Nhắc đến kim tự tháp, chắc ai trong chúng ta cũng đều liên tưởng đến những công trình vĩ đại của văn minh Ai Cập cổ đại. Đúng vậy, xây dựng bởi Imhotep – kiến trúc sư của Pharaoh Djoser vương triều thứ ba. Cho đến nay nhiều kim tự tháp vẫn còn tồn tại và con người vẫn không ngừng nghiên cứu về cấu trúc và khả năng bền vững bậc nhất của hình tháp này. Cũng vì vậy mà mô hình trực diện của kim tự tháp thường được dùng để diễn giải trong khoa học, đúng theo kết cấu của nó thể hiện một phần đáy vững chắc, phân theo từng lớp cho đến đỉnh chóp. Có nhiều mô hình kim tự tháp như là tháp nhu cầu, chế độ dinh dưỡng, sản xuất, toán học, vật lý, chính trị, tôn giáo,…v..v. Hôm nay tôi muốn nói về mô hình tháp tài sản trong lộ trình tài chính của bạn!
1. Tại sao lại cần tháp tài sản?
Bạn có thể là một người kiếm tiền giỏi, nhưng nếu bạn không phân bổ dòng tiền hợp lý vào các lớp tài sản của của mình thì cũng như “gió vào nhà trống”. Để đạt được mục tiêu tự do tài chính, việc xác định các lớp tài sản để phân bổ dòng tiền, giúp tối ưu hóa lợi nhuận và hạn chế rủi ro bất ngờ là yếu tố không thể thiếu nhưng chắc hẳn cũng ít ai để tâm đến.
Tháp tài sản là một mô hình phân bố tài sản giúp bạn hướng đến mục tiêu tài chính cuối cùng. Tháp tài sản gồm nhiều lớp, bạn phải đi đúng thứ tự, từ nền móng cho đến đỉnh tháp, cũng như phải nắm vững cộng trừ nhân chia trước, thì sau này mới đủ vững chãi để đến đạo hàm, tích phân.
Tại sao lại phải phân bổ tháp tài sản. Cốt lõi của nó đến từ một vai trò rất cơ bản. Nếu bạn biết lạm phát là gì, thì bạn có thể hiểu được đồng tiền của chúng ta mất giá theo thời gian.
Để hình dung thì tốc độ cung tiền của Việt Nam trung bình là 20% GDP/năm. Với lạm phát trung bình những năm gần đây là 4-6%/năm. Hay để bạn dễ hình dung và so sánh hơn thì nhìn sang đồng tiền thống trị thế giới trong 100 năm qua, đồng Usd. Với tỉ lệ lạm phát trung bình là 1%, Trong 90 năm nó mất đi hầu như là 94% giá trị. Nghĩa là đồng 1$ hiện tại chỉ đáng giá 6cent cách đây gần 100 năm.
Mà bạn hình dung xem, nếu bạn là một người giàu có. Bạn có muốn tài sản của mình cực khổ kiếm được nó vơi dần theo năm tháng không? Tất nhiên là không rồi! Vậy thì làm cách nào để ngăn cản sự mất mát này. Rất may là, khi mà tiền mất giá, thì đương nhiên có những thứ tài sản khác sẽ tăng giá. Mà giá cả của mỗi tài sản lại phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn cung ứng trong từng giai đoạn. Cho nên mỗi một giai đoạn sẽ có một vài tài sản tăng giá vượt trội. Vậy là chỉ cần khôn ngoan 1 chút thì ai cũng biết là nên trú tiền vào tài sản rồi.
Vậy thì trú vào tài sản nào và tỷ lệ là bao nhiêu thì hợp lý?
Tháp tài sản sẽ trả lời cho bạn câu hỏi trên!
2. Các lớp tài sản cơ bản tại Việt Nam:
Ở Việt Nam có 5 lớp tài sản có tính thanh khoản cao và được chính danh (được pháp luật bảo vệ).
Vàng miếng (vàng vật chất)
Tài khoản tiết kiệm (tiền gửi ngân hàng)
Trái phiếu doanh nghiệp
Bất động sản
Chứng khoán: điển hình là cổ phiếu.
Để đánh giá được lớp tài sản nào bạn nên giải ngân trong những thời điểm nhất định, có 2 thông số mà bạn cần phải chú ý.
Bạn sử dụng thông số mà ngành tài chính đang sử dụng: đó là sự hiệu quả (Return): Tỷ suất sinh lợi của từng lớp tài sản.
Mức độ rủi ro của từng lớp tài sản: phụ thuộc vào nhiều yếu tố (biên độ biến động của những lớp tài sản, tính thanh khoản hoặc là các yếu tố vĩ mô tác động đến từng lớp tài sản đó trong từng giai đoạn khác nhau mà covid chính là 1 ví dụ điển hình).
Việc phân bổ tài sản sẽ không có mẫu số chung, bởi vì nó phụ thuộc không chỉ là bản chất của tài sản mà còn ở khẩu vị và nguồn lực của mỗi cá nhân.
3. Quy trình phân bổ tháp tài sản:
Hãy hình dung tài sản vô hình chính là phần đáy tháp, phần được tích luỹ sớm nhất và sẽ là phần có diện tích rộng nhất trên tổng thể toàn bộ mô hình. Và đương nhiên, quy mô tài sản của bạn sẽ tỷ lệ thuận với phần nền móng này. Như tôi đã từng đề cập ở bài viết trước, đây là phần mà bạn sẽ phải tích luỹ hàng ngày, hàng giờ trong suốt quãng đời của mình. Càng vững chắc và càng rộng, những lớp tài sản hữu hình phía trên sẽ càng lớn. Thử kể tên một nhân vật có tài sản hữu hình khổng lồ mà không có phần đáy tháp này xem nào? Hhmmm
Tiếp đến, để vững vàng trong công cuộc phát triển sự nghiệp, bạn cần có 1 sự an tâm về sức khỏe (thể chất lẫn tinh thần). Lỡ đâu chẳng may có chuyện không hay xảy đến, bạn vẫn có 1 lớp tài sản dự phòng cho những rủi ro này. Hãy còn gọi là lớp tài sản bảo vệ, nó có thể bao gồm những tài sản mang tính chất bảo vệ vững chắc như bảo hiểm, vàng, quỹ dự phòng rủi ro,… Ở hành trình tài chính dài suốt phần đời còn lại, không dễ để thoát khỏi những vấn đề cấp bách và biến cố bất ngờ, lớp tài sản này sẽ giữ cho bạn tồn tại và yên tâm tiến đến những lớp tài sản cao hơn.
Đến lớp thứ ba, cao hơn 2 lớp đầu tiên và diện tích hẹp hơn. Đây là lớp tài sản mang lại dòng tiền thụ động hàng tháng cho bạn. Bạn nên ưu tiên tìm kiếm những tài sản có khả năng tạo ra lợi nhuận cho bạn thật đều đặn. Một vài tài sản cơ bản có thể bỏ vào lớp này như là bất động sản cho thuê, tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp,… Lớp tài sản này có thể tạo ra cho bạn nguồn thu nhập mang tính ổn định (hàng tháng, quý hoặc là hàng năm). Đây còn gọi là lớp tài sản thu nhập.
Khi đạt được một sự an toàn nhất định, cùng với lớp tài sản vô hình ngày càng lớn mạnh. Đến đây bạn sẽ có đủ hành trang để bồi thêm một lớp cao hơn. Lớp tài sản thứ ba này sẽ tập trung vào những kênh đầu tư có hiệu quả sinh lời kỳ vọng tốt hơn, ở Việt Nam lớp này thường được lấp đầy bởi chứng khoán, điển hình là cổ phiếu. Lớp tài sản này có thể giúp bạn rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu tài chính: lớp tài sản tăng trưởng. Đi cùng với kỳ vọng lợi nhuận, rủi ro của lớp này cũng chính là thứ khiến cho bạn phải lưu ý. Tới đây thì có một sự tương quan mà bạn cần phải ghi nhớ trong suốt lộ trình xây dựng tháp tài sản của bạn: Cho dù bạn đầu tư vào bất kỳ loại tài sản nào ở lớp này, độ lớn (chất lượng) của tài sản vô hình sẽ tỷ lệ thuận với lợi nhuận và tỷ lệ nghịch với rủi ro mà bạn phải đối mặt.
Đến với phần đỉnh chóp – lớp tài sản cuối cùng trên chặn đường, đó là một phần nhỏ giải ngân vào các kênh đầu tư mạo hiểm. Bởi nó là lớp tài sản có thể giúp cho số tiền đầu tư của bạn x2, x3 hay thậm chí là nhân 2 chữ số trong thời gian ngắn, là những kênh đầu tư dành cho người có kiến thức sâu và chuyên nghiệp (startup là một điển hình). Cũng như tỉ lệ của phần này trong tòa tháp chúng ta đang nhắc đến, tôi nghĩ bạn chỉ nên đầu tư một khoản nhỏ 5-7% tài sản vào đây và hãy trong tâm thế số tiền này có thể mất bất cứ lúc nào! Lớp này gọi là lớp tài sản rủi ro: có thể mang lại cho bạn lợi nhuận khổng lồ nhưng đi kèm với rủi ro rất lớn.
Đặc thù sự phân lớp của tài sản sẽ phụ thuộc vào 4 yếu tố: mức độ tăng trưởng, thời gian tăng tưởng, rủi ro chấp nhận và kỳ vọng lợi nhuận mang lại trên từng lớp tài sản.
Do đó, tuỳ thuộc vào năng lực cá nhân và thời điểm đầu tư, một loại tài sản có thể thuộc nhiều lớp tài sản khác nhau. Ví dụ như bất động sản hoàn toàn có thể nằm ở lớp tài sản bảo vệ, thu nhập hay tăng trưởng; vàng có thể nằm ở lớp tăng trưởng trong giai đoạn kỳ vọng lạm phát tăng cao hay nằm ở lớp bảo vệ khi mục tiêu của bạn là hedge cho sự kiện black swan như là covid, hay một cổ phiếu cơ bản tốt trong một giai đoạn lĩnh vực kinh doanh vừa là đầu tàu kinh tế vừa được hỗ trợ hoàn toàn có thể nằm trong lớp tài sản bảo vệ của bạn,…
Về cơ bản, muốn xây 1 lớp tài sản kiên cố, bạn cần phải xây 1 nền móng vững chắc, sau đó dần dần bồi đắp phần trên. Nhưng đa phần mọi người vẫn chưa hiểu được điều này, họ bỏ hoàn toàn tài sản của mình vào lớp tài sản rủi ro ở trên đỉnh tháp (cơn sốt coin thời gian qua là một ví dụ). Vô tình khi kênh đầu tư gặp vấn đề, chiếc tháp không có nền móng bị lung lay và sụp đổ là điều tất yếu. Đây chính là tầm quan trọng của lớp tài sản.
Tháp tài sản không chỉ là một lộ trình vạch sẵn cho bạn trên con đường chinh phục tài chính, nó còn nhắc bạn nhớ phải đi từ gốc lên ngọn, những lớp tài sản cơ bản nhất là rất cần thiết trước khi đi lên một cấp độ cao hơn.
Nếu bạn thắc mắc rằng, tôi không phải chuyên gia tài chính, tại sao tôi cần phải học những điều này. Thì bạn hãy hình dung, khi bạn tham gia thị trường lao động, trao đổi giá trị cho xã hội và nhận lại những giá trị tương đương (tiền, tài sản,..), không sớm thì muộn bạn cũng phải là một nhà hoạch định, ít nhất là tài chính cá nhân. Những nền tảng này không được giảng dạy hàn lâm, nó được tự bồi đắp và sinh sôi bằng trải nghiệm và thời gian.
Kim tự tháp tài sản không đồng nhất về thời gian, địa lý, quốc gia. Mô hình ở 50 năm trước sẽ khác mô hình trong hiện tại, mô hình ở phương Tây sẽ khác ở Việt Nam. Am hiểu một cách chuyên sâu và có lộ trình trải nghiệm, vấp ngã, nhận thức sẽ giúp bạn an toàn, vững bước trong tương lai trước những biến động của thị trường.
“Yesterday’s mistakes became the foundation for today’s understanding” – Thất bại hôm qua là nền tảng cho nhận thức ngày hôm nay
Đến đây, chắc hẳn trong đầu các bạn đã có nhiều dự định cho mình trong tương lai rồi đúng không? Để xây dựng tháp tài sản là một quá trình gian nan và vất vả, nhất là khi kiến thức chúng ta còn hạn chế, thất bại nhiều lần trong việc chọn kênh đầu tư là điều tất yếu. Làm sao để bạn chọn được một bất động sản tốt, làm sao để bạn chọn được một mã cổ phiếu tăng trưởng tốt,… Tất cả đều cần phải học và làm, trải nghiệm, rút ra. Bạn hãy trau dồi cho mình những kỹ năng và kiến thức cần thiết, điều này sẽ giúp bạn rất nhiều trong hành trình tiến đến tự do tài chính. Dù là tài chính cá nhân hay bất cứ một lĩnh vực nào khác, hãy lập kế hoạch cho cuộc đời bạn, bắt đầu từ việc thay đổi tư duy và tích lũy tài sản vô hình cho bản thân bạn. Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo!