Xin chào! Tôi là Sang và đây là series Tài Chính Thật Đơn Giản. Series này, tôi sẽ bóc tách tài chính cá nhân thành từng mảnh riêng, để qua đó Bạn có thể có thể đối chiếu với tình trạng tài chính của Bản thân và lựa chọn cho mình một lộ trình phù hợp nhất. Và với tiêu chí là tất cả những phần đầu tiên của series này tôi sẽ nói hết thảy, tất cả những yếu tố mà theo tôi là có thể khiến bạn thất bại trong lộ trình tài chính nếu không hiểu những điều này. Chủ đề ngày hôm nay chắc chắn là không thể thiếu với một series như vầy, đó là Chi tiêu. Chi tiêu là yếu tố tài chính mà hầu hết chúng ta đều đã từng mắc lỗi, nhận thấy sai lầm nhưng vẫn liên tục sai phạm. Chúng ta hay khắc khe và nỗ lực hết mình với những khoản thu nhập nhưng chi tiêu thì lại dễ dàng bỏ lỗi.
5 nguyên tắc chi tiêu sau đây là những thứ đúc kết được từ những sai lầm của tôi, và tôi nghĩ nó sẽ giúp bạn chi tiêu một cách hiệu quả hơn!
Phương pháp loại bỏ những khoản chi vô lý:
Chi tiêu hiệu quả không phải là một điều dễ dàng với bất cứ cá nhân nào. Chi tiêu như thế nào mới hiệu quả? Và khắc phục như thế nào với những khoản chi đã lỡ không hiệu quả?
Hãy tập trung vào mục tiêu của bạn!
Dù là bất cứ một hành động hay chiến lược nào, sẽ không bao giờ Bạn hành động một cách thật sự hợp lý và hiệu quả nếu Bạn không biết mục tiêu của hành động.
Đầu tiên, Bạn Hãy viết ra những mục tiêu lớn cho riêng mình theo từng khoản thời gian (tối ưu đối với tôi là mục tiêu 1 tới 3 năm tới). Sau đó Bạn dùng sơ đồ mind-map để chia mục tiêu thành những mục tiêu nhỏ hơn với kế hoạch cụ thể (bạn cần học gì? làm gì? trong môi trường nào? gặp gỡ ai? dự phóng trong bao lâu để đạt được target? Bạn phải tự trả lời được hết ) và chia nhỏ khoảng thời gian ra (thành từng quý, tháng, tuần, ngày,…).
Khi đã có kế hoạch cụ thể cho những mục tiêu của bạn, giờ thì hãy đặc biệt lưu ý, đây là lúc bạn đưa sự kỷ luật vào trong lộ trình của mình. Tất cả những khoản chi tiêu của Bạn đều phải nhằm mục tiêu duy trì và phát triển những mục tiêu lớn. Ví dụ như mục tiêu của Bạn năm nay là nâng cấp chuyên môn của mình lên từ kế toán lên kiểm toán, thì Bạn không việc gì phải bỏ tiền đi học đàn Piano hay học tiếng Anh hết. Nó phải khớp với mục tiêu Bạn đặt ra ban đầu. Nghĩa là, không có khoản chi nào là vô lý nữa. Hãy nhớ rằng, phương pháp trên không chỉ dành cho những khoản chi, mà còn áp dụng vào bất cứ khía cạnh nào, kể cả thời gian và các mối quan hệ.
Nguyên tắc thứ 2, sau khi mà Bạn đã loại bỏ được những khoản chi vô lý. Lúc này! Bạn bắt đầu phân tách các khoản chi theo tính chất của chúng. Để có thể tối ưu hơn trong chi tiêu, có những khoản chi bạn phải tách bạch thật rõ ràng.
Thứ nhất là những khoản chi thiết yếu – nghĩa là những khoản mà Bạn không thể không chi theo đúng nghĩa đen. Bởi vì nó trực tiếp duy trì sinh hoạt và cuộc sống thường nhật của Bạn.
Thứ 2 là những khoản chi tiêu chuẩn. Phần này bao gồm những khoản chi thiết yếu cộng thêm những khoản giúp cho Bạn hoàn thành những mục tiêu lớn của Bản thân. Đặc thù thường là nó góp phần phát triển tài sản vô hình của Bạn (học tập cho chuyên môn, mối quan hệ, kỹ năng sống,…), miễn là nó build up cho Bạn tiến tới gần nhất với con người mục tiêu mà Bạn hướng tới.
Cuối cùng là những khoản chi vượt tiêu chuẩn. Trong trường hợp mà Bạn chưa vượt qua cột mốc An toàn tài chính hoặc thậm chí là tự do tài chính, thì có thể xem những khoản chi vượt tiêu chuẩn này nó là một khoản hoang phí. Nhưng nếu Bạn vượt những cột mốc trên thì nó là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng.
Mục đích để chia những khoản chi ra thành từng loại cơ bản là vì nhu cầu của Bạn cũng có những có những cấp bậc tương đương như vậy. Không chia ra thì Bạn sẽ rất dễ lẫn lộn và chắc chắn là Bạn k thể kiểm soát được khoản nào là phù hợp với mục tiêu nào.
Chú ý Tỷ trọng chi tiêu trên thu nhập?
Với mỗi khoản thu nhập của Bạn, Bạn trích bao nhiêu cho chi tiêu và bao nhiêu phần tích luỹ. Có rất nhiều phương pháp cho tỷ lệ này, tuy nhiên theo tôi thì nó không nên là một tỷ lệ cố định. Bởi vì nó là một tiêu chuẩn phụ thuộc vào khá nhiều biến số. Đối với mỗi người thì mục tiêu, khẩu vị, năng lực và nhận thức của họ về tài chính hoàn toàn khác nhau. Chỉ cần thay đổi 1 trong những yếu tố trên thì Bạn sẽ có một bản kế hoạch khác hoàn toàn. Nếu vậy thì dựa vào đâu để Bạn chọn một tỷ lệ phù hợp? Như tôi có đề cập trong Bài viết Quỹ dự phòng, bạn nên chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn chưa có quỹ dự phòng, Tỷ lệ của Bạn nên là 5-5. 50% cho chi tiêu thiết yếu và 50% cho quỹ dự phòng.
Khi Quỹ dự phòng của Bạn đã đạt mục tiêu. Hãy chia tỷ lệ thành 5-3-2. 50% cho chi tiêu thiết yếu, 30% cho những khoản chi vào tài sản vô hình, 20% còn lại dành cho tích luỹ. Bạn có thể linh hoạt tỷ lệ này tuỳ theo khẩu vị của mình. Tuy nhiên có một mẹo nhỏ để Bạn luôn có một tỷ lệ cân bằng. Đó là khoản tích luỹ trên tổng thu nhập của Bạn sẽ tỷ lệ thuận với số tuổi của Bạn. Nghĩa là tuổi càng lớn, Bạn tích luỹ càng nhiều.
Có một công thức rất hay mà tôi từng được nghe anh Nguyễn Minh Tuấn – CEO của AFA capital nhắc đến để nói về tỷ lệ tích luỹ trên thu nhập. Đó là tỷ lệ tích luỹ của Bạn cứ bằng chính số tuổi. Bạn 30 tuổi thì cứ 30% trích ra để tích luỹ. Đó cũng là một cách rất hay để Bạn đỡ phải tính toán nếu như Bạn không phải là người giỏi những con số.
Nhưng có một điều Bạn nên nhớ như thế này, tất cả những nguyên tắc và phương pháp mà tôi chia sẻ, Bạn có thể tham khảo nó, hoặc không, bởi vì việc quan trọng không phải là Bạn tuân theo nguyên tắc hay chọn phương pháp nào, tất cả đều có thể work. Mà mục tiêu chính của Nguyên tắc chính là để Bạn tuân thủ theo nó, dù là bất cứ nguyên tắc nào thì tuần thủ và duy trì là cách duy nhất và tốt nhất để Bạn đi xa được trên lộ trình này. Không có cách nào khác hết!
Khi bắt đầu muốn tăng mức sống (đồng nghĩa với tăng chi tiêu), hãy xem lộ trình của Bạn đã đạt An toàn tài chính hay chưa?
Một khuyến nghị của tôi thôi! Nếu Bạn thực sự quyết tâm với lộ trình và mục tiêu tài chính của mình, hãy khoan vội tăng mức sống (nghĩa là tăng chi tiêu) khi chưa đạt được An toàn tài chính!
An toàn tài chính là cột mốc tôi có hay nhắc đi nhắc lại trong những Bài viết trước, nghĩa là Bạn phải có dòng tiền dương => thể hiện sự ổn định đầu vào, quỹ dự phòng phải đủ an toàn để Bạn phòng thủ và Tài sản của Bạn phải có khả năng tạo ra dòng tiền để Bạn chi trả cho các khoản chi tiêu thiết yếu. Lúc đó thì tình trạng tài chính của Bạn mới thực sự An toàn. Sẽ còn những cột mốc sau và những điều kiện kèm theo nữa tôi sẽ chia sẻ với Bạn ở Bài viết sau. Clip này thì Bạn chỉ cần nhớ vậy là đủ rồi.
Cẩn thận với các khoản tín dụng
Ở Bài viết tài sản ròng vào tuần trước, tôi có nhắc đến một nguyên tắc tài chính quan trọng liên quan tới các khoản nợ. Đó là không nên vay nợ để mua sắm tài sản tiêu dùng. Đối với thẻ tín dụng cũng tương tự, đây cũng là một khoản nợ, nhưng sức sát thương của nó lớn hơn rất nhiều so với những khoản vay thông thường.
Với thẻ tín dụng, Bạn có thể mua sắm nhiều hơn khả năng tài chính của mình. Và chiếc bẫy tín dụng nó sẽ đánh vào 1 trạng thái cực kỳ báo động của người tiêu dùng, đặc biệt là những người trẻ. Sự chủ quan!
Thường thì Vì nhu cầu trước mắt muốn sở hữu một sản phẩm nào đó cộng thêm sự chủ quan vào thu nhập của bản thân sẽ khiến bạn bỏ qua giai đoạn phải lên kế hoạch chi tiết cho việc chi trả nợ. “Kiểu gì thì cuối tháng bạn cũng lĩnh lương để trả vô thẻ, Bất quá trễ thì Bạn đóng tối thiểu để tháng sau trả!” Nếu Bạn có suy nghĩ đó thì Bạn đang tự đào hố chôn cái tuổi trẻ của mình. Bạn đã bỏ quên những rủi ro bất chợt mà cuộc sống này luôn có thể quăng vào đầu Bạn. Đùng 1 cái, dịch tới, Bạn mất thu nhập. Đùng một cái, cần 1 khoản tiền lo cho sức khoẻ,..và đùng rất nhiều cái khác nữa! Nếu nó xảy ra, Bạn không có khoản dự phòng, Bạn chết lần 1. Rồi cái tư duy thứ 2. cho dù Bạn có trả tối thiểu đi nữa, lãi suất của thẻ tín dụng dao động trong khoảng 3-4% mỗi tháng. Một mức lãi suất có thể nói là cực kỳ cao. Mỗi tháng 3-4% là gần bằng lãi suất mà Bạn gửi tiết kiệm ngân hàng cho một năm. Tín dụng là đòn bẩy rất hiệu quả và tiện lợi, nhưng Phải thật sự khôn ngoan và thận trọng với những khoản này.
Bên trên là tất cả những lưu ý của tôi khi Bạn nhắc về nguyên tắc chi tiêu cho hiệu quả. Tóm tắt cho các Bạn hình dung lại: Đầu tiên là loại những khoản chi vô lý bằng cách bám sát mục tiêu, tiếp theo là tách những khoản chi ra theo tính chất từng loại, thứ 3 là tỷ lệ chi tiêu trên thu nhập, thứ 4 là lưu ý về mục tiêu và các cột mốc khi muốn tăng chi tiêu. Và cuối cùng là thận trọng với thẻ tín dụng. Bài viết này chỉ có vậy thôi. Nếu có những nguyên tắc chi tiêu nào hoặc nội dung nào về tài chính Bạn muốn góp ý, Cứ để lại bình luận bên dưới. Tôi sẽ tham khảo cho những nội dung tiếp theo.
Cảm ơn Bạn đã đọc hết nội dung này. Hy vọng sẽ hữu ích. Hẹn gặp lại bạn ở những phần tiếp theo.