Khi tôi thi đậu đại học, cả nhà tôi rơi vào hỗn loạn. Mọi người muốn tôi học để trở thành một bác sĩ, nhà khoa học hay một kĩ sư… vì đây là những công việc rất được trọng vọng và kiếm được nhiều tiền.
Nhưng tôi nói: “Con dự định sẽ học triết học.”
“Thật vớ vẩn! Không người đàn ông có trí khôn nào mà lại đi học triết học cả. Con định sẽ làm gì sau đó? Sao lại lãng phí những sáu năm để học thứ mà không ai cần đến cả?
Thứ đó không mang lại bất cứ giá trị nào hết. Con sẽ không kiếm được dù chỉ một công việc cỏn con. Con sẽ phải chịu thua thiệt cả đời mất. Hãy nghĩ lại đi.”
“Con không bao giờ cần suy nghĩ lại. Con biết rõ điều đó. Đây không phải vấn đề về lợi ích hay tiền lương. Con biết mình muốn học triết, và thậm chí nếu việc học triết sẽ khiến con trở thành một kẻ ăn xin, con vẫn muốn học nó.”
“Nhưng lý do con muốn học triết là gì?”
“Con muốn dùng cả cuộc đời con để chiến đấu chống lại triết học. Nên con cần phải học để biết mọi thứ về nó trước.”
“Chúa tôi! Đây là ý tưởng của con sao? Chúng ta không bao giờ có thể hình dung rằng một người muốn học triết học bởi vì anh ta muốn dùng cả đời để chống lại triết học cả. May là vẫn còn thời gian. Trường đại học sẽ mở cửa trong một tháng nữa. Con hãy suy nghĩ lại.”
“Một tháng, một năm hay một đời cũng không khác biệt gì. Bởi vì con sẽ không chọn bất cứ gì khác.“
“Điều này thật quá vô lý. Nếu con muốn chống lại triết học tại sao con lại phải phí sáu năm học về nó?”
“Nếu không học về triết học, con không thể chiến đấu với nó đúng cách được. Con thích cái cách triết học lý luận, và con muốn đi sâu vào bên trong những lý luận ấy với tất cả những triết lý mà nó có thể đưa ra. Nhưng con sẽ chiến đấu chống lại nó tới cùng, bởi vì theo sự hiểu biết của con thì không hề có một triết gia nào từng giác ngộ cả. Họ chỉ là những người chơi trò chơi với từ ngữ, thực tập với lý luận. Họ không bao giờ tiếp cận được những thứ phía bên ngoài những gì đầu óc của họ có thể tiếp cận. Họ có thể có một công việc hoành tráng lớn lao với trí óc nhưng họ vẫn còn bị mắc kẹt lại với trí óc.”
Cha tôi đã hăm dọa tôi: “Nếu con cứ nhất quyết chọn học triết học thì hãy nhớ chúng ta sẽ không chu cấp tài chính cho con.”
Tôi nói: “Điều đó cha không cần phải hăm doạ. Con không định sẽ nhận chu cấp của cha theo bất cứ cách nào. Bởi vì khi con đã chọn nơi con muốn đến thì chính con cũng sẽ tự tìm ra con đường để tới đó. Con đã không chọn con đường cha muốn, nên con sẽ không để cha phải bận tâm về con đường của con. Tại sao con lại cần cha chu cấp tài chính chứ? Thậm chí nếu cha cho con, con cũng sẽ từ chối.”
Họ bị sốc. Họ không thể tin làm cách nào mà tôi lại xoay xở được, nhưng tôi đã xoay xở được. Hàng đêm tôi thức để làm thêm nhiều công việc nhằm kiếm tiền trang trải và ban ngày thì tôi đến trường. Và ở giữa hai khoảng đó, bất cứ khi nào có thể tìm thấy thời gian trống, tôi sẽ ngủ.
Cuối cùng họ lại bắt đầu cảm thấy có lỗi. Cha tôi đã viết thư cho tôi rằng, “Hãy tha thứ cho ta và hãy chấp nhận sự chu cấp của ta.”
Nhưng tôi luôn gởi trả lại mọi số tiền mà họ mang tới nên một ngày nọ đích thân ông ấy đã đến chỗ tôi và nói: “Con không thể quên đi chuyện cũ sao? Con không thể tha thứ cho ta sao?”
Tôi nói: “Con có thể tha thứ nhưng con không thể quên, bởi vì cha đã ép buộc con làm một việc chỉ vì tiền. Cha đã quá đặt nặng chuyện tiền bạc. Cha nghĩ về tiền nhiều hơn cha nghĩ về con. Và cha đã dùng chuyện tiền bạc một lần nữa để hăm dọa con. Con không có đòi hỏi gì về tiền bạc từ cha cả. Cha hãy giữ lấy tiền của cha. Con hoàn toàn có thể tự xoay xở được.”
Tôi luôn là một kẻ bất tuân như thế. Tôi dùng từ “bất tuân” để bạn hiểu rõ rằng chính bạn là người quyết định, rằng bạn phải là nhân tố quyết định cho mọi hành động trong cuộc đời bạn. Và điều đó sẽ đem lại cho bạn sức mạnh vô song nếu như trong tất cả những việc bạn làm, bạn đều có lý do chính đáng cho nó.
Tôi không có sự chân thành cho bất cứ thứ gì hơn là sự chân thành cho tự do của tôi. Tôi làm mọi thứ vì nó, bằng cách nào không quan trọng. Vì sau cùng chỉ có tự do mới là điều quan trọng nhất. Từ tự do ấy mà bạn sẽ có cá tính riêng, có cuộc đời riêng mà không bị biến thành nô lệ.
Con người ngày nay, đặc biệt những người trẻ, dường như đã mất đi khả năng nhận diện cái gì là quan trọng đối với cuộc sống của họ, bởi vì họ đang bị chi phối bởi quá nhiều thứ vặt vãnh, những thứ không quan trọng, những thứ không bản chất.
Họ quá bận rộn đi ngoài chu vi cuộc sống nên không có thời gian để đi vào chiều sâu, để tự hỏi mình là ai, mình thích gì, mình muốn điều gì hay làm sao để đạt được điều đó.
Khi người ta không có ý thức trách nhiệm về việc mình phải người quyết định chính cuộc đời mình, thế thì người ta sẽ dễ dàng đi theo mọi lời khuyên và định hướng của những người khác, thậm chí một cách vô điều kiện.
Đó là cách các cá nhân đánh mất dần đi hương vị riêng, cá tính riêng và rồi cả nhân loại cũng mất dần đi muối mặn của nó.
Nếu chỉ được đưa ra một lời khuyên duy nhất để dành cho người trẻ, người tuổi thanh niên, tôi muốn khuyên rằng: Hãy bắt đầu di chuyển vào chiều sâu của cuộc sống, khởi đầu bằng việc chịu trách nhiệm cho mọi hành động và mọi quyết định trong đời của bạn, và tận hưởng nó. Đó là cách duy nhất để trưởng thành.
Osho, Thanh niên nổi loạn (tên cũ ‘Sinh viên nổi loạn’), ad đang duyệt chốt bản thảo cuối trước khi in.
🙏 Hiện tại cuốn này đã hết.
Ngày trước cuốn ‘Đứa trẻ nổi loạn’ và cuốn ‘Sinh viên’ in cách nhau gần 2 năm. Để tạo sự kết nối cho bạn đọc nhớ lại cuốn ‘Đứa trẻ’ nên khi soạn và in cuốn ‘Sinh viên’, ad đã đăng lại bài cuối của cuốn ‘Đứa trẻ’ về lý do Osho quyết tâm học triết.
Hôm rồi một bạn độc giả nhắn tin kêu là 2 cuốn này có một bài trùng nhau làm ad mới sực nhớ ra. Nên hnay duyệt bản thảo đã sửa lại bài trùng ấy, biên tập cho gọn lại, thêm thông điệp vào (như trên). Cuốn ‘Đứa trẻ’ đã in xong rồi nên không sửa được.
Lần tới tái bản ad sẽ lấy bài này khỏi cuốn ‘Đứa trẻ’ và đăng trọn bài trong cuốn ‘Thanh niên’ để dòng chảy câu chuyện được tròn trịa và mạch lạc hơn nhé.
Cảm ơn sự nhiệt tình góp ý của bạn và nhất là sự tận tâm giúp ad tìm lỗi chính tả trong các bản in cũ để bản in mới hoàn thiện hơn ==> Công đức trăm lượng vàng… 😍