Tôi bắt đầu viết blog vào năm 2015, ở tuổi 28. Đó là khởi đầu cho sự nghiệp viết lách của tôi, và khi ấy tôi cũng vừa chuyển về sống với bố mẹ để tiết kiệm tiền.
Trước đó, tôi từng làm việc cho một công ty nghiên cứu về công nghệ thông tin. Tôi cũng từng khởi nghiệp vài lần, trong đó có công ty dịch vụ giặt ủi cùng bố đến nay vẫn hoạt động tốt.
Thế nhưng với bất kể lựa chọn con đường sự nghiệp nào, tôi cũng cảm thấy không thực sự phù hợp. Tôi không cảm thấy đam mê với những công việc đó.
Đến năm 2015, tôi hoàn toàn bối rối về định hướng tương lai. Đó là lúc tôi bắt đầu dốc lực học hành và chỉ trong vòng hai năm, tôi đã biết chắc chắn mình muốn làm gì trong cả quãng đời còn lại.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều và cũng dạy tôi nhiều bài học có giá trị. Giờ đây, khi đã hiểu được những điều quan trọng này ở tuổi 30, đôi khi tôi lại tự hỏi mình: “Nếu tôi biết những điều này từ những năm tuổi 20 thì sao nhỉ?”
Mặc dù tôi không có cỗ máy thời gian, nhưng bằng việc chia sẻ những bài học này với các bạn, tôi hy vọng rằng mình có thể giúp các bạn tiết kiệm được thời gian.
Dưới đây là 5 điều mà tôi ước mình đã biết trước tuổi 30 và 3 kênh YouTube tiếng Việt về Chủ nghĩa Khắc Kỷ mà tôi hay nghe.
1. Nhu cầu làm hài lòng người khác lớn hơn rất nhiều so với bạn nghĩ hoặc thừa nhận.
Bất kỳ ai sử dụng mạng xã hội, ngay cả vì mục đích công việc, đều phải đối mặt với nhu cầu theo đuổi lượt thích, chia sẻ và bình luận. Có một động lực vô hình bên trong thúc đẩy chúng ta làm mọi việc chỉ với mục đích nhằm khoe khoang với người khác.
Marcus Aurelius đã từng nói rất hay về điều này: “Tất cả chúng ta đều yêu bản thân mình hơn những người khác, nhưng lại quan tâm đến ý kiến của họ hơn chính mình.” Sự thật là chúng ta luôn phụ thuộc vào người khác: nhân viên cần mối quan hệ tốt với cấp trên (và ngược lại), doanh nghiệp cần khách hàng, người sáng tạo cần người theo dõi. Chúng ta cần phải biết quan tâm đến người khác, nhưng không cần phải trở thành kẻ làm hài lòng tất cả mọi người.
Điểm mấu chốt ở đây là ranh giới: Quyết định những gì bạn không thể thương lượng được. Và hãy kiên định với chúng.
👉 Sếp bạn muốn bạn túc trực điện thoại 24/7, nhưng cả hai đã đồng ý rằng bạn chỉ cần tuân theo giờ làm việc? Vậy thì hãy khẳng định việc chỉ cần tuân theo giờ làm việc với sếp.
👉 Bạn bè nghĩ bạn thay đổi vì bạn không còn thích những hoạt động từng làm cùng họ? Hãy xem bạn và bạn bè có còn cùng chí hướng trong cuộc sống hay không; có khả năng cao là bạn sẽ cần gặp gỡ những người mới.
👉 Khách hàng nói rằng họ ghét sản phẩm của bạn? Hãy xem bạn có đang tạo ra những sản phẩm với mục đích xem khách hàng là đích đến không. Bạn có thể đang tập trung cho sai đối tượng hoặc cần điều chỉnh thông điệp truyền thông.
Hãy dứt khoát về những điều đó. Hãy coi trọng ý kiến của bản thân và tin vào trực giác của bạn. Khi ngừng tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác quá nhiều, chúng ta sẽ trở thành chính mình. Hãy thành thật với bản thân, phát huy điểm mạnh và cải thiện điểm yếu, điều này sẽ giúp bạn trở nên tốt hơn về mọi mặt.
2. Nếu bạn chưa bắt tay vào làm thì mục tiêu lớn cũng chỉ là lý tưởng hóa quá mức.
Nhiều người sống cuộc đời của họ ngập tràn những suy nghĩ, “Giá như…”. Giá như bạn viết một cuốn sách? Hoặc theo đuổi đam mê toàn thời gian? Hoặc khởi nghiệp? Nhưng với những mục tiêu lớn, có một vấn đề được đặt ra là mọi người có phải đang quá mơ mộng về đó mà quên mất điều quan trọng nhất: “Đây có thật sự là thứ bạn muốn?”
Seneca từng nói: “Nếu người ta không biết mình đang chèo thuyền đến bến cảng nào thì bất kỳ cơn gió nào cũng là thứ bất lợi.” Nói cách khác, nếu bạn không biết mình muốn gì trong cuộc sống, thì không gì có thể đưa bạn đến đích được. Bạn có thể có tất cả những thuận lợi trên đời nhưng vẫn chẳng đi đến đâu.
Bí quyết để sống một cuộc sống trọn vẹn, phù hợp với các giá trị và nguyện vọng của bạn là hiểu chính mình. Điều này bắt đầu bằng việc nhận thức sâu sắc về bản thân, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, những giá trị và cả sự đam mê của mình. Khi chúng ta sắp xếp các yếu tố then chốt này, chúng ta sẽ khai mở được tiềm năng của bản thân.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Chúng ta cần chủ động trong quá trình phát triển bản thân, nhấn mạnh việc học hỏi và thích nghi liên tục.
Vì vậy, chúng ta cần chấp nhận những điều không thoải mái và tìm kiếm những trải nghiệm thử thách bản thân. Hãy nhớ rằng, con đường khám phá bản thân không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng bằng cách chịu trách nhiệm về sự phát triển của mình, chúng ta có thể đưa cuộc sống lên những tầm cao mới.
3. Mẹo vặt và những bí quyết “đi đường tắt” sẽ không thể tồn tại qua những thử thách khắc nghiệt.
Nhưng kỹ năng thì hoàn toàn có thể. Khi ChatGPT, Midjourney và các công cụ AI khác ra đời, những cuộc bàn luận về việc tác giả và nghệ sĩ mất việc bắt đầu tràn ngập trên internet. Nhưng theo thời gian, chúng ta có thể thấy rằng, các công cụ AI này hóa ra lại hữu ích hơn là có hại. Những công cụ này cho chúng ta thấy rằng, những người có kỹ năng viết lách cao sẽ không bị cho ra rìa, mà ngược lại, sẽ cải thiện được nhiều điểm hơn nhờ vào việc sử dụng các công cụ này. Những người viết bằng những nội dung rẻ tiền thì không thể cạnh tranh được với sự tiên tiến của AI. Nhưng miễn là con người còn tìm kiếm những nội dung tuyệt vời và mang tính cá nhân cao, thì những nhà văn có tay nghề cao vẫn luôn được săn đón.
Như Seneca đã nói: “Những gì mà số phận không ban tặng, thì nó cũng không thể lấy đi.” Mọi nghề nghiệp đều cần một chút may mắn để có thể thành công rực rỡ. Chỉ có kỹ năng cao thôi là chưa đủ. Bạn cũng cần phải có mặt đúng lúc, đúng thời điểm. Nhưng có ai quan tâm chứ, miễn là chúng ta có sự hài lòng và một sự nghiệp đủ đầy?
Sự thật là may mắn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Điều chúng ta có thể kiểm soát được là mức độ thành thạo các kỹ năng của mình. Khi bạn có kỹ năng cao, bạn sẽ luôn tìm được công việc tốt bất chấp những thăng trầm của nền kinh tế.
4. Cuộc sống chỉ trôi qua quá nhanh đối với những người không biết dừng lại để nhìn nhận mọi thứ.
Lần cuối cùng bạn thật sự nghỉ ngơi là khi nào? Thực sự nghỉ ngơi và không làm gì trong một thời gian? Hãy cân nhắc tất cả những thứ đang chiếm dụng thời gian của bản thân mình – công việc, việc nhà, việc vặt linh tinh và những nghĩa vụ xã hội. Chỉ riêng những công việc này đã chiếm đến 90% cuộc sống của chúng ta.
Luôn có việc để lấp đầy thời gian của chúng ta. Nhưng chúng ta càng làm nhiều, thời gian dường như trôi qua càng nhanh. Và chúng ta khiến nó tồi tệ hơn bằng cách luôn hướng về phía trước, lên kế hoạch, vạch chiến lược và lo lắng về những điều có thể xảy ra.
Quá tập trung vào tương lai hoặc quá bị mắc kẹt trong quá khứ khiến chúng ta quên mất rằng cuộc sống đang diễn ra ngay tại đây, trước mắt chúng ta. Seneca đã từng nói đến điều này: “Cuộc sống thật ngắn ngủi và đáng lo ngại cho những kẻ bỏ quên quá khứ, bỏ mặc hiện tại và sợ hãi tương lai.”
Bằng cách viết nhật ký, thiền, hoặc đơn giản là chỉ ngồi yên tĩnh và suy ngẫm, chúng ta đã có thể cho mình thời gian và không gian cần thiết để xử lý mọi thứ, và khiến thời gian trôi qua với một tốc độ dễ dàng kiểm soát hơn.
5. Những bước đi nhỏ bạn thực hiện ngay bây giờ sẽ tạo ra tác động lớn hơn những bước nhảy vọt mà bạn đang lên kế hoạch
“Tôi sẽ bắt đầu tập thể dục sau khi điều chỉnh chế độ ăn uống và có thêm thời gian.” Nghe quen chứ? Còn câu kinh điển này thì sao: “Tôi sẽ đầu tư khi kiếm được X số tiền.”
Mọi người thường suy nghĩ về mục tiêu trong tương lai xa vời. Vì vậy, họ hiếm khi cố gắng làm bất cứ điều gì nhỏ nhặt nào ngay hôm nay. Nhưng khi bạn thực sự suy nghĩ về nó, bạn sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn bằng cách thực hiện một việc nhỏ một cách kiên trì. Epictetus đã từng nói: “Sự tiến bộ không đạt được nhờ may mắn hay ngẫu nhiên, mà nhờ việc rèn luyện bản thân mỗi ngày.”
Bắt đầu từ những việc nhỏ và kiên trì thực hiện những điều giúp bạn cảm thấy gần hơn với mục tiêu. Bằng cách đó, cuối cùng bạn sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn những bước nhảy vọt vào đúng thời điểm.
Ví dụ:
👉 Muốn trở nên khỏe mạnh hơn? Bắt đầu bằng việc đi bộ 15 phút mỗi ngày. Và hãy đảm bảo rằng một trong các bữa ăn hàng ngày của bạn có nhiều rau xanh.
👉 Muốn nghỉ hưu thoải mái? Dành ra ít nhất 10% thu nhập hàng tháng để đầu tư cho toàn bộ sự nghiệp của bạn.
Khi bạn muốn làm điều gì đó, hãy cố gắng không ám ảnh bởi những mục tiêu tham vọng (như chế độ ăn uống siêu nghiêm ngặt hoặc các cam kết đầu tư không bền vững). Thay vào đó, chỉ cần thực hiện một việc nhỏ và thực hiện nó một cách kiên trì.
Đó là sức mạnh của sự tích lũy. Những nỗ lực nhỏ bé của bạn sẽ tích lũy theo thời gian… và cuối cùng dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc.