Lâu lâu ngồi kéo phây, thấy vài anh chị quen biết share lại bài Nghệ, làm tôi cũng thấy vui vui. Hoan hỷ hơn là có vài bạn theo dõi page từ ngày đầu rồi inbox khoe tôi, là dạo này có những thay đổi rất tích cực.
Tôi viết, không phải để kiếm tiền hay kêu gọi donate, mà động cơ duy nhất là viết để tự nhắc và sửa chính mình liên tục. Hôm bữa có vài bạn bảo tôi, page chia sẻ thế này thì như làm thiện và tích phước dữ lắm. Tôi cười thôi, vì tôi viết, bản chất không phải để đổi phước đức cho chính mình.
Khi chúng ta làm một việc tốt, nhưng sâu bên trong muốn đổi lại điều gì đó thì tôi hay gọi là ‘tiểu thiện’. Nó tốt nhưng bản chất là sự trao đổi. Trao đổi từ thô đến tinh vi.
Trao đổi thô, là tôi cho anh em cái A, vì tôi biết trong tương lai tôi sẽ nhờ lại anh em làm cho tôi cái B. Lấy A đổi B, nghe tưởng giúp đỡ nhưng thực tế là trao đổi. Cái này ngoài đời thì nhiều lắm, mà bọn Tây bương hay bảo là “There ain’t no such thing as a free lunch”, nghĩa là không bao giờ có một bữa ăn trưa miễn phí.
Còn trao đổi tinh vi, là tôi giúp anh em cái C, tôi cũng không cần anh em đáp lại, nhưng quan trọng là anh em phải công nhận ‘tôi là người tốt’, thì đấy là trao đổi cái C để lấy cái ‘danh’, cái ‘tiếng’.
Trao đổi vì mục đích gì thì chỉ bản thân người đó và ông trời (aka vũ trụ) biết thôi. Tuy nhiên, động cơ bên trong nó sẽ chi phối việc anh em có thực sự có phước khi làm việc đó hay không. Hình tướng giúp giống nhau nhưng cơ chế ‘nhận lại’ rất khác nhau. Nếu giúp là trao đổi thì phước gần như không có, hoặc rất ít.
Đa phần, các hình thức từ thiện và giúp đỡ, đang râm ran trên cõi mạng, đều là ‘tiểu thiện’. Làm việc thiện để đổi lại một điều gì đó. Tôi gọi là tiểu thiện vì nó vẫn là một hành động thiện lành, ai cần giúp thì đã được giúp. Có còn hơn không.
Nên đối với tôi, khi thấy một người hay một tổ chức làm thiện, dù để trao đổi danh tiếng, sự công nhận, sự ngưỡng mộ thì tôi vẫn khen và hoan hỷ với việc họ làm. Dù có thể họ dùng sự nổi tiếng đó để làm việc khác, nhưng đó là chuyện của họ, anh em chỉ nhớ, tiểu thiện thôi thì đã đáng được tuyên dương rồi.
Tôi viết bài này, không phải để hướng dẫn anh em làm sao để tạo phước hiệu quả nhất, mà là để anh em biết cơ chế tích lũy phước đức nó thực sự diễn ra như thế nào.
Nếu anh em làm một việc tốt, mà không lộ danh tính ra luôn, thì anh em đã di chuyển lên mức ‘trung thiện’. Cái đó không dễ, vì cái bản ngã chúng ta thèm khát sự công nhận lắm;
Nếu tôi mà bỏ 100 triệu hỗ trợ Sài Gòn chống dịch đợt này, thì tôi sẽ đăng đầy page này ngay, khoe mình là người tốt chứ. Tuy nhiên, phước tích được sẽ cực kỳ ít, nếu so với một người cũng bỏ 100 triệu hỗ trợ mà không khoe gì cả, vì cơ bản họ không trao đổi ngang như tôi.
Nói vậy, khoe là xấu ah?
Không, thậm chí là còn tốt nữa nếu biết khoe đúng cách. Đó là khoe để kêu gọi mọi người hưởng ứng theo, tham gia làm việc thiện chung.
Do đó, cái khoe này là không phải để đổi danh, mà để lan tỏa, khoe vì một động cơ cao hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ ít người trong xã hội làm được ở tầm này, có nhưng rất hiếm. Dùng ‘danh’ để đổi thiện, đó là một phương tiện thiện xảo, uy lực và nguy hiểm như lửa, dùng không khéo thì dễ phỏng tay, nhưng biết dùng thì lan tỏa điều thiện cực mạnh.
Mấu chốt, cùng một hành động giúp, nhưng tâm thế khác nhau thì phước tích lũy vào cũng hoàn toàn khác nhau. Đó đó, khi làm việc thiện, TÂM thế nào chính là cốt lõi.
Trong nhà Phật, có 4 mức chia sẻ, nhiều người hay gọi là bố thí, nhưng cơ bản hai từ bố thí, nghe nó hơi hướng kiểu người này ban tặng gì đấy cho người kia, nên tôi thấy dùng từ ‘chia sẻ’ phù hợp hơn.
Mức 1, tài thí: chia sẻ vật chất, người ta đói thì cho người ta cơm ăn
Mức 2, tâm thí: không có vật chất, thì mình tặng họ một nụ cười, một cái chào, một lời hỏi thăm, một lời khích lệ… nôm na, chia sẻ tinh thần và cảm xúc với người ta
Mức 3, pháp thí: người ta ăn no xong rồi thì chỉ cách người ta tự kiếm ăn, chia sẻ cách sống, cách hoàn thiện bản thân hơn,… nôm na là chia sẻ một con đường để người ta tốt lên.
Mức 4, vô úy thí: cái này là mức cao nhất, giúp một người hết sợ. hôm nào tôi biên sâu cái này, tại sao nó là mức khó nhất trong 4 cái chia sẻ. Ví dụ, Mẫu thân tôi lớn tuổi sợ chết, thì làm sao để Mẹ tôi hết sợ chết, ung dung tự tại hơn…
Nếu ở mức ‘tiểu thiện’ và ‘trung thiện’, người ta còn bàn đến phước đức, cho-nhận, nghiệp lực, chuyển nghiệp, giác ngộ, tỉnh thức v.v…
Thì ở mức ‘đại thiện’ thì sẽ không còn khái niệm về phước đức nữa… không có người làm thiện, không có người giúp và không có cả người được giúp… mọi thứ là dòng chảy của tự nhiên.
Nói dễ hiểu nhất, anh em đang cầm trên tay 1 bình nước, đi ngang thấy cái cây đang cháy thì anh em dùng ngay bình nước đó để chữa cháy ngay. Đó không phải là một việc thiện hay việc tốt, mà chỉ đơn giản là việc tự nhiên anh em nên làm thôi. Chỗ nào thiếu thì chỗ dư sẽ đắp vào.
Đến đây, anh em sẽ tưởng tượng, những người ở mức ‘đại thiện’ chắc là bậc Hiền Triết cao xa nào đó, tuy nhiên, sự thật, họ lại là những con người vô cùng giản dị và bình thường nhưng với cái tâm vô cùng trong sáng.
Tôi còn nhớ, năm ngoái, có Anh Mạnh leo tường để cứu đứa bé rơi từ tầng 12 xuống. May mắn, cả hai đều sống, ai cũng tung hô Anh là anh hùng, rồi có cả huy chương của nhà nước; nhưng lúc phỏng vấn thì anh bảo, đấy là việc ảnh cần làm, nên mọi người đừng tung hô ảnh lên chín tầng mây nữa, ai vào thế đó cũng làm như ảnh thôi.
Nếu làm một việc tốt mà không để đổi lại gì cả, mà nhận thức được đây là việc nên làm giữa người với người; thì đấy là phước cao nhất, dù những người có tâm đấy cũng chả để ý đến phước làm gì.
Còn tôi viết lách là để đổi like và share, trao đổi sòng phẳng, không ai nợ ai cả. hei hei
Dzồi hết bài, like / share đi anh em ơi.
Cheers
Bác 7B