Đại văn hào người Mỹ Ernest Hemingway đã thành danh với một nguyên tắc sáng tác được gọi là NGUYÊN LÝ TẢNG BĂNG TRÔI. Hemingway nói rằng những gì được thể hiện trong tác phẩm chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng. Phần ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn truyền tải không được mô tả trong tác phẩm là phần chìm của tảng băng, nó lớn hơn rất nhiều và đòi hỏi người đọc phải tự suy ngẫm để tìm ra. Phần chìm này mới thực sự là những gì mang lại sức nặng và sức hấp dẫn cho câu chuyện. Tác phẩm Ông già và biển cả là tiểu thuyết kinh điển đại diện cho lý thuyết này của Hemingway, nó đã dành một giải Pulitzer vào năm 1953 và 1 giải Nobel văn học vào năm sau đó.
Nhưng nguyên lý tảng băng trôi không phải của riêng mình Hemingway, nó đã luôn tồn tại xuyên suốt trong dòng chảy văn học của nhân loại. Trước Hemingway, đã có rất nhiều tác phẩm kinh điển được sáng tác theo cách này. Những tầng nghĩa ẩn của chúng sâu sắc đến mức mà cả thế giới đều tin theo ý nghĩa trên mặt chữ và bỏ qua tầng nghĩa ẩn bên dưới. Những tác giả vĩ đại ấy đã tạo ra những tác phẩm tinh tế tới mức hầu như tất cả mọi người đều tin theo ý nghĩa bề mặt và hiểu sai ý nghĩa thực mà tác giả muốn truyền tải. Họ miêu tả những tên cướp bằng cách gọi họ là những anh hùng, và làm cho cả thế giới tin rằng đó là những anh hùng thật. Sau đây là 3 tác phẩm mà hầu như cả nền văn hóa của chúng ta đều đang hiểu sai ý nghĩa thực của tác giả.
1. BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM (ALEXANDRE DUMAS)
Khi tôi còn nhỏ, một trong những bộ phim hoạt hình yêu thích nhất của tôi là 3 người lính ngự lâm của Disney, với Mickey, Donald, Goofy, và cả Pluto nữa. Đó là một bộ phim rất dễ thương. Sự dũng cảm của những người yếu ớt như Mickey và Donald nhưng vẫn sẵn sàng đương đầu với cái xấu đã gây ấn tượng cho đầu óc non nớt của tôi, và giúp tôi có thêm một chút dũng khí khi phải đối mặt với mấy vụ bắt nạt trong trường tiểu học. Câu khẩu hiệu “Một người vì mọi người, mọi người vì một người” của 3 anh chàng đã đi sâu vào tiềm thức của tôi, và tôi vẫn tin rằng những người lính ngự lâm luôn là những người anh hùng.
Nhưng rồi tác phẩm 3 người lính ngự lâm gốc của Dumas đã làm mất mẹ nó tuổi thơ của tôi. Câu chuyện kể về 4 người lính Athos, Porthos, Aramis, D’Artagnan, và họ hoàn toàn trái ngược so với Mickey cùng những người bạn. Họ không hề hào hiệp và đấu tranh với cái xấu như những người hùng, mà họ làm rất nhiều những điều bỉ ổi vì lợi ích cá nhân. Đầu tiên là không như Mickey và Minnie, những người lính ngự lâm đều là những tên đểu cáng và đối xử tệ với phụ nữ để thỏa mãn dục vọng cá nhân, hoặc để có tiền tiêu xài. Athos giết vợ mình chỉ vì cô từng trộm một chiếc bánh mì, còn Porthos cặp bồ với một mệnh phụ giàu có đáng tuổi mẹ mình để đào mỏ bà ta, còn Aramis muốn ngủ với gái trong cả thành Paris. D’Artagnan cũng không kém cạnh khi anh dụ dỗ một phụ nữ đã có chồng, gian díu với một người hầu gái nhằm mục đích cưỡng hiếp người chủ của cô ta.
Họ cũng đối xử rất tệ với những người yếu thế. Họ cư xử tệ bạc với những người hầu cận và cậy quyền thế để bắt nạt những người phục vụ trong quán ăn. Họ gây ra những vụ đánh nhau và giết chóc với những người lính khác vì những lý do vớ vẩn. Tệ nhất là, họ là những tên phản quốc. Trong câu chuyện, hoàng hậu Anne không yêu vua Louis và ngoại tình với quận công Buckingham của nước Anh, đồng thời làm lộ nhiều thông tin nội bộ của nước Pháp cho địch quốc. Thay vì tố giác hành vi phản trắc của hoàng hậu, những người lính đáng mến của chúng ta nhận tiền của hoàng hậu rồi thông đồng với bà ta lừa dối đức vua, trong khi họ lúc nào cũng ra rả về việc tuyệt đối trung thành với hoàng đế. Khi chiến tranh nổ ra và họ phải xung trận, họ cũng vẫn chỉ tìm cách tư lợi cá nhân thay vì thực sự chiến đấu cho tổ quốc.
Tôi đã cố gắng tìm mỏi mắt trong cả câu chuyện nhưng vẫn không thấy một hành vi nào của những người lính xứng đáng với những gì mà phiên bản hoạt hình của họ đã thể hiện. Họ không hề có một hành vi hành hiệp trượng nghĩa hay bênh vực kẻ yếu nào. Tất cả những điều họ làm đều là vì sự ích kỷ và vì lợi ích của bản thân cũng như bạn bè. Họ không phải là những anh hùng như Mickey của tôi, họ là những tên khốn. Cá nhân tôi cho rằng Dumas viết tác phẩm này để mỉa mai những gã lính ngự lâm cậy quyền thế của nhà vua để lộng hành và làm những điều xấu xa nhằm tư lợi cho mình, chứ không phải để xây dựng nên những hình tượng anh hùng.
2. THỦY HỬ (THI NẠI AM)
Thủy Hử là một trong tứ đại kỳ thư của văn học Trung Quốc. Chắc hẳn bạn đã ít nhất một lần nghe đến mỹ danh “108 vị anh hùng Lương Sơn bạc”. Khi nhắc đến cụm từ này, mọi người thường hình dung ra 108 vị hảo hán tụ họp nơi sơn cước để chống lại chế độ cai trị của triều đình thói nát, cùng nhau hành hiệp trượng nghĩa. giúp đời cứu người, mang lại ấm no cho nhân dân. Rất nhiều nhân vật trong Thủy Hử được hình tượng hóa thành anh hùng như Lâm Xung được coi là người hùng dũng, Ngô Dụng là biểu hiện của mưu trí, Tống Giang tượng trưng cho người quân tử nhân nghĩa, và nhất là Võ Tòng đả hổ được coi như biểu tượng của sức mạnh con người trong nền văn hóa của chúng ta.
Nhưng thực tế thì cũng như 3 người lính ngự lâm, 108 vị anh hùng thực chất là 108 tên cướp. Kẻ cướp và anh hùng có chung một điểm là đều có tài năng và sức mạnh hơn người, nhưng khác biệt là anh hùng sử dụng sức mạnh của mình để bênh vực người yếu thế, còn kẻ cướp sử dụng sức mạnh của mình để cướp bóc nhằm tư lợi cho các nhân. Những “anh hùng” Lương Sơn thực chất đều là những người như vậy. Họ không tụ họp với nhau để đứng lên khởi nghĩa chống lại triều đình nhằm cứu giúp nhân dân. Ngược lại, họ cướp bóc rất nhiều thành phố và thôn làng để làm giàu kho tàng của mình. Họ thường xuyên gây ra những vụ thảm sát và giết chóc nhiều người vô tội. Họ lập quán rượu để đánh thuốc mê những khách qua đường nhằm cướp bóc và lấy thịt người làm bánh bao. Rất nhiều người trong số các “anh hùng” là những kẻ bỉ ổi có tâm địa xấu xa như Tống Giang là kẻ ngụy quân tử, Ngô Dụng là người xảo quyệt, Lâm Xung là tên hèn nhát, hay Võ Tòng là người cực kỳ hiếu sát và không hề là người hành hiệp trượng nghĩa. Còn rất nhiều những nhân vật khác như Tần Minh, Lý Quỳ, Đổng Bình, Vương Anh, Lý Trung,… cũng đều là những người xấu xa chứ chẳng phải anh hùng.
Theo những công trình giải mật Thủy Hử, Thi Nại Am không viết tác phẩm này để ca ngợi những hình tượng anh hùng, ông viết Thủy Hử để phản ánh thời đại hỗn mang khi triều đình thối nát còn bọn giặc cướp thì lộng hành như rươi. Trong Thủy Hử có rất nhiều tầng nghĩa ẩn bên dưới mà thoạt đầu đọc ta tưởng đó là khen ngợi, nhưng thực chất đó là sự mỉa mai.
3. ROMEO VÀ JULIET (WILLIAM SHAKESPEARE)
Ngày xửa ngày xưa, có hai bạn trẻ nọ, một chàng và một nàng. Chàng chưa đến 20 tuổi, còn nàng mới chỉ 13. Gia tộc của họ thù hằn lẫn nhau. Nhưng chàng trai lén tham dự một bữa tiệc do gia đình của cô gái tổ chức bởi vì chàng kể ra cũng là một thằng điên. Cô gái nhìn thấy chàng trai, và các thiên thần ca hát líu lo bên tai nàng để rồi nàng đem lòng yêu chàng ngay tắp lự. Chỉ thế mà thôi. Rồi chàng lẻn vào khu vườn nhà nàng và họ quyết định sẽ cưới nhau vào ngày hôm sau, bởi vì, bạn biết đấy, điều này cũng dễ hiểu thôi, nhất là khi ba mẹ hai bên rất muốn giết nhau.
Chúng ta cứ nhảy cóc sang vài ngày sau đó. Gia đình đôi trẻ phát hiện ra việc kết hôn và làm ầm ĩ một trận ra trò. Mercutio chết. Cô bé chưa dậy thì xong bị ép gả cho một người khác còn chàng trai trẻ bị đày biệt xứ. Cô gái đau khổ đến độ nàng đã hớp một ngụm dược khiến cho nàng ngủ mê trong hai ngày. Nhưng, thật trớ trêu làm sao, đôi bạn trẻ vẫn chưa học được tầm quan trọng của việc trao đổi hòa hợp trong chuyện tình cảm, và cô gái trẻ hoàn toàn quên béng mất việc phải bàn chuyện này với người yêu của mình. Chàng trai trẻ vì thế đã lầm tưởng rằng tình trạng hôn mê giả của người yêu mình là tự vẫn. Vì lẽ đó mà chàng sun hết cả vòi lại và chàng tự sát, cho rằng chàng sẽ đi cùng nàng đến thế giới bên kia hay mấy cái c*t tương tự như thế. Rồi khi nàng tỉnh giấc vào hai ngày sau đó, và hay tin rằng chồng nàng đã chết, nên nàng cũng có chung ý nghĩ với chàng và cũng tự vẫn luôn. Câu chuyện đến đây là hết. Tấm màn trên sân khấu được khép lại. Pháo giấy bắn tung lên, hoa hồng rơi xuống và những cô gái bắt đầu bưng mùi xoa lên lau nước mắt thút thít. Giờ thì chúng ta sẽ ca ngợi tình yêu thật là tuyệt với và có thể cứu rỗi mọi thứ, dù cho cả 2 đứa chúng nó vừa mới về với tổ tiên vì cái lý do chẳng đâu vào đâu.
Romeo và Juliet đồng nghĩa với “tình yêu lãng mạn” trong nền văn hóa đương thời của chúng ta. Nó được xem như là câu chuyện biểu tượng của tình yêu, một sự lý tưởng về mặt tình cảm để vươn tới. Nhưng khi bạn thật sự đào sâu vào nội dung câu truyện, thì mấy cái đứa ranh này đúng là điên mẹ nó rồi. Bằng chứng là chúng nó đua nhau tự sát đấy thôi!
Cá nhân tôi chẳng thấy chuyện tính này có cái khỉ gì đẹp cả. Đây không phải là một tình yêu đẹp, mà ngược lại, tôi thấy đây là một tình yêu mù quáng. Này nhé, chúng nó thề thốt và định lấy nhau khi con bé mới 13 tuổi, vẫn còn ngây thơ chán và chưa đủ sự trưởng thành về mặt sinh lý lẫn tâm lý để kết hôn. Rồi thì, chúng nó tự sát ngay tắp lự khi nhìn thấy người yêu mình chết, một điều mà không ai nên làm thế kể cả khi đã bên nhau trong 30 năm. Cả Romeo và Juliet đều bị tình yêu che mờ hoàn toàn lý trí để rồi làm những việc dại dột và trẻ con. Chuyện tình của họ giống mấy kiểu tình yêu bọ xít hơn là một chuyện tình đẹp của những người trường thành.
Một tình yêu đẹp xảy ra khi 2 người yêu nhau vô điều kiện nhưng vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra điều gì là đúng đắn. Một tình yêu đẹp sẽ mang lại cuộc sống tốt hơn cho cả 2 bên thay vì gây ra sự đau khổ cho cả 2 người. Khi bạn để tình yêu che mờ lý trí của mình và làm những việc xấu hoặc không tốt với lý do vì tình yêu, kiểu như ghen tuông vô lối hoặc đâm đầu xuống sông chẳng hạn, thì đó là sự ngu ngốc. Cho dù bạn có bảo đó là vì tình yêu, đó vẫn là sự ngu ngốc. Nói thật thì tôi thấy vở kịch này giống mấy bài báo mà ta hay đọc được về 2 đứa trẻ trâu nào đó tự tử vì bố mẹ chúng nó bắt ở nhà học bài và xem BiBi thay vì cho phép chúng nó yêu nhau.
Rất nhiều học giả nghi ngờ rằng Shakespeare viết Romeo và Juliet không phải là để ngợi ca tình yêu lãng mạn, mà là để chế nhạo nó, để chỉ ra rằng nó mới thật điên rồ làm sao. Ông ấy không có ý định biến vở kịch thành một sự ngợi ca tình yêu. Thực ra, ông ấy mong muốn điều ngược lại: phê phán sự mù quáng của con người trong khi yêu. Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm này, và tôi thấy chuyện tình Romeo và Juliet chẳng có gì đáng để theo đuổi như truyền thông vẫn bơm thổi cả.
TẠI SAO MỌI NGƯỜI LẠI THƯỜNG HIỂU SAI NHỮNG TÁC PHẨM NÀY?
Thú thực là tôi có một chút huênh hoang khi gõ những dòng đầu tiên của bài viết này. Kiểu như khi cả lớp làm bài tập sai còn bạn là đứa duy nhất làm đúng, mặt của bạn thường là sẽ vênh lên đôi chút. Nhưng chính tôi cũng đã hiểu sai ý nghĩa của những tác phẩm này trong gần như cả đời mình. Tôi từng coi 3 người lính ngự lâm là những anh hùng, rất yêu mến các hảo hán Lương Sơn và đã cố gắng tìm kiếm một nàng Juliet của mình trong nhiều năm (tất nhiên là nghĩa bóng thôi, tôi không có định hẹn hò với một cô bé 13 tuổi đâu). Khi tôi biết được những người lính ngự lầm là bọn vô lại, 108 vị anh hùng thực ra là lũ giặc cướp còn chuyện tình Romeo và Juliet thật ngốc, thì những hình tượng mà tôi nuôi dưỡng bấy lâu dần dần đổ vỡ. Quả thực cũng khá là đau.
Chúng ta hiểu sai những hình tượng này vì trong suốt nhiều năm, tất cả những ấn phẩm mà ta biết về các tác phẩm này đều đã bị làm sai đi so với phiên bản gốc. Những bộ phim chuyển thể về 3 người lính ngự lâm và Thủy Hử luôn nói tốt về những nhân vật này. Mọi câu chuyện liên quan đến Romeo và Juliet đều được ca ngợi như sự lý tưởng của tình yêu. Vì đa số chúng ta chỉ tiếp cận với những bản chuyển thể của tác phẩm này và rất ít người đọc bản gốc, những hình tượng này dần bị sai lệch đi trong nền văn hóa của chúng ta. Kể cả khi bạn đã đọc bản gốc, bạn thường cũng không nắm bắt được tầng nghĩa ẩn bên dưới, để rồi bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông và bắt đầu ca ngợi những hình tượng này thay vì nhìn ra được sự mỉa mai tinh tế của các đại thi hào đằng sau những câu chữ. Dần dần thì những hình tượng này đều đã trở thành hình tượng đẹp được che đậy và bào chữa một cách vụng về và in sâu trong nền văn hóa của chúng ta. Tôi đã thử đọc qua các bài review về những tác phẩm này mà tôi thấy trên google, và tôi khá chắc các tác giả đó cũng giống như tôi trước kia, không thực sự hiểu được ý nghĩa ẩn sâu trong những tuyệt tác này. Họ chỉ viết để chiều theo thị hiếu và cố gắng dẫn người đọc đến một đường link tiếp thị liên kết mà thôi.
Tôi cho rằng, chuyện này xảy ra vì phải làm như thế thì người ta mới có thể bán được những sản phẩm ăn theo những câu chuyện này. Nếu bạn biết 3 người lính ngự lâm là bọn vô lại, bạn sẽ chẳng xem hoạt hình của Disney, và đồ chơi Mickey lính ngự lâm sẽ nằm ế trên kệ. Nếu bạn biết Thủy Hử chứa chấp toàn những kẻ cướp thì bạn còn lâu mới xem những bộ phim chuyển thể và mua đồ cosplay Thủy Hử. Và nếu bạn biết chuyện tình Romeo và Juliet thật ngốc, thì ờm, nửa số bài hát và bộ phim với đề tài tình yêu sẽ nằm xếp xó, còn cái ban công ở Verona được đồn là nơi chàng Romeo đã tỏ tình sẽ mất đi vài triệu lượt khách mỗi năm. Điều này chẳng vui vẻ gì với những nhà tư bản, nguồn lợi nhuận khổng lồ sẽ bị mất đi. Thế cho nên truyền thông mới phải tích cực che đậy những điều xấu trong tác phẩm gốc và thổi phồng lên những hình tượng đẹp. Cứ thử search google mà xem, đố bạn tìm được bài viết nào phê bình những hình tượng này thay vì ca ngợi đấy?
Tôi không có ý định chê bai cả thế giới vì hiểu sai những tác phẩm này. Tôi cũng chẳng thấy cần phải phê phán chủ nghĩa tư bản thối nát đã lợi dụng nghệ thuật để kiếm lời làm gì. Tư bản vẫn luôn là như thế. Tôi chỉ muốn nói rằng, đây đều là những tuyệt tác, và với tôi chúng hay chính bởi vì tôi đã hiểu sai. Những tầng nghĩa ẩn bên dưới của các tác phẩm tạo nên cái hay thực sự của nó. Các tác giả đã dắt mũi tôi bằng những bề mặt trên câu chữ trong suốt chục năm, cho đến khi tôi hiểu ra thêm được 1 chút xíu từ những tác phẩm này. Cảm giác khi ồ lên vì mình đã sai sót nhiều trong thời gian qua và giờ học hỏi thêm một chút thực sự rất tuyệt. Điều ấy làm tôi thấy câu chuyện này hay hơn rất nhiều. Chính những tầng nghĩa ẩn ấy tạo nên sự vĩ đại của tác phẩm. Nếu bạn muốn hiểu được các tuyệt tác này và cảm nhận được cái hay thực thụ của nó, bạn phải nghiêm túc xem xét và nhìn nhận câu chuyện theo quan điểm của chính mình, thay vì cứ đi theo những gì mà truyền thông vẫn nói.