Liệu có đáng để cố gắng cứu vãn mối quan hệ với một người mang đặc điểm mà các nhà tâm lý học gọi là tránh né – nghĩa là một người cực kỳ dè dặt trong việc bộc lộ hay đón nhận tình cảm, và dường như phù hợp với cuộc sống cô đơn hơn là trong một mối quan hệ?
Hãy giả định, trong phạm vi bài viết này (và với đầy đủ nhận thức rằng điều này không áp dụng cho mọi trường hợp), rằng câu trả lời có thể là một cái gật đầu dè dặt: có. Giả định rằng không có nguy cơ lạm dụng trong mối quan hệ này, và rằng người ấy đủ tử tế, đủ nhạy cảm để ta có thể kiên nhẫn và tìm cách thấu hiểu họ. Vậy thì, làm thế nào để ta đặt mối quan hệ với họ lên một nền tảng vững vàng hơn? Sau đây là năm ý tưởng:
🌻 1. HIỂU RÕ “CHẨN ĐOÁN” CỦA HỌ
Một phần khó khăn khi đối mặt với người yêu có xu hướng tránh né là phải hiểu rõ vấn đề thực sự của họ là gì. Thật dễ nhầm lẫn hành vi tránh né của họ với hai điều sau: sự căm gh ét dành cho ta và (kéo theo đó) bằng chứng cho thấy có điều gì sai ở bản thân ta. Nếu ta rơi vào hai suy nghĩ đau đớn này, ta sẽ mãi mắc kẹt giữa cảm giác bị tổn thương sâu sắc và sự tự khinh bỉ.
Hãy cố giữ trong tâm trí một suy nghĩ: người yêu của ta đang phải chịu đựng một hội chứng tâm lý đã được nghiên cứu kỹ lưỡng – hội chứng ấy tồn tại từ rất lâu trước khi họ gặp ta, hoàn toàn không liên quan gì đến bản thân ta, và dẫu cho điều đó có thể làm ta bực bội, nó không nhằm cố ý gây tổn thương cho ta.
Lý do họ hành xử như vậy nằm ở những tổn thương sâu sắc từ thời thơ ấu, giống như hầu hết những người có xu hướng tránh né (một nhóm có thể chiếm đến 25% dân số). Trong quãng đời đầu tiên ấy, họ đã phải trải qua một mối quan hệ vô cùng thiếu thốn và đau đớn với người chăm sóc chính hoặc cha mẹ của họ. Có thể đã có sự thờ ơ, bạo hành, hoặc sự sỉ nhục, và từ đó hình thành một niềm tin mạnh mẽ: “Các mối quan hệ là nguy hiểm.” Và: “Tôi chỉ thực sự an toàn khi ở một mình; người khác không thể đáp ứng nhu cầu của tôi.”
🌻 2. NGƯỜI HAY TRÁNH NÉ THỰC CHẤT ĐANG SỢ HÃI
Người tránh né cũng khao khát tình yêu như bất kỳ ai trong chúng ta; chỉ có điều, họ quá sợ hãi để chấp nhận nó khi tình yêu xuất hiện. Khi tình yêu đến gần, họ lo sợ rằng lớp áo giáp phòng thủ mà họ cất công xây dựng để chống lại người khác sẽ bị lột trần, và họ lại một lần nữa tổn thương như thuở ấu thơ.
Nếu ta hiểu được điều này, ta sẽ nhìn nhận hành động của họ dưới một lăng kính bao dung hơn. Họ bước sang phòng bên không phải vì chán ghét ta, mà vì một phần nào đó trong họ đang cảm thấy e ngại và kiệt quệ bởi sự gần gũi. Họ dành nhiều thời gian cho bạn bè không phải vì họ không muốn ở bên ta, mà bởi vì họ sợ rằng sự phụ thuộc vào ta sẽ khiến họ đối mặt với những rủi ro không thể chịu đựng nổi.
Hành vi của họ có thể vẫn chưa hoàn hảo, nhưng nếu ta hiểu được nguyên nhân, ta sẽ bớt cảm thấy bị tổn thương sâu sắc.
🌻 3. TỰ NHẬN THỨC
Có sự khác biệt rất lớn giữa một người tránh né hiểu rõ bản thân họ và một người phẫn nộ, từ chối mọi gợi ý về vấn đề của mình. Nhận thức không hẳn sẽ loại bỏ hoàn toàn những hành vi ấy, nhưng nó có thể khuyến khích người tránh né giải thích hành động của họ, xin lỗi vì những hậu quả mà hành động đó gây ra, và thực hiện các biện pháp để thay đổi bản thân.
Khi một người có thể nói: “Anh/em rất xin lỗi vì mình có xu hướng tránh né. Anh/em sẽ cố gắng tự quan sát và mang vấn đề này đến trị liệu,” thì một phần quan trọng của cuộc chiến này đã được giải quyết.
🌻 4. GIÚP HỌ BỚT CẢM GIÁC BỊ BAO VÂY
Nếu ta biết rằng một người từng trải qua tổn thương về tiêu hóa sẽ không thể ăn quá nhiều trong một lần, thì cũng nên áp dụng logic tương tự với “dinh dưỡng cảm xúc” khi ở bên những người hay tránh né.
Ta có thể cần chia nhỏ tình yêu của mình thành những mẩu nhỏ dễ tiêu hóa. Ta cần che bớt ánh sáng chói lóa của tình cảm mà mình dành cho họ. Có thể ta không nên gửi quá nhiều tin nhắn hay liên tục bày tỏ sự quan tâm. Thay vào đó, hãy nhấn mạnh sự độc lập của mình, cho họ không gian để thở. Ta thậm chí có thể dùng sự hài hước để nói lên nghịch lý này: “Anh/em biết điều này sẽ làm anh/em lo lắng, nhưng thật đáng tiếc… anh/em yêu anh/em rất nhiều.”
🌻 5. VẤN ĐỀ KHÔNG CHỈ NẰM Ở HỌ
Điều cuối cùng – và có lẽ quan trọng nhất – để giúp ta đối diện với một người bạn đời tránh né là thừa nhận một sự thật khá thách thức: vấn đề không chỉ ở họ mà còn ở chính ta.
Ta không ở đây một cách ngẫu nhiên. Ta hoàn toàn có thể từ chối họ ngay từ buổi hẹn đầu tiên, khi – dù vô thức – ta chắc chắn đã nhận ra dấu hiệu của vấn đề này. Ta không bắt buộc phải yêu, càng không cần phải tiếp tục quay lại. Nếu ta đã chọn yêu, nghĩa là có điều gì đó trong ta khiến ta muốn ở đây.
Có vẻ như họ mới là người có vấn đề, còn ta thì hoàn toàn lành mạnh, bởi họ từ chối tình yêu trong khi ta lại có khả năng cho đi tình yêu một cách dư dả. Nhưng sự thật lại khác. Nếu ta luôn dành tình yêu cho những người không dễ dàng đón nhận nó, nếu ta cảm thấy bị cuốn hút bởi những người không thể hấp thụ trọn vẹn tình cảm của ta, thì có lẽ bản thân ta cũng không ổn. Ta cũng sợ hãi sự đáp lại, ta cũng đang tránh né cường độ và sự tổn thương của một mối quan hệ lành mạnh. Nguyên nhân sâu xa có lẽ bắt nguồn từ thuở ấu thơ, khi một trong hai bậc phụ huynh của ta cũng từng là người hay tránh né.
Có thể bề ngoài, ta giống như một người khao khát sự dịu dàng, nhưng thực chất, ta chỉ đang “xuất khẩu” những bất ổn của mình ra ngoài, tập trung vào vấn đề của người khác để tránh nhìn thẳng vào phiên bản phức tạp và tinh vi hơn của chính mình. Nếu một người vô cùng ấm áp, tử tế và hiện diện trọn vẹn đến gần (như có lẽ đã từng vài lần trong đời), ta sẽ rất có khả năng bỏ chạy, thể hiện chính những sự dè dặt, sợ hãi và lảng tránh mà ta đang trách cứ ở đối phương.
Khi hiểu được điều này, ta sẽ trở nên thông cảm hơn. Thực ra, đây là vấn đề của cả hai, chỉ là nó thể hiện rõ rệt hơn ở đối phương. Nhưng cả hai ta đều đang tổn thương về mặt cảm xúc. Cả hai đều sợ hãi, chỉ là cách đối mặt khác nhau: họ chọn ở một mình, còn ta – không phải ngẫu nhiên – lại chọn yêu một người thích ở một mình.
Khi cùng nhận trách nhiệm về trạng thái rách nát của mình, ta có thể ngừng đổ lỗi, ngừng gọi tên vấn đề của nhau, và cùng nắm tay bước đi. Để một ngày nào đó, cả hai có thể đối mặt với những niềm vui sướng lẫn nỗi sợ hãi trong tình yêu bằng sự tin tưởng và hy vọng lớn lao hơn.
Tranh: Otto Dix, Self-Portrait, 1912
Nguồn: FIVE WAYS TO HANDLE AN AVOIDANT PARTNER – The school of life