Có rất ít khái niệm tâm lý học khiến chúng ta khó hiểu như masochism – hay xu hướng tự hành hạ mình. Làm sao có thể nói đến việc tìm thấy niềm vui trong nỗi đau? Làm sao con người lại có thể tự nguyện tìm kiếm những điều khó chịu và hạ thấp bản thân, thậm chí còn ưu tiên chúng hơn những điều ngọt ngào và tử tế? Tại sao chúng ta không đơn giản hướng tới sự tốt lành và an ủi, mà lại cứ lún sâu vào những dày vò?
Để hiểu, trước tiên ta phải làm rõ nỗi đau mà ta đang nói đến là gì. Trong trường hợp này, đó không phải là đau đớn về thể xác; mà là những ý niệm đau đớn – những suy nghĩ âm ỉ trong tâm trí, kiểu như:
Mọi người đều ghét bạn. Bạn là một kẻ tồi tệ. Trông bạn thật thảm hại. Bạn là kẻ thất bại, mọi thứ bạn làm đều trở thành rác rưởi. Bạn là trò cười cho thiên hạ. Bạn sắp bị bẽ mặt và bị xã hội ruồng bỏ.
Nhưng nghịch lý ở đây càng khiến ta bối rối hơn: Làm sao một người có thể “thích thú” khi tự đày đọa mình với những suy nghĩ buồn bã như vậy? Tại sao họ lại nhiệt tình săn tìm những đánh giá tiêu cực như thế (chẳng hạn như chăm chú theo dõi các lời chỉ trích trên mạng, hoặc vây quanh mình bằng những người độc hại) và lại xem những cảm giác khó chịu ấy quan trọng hơn những lựa chọn khác?
Nói rằng ta “thích thú” với những điều này có vẻ vòng vo. Bởi đó không phải là niềm vui thuần túy. Đúng hơn, khi ta là những người mang xu hướng tự hành hạ, ta cảm thấy những suy nghĩ tồi tệ về bản thân rất hấp dẫn, và trên hết, rất chân thật. Chúng ta cho rằng những ý nghĩ tiêu cực ấy đúng hơn bất kỳ điều gì khác về bản thân mình – thậm chí đúng hơn cả tình yêu và sự chấp nhận.
Giống như những con thiêu thân lao vào ngọn lửa của những lời lăng mạ cay nghiệt nhất, trong những lúc tâm trạng sa sút, ta cố tình tự bao phủ mình bằng sự nhơ nhớp của những lời sỉ nhục và né tránh cái ta cho là “sự nhạt nhẽo” và “ngây thơ” của lòng tốt. Ta “yêu” nỗi đau bởi nó quen thuộc, bởi nó đưa ta trở về nhà.
Những ý nghĩ kinh khủng ấy thường phản chiếu lại cảm giác từ những năm tháng đầu đời; chúng chính là bản sao của những thông điệp mà ta từng nghe và nội tâm hóa trong gia đình mình. Khi còn là những đứa trẻ nhỏ bé và dễ tổn thương, ta đã vô thức khắc ghi lời của những người có quyền uy tuyệt đối với mình – những người đã tạo ra ta.
Họ, những người biết mọi thứ, đã hiểu rõ rằng ta là kẻ vô dụng. Họ, những người kiểm soát cả thế giới mà ta biết đến, tin chắc rằng ta là một sai lầm. Và kể từ đó, dù bị gọi là kẻ không xứng đáng có thể đau đớn, nhưng đồng thời, nó cũng mang đến cảm giác quen thuộc kỳ lạ, đưa ta trở về một nơi đã in dấu trong tâm trí.
Chỉ cần một sự việc nhỏ nhất cũng có thể kích hoạt cuộc hành trình quay về ấy. Có thể ta nghe được một tin đồn xấu về mình nơi công sở, và lập tức, ta lao thẳng về ý nghĩ quen thuộc: mình là trò cười cho thiên hạ. Hoặc khi tranh cãi với một người bạn, bước ra khỏi nhà hàng trong bầu không khí nặng nề, và khi về đến nhà, tâm trí ta đã bị ám ảnh bởi ý nghĩ cũ kỹ nhất và quen thuộc nhất: mình sắp bị bẽ mặt và bị cả xã hội ruồng bỏ.
Những phút giây yên bình trước đó, những lời đánh giá tử tế của bạn bè, những cử chỉ trìu mến từ người yêu – tất cả những điều ấy có thể dễ chịu và khiến ta tạm quên đi, nhưng chúng không bao giờ mang lại cảm giác chắc chắn hay thông minh như những viễn cảnh đầy sỉ nhục và sợ hãi kia. Ta tin rằng sự thật sâu xa nhất về mình đã được định hình từ lâu, và sự thật ấy không bao giờ liên quan đến sự dễ dàng hay lòng tốt.
Ta có thể khao khát sự an yên, nhưng – là những người mang xu hướng tự hành hạ – ta được lập trình cho nỗi hoảng loạn và sợ hãi. Ta có thể mong muốn sống trong “ngôi nhà của tình yêu”, nhưng – cho đến khi ta tháo gỡ được những tổn thương – không nơi nào khiến ta cảm thấy là nhà hơn “ngôi nhà của nỗi đau”.
Nguồn: WHY SO MANY OF US ARE MASOCHISTS