Một trong những bài tập đơn giản mà đầy sức mạnh được liệu pháp tâm lý ban tặng chính là kỹ thuật Chiếc Ghế Trống. Khi một người mãi trăn trở về mối quan hệ với ai đó, nhà trị liệu sẽ nhẹ nhàng hướng dẫn họ ngừng nói về người kia dưới góc độ người thứ ba, thay vào đó hãy ngồi đối diện một chiếc ghế, tưởng tượng rằng người gây rối trong đời mình – có thể là một người cha đã khuất, một người mẹ từng hờ hững, hay một người bạn phản bội – đang hiện diện ngay trước mặt.
Chúng ta thường dành rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm về những người đã làm tổn thương mình. Trong thâm tâm, có lẽ ta đã vô số lần muốn “cho họ một bài học,” hay mơ mộng về ngày có thể nói ra tất cả sự thật cay đắng đang đè nặng. Họ len lỏi vào suy nghĩ của ta mỗi đêm, trong những lúc đi làm, phá giấc ngủ và ảnh hưởng đến cả tinh thần lẫn sức khỏe. Thế nhưng, ta hiếm khi có đủ can đảm để nói thẳng những điều đó với họ.
Vì sợ bị trả đũa, vì lo mình sẽ bộc lộ sự yếu đuối, vì chẳng tin họ sẽ hiểu được, hoặc đơn giản là vì phép lịch sự ăn sâu vào tâm trí từ nhỏ. Những cảm xúc ấy cứ âm thầm tích tụ, biến thành lớp uất ức lặng lẽ, không ngừng gặm nhấm tinh thần và gây nên những cơn bực bội vô cớ, tưởng chừng như vô hại nhưng thực ra là đầy độc hại.
Kỹ thuật Chiếc Ghế Trống giúp chúng ta cho những cảm xúc ấy một hình hài cụ thể. Ban đầu, việc trò chuyện với một cái ghế có vẻ kỳ cục và gượng gạo. Nhưng một khi vượt qua được sự ngại ngùng ấy, bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra mình hóa ra lại có thể nói trôi chảy đến thế. Bạn hiểu rõ mình muốn gì, cần gì hơn mình tưởng. Cảm xúc bỗng nhiên tìm được lối thoát, mạnh mẽ và rõ ràng.
“Bố, tại sao bố lại sinh con ra nếu bố chẳng bao giờ muốn hiểu con là ai? Bố nghĩ trách nhiệm của mình chỉ dừng lại ở việc chu cấp vật chất thôi sao?”
“Chris, tại sao cậu giả vờ không muốn can thiệp vào cuộc sống của tôi, trong khi cậu chưa bao giờ thật sự quan tâm đến tôi? Tôi đã dành biết bao thời gian lắng nghe cậu, nhưng cậu chưa từng làm điều đó cho tôi.”
Những lời nói như thế khác xa những câu than phiền mơ hồ kiểu “Tôi thực sự bực mình với X, Y…”. Khi bạn nói ra thành lời, sức mạnh hủy diệt của cơn giận cũng dần bị xói mòn. Ta thường lầm tưởng rằng chỉ những cuộc trò chuyện với người đối diện bằng xương bằng thịt mới có giá trị. Nhưng sự thật là, việc có người nghe hay không không quan trọng bằng việc ta được nói ra.
Kỹ thuật này đặc biệt hữu ích với những ai từng phải gắng sức trở thành những “đứa trẻ ngoan” tuyệt đối. Khi cha nghiện rượu, mẹ thờ ơ, hay anh chị em mắc bệnh nặng, ta chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhẫn nhịn, làm vui lòng mọi người để bảo toàn sự yên ổn. Ta đã học cách cười thay vì khóc, nhún nhường thay vì đòi hỏi, khi điều ta cần nhất là được hét lên sự bất công và đau khổ của mình. Sự im lặng ấy đã giúp ta sống sót qua thời thơ ấu, nhưng nếu kéo dài mãi, nó sẽ hủy hoại những năm tháng trưởng thành còn lại.
Nhiều người sợ rằng họ sẽ không thể nói ra mà không bật khóc hay nổi giận mất kiểm soát. Nhưng Chiếc Ghế Trống cho thấy ta hoàn toàn có thể nói mà không cần hét, có thể từ chối mà không gây kinh hoàng, có thể đứng lên vì bản thân mà không trở nên ích kỷ hay đáng trách. Ta có thể đòi hỏi những điều ta cần mà không dẫn đến những thảm họa ta lo sợ.
Và điều kỳ diệu nhất là, ta không cần phải chờ đợi một nhà trị liệu nào cả. Chỉ cần nhìn quanh căn phòng, chọn lấy chiếc ghế trống gần nhất, và tự hỏi: Ai là người đáng lẽ nên ngồi đó? Và ta đã ấp ủ điều gì muốn nói với họ lâu đến thế?
Photo: Empty Wooden Chair, Paula Schmidt
Nguồn: THE USEFULNESS OF SPEAKING YOUR FEELINGS TO AN EMPTY CHAIR – The School Of Life