta mạnh dạn bảo vệ lợi ích của mình với những người tuyên bố rằng họ yêu thương ta. Và đôi khi, chính nó giúp ta từ chối những đòi hỏi dai dẳng – không phải để làm ai tổn thương, mà để gìn giữ nguồn năng lượng quý giá, để rồi từ đó, ta có thể đóng góp cho cuộc đời theo cách tốt đẹp nhất.
Với một triết lý ích kỷ đúng nghĩa, ta có thể đấu tranh để có được một giờ mỗi ngày cho chính mình. Ta có thể làm những điều dễ bị gắn mác “tự nuông chiều” – như tham gia liệu pháp tâm lý ba lần một tuần hay viết một cuốn sách – nhưng thực chất lại là điều thiết yếu để nuôi dưỡng tinh thần. Ta có thể tự mình lên đường đi du lịch, bởi đã có quá nhiều chuyện xảy ra và ta cần không gian tĩnh lặng để suy ngẫm. Ta sẽ không thể thực sự mang lại điều tốt đẹp cho bất kỳ ai nếu ta không chăm sóc những nhu cầu sâu thẳm của chính tâm hồn mình. Thiếu đi sự ích kỷ này, ta rất dễ rơi vào con đường của những người sống kiệt quệ, cay đắng, và cuối cùng trở thành kẻ khó ưa trong mắt mọi người.
Triết học Hindu có thể là một kim chỉ nam hữu ích ở đây, bởi nó chia cuộc đời con người thành bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn mang một vai trò và trách nhiệm riêng biệt. Giai đoạn đầu tiên là thời niên thiếu học hành (gọi là Brahmacharya), giai đoạn thứ hai là người trụ cột gia đình và làm cha mẹ (Grihastha), giai đoạn thứ ba là bậc ông bà, bán lui về vai trò cố vấn (Vanaprastha). Nhưng giai đoạn thú vị nhất chính là giai đoạn thứ tư: Sannyasa. Đây là thời điểm – sau nhiều năm phụng sự gia đình, công việc và xã hội – ta rũ bỏ mọi ràng buộc trần thế để tập trung phát triển khía cạnh tâm hồn và tinh thần.
Ở giai đoạn Sannyasa, ta có thể bán ngôi nhà, lên đường đi đây đi đó, phiêu du khắp thế giới để học hỏi, trò chuyện với người lạ, mở rộng tầm mắt và nuôi dưỡng tâm trí. Lúc này, ta sống một cuộc đời giản đơn – có thể bên bãi biển hay dưới chân núi. Ta ăn những món ăn đạm bạc, sở hữu rất ít đồ đạc, cắt đứt liên lạc với những ai không mang lại cho ta điều gì liên quan đến tâm linh, với những người sống quá vội vàng hay chỉ mải mê toan tính. Thay vào đó, ta chỉ giữ quanh mình những ai dành nhiều thời gian suy ngẫm về ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Điều sâu sắc trong cách phân chia cuộc đời này nằm ở chỗ nó thừa nhận rằng lối sống theo tinh thần Sannyasa không thể phù hợp với tất cả mọi người, cũng không thể áp dụng vào mọi thời điểm. Nhưng đồng thời, không một cuộc đời ý nghĩa nào lại có thể trọn vẹn nếu thiếu đi một phiên bản nào đó của nó. Có những năm tháng ta buộc phải cúi đầu miệt mài học tập, những năm tháng phải tận tụy nuôi dạy con cái, phải tích lũy tài sản để xây dựng nền móng cuộc sống. Nhưng cũng có những năm tháng – quan trọng không kém – khi ta cần phải thẳng thắn nói “đủ rồi.” Đủ với những đòi hỏi vật chất phù phiếm. Đủ với những ràng buộc tình ái rắc rối. Đủ với những ganh đua địa vị và những vòng xoáy giao tiếp xã hội.
Và thay vào đó, ta cần học cách hướng tâm trí mình vào bên trong và vươn lên những tầm cao tinh thần.
Không cần khoác lên mình chiếc áo cà sa màu cam của các Sannyasa trong đạo Hindu, cũng chẳng cần để lộ ra nhiều dấu hiệu rõ rệt về sự chuyển mình này, mỗi chúng ta đều có thể thực hiện một bước ngoặt tâm lý, bước vào một giai đoạn tập trung vào nội tâm nhiều hơn. Ta có thể nhẹ nhàng truyền tải với những người xung quanh rằng mình không hề lười biếng, điên rồ hay vô cảm – ta chỉ cần một khoảng lặng, một khoảng thời gian để dừng lại những điều mà xã hội luôn mong đợi ta phải làm.
Bởi lẽ, để thực sự sống trọn vẹn và thực hiện được lời hứa sâu sắc nhất với chính mình, đôi khi điều cần thiết nhất chính là dứt bỏ một quan niệm mà tưởng chừng như khôn ngoan, nhưng thực chất chỉ là bề nổi: luôn đặt người khác lên trước.
Nguồn: LEARNING TO BE MORE SELFISH – The School Of Life