Cơ bản Người Việt xưa giờ đều trọng TÌNH hơn trọng LÝ. Lý là chuyện gì cũng phải đúng / sai rõ ràng và việc này tôi đúng / anh sai; còn Tình thì quan trọng tôi với anh có thích nhau hay không.
Đấy là luật bất thành văn, là ‘văn hóa’ tại Việt Nam; từ bộ máy cao nhất đến tập thể nhỏ nhất đều thể hiện rõ ‘Tình’ vẫn luôn chiếm ưu thế.
Dù muốn hay không, đi ngược lại với dòng chảy ‘văn hóa’ đấy thì chỉ tự làm khó bản thân. Đặc biệt, các anh chị kinh doanh trên đất Việt thì càng phải linh hoạt khôn khéo khi hòa chung dòng chảy này.
Chuyện Lý / Tình dễ hiểu nhất chắc ngay trong gia đình, giữa vợ chồng, anh em, hay mẹ chồng/con dâu. Nếu việc đúng sai không vượt qua khuôn khổ Pháp luật quy định thì cứ ‘tình cảm” lại trơn tru và hòa thuận ngay; việc ai đúng ai sai trong vài tình huống thì thực sự không quá quan trọng.
Còn chơi phây hay tương tác cộng đồng, chúng ta hay có thói quen bắt bẻ nhau vì cái đấy không đúng LÝ, đặc biệt là các ông giáo sư bàn phím lắm chữ nhưng ít đời.
Không quen biết thì chẳng sao, lướt qua là xong; nhưng còn anh em, bạn bè, đối tác, khách hàng quen biết thì chuyện phân tích đúng/sai trên cõi phây là không quá cần thiết. Vì khi phân rõ đúng/sai xong thì tự nhiên lại mất một người bạn. Hỏi sao Ông Bà ta hay bảo “Thấu Tình Đạt Lý”, đấy vẫn là phương châm cốt lõi để ứng xử với nhân sinh.
Nếu thực sự muốn góp ý chân thành thì inbox riêng hay gặp riêng (nếu mối quan hệ gần), còn họ tiếp thu hay không thì tùy họ. Đấy là cách ứng xử phù hợp và cân bằng giữa tình và lý trên cả online và offline, vì cơ bản chẳng ai thích bị chỉnh trước đám đông cả.
—
Bác Bảy Buồi