Nhắc lại tý phần 1, ra chợ đời kiếm tiền, kiếm tình, kiếm danh tiếng, hay kiếm quyền lực, tất cả mọi hình thái đều là ‘value exchange’ (trao đổi giá trị). Cụ thể, là tôi có giá trị A, anh có giá trị B, chúng ta “đồng-thuận” trao đổi với nhau, không ai ép ai cả.
Anh em phải gạch dưới là không ai ép ai phải trao đổi cả. anh em có quyền không giao dịch nếu giá trị thu lại không tương xứng. Không nên bỏ quá nhiều cảm xúc vào, rồi biến mình thành ‘nạn nhân’, hoặc đi làm với tâm lý nạn nhân, giống như ai ép anh em đi làm… anh em có quyền dừng lại, hay có quyền từ chối nếu anh em không muốn.
Cho nên, đừng khóc, mà hãy tăng giá trị lên ! Tăng giá trị thì giá trị thu lại sẽ cao lên! Mà giá trị mới không đến từ hành động cũ, nếu mỗi sáng thức dậy, anh em cũng làm nhiêu đó việc, theo đúng một lập trình cũ, không có gì cải tiến thêm, thì tất nhiên là anh em chỉ nhận lại đúng với những cố gắng lập đi lập lại đó mà thôi.
Tổng quan phần 1 là vậy, bây giờ vào phần 2, hãy suy nghĩ mọi thứ trên bài toán value exchange khi anh em bước ra đời kiếm ăn, chuyện anh em cống hiến 15-20 năm ở một công ty, rồi một ngày đẹp trời, công ty đó sát nhập hay bán lại, hoặc có bản quản trị mới rồi anh em bị loại ra khỏi cái guồng mới đó.
Cái hôm chia tay, kỷ niệm 20 năm cống hiến, anh em nhận đúng cái bánh kem nhỏ với cái gift card 50-100 đô gì đấy… rồi bản thân anh em thấy chạnh lòng và buồn lặng lẽ bước ra về trong ánh mắt hiu quạnh của những đồng nghiệp xung quanh.
Buồn thì tất nhiên, tôi đồng cảm việc đó, nhưng, chợ đời mà, bản chất nó là thế đấy anh em ah, nó là nơi trao đổi giá trị, khi họ không muốn mua bán giá trị với anh em nữa thì việc chia tay hay ngừng giao dịch lại là lẽ thường thôi.
Hãy xem đó là một lẽ thường thì anh em sẽ không nặng lòng khi bước ra. Bên mỹ, cảnh đó nhiều, gắn bó cả cuộc đời với một công ty, thậm chí là những người đầu tiên khai lập cty, rồi cũng bước ra vô cùng chóng vánh.
Cho nên,
1. Đừng nặng lòng khi bên B không muốn giao dịch với mình nữa. Hãy để thân tâm vào việc nâng giá trị bản thân mình lên, để còn gặp những nơi giao dịch tốt hơn.
2. Khi giá trị anh em tăng lên thì đồng nghĩa rất nhiều mối quan hệ cũ sẽ rụng dần. Tư duy mới, giá trị mới thì các người không cùng tần số sẽ tự động nhạt dần, để trống chỗ cho những người phù hợp hơn… hoặc để trống thời gian để anh em cải tiến bản thân hơn nữa.
3. Giá trị anh em tăng thì ít bị ép giá hơn, chứ nếu giá trị anh em đang cung cấp mà ai cũng làm được thì sẽ bị ép giá tới nghẹt thở. Chợ đời dựa trên cung và cầu ! cung nhiều cầu ít thì tụt giá thôi.
4. Đừng mong chờ bên B phải biết điều. Nắm rõ giá trị của mình, luôn cải tiến, và hãy ‘Làm giá’ lại khi thấy giá trị thu lại không tương xứng.
5. Tuy nhiên, luôn chuẩn bị 1 đến 3 đường lui nếu việc làm-giá không thành công thì luôn có đường rút êm… ví dụ như có tiền dự phòng đủ để chữa lành và cải tiến giá trị trong 2-3 năm mà không cần đi làm. Chính xác có đường lui thì bố không cần luỵ thằng nào cả.
6. Giá trị chúng ta ngoài Tài thì còn nằm ở Đức. 3 chữ Tài bằng 1 chữ Đức… đừng mải mê tăng giá trị cho phần Tài mà quên phần Đức.
7. Không có Đức thì giá trị dù lớn đến đâu cũng gãy… Anh em quan sát báo chí sẽ thấy đầy ca như thế, nhiều người có tài và tạo ra giá trị siêu lớn nhưng giá trị đó không bền vững nếu phước đức không tương xứng với cái tài họ đang có.
8. Giá trị cốt lõi nhất vẫn là Tâm, có Tâm, có Tầm, có Tài… thêm phước đức trợ lực thì giá trị anh em tạo ra là vô lượng.
Cheers
Bác 7B
——
Hình của Marco