Dr. Jordan Peterson
Phần 2/5
Dịch bởi Thuận Ân
Bản dịch có những chỗ chuyển đổi ngữ cảnh cho phù hợp với đọc giả page Vagabond
Link: https://www.youtube.com/watch?v=f-wWBGo6a2w
Transcript: https://www.jordanbpeterson.com/transcripts/biblical-series-i/#C2
Từ giây 15:42 đến giây 42:11
Tôi cũng dành nhiều thời gian đọc Carl Jung. Thông qua Jung, và một phần nữa qua Jean Piaget, một nhà tâm lý học phát triển – mà tôi bắt đầu hiểu về hệ thống suy nghĩ giải nghĩa của chúng ta được nhúng vào trong một thứ gì đó tựa như giấc mơ. Giấc mơ ấy được nhồi thông tin thông qua một con đường phức tạp bắt đầu từ hành động của chúng ta. Và lúc nào ta làm những thứ mà chúng ta không hiểu. Nếu ta đã hiểu, ta cần quái gì tâm lý học, xã hội học, nhân loại học và những món tương tự vậy. Tất cả mọi thứ đều đã rõ ràng, ta thấu suốt tâm can ta. Nhưng sự thật thì ngược lại. Bản thân ta phức tạp hơn rất nhiều chúng ta đang hiểu. Tức nghĩa hành động của ta bao hàm nhiều thông tin hơn những gì chúng ta đang biết.
Một phần giấc mơ bao quanh kiến thức rõ ràng của chúng ta là kết quả trực tiếp của việc ta quan sát hành vi của nhau, và kể những câu chuyện về chúng qua hàng ngàn năm, bóc tách những khuôn mẫu trong hành vi của ta đại diện cho thiên tính con người, và tìm cách thể hiện chúng ta như thế nào một phần thông qua bắt chước, kịch, truyền thuyết, văn học, nghệ thuật và tất cả những thứ liên quan. Quá trình thấu hiểu ấy được thể hiện qua những tích truyện trong Kinh Thánh. Ít ra là tôi thấy như vậy. Những câu chuyện ấy được kể lung tung, rời rạc, mâu thuẫn, vụng về – Một lý do khiến chúng trở nên vô cùng phức tạp. Và tôi thấy trong đó sự vất vả của con người để vượt lên trên loài vật và nhận thức được làm người là như thế nào.
Đấy là một việc khó khăn. Vì chúng ta không biết ta là ai, làm từ gì, đến từ đâu. Sự sống là một sợi xích đã kéo dài được 3.5 tỉ năm. Đấy là một điều không thể tin nổi. Tất cả tổ tiên bạn đã sống sót qua 3,5 tỷ năm đấy, sinh trưởng và truyền giống được 3,5 Tỷ năm. Tôi phải lặp lập là thật sự không thể tin nổi. Chúng ta đạp lên bùn đất mà rũ mình đứng dậy, và hãy nhìn xem, chúng ta có nhận thức nhưng không có kiến thức, và ta đang cố hiểu chính mình. Một lốc truyện kể từ 3 thiên niên kỷ được lưu truyền và tôi cho rằng những câu chuyện ấy có giá trị cao.
Khi tôi đọc những câu chuyện trong Kinh Thánh, tôi đọc chúng với tâm thế không biết gì. Quyển sách này là một sự bí ẩn. Nó đã được tạo thành như thế nào? Tại sao người ta lại vận sức sáng tạo nó? Tại sao ta lại giữ gìn nó? Vì sao nó lại là động cơ cho nền văn minh này suốt 2000 năm nay và chuyển hóa thế giới này. Điều gì đang xảy ra vậy? Dĩ nhiên là nó không rõ ràng. Một điều về cách chỉ trích hời hợt về tôn giáo khiến tôi phiền lòng là họ không chịu nhìn nhận hiện tượng một cách nghiêm túc. Người ta luôn có khả năng kinh qua trải nghiệm tôn giáo, nhưng không ai giải thích được lý do vì sao. Bạn hoàn toàn có thể tạo ra chúng trong môi trường kiểm soát bằng nhiều cách khác nhau. Có thể thông qua kích thích não.
Có thể chơi thuốc, đặc biệt là dùng chất thức thần. Chúng giúp bạn thấu giác được cái thiêng siêu phàm thường xuyên. Người ta đã dùng những thứ này bao lâu không ai biết được. Có thể là từ 50000 năm trước, hoặc thậm chí lâu hơn để có thể tri giác và nhập làm một với cái thiêng. Chúng ta không hiểu bất kì điều gì về những điều đó cả. Khi chúng ta khám phá ra chất thức thần vào thập niên 60, chúng gây ra bao nhiêu hoảng loạn và khiến ta cấm chúng ngay lập tức. Chúng bị gạt ra khỏi mọi nghiên cứu được nửa thế kỉ và không có gì ngạc nhiên cả. Ai lại có thể dự kiến được chúng chứ? Không ai cả.
Jung là một học trò của Nietzsche. Nhưng ông cũng là một nhà phê bình sắc sảo về Nietzsche. Jung được giáo dục bởi Freud. Freud bắt đầu đối chiếu và xem xét về thông tin liên quan đến việc loài người chúng ta sống trong một giấc mơ. Chính Freud là người đã làm cho khái niệm về tiềm thức trở nên phổ biến đến vậy. Chúng ta giờ không còn quý trọng ý tưởng này gì nữa và quên đi sự thật rằng đây là một ý tưởng mang tính cách mạng. Việc đã xảy ra với Freud là ta đã lấy những gì cốt tủy nhất của ông và lan tỏa nó đến một mức độ mà khi ta nhìn lại, những gì ta còn có thể thấy là những giới hạn, những điều sai và chưa đạt của ông. Một trong những ý tưởng của Freud nổi bật và phổ biến là nhận thức của bạn , hành động của bạn và ý nghĩ của bạn đều được mớm thông tin và điều chỉnh bởi những động cơ đến từ tiềm thức nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.
Đấy là một điều vô cùng kì lạ. Đấy là một trong những điều gây lạnh gáy nhất về lý thuyết phân tâm học. Giả thuyết chung của phân tâm học đại loại là “bạn là một tập hợp lỏng lẻo của những tâm phụ đầy sống động – Mỗi tâm phụ ấy có động lực riêng, trí giác riêng, cảm xúc và lý trí riêng, và khả năng kiểm soát chúng của bạn bị giới hạn. Bạn là tập số nhiều của những tâm phụ trong lòng mà được liên kết lại với nhau tạo ra một khối thống nhất. Bạn biết điều đó, bởi vì bạn chưa kiểm soát bản thân thật sự tốt – Đấy là một lý do chính cho sự phản đối từ Jung với ý tưởng tự tạo ra giá trị của Nietzsche.
Jung không tin vào điều ấy, đặc biệt là sau khi làm việc cùng Freud, vì ông nhìn ra rằng con người chúng ta bị tác động cực kỳ sâu bởi những tác nhân nằm ngoài khả năng kiểm soát của nhận thức. Không ai biết cách khái niệm hóa những điều trên. Những nhà tâm lý học nhận thức nghĩ những tâm phụ ấy nhữ những cỗ máy tính, những chương trình. Những người cổ đại thì cho rằng những tâm phụ ấy là thần thánh – Ấy là tôi đang đơn giản hóa. Tỉ dụ Mars là vị thần chiến tranh, nhưng cũng là vị thần của sự giận dữ, là thứ ám bạn khi bạn lên cơn lôi đình. Nó có góc nhìn riêng, và nó nói những gì nó muốn nói, và những điều đó có thể không liên quan gì đến những điều bạn muốn nói khi bạn tỉnh táo. Nó không chỉ ở bên trong bạn, nó ở bên trong mọi người, và nó trường cửu, và nó thậm chí ở trong động vật. Nó là một thực thể tâm lý siêu việt mà chiếm hữu hành vi của cơ thể, như cách một ý nghĩ chiếm hữu bộ não. Đó là một cách nghĩ, dù đúng là nó rất kì lạ. Nhưng nó cũng có giá trị nhất định. Những thứ ta vừa bàn, trong một ngữ nghĩa nào đó, là một dạng thần thánh. Nhưng mọi thứ không chỉ đơn giản như vậy.
Jung trở nên đặc biệt quan tâm đến các giấc mơ, và ông ta bắt đầu hiểu được liên quan giữa giấc mơ và huyền thoại. Ông ta đọc sâu những truyền thuyết, và Jung thấy những vọng âm của những câu chuyện ấy trong giấc mơ của những bịnh nhân ông điều trị. Jung tin rằng giấc mơ là nơi sản sinh ra những huyền thoại, và có một sự tương tác liên tục giữa hai quá trình: Mơ cùng câu chuyện và việc kể chuyện. Bạn có thể kể lại giấc mơ của mình nếu bạn có thể nhớ được chúng. Thậm chí một vài người còn có thể nhớ được giấc mơ mọi lúc, sau ba, bốn đêm. Tôi có bịnh nhân như vậy. Họ thường có những giấc mơ cổ mẫu mang đậm cấu trúc của một truyền thuyết. Những trường hợp như vậy thường xảy ra với những người sáng tạo – Đặc biệt nếu thỉnh thoảng họ bất ổn – vì giấc mơ thường chiếm những vùng không gian của sự không chắc chắn, rồi thành hình cái hiện thực chưa tường minh để cuối cùng bạn có thể nắm bắt được nó. Do đó giấc mơ là nơi thành hình ra những ý nghĩ. Đấy là một cách hay khi ta nghĩ về nó vì thật sự những thành phẩm từ giấc mơ không hề rõ ràng. Giấc mơ chỉ đang cố làm tốt nhất có thể trong việc công thức hóa một thứ gì đó. Đấy là quan điểm của Jung, hậu Freud – Người cho rằng có một cơ chế kiểm duyệt nội tâm đã giấu tiệt thông điệp thật sự của giấc mơ. Điều này Jung không tin chút nào. Jung cho rằng giấc mơ đã cố gắng hết sức để trình bày một hiện thực vẫn đang nằm ngoài những gì tri thức này có thể tường minh và có thể hiểu được.
Một ý nghĩ xuất hiện trong đầu bạn. Mọi chuyện thật rõ ràng nhỉ? Đùng một cái ý nghĩ xuất hiện. Bạn chẳng bao giờ thắc mắc về nó. Nhưng việc đó có ý nghĩa gì? Một ý nghĩa xuất hiện trong đầu bạn. Cách giải thích ấy mà chấp nhận được ư? Nó không có ích chút nào cả. “Ý nghĩ đến từ đâu?”. “Ờ thì nó đến từ trong đầu tôi.” Đấy là một cách giải thích không hề chi tiết chút nào cả. Bạn sẽ nghĩ theo hướng là những ý nghĩ ấy do bạn nghĩ ra. Thế chúng đến từ đâu? Thường chúng là của những người khác – thường đã chết từ lâu. Đây có thể là một phần nguồn gốc của ý nghĩ. – Những ngôn từ bạn dùng là sự bày tỏ từ những người đã chết từ đời tám hoánh nào đó. Bạn nhận được thông tin từ tổ tiên của bạn. Đấy là một cách nhìn.
Động cơ của bạn, cảm xúc của bạn, cơ thể của bạn đều cố gắng nói chuyện với bạn, và một phần của những thông điệp ấy là qua giấc mơ. Giấc mơ là nơi sản sinh ra những ý tưởng toàn thiện rõ ràng. Chúng không hề xuất hiện từ thinh không trong trạng thái đã đầy đủ hoàn thiện. Chúng có nguồn gốc phát triển riêng, và chỉ có Chúa mới biết cái nguồn gốc ấy đã kéo dài trong bao lâu. Kể cả khi ta nói :“Tôi có ý thức”.
Tinh tinh không nói vậy. Và cũng được ba triệu năm kể từ khi tách mình ra khỏi tinh tinh – thủy tổ chung. Chúng không có kiến thức tường mình, rất ý khả năng ý thức bản thân, và khả năng biểu lộ bản thân. Đấy không hề là trường hợp cho loài người chúng ta. Ta đã cẩn thận làm cho chúng trở nên rõ ràng trong suốt hành trình bảy triệu năm. Và một trong số những điểm trong hành trình ấy đã được thể hiện trong trong những tích truyện cổ ấy – đặc biệt là trong câu chuyện cổ xưa nhất. Như trong Sáng Thế Ký (Genesis), tức câu chuyện mà ta sẽ bắt đầu. Một số bản chất cổ xưa của con người được gói gọn trong những câu chuyện đó. Và chúng có tính chỉ dẫn cao độ.
Hãy xem xét ví dụ nhỏ sau đây. Ý tưởng về sự hi sinh trong kinh Cựu Ước khá ư là man di. Câu chuyện của Abraham(Áp-ra-ham) và Isaac (I-sa-ác) thể hiện rõ điều này. Abraham được yêu cầu hiến tế đứa con trai ruột của mình, điều mà một đức Toàn Năng có lý lẽ sẽ không làm. Đấng toàn năng trong kinh Cựu Ước, thường khá tàn nhẫn, tự tiện, đòi hỏi, và đầy nghịch lý – ấy là một trong những lý do khiến cuốn sách này đầy sức sống. Nó không bị chỉnh sửa bởi một hội đồng lo lắng về việc cuốn kinh này có thể gây xúc phạm. Và tôi rất chắc chắn về điều này.
Do đó Jung tin rằng giấc mơ là nơi sản sinh ra suy nghĩ. Tôi đã mở rộng ý tưởng này, vì một trong những điều khiến tôi tự hỏi sâu sắc nhất là nếu bạn có một giấc mơ, và có ai đó giải nghĩa giấc mơ ấy. Bạn hoàn toàn có thể tranh cãi về sự giải nghĩa giấc mơ kia có giá trị hay không, và nó tương đương với việc bạn tranh cãi về cách giải nghĩa bộ phim hay cuốn tiểu thuyết này có giá trị hay không. Đó là một điều rất khó xác định với bất kỳ mức độ chính xác nào – Đấy là một phần của phê bình từ những nhà hậu hiện đại.
Nhưng trong quan sát của tôi rằng người ta sẽ trình bày lại những giấc mơ, và khi thoảng, ta có thể tách xuất ra những thông xịn, hữu ích mà người mơ không biết – và thế là họ có được một thoáng nhìn sâu sắc hơn. Đấy là một điểm dấu mà ta vô tình tìm thấy, vì những giấc mơ ấy giúp thống nhất những gì chưa được kết nối trong trong một người. Nó kéo mọi thứ lại gần nhau – Đấy là một điều mà một câu chuyện tốt thường làm, hay một lý thuyết tốt. Mọi thứ chập lại với nhau trước mắt bạn, nhưng một thứ ánh sáng le lói chỉ đường. Ấy là cách mà tôi đánh dấu những cơn mơ và độ chính xác của việc giải nghĩa trong gia đình tôi.
Khi tôi mới cưới, tôi tranh cãi với vợ về cái này cái nọ. Tôi khá là nóng tính, và sẽ trở kích động lẫn phát điên lên với bất kì chủ đề tranh cãi nào. Cô ấy sẽ đi ngủ, và đấy là một điều phiền phức. Đặc biệt phiền phức vì cô ấy ngủ được còn tôi thì không. Tôi cắn móng tay còn vợ thì ngủ ngon lành cạnh bên. Khùng điên hết sức. Nhưng rồi cô ấy sẽ có một giấc mơ, và cô ấy sẽ bàn với tôi vào sáng hôm sau. Chúng tôi sẽ cùng bóc tách gốc rễ của cuộc cãi vã. Nó cực kì hữu ích, dù việc đó cực kì nghiêm trọng. Tôi đã bị thuyết phục bởi Jung rằng có mối quan hệ giữa giấc mơ, huyền thoại, kịch và văn học. Chúng có lý. Và có cả ý tưởng về mối quan hệ giữa con người và nghệ thuật.
Tôi biết một thợ chạm khắc bản địa này. Anh ta là một người Kwakwaka’wakw. Anh ấy đã chạm khắc khá nhiều cột tổ, tượng gỗ và mặt nạ – Tôi có chúng ở trong nhà. Anh ấy là một người thú vị – Không thật sự là biết chữ, và vẫn còn ngủ yên trong truyền thống đã kéo dài 13000 năm. Anh ta là một người nói ngôn ngữ gốc, và dù thì đúng ra anh ta không biết chữ đã giúp tâm trí anh ta giống tổ tiên chúng ta ở thời kì tiền chữ viết. Những người ở thời kì tiền chữ viết không ngu; Họ chỉ không biết chữ. Do đó não của họ được tổ chức khác hẳn trong nhiều cách khác nhau.
Tôi có hỏi anh ấy về cảm hứng cho việc chạm khắc của anh ở đâu ra. Anh ấy đáp là từ những giấc mơ. Bạn có lẽ đã thấy mặt nạ Haida rồi; và bạn biết chúng trông như thế nào. Dân tộc anh ấy gần gũi với Haida. Cùng một phong cách cả. Anh ta mơ về những con thú ấy, và anh ấy có thể nhớ được giấc mơ của mình. Anh ấy cũng nói chuyện với ông của mình – người dạy anh ta cách chạm khắc – trong mơ. Rất thường xuyên trong trường hợp anh ta gặp khó trong việc chạm khắc, ông bà của anh ta sẽ xuất hiện trong giấc mơ, và anh sẽ nói chuyện với họ. Anh ấy thấy được những con vật mình sẽ chạm khắc chuyển động trong tâm trí. Tôi không có lý do nào để không tin. Anh ấy là một người rất thẳng thắng, và anh cũng chẳng có động cơ gì, hay khôn lanh gì để phịa ra một câu chuyện như vậy. Chẳng có lý do nào khả dĩ, và tôi cũng cho rằng anh ấy không kể chuyện này lung tung. Anh cho nó là điên khùng. Khi còn nhỏ, anh cho rằng mình bị khùng vì bản thân có những giấc mơ như vậy suốt về những con vật và những thứ đại tỷ vậy. Đây không hề những điều anh ta tự hào.
Tôi thấy điều ấy thật độc đáo, vì tôi thấy anh đang là sự biểu hiện của truyền thống trài dài liên tục không bị phá vỡ. Chúng ta không có ý niệm nào việc làm sao mà những truyền thống như vậy có thể truyền được hàng chục ngàn năm. Một phần là nhờ truyền miệng và qua những kí ức, phần nhờ chúng được diễn và kịch tính hóa, phần nhờ trí tưởng tượng. Những người không biết chữ lưu trữ thông tin có phần khác với chúng ta. Chúng ta thì chẳng nhớ gì cả. Tất cả đều chép lại trong sách. Nhưng nếu bạn sống trong một nền văn hóa truyền khẩu bạn sẽ nhớ mọi thông tin trong đầu – Điều này càng được thể hiện rõ nếu bạn được huấn luyện như vậy. Vì bạn cần phải nhớ được mọi thông tin nếu bạn muốn nói về nó. Bạn có thể kể chuyện, và bạn thuộc lòng chúng. Người hiện đại có lẽ không hiểu điều đó như thế nào, trông ra sao. Tôi nghi ngờ rằng trong số các bạn đây có ai đó có thể giờ ngay lập tức đọc được 30 dòng thơ. Và thật ra đấy là lý do có thơ: Để người ta đọc lại nó từ trong trí nhớ. Nhưng ta chẳng còn làm gì tương tự vậy nữa.
Trở lại với Jung. Jung là một người tin tưởng nhiệt thành vào những giấc mơ. Tôi biết rằng giấc mơ sẽ nói cho bạn biết những điều bạn không biết. Vậy thì những điều bí ẩn ấy có thể là gì? Làm cách nào một thứ gì đấy trong ý nghĩ của bạn có thể nói cho bạn nghe những điều bạn không biết? Làm cách nào điều đó hợp lý được? Đầu tiên là tại sao bạn không hiểu những điều giấc mơ cố nói cho bạn? Tại sao những kiến thức ấy lại đến ở dạng giấc mơ? Dường như có điều gì ấy đang xảy ra trong bạn mà bạn không kiểm soát được. Giấc mơ xảy đến với bạn, như đời vậy. Dĩ nhiên có những người đặc biệt có khả năng mơ những giấc mơ sáng suốt (Lucid dream), và áp được một phần ý thức vào giấc mơ, nhưng hầu hết chúng ta trong đó có bạn thì nằm đó ngáy o o trong khi một thế khùng điên kì lạ đang hiển lộ ầm ầm trong tâm trí bạn. Và bạn không hiểu làm cách nào điều này diễn ra. Bạn chẳng thể làm điều ấy khi bạn tỉnh thức, và bạn không hiểu điều ấy có ý nghĩa gì. Chuyện quái gì đang diễn ra vậy?
Đấy là một trong những điều gây lạnh sống lưng về phân tâm học – và bạn sẽ thấy nó từ cả Jung và Freud. Bạn sẽ thật sự hiểu rằng bên trong bạn có những thứ điều khiển bạn, chứ không phải ngược lại. Ừ thì bạn có thể tương tác điều khiển chút chút đấy, nhưng ở đây ta có sự biểu lộ của những linh hồn – bạn có thể hiểu như vậy – bên trong bạn. Và những linh hồn ấy quyết định cách bạn bước đi trên đường đời, và bạn không thể nào kiểm soát chúng. Và nó làm gì? Có sự ngẫu nhiên ở đây không? Có người khẳng định giấc mơ là chỉ là hệ quả trực tiếp của những tia điện lẹt xẹt ngẫu nhiên trong hệ thần kinh của bạn.
Tôi nghĩ đấy là một lý thuyết phi lý vì không có chữ “Ngẫu nhiên” trong chữ “giấc mơ”. Chúng có một cấu trúc hết sức chặt chẽ và bản chất thì vô cùng phức tạp. Chúng không giống tuyết, hay tiếng xè xè của tivi hoặc của radio. Tôi cũng thấy có rất nhiều giấc mơ từ khách hàng có sự thống nhất liền lạc, và có một cấu trúc tường thuật tuyệt hảo. Chúng hoàn thiện theo một ngữ nghĩa nào đó. Do đó lý thuyết ngẫu nhiên không đi đến đâu cả. Ít nhất là đối với tôi. Tôi không thể thấy chúng hữu ích chút nào. Tôi luôn nhìn nhận hiện tượng này một cách thật sự nghiêm túc.
Có cái gì đó liên quan đến giấc mơ. Bạn mơ thấy tương lai, rồi bạn hiện thực hóa chúng. Đấy có vẻ là một điều quan trọng. Hay như những cơn ác mộng, và bạn cũng hiện thực hóa chúng. Đúng, người ta làm vậy đấy. Trong trường hợp họ nhăm nhe việc trả thù – tỉ dụ vậy – và đầy hận thù lẫn oán giận. Những cảm xúc ấy có thể hiển lộ dưới dạng những ảo mộng khủng khiếp nhất. Đó là giấc mơ, và rồi người ta thực hiện chúng. Chúng rất mạnh, và đã có trường hợp những quốc gia khi sự đã rồi mới nhận ra họ đang mơ một giấc mơ tập thể. Lũ Nazi Đức Quốc Xã những năm 1930 chả hạn. Đấy quả thật là một quang cảnh tuyệt vời nhưng vô cùng kinh khủng, đáng sợ và đầy tính hủy diệt. Và điều tương tự cũng đã xảy ra ở Liên Xô lẫn Trung Quốc. Bạn phải nhìn nhận chúng nghiêm túc nếu bạn đang cố hiểu chuyện gì đang diễn ra.
Jung tin rằng giấc mơ chứa cực kì nhiều thông tin, mỗi tội những thông tin ấy chưa ở dạng chi tiết rõ ràng. Tôi cho rằng nghệ sĩ cũng làm điều tương tự. Người ta đi đến bảo tàng để nhìn vào những bức tranh – cả cổ điển lẫn hiện đại – và họ thật sự không rõ vì sao họ ở đó ngắm tranh. Tôi đã từng ở một căn phòng tại New York đầy những bức họa từ thời phục hưng của những họa sĩ vĩ đại. Tôi nghĩ rất có thể thôi căn phòng mà mình đang đứng đây có thể có giá cả tỉ đô hoặc hơn, vì 20 bức họa trong căn phòng này là vô giá. Thứ nhất, tại sao những bức họa đó là mắc vậy? Vì sao trong viện bảo tàng bự nhất, trong thành phố lớn nhất thế giới có căn phòng dành riêng cho chúng? Tại sao lớp lớp người từ khắp nơi trên thế giới đến để xem chúng? Người ta đang làm cái quái gì vậy? Một trong những bức tranh trong căn phòng là Assumption of Mary (https://en.wikipedia.org/wiki/Assumption_of_Mary). Đây là một bức tranh đẹp và là một tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ. Có 20 người đang lố nhố xem. Những người ấy muốn gì? Họ không biết. Vì sao họ hành hương đến Nữu Ước để xem những tác phẩm hội họa ấy? Không có vẻ gì là họ biết. Vì sao chúng đắt quá trời? Tôi biết có yếu tố địa vị và đẳng cấp ở đây nhưng từ đây lại xì ra câu hỏi khác: Điều gì khiến những bức họa này trở thành những vật mang đẳng cấp cao? Điều gì khiến chúng trở nên đáng chú ý đến thế? Chúng ta quả là một loài sinh vật kì lạ.
Những thông tin trong giấc mơ đến từ đâu? Nó phải có nguồn. Bạn có thể nghĩ nó theo hướng ấy là một sự hiển lộ, vì nó cứ từ hư không mà đến, và những thông tin ấy là một kiến thức mới. Bạn không tạo ra chúng, chúng đùng cái xuất hiện. Tôi là người có tư duy khoa học, và tôi khá là lý tính. Và tôi thích có sự giải thích rõ ràng cho mọi thứ một cách hợp lý và tường minh, trước khi tôi chấp nhận bất kì cách giải thích nào khác. Tôi không muốn nói rằng mọi thứ liên quan đến cõi trên đều có thể giản lược lại vào bộ khung sinh học, lịch sử tiến hóa hay điều gì đấy đại loại vậy. Nhưng nếu có thể làm điều đó tôi sẽ làm. Tôi sẽ để những hiện tượng khác im vì chúng không thể bị áp vào một cách lý giải lý tính nào. Và do đó tôi sẽ phân loại chúng thành những trải nghiệm tôn giáo và huyền bí. Đấy là những điều chúng ta chẳng thể hiểu được.
Nghệ sĩ quan sát lẫn nhau, và họ quan sát người khác. Rồi họ đóng tuồng những gì họ quan sát được, đồng thời lan truyền thông điệp những gì họ thấy cho chúng ta. Những điều họ làm dạy chúng ta nhìn.
Ta có thể không cần biết ta đang học gì từ họ, nhưng ta đang học cái gì đấy, hoặc ít nhất ta đang hành động như thể đang học cái gì đấy. Chúng ta đi cine, xem những câu chuyện, chúng ta nhập tâm với những tác phẩm hư cấu một cách thường xuyên. Đấy là một sản phẩm nghệ thuật. Và với nhiều người thế giới nghệ thuật là một thế giới sống động. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn là một người sáng tạo.
Ấy là những người sáng tạo và đầy tính nghệ sĩ đã đẩy kiến thức của loài người tiến về phía trước. Họ làm điều đó với những sản phẩm nghệ thuật của mình. Họ ở trên bờ vực. Những vũ công, thi sĩ, nhà hoạt ảnh và nhạc công làm những điều đấy, và chúng ta không rõ họ làm cái gì. Rốt cuộc là họ làm cái gì? Vì sao ta thích âm nhạc? Vì âm nhạc mang lại cho bạn dấu hiệu về sự quan trọng của mọi thứ. Và không ai thắc mắc về điều này cả. Bạn đến nhạc hội, và bạn nôn nao. Vì đấy là một trải nghiệm bán tôn giáo. Đặc biệt nếu mọi người gắn kết với nhau và cùng nhau nhảy nhót. Có điều gì đấy vô cùng dữ dội về điều đó, nhưng thật vô lý.
Câu hỏi về nguồn gốc thông tin của giấc mơ vẫn còn đó. Tôi nghĩ rằng chúng đến từ việc ta quan sát những khuôn mẫu hành vi của mọi người. Chúng ta quan sát chúng từ ngàn xưa, và chúng ta có những đại diện của những khuôn mẫu đó trong lịch sử văn hóa của ta.Đấy là những điều mà truyện về thiện ác, người xấu người tốt, và mang yếu tố lãng mạn muốn nhắc đến. Chúng là những hình mẫu gốc cho khuôn mẫu của tồn tại, cho loài người, và chúng ảnh hưởng sâu sắc đến ta vì chúng đại diện cho những gì ta sẽ làm trên đời. Chúng ta làm rõ chúng với những thông tin mà từng cá nhân có về bản thân và những người xung quanh. Có những làn sóng thể hiện khuôn mẫu hành vi hiển lộ trong đám đông suốt dọc chiều dài thời gian. Những bi kịch vĩ đại được thể hiện trong đám đông cũng trong suốt dọc chiều dài thời gian. Người nghệ sĩ quan sát chúng, và họ có những gợi ý về bản chất của chúng. Họ ghi chép chúng lại, kể cho ta nghe, và ta thấy rõ hơn việc bản thân ta sẽ làm.
Một người viết kịch tài ba như Shakespeare thì chỉ viết những thứ ta gọi là “hư cấu”. Và do đó ta nói hư cấu là không thật. Nhưng rồi bạn chợt nhận ra là có thể nó thật như cách con số nó thật. Sô là phép trừu tượng hóa của một hiện thực nằm bên dưới nhưng không ai tỉnh táo sẽ cãi rằng con số không có thực.
Bạn thậm chí còn có thể nói rằng con số còn thực hơn những gì chúng đại diện, vì sự trừu tượng hóa mang lại cho chúng sức mạnh khủng khiếp.
Khi bạn có toán học, bạn trở nên đáng sợ. Bạn có thể khuynh đảo thế giới này với toán học. Thật không rõ ràng cho việc ta nói rằng cái trừu tượng không thật bằng cái thực tại cứng chắc. Bạn hãy quan sát một tác phẩm hư cấu như Hamlet, và bạn sẽ nghĩ rằng nó không có thật vì nó là tác phẩm hư cấu. Nhưng gượm đã, cách giải thích gì vô duyên vậy? Thật sự nó hoàn toàn có thể thật hơn cả những tác phẩm phi hư cấu. Nó trích xuất ra được câu chuyện về tất cả mọi người, phải, cả bạn nữa đấy, và trừu tượng hóa câu chuyện ấy và nói rằng đây là trải nghiệm then chốt của con người. Đây là một sự trừu tượng hóa của vật liệu gốc đầy ồn ào. Mọi người bị ảnh hưởng bởi chúng đại diện cho mẫu hình tồn tại của họ. Đây là một cách nghĩ đúng về hiện tượng này.
Với những tích cổ như vậy, tôi thấy rằng quá trình chúng ta quan sát chính bản thân mình và chiết xuất ra những câu chuyện đã trải qua hàng ngàn năm. Như thể ta tự bắt chước người khác, và ta đóng và hóa thân vào chúng trong những vở kịch, và thế là ta có thành quả kết tinh của những câu chuyện của loài người. Và cứ thế ta lặp đi lặp lại việc này. Có trời mới biết loài người đã làm điều này trong bao lâu. Thậm chí có những chuyện cổ tích có thể lần ngược lại nguồn gốc của chúng suốt 10000 năm, và suốt thời gian ấy chúng gần như không thay đổi.
Theo ý tôi, ví dụ từ những bằng chứng khảo cổ học, khá chắc rằng những câu chuyện đầu tiên của Kinh Thánh cũng xưa cỡ đó, và rất có thể khởi nguyên ở thời kì tiền lịch sử. Bạn có thể thắc mắc làm sao mà tôi có thể chắc như vậy. Câu trả lời là nền văn hóa cổ đại không thay đổi nhanh đến như vậy. Chúng luôn giữ nguyên, và đấy là câu trả lời. Những nền văn hóa ấy lưu truyền thông tin từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Và đấy là cách họ không thay đổi. Và đó là cách ta biết. Có những bằng chứng khảo cổ cho thấy có những nghi lễ dường như kéo dài liên tục suốt 20000 năm. Được phát hiện trong một cái động tại xứ Phù Tang, nghi lễ ấy là về việc thờ phụng gấu. Ấy cũng là một đặc tính ở Tây u. Những thứ như vậy có thể tồn tại một thời gian dài.
Ta quan sát hành vi của nhau ở đời, do đó câu hỏi là ta đã làm việc đó trong bao lâu? Câu trả lời theo một nghĩa nào đó, là từ khi có sinh vật có hệ thần kinh. Và đấy là một quãng thời gian rất rất dài. Đấy là hàng trăm triệu năm. Thậm chí có thể lâu hơn. Chúng ta quan sát lẫn nhau, cố gắng hiểu cho ra nhẽ dự định của nhau suốt quãng thời gian đó. Một vài kiến thức ấy đã có sẵn trong người bạn – ấy là lý do vì sao bạn có thể nhảy cùng người lạ. Hiểu biết không phải là những thứ trừu tượng bạn có. Đấy là những gì bạn làm. Con nít làm vậy suốt, đấy là cách chúng học qua việc chơi. Chúng học cách nối kết bản thân chúng với bản thể của người khác một cách hài hòa – học cách hợp tác và hoàn thiện với nhau. Những điều đấy được cài sẵn trong cơ thể chúng. Đấy không phải là kiến thức trừu tượng vì chúng có hiểu chúng đang làm gì đâu. Chúng làm thôi. Và cả chúng ta cũng có thể dùng chính cơ thể này để làm một nền tảng đại diện.