“Choice is an illusion created between those with power and those without.”- The Matrix.
Nàng luôn bối rối khi một ai đó đặt câu hỏi, “Em có hạnh phúc không?”
Nó phức tạp quá. Nàng nửa muốn trả lời rằng có, bởi niềm kiêu hãnh xuân thì. Rằng em độc lập, em hiểu biết, em cũng đương hạnh phúc như bất cứ ai ngoài kia. Trong lòng nàng lại khác, vẫn cứ muốn vặn vẹo như một đứa trẻ:
“Vậy anh trả lời giúp em xem, hạnh phúc thực sự là gì?”
“Liệu nó có phải là một mục tiêu đáng theo đuổi hay không, khi mà chúng ta thường chỉ coi nó là một dạng cảm xúc, và luôn tìm cách thích nghi với nó mỗi khi đối mặt, dù tiêu cực hay tích cực?”
Vấn đề lớn là ngày nay, người ta thường kiếm tìm “hạnh phúc” bằng cách liên tục khỏa lấp những cảm xúc tích cực thoáng qua.
Nàng nhớ lại giấc mơ đêm trước. Người đàn ông lạ mặt, cao lớn, chắc hẳn là vô cùng giàu có, trao cho nàng chìa khóa một căn hộ đắt tiền (Chỉ là mơ thôi nhé, đừng ai đánh giá nàng nhé ?). Người ấy không cưỡng ép. Cũng không ràng buộc. Cảm xúc khi đặt bước chân đầu tiên vào tòa lâu đài ấy thật khó tả. Vui sướng và mãn nguyện, nàng rối rít cám ơn người đàn ông hào phóng, đầu óc nàng tràn ngập những ý tưởng trang hoàng ngôi nhà, cũng những món đồ nội thất dễ thương…
Bẵng qua 5 năm. Gần 2000 ngày đêm. “Tòa lâu đài” ngày nào đã trở nên quen thuộc. Khi bước chân vào căn nhà ấy sẽ ra sao? Bởi vì đã thích nghi với nó, thực sự thì, với nàng giờ này, cảm giác nó… chẳng có gì xảy ra cả. Sự hào hứng khó tả, cơn sóng trào hành phúc năm nào giờ biến mất. Tại sao lại như vậy? Vẫn căn nhà ấy, vẫn cánh cửa này, vẫn là bầu không khí mà nàng từng nhắm mắt hít vào mãn nguyện 5 năm trước?
“Mình chưa đủ hạnh phúc. Thật sự là như vậy. Mình muốn sở hữu một tòa lâu đài khác lớn hơn, sang trọng hơn.
Thứ mình cần không phải là tòa lâu đài, mà là những cảm xúc khó tả lần đầu tiên trải nghiệm nó.”
Nàng bừng tỉnh giấc.
“Hóa ra, người ta đang nhầm lẫn về khái niệm “hạnh phúc”“ – Nàng nghĩ thầm. Hạnh phúc là thứ không thể nào đo đếm bằng tiện nghi vật chất. Và nó cũng không thể cảm nhận bằng những cơn sóng trào khoái lạc, bởi vì một khi đầu óc và cơ thể ta đã quen với nó, khi cảm xúc khó tả ấy đã phai nhạt đi, người ta thường “có mới nới cũ”, xu hướng đi tìm niềm vui thích mới là không thể tránh khỏi. Một ma trận không lối thoát. Chu kỳ bất tận này cứ quay mãi, quay mãi, cho đến khi người ta không còn khả năng theo đuổi.
Nàng nhận ra sai lầm bản thân trong quá khứ. Nhận ra cái bẫy mà nhiều cô gái trẻ ngoài kia đang lần lượt đưa chân vào. Họ liên tục kiếm tìm “tình yêu” – cái cảm xúc được thăng hoa xác thịt với những chàng trai hấp dẫn lạ mặt, được nhớ nhung, được trách móc, được hờn dỗi. Từng người đàn ông tìm đến, rồi lại đi.
Và cuối cùng, họ đều phải đón nhận một sự thật phũ phàng…
“Hit the wall” ư? “Đụng đầu vào tường” thật sao? “Đàn ông không thèm để ý đến em nữa sao?”
Tại sao người ta lại có thể nghĩ ra những khái niệm nghiệt ngã đến như thế?
Chẳng phải em đang được thụ hưởng những vật chất mà rất ít người trên thế giới này có được đó sao? Này quần áo đây, dây chuyền đây, đồ ăn ngon, một khoản thu nhập hàng tháng làm người ta ghen tị?
“Em thật thiếu may mắn”. “Cuộc đời thật thiếu công bằng”. “Tất cả là tại đám đàn ông”… (Em xin lỗi. Con hamster tiêu chuẩn kép lại vừa nhảy ra, em không cản được ?)
Những phụ nữ ngoài kia mấy ai nhận ra sai lầm này? Đa số họ đâu có được hưởng hạnh phúc thực sự? Khi mà họ ngày càng khó khăn, thậm chí không thể đạt được những trải nghiệm cảm xúc mới mẻ, kích thích, xa hoa, hay sung sướng như là trước kia họ đã từng? Đây là điều chắc chắn sẽ xảy đến với một phụ nữ bỏ quên giai đoạn xuân thì. Cái tuổi nó sẽ đuổi xuân đi, quãng thời gian vàng ngọc ấy chớm tàn, cũng là lúc họ ngày càng ít được trải nghiệm cái ánh nhìn khao khát từ đàn ông. Chẳng giống với đàn ông, thời gian luôn ưu ái với họ. Nàng thầm cảm giác ganh tị mỗi khi nhìn vào thực tế này, khi mà của cải, sức khỏe, danh tiếng họ xây dựng mỗi ngày một tăng lên.
Mục tiêu trong năm nay được tăng lương lên 30 triệu mỗi tháng, một khi đạt được, nàng sẽ tính điều gì tiếp theo? Nếu giống như bao người, nàng sẽ đặt mục tiêu lên 50 triệu.
Tấm ảnh mới selfie trên instagram vừa đạt kỷ lục 100 likes. Giờ nàng muốn nâng nó lên thành 200.
Hạnh phúc không thể đong đếm bằng những con số. Nó cũng không thể đo lường bằng khoái cảm. Đặt mục tiêu như vậy, vô tình người ta đang tự guồng mình vào một đường đua không đích, khi “đích đến” lại là một chuỗi những con số dài vô tận. Ta luôn cảm thấy bản thân thua thiệt và kém cỏi, bởi ngoài kia không ít người đạt được những con số lớn hơn. Ta không còn có thể cảm nhận được sự mãn nguyện trong tinh thần, trừ khi phải tìm đến những tầng mức khoái cảm cao hơn, khó đạt được hơn, bắt đầu từ tình dục, cho đến những tác động mạnh mẽ đến tinh thần như rượu cồn và chất cấm.
Nàng dần nhận ra mặt trái của chủ nghĩa tiêu thụ. Hình dung chú Hamster liên tục chạy trên vòng quay nhỏ xinh ám ảnh tâm trí. Nàng cũng nhận ra rằng sẽ rất khó để thuyết phục số đông nhận ra sự thật đau đớn này, rằng chạy theo vật chất không phải là cách tìm tới hạnh phúc thực sự. Bởi xã hội này, người ta đã dạy nhau như vậy từ khi còn là những đứa trẻ. “Các con chỉ có thể hạnh phúc khi phải đạt được trạng thái đầy đủ về vật chất, phải có tiền, phải được thỏa mãn thể xác và tâm trí”, “Tôi chỉ có thể đạt được hạnh phúc nếu như tôi đạt được thứ … này” thực chất là một ảo tưởng sai lầm. Sự thật nó sẽ là: “Nếu tôi đạt được điều này, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc trong một phút chốc, rồi sau đó tôi sẽ phải cố gắng đạt được thứ khác”. Từ bao giờ? Tại sao khái niệm hạnh phúc lại bị con người ngày nay làm biến tướng và méo mó như vậy? Câu trả lời là tiền.
Nếu ai đó giờ này thuyết phục được nàng rằng em đang không hề “hạnh phúc”, và em chỉ có thể đạt được “hạnh phúc” ấy một khi em chịu… mua mẫu váy mới ra của chúng tôi, hay thử dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh mới nhất này? “Chẳng phải lúc ấy cả hai chúng ta đều có lợi hay sao?”
Hàng tỉ đô la mỗi năm được chi ra cho truyền thông quảng cáo, nhằm khuếch trương tâm lý thèm khát tiêu dùng, để họ bán được sản phẩm. Những tiện nghi, những hình ảnh xa hoa của một nhóm người nổi tiếng ngày ngày ám ảnh đầu óc em. Và, nếu như em đủ thông minh để mà nhận ra, phần lớn của cải trên thế giới này đều nằm trong tay một số ít nhà tài phiệt, thì thật không khó để hiểu rằng họ mang quyền lực lớn tới mức nào:
Quyền lực che trời. Việc họ có thể thuyết phục em mở hầu bao ra, mua lấy “hạnh phúc” qua những mẫu áo, thỏi son, chiếc ôtô, đôi giày cao gót cũng chẳng mấy khó khăn.
Em hãy cứ ôm ấp cái niềm tin rằng “Nếu mua sản phẩm này của chúng tôi, em mới được hạnh phúc”, hãy cứ chạy hoài vòng rat race ấy suốt đời đi, hãy lao động và kiếm tiền, để mà thay mới căn nhà đang ở, chiếc điện thoại đang dùng, hay chiếc ôtô cũ kia đi.
Không chỉ riêng em, mà bất cứ một ai, nếu người đó may mắn được lọt vào tầng lớp elite đứng đầu các tập đoàn cũng sẽ làm như vậy. Nếu họ đứng đầu những nhà máy khổng lồ đang hàng ngày cho ra lò những vật dụng, những đồ ăn, quần áo và dịch vụ, tại sao họ phải nói (hay dạy) cho em biết sự thật? Sự thật về hạnh phúc thực sự? Nếu như vậy chẳng phải sẽ thất thoát nguồn lợi nhuận khổng lồ đang chảy về túi hay sao?
(To be Continued)