Sẽ có một khoảng thời gian trong đời, anh em thấy mọi thứ diễn ra rất trơn tru. Bên trong anh em sống dậy lên cảm giác mọi thứ chỉ đơn giản là nó “đúng”. Anh em thấy cuộc sống mình tràn trề ý nghĩa và trách nhiệm. Anh em biết cách lấp đầy cuộc sống của mình với trách nhiệm thông qua nhiều thói quen và sở thích bổ ích.
Bàn ra ngoài một chút về mối tương quan này. Đa phần người ta tự huỷ hoại bản thân mình (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) là bởi họ có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, và họ không biết phải làm gì với nó. Vậy nên một cuộc sống ý nghĩa theo quan điểm cá nhân tôi, là cuộc sống mà từng giờ sau khi anh em thức dậy, là từng khắc mà anh em lấp đầy thời gian bởi tràn đầy trách nhiệm với bản thân. Một khi anh em hướng đến những giá trị cao cả thông qua các hoạt động hữu ích, thì những ý nghĩ tiêu cực, cảm giác trống rỗng và sự mặc cảm sẽ tạm thời buông tha cho tâm hồn anh em.
Tuy nhiên, để liệt kê ra những thứ khó kiểm soát nhất, thì cảm xúc và tâm tư của con người nằm ở một vị trí tương đối cao. Giống như biểu đồ hình sin, nội tâm đưa anh em lên tầng thật cao của cảm xúc, sau đó ném anh em trở lại hố sâu vực thẳm. Giây phút bình yên và thăng hoa của hiện tại, là dấu hiệu của một cú rơi nào đó trong tương lai. Và dù cho anh em có sống đúng với những quy chuẩn của mình, nội tâm anh em vẫn có thể trở nên hoảng loạn như thường. Anh em vẫn có thể cảm thấy bất hạnh và khổ đau, dù cho mỗi ngày anh em đều làm tròn trách nhiệm cá nhân.
Con người ta thường dằn vặt, tìm cách tránh né hoặc ngăn cản đi sự khổ đau. Nhưng đó không phải là cách khôn ngoan lắm để khắc phục vấn đề. Cảm xúc của anh em cũng giống như chiếc lò xo vậy, anh em càng chối bỏ, chèn ép nó bao nhiêu, lực bung của nó lại càng mạnh. Anh em trở nên đau khổ, vì dù cách này hay cách khác, anh em vẫn không thể dẹp tan nó đi.
Điều buồn cười nằm ở chỗ, cảm giác dằn vặt, cảm giác bị hành hạ bởi những cơn đau cảm xúc đó, nó có gây nghiện theo một cách rất riêng. Con người ta đắm chìm vào trong đó, họ khó chịu và cáu bẩn, họ làm đủ mọi cách để quên nó đi, nhưng nó gây nghiện đến mức, họ không thể nào tách rời nó ra khỏi tâm hồn mình.
Cảm xúc không hoạt động theo cách mà anh em có thể kiểm soát. Nó như một con người khác, một cá tính với nhiều đòi hỏi riêng (đa phần là vô lý). Và như đã đề cập, thì anh em có chạy đằng trời, cảm xúc và những cơn đau nó vẫn ở đó, vẫn ẩn hiện bên cạnh anh em, vẫn làm khổ anh em mỗi ngày. Anh em càng tìm đến những niềm vui tạm bợ, càng tìm đến những thứ chơi cải thiện cảm xúc cho anh em, thì sau đó, cú rơi của anh em chỉ càng đau đớn hơn mà thôi.
Để giảm thiểu tối đa những tác động của cảm xúc đến với anh em, cách khá hiệu quả là tách mình ra khỏi những gì anh em đang suy nghĩ. Cảm xúc và sự suy tư là một cặp bài trùng, cảm xúc càng tệ thì quá trình suy tư sẽ càng tiêu cực hơn. Anh em có xu hướng vẽ ra những bức tranh không thực, nhưng lại gây hư tổn cho tâm hồn.
Giờ đây, vì cảm xúc là một cá tính riêng biệt, là một thứ không thể tránh khỏi, thì anh em chỉ có thể chấp nhận sự hiện hữu của nó ở bên trong. Tách mình ra khỏi những suy tư và cảm xúc, anh em sắm vai một kẻ trông coi đầy khách quan, quan sát những diễn biến bên trong tâm hồn. Tạm thời anh em chỉ cảm nhận, thứ gì đang gây rúng loạn từ bên trong, chỉ ở đó nhìn ngắm nó, không làm gì thêm. Vì đứng quan sát một người từ đằng xa, thì anh em đâu thể bị họ tác động đến đặng. Vậy nên cứ mỗi khi trong anh em dấy lên một cảm xúc, dù là thăng hoa hay lụn bại, hãy chấp nhận nó là một phần của bản thân, nhưng anh em không phải là tôi tớ của bản thân mình. Nhắc nhớ chính mình, rằng tôi đang cảm thấy gì ở thời điểm hiện tại. Một khi anh em tách ra làm người quan sát, tác động của cảm xúc đến hành vi của anh em cũng sẽ được giảm thiểu đi.
Và lại giống như biểu đồ hình sin, cảm xúc tồi tệ hôm nay là có thể tệ hơn nữa vào ngày hôm sau. Nhưng sau cùng, nó cũng sẽ lại lên cao vào một ngày nào đó, chỉ để nhắc nhở anh em về một cú rơi tiếp theo.