Trong bài Phương Pháp Luyện Tâm mình từng đề cập một ý niệm, rằng: mấu chốt của mọi vấn đề, tất cả khó khăn, đau khổ đến trong cuộc đời chúng ta đều xuất phát từ tâm trí. Rằng: Vạn pháp duy tâm tạo.
Thiết nghĩ đây là một quy luật cần phải nắm bởi bất cứ ai đang trên hành trình đi tìm hạnh phúc. Hôm nay mình sẽ bàn về Concept “Tâm Ngu” – một khái niệm do mình tưởng tượng ra, ám chỉ những sai lầm của chúng ta trong cách phản ứng với thực tại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thân tâm và xã hội. Hy vọng thông qua việc nhận thức được nó, sẽ giúp các bạn kiểm soát tốt hơn cảm xúc, cải thiện tâm trạng, lành mạnh hơn trong những mối quan hệ.
Không bàn nhiều về lý thuyết, chúng ta cùng đến với một trường hợp cụ thể bị tâm ngu hành, để nhận thức được sự vô lý cũng như ảnh hưởng tiêu cực mà tâm ngu tác động lên những trải nghiệm của chúng ta.
1. Chuyện kể rằng, có một cô gái đẹp, là hoa hậu Hoàn Vũ của năm. Ngày qua ngày cô luôn lo lắng, chăm sóc cho cái đẹp của mình; soi gương thấy một vết nám, một đốm mụn trên mặt, cô khổ sở vô cùng. Bất cứ điều gì trở ngại cho cái đẹp đều có thể làm cô đau khổ khó chịu. Trái lại, một cô gái khác buôn gánh bán bưng ở chợ, mọc một lần 2, 3 cái mụn, mặt mày sạm nắng nhưng cô ta chẳng thấy khổ sở gì cả. Lại nữa, vì lo cho mẹ và các em nên dẫu cho quần quật lam lũ nắng mưa, cô chẳng hề than khổ, trái lại còn cảm thấy hạnh phúc trong lòng vì đã lo chu tất cho mẹ, cho em.
Ở đây, mình nói rằng cô hoa hậu dẫu cho đẹp hơn, nhưng lại khổ hơn chị bán hàng rong ở chợ. Tại sao vậy? Tại vì chị bán hàng rong không cần giữ cái đẹp cho mình, nên không cô khổ vì nó. Còn cô hoa hậu kia vì bị bám chấp, cố giữ cái đẹp nên cứ khổ với nó hoài.
** Khái quát hóa mà nói: Khi có một trải nghiệm vui sướng, tâm ngu dính mắc. Vì dính mắc nên tâm ngu mong muốn giữ cho cái sướng đó được dài lâu, lo rằng cái sướng sẽ biến mất. Chính sự lo lắng cái sướng sẽ biến mất mà tâm ngu khiến ta khổ.
** Thêm nữa, vì mải lo lắng cái sướng sẽ biến mất, nên tâm ngu không chuyên tâm, trọn vẹn trải nghiệm cái sướng. Khiến cho đáng lẽ ta được trải nghiệm 10 điểm sướng thì nay chỉ còn 5 điểm mà thôi.
Thật vậy, thời sinh viên mình từng yêu xa một ngàn cây số, mãi một tháng tụi mình mới được ở bên nhau được vài hôm. Khi chờ đợi thì thời gian như thăm thẳm, nhớ nhau đến phát điên, được gần bên, đáng ra tụi mình phải vui lắm, nhưng không… có những lần ngồi cạnh nhau, mình và bạn gái buồn lắm, vì mai đây thôi ta lại phải cách xa người mình thương. Chính vì suy nghĩ ngu ngục aka tâm ngu này hành, mà trải nghiệm của tụi mình không còn trọn vẹn nữa, đáng lý tụi mình phải được vui 10 điểm thì nay chỉ còn 5 điểm mà thôi.
2. Lại nữa, lúc đau khổ thì “tâm ngu” tìm cách chống lại cái khổ, nó muốn lẩn tránh, loại trừ cái khổ ấy ngay lập tức. Nhưng vì không loại trừ được cái khổ, nên “tâm ngu” tức giận, bực bội, nổi nóng. Khiến cho ta đáng lẽ chỉ khổ 5 điểm thì nay phải khổ tận 10 điểm.
Để hiểu rõ hơn trường hợp này, ta cùng đến với anh A, người đang bị kẹt xe dưới trời nắng gắt, cơ thể anh nóng bức, mồ hôi nhễ nhại. Phản ứng thông thường, “tâm ngu” sẽ tìm cách trốn tránh bằng cách luồn lách, chen hàng, leo lề để mà thoát khỏi cái nắng. Không toại nguyện thì “tâm ngu” bực bội, tức giận, hằn học.
Ở đây, đáng lý anh A chỉ chịu một cái khổ tất nhiên là nắng nóng, mệt mỏi trên thân. Nhưng nhờ tâm ngu, anh A chịu thêm cái khổ là buồn bực, nóng giận trên tâm. Thầy mình dạy điều này giống như: một người bị bắn với một mũi tên, rồi phải chịu thêm một mũi tên không đáng có nữa.
Khi bị tâm ngu hành, anh A bực bội, nóng nảy, thêm căn bệnh động kinh bao năm ấp ủ trong người, anh căng thẳng, tim đập nhanh, hơi thở không điều hòa, ảnh hưởng trực tiếp lên cơ thể anh. Vì vạy, mình nói rằng cái khổ tâm lý của anh A là có thật.
Tuy nhiên, nếu đặt trường hợp, anh A được cho 10 triệu đồng với điều kiện đứng dưới trời nắng, kẹt xe trong 1 tiếng đồng hồ, có lẽ anh sẽ hí hửng lắm. Vì vậy, mình nói rằng cái khổ tâm lý của anh A không có thật, là ảo giác.
Ở đây, cái khổ vì nắng nóng là tất nhiên, không thuộc quyền quyết định của anh A. Tuy nhiên, cái khổ tâm lý, sự tức giận, hằn học kia là LỰA CHỌN của anh A aka lựa chọn của tâm ngu.
Thêm một ví dụ nữa, cùng là bị đánh một cái thật đau từ phía sau. Nhưng nếu người đánh là thằng có thù hận với ta thì cái đau đó nó là đau vkl. Trong khi người đánh là cô bạn gái yêu xa hai tháng không gặp thì nó lại là ngọt ngào đến từng lỗ chân lông.
Kết luận, hiện tượng đau đớn trên thân do cái khổ tâm lý kia là có thật, nhưng nó lại do ảo giác làm ra, nên nó sẽ biến mất khi hết ảo giác. Không giống như cái cái khổ của nắng nóng, dù tâm bình thản cỡ nào thì nóng vẫn là nóng.
3. Sướng cũng bị tâm ngu hành, khổ cũng bị tâm ngu hành, còn cái cuối cùng là khi ta trải nghiệm không sướng không khổ, ví như khi ngồi lặng thinh, không làm gì cả… Và chúc mừng bạn, tâm ngu cũng không tha. Khi ở trong một cảm giác bình thường, không sướng không khổ, dân giạn gọi là chán, trống trải vô vị… tâm ngu sẽ có khuynh hướng xem đó là khổ và thúc giục ta đi tìm những cảm giác mạnh, cảm giác vui thích để khỏa lấp chỗ trống trải vô vị kia.
“Ví dụ: đang ngồi nghỉ ngơi với cảm giác bình lặng một lúc, bỗng tâm ngu mách bảo: “Chà! Chán quá, bây giờ mà mình đi xem phim thì thú biết mấy!”. Nghĩa là tâm ngu nó không thích yên ả, ưa khởi tâm đi tìm cái thú, cái vui, cái lạc trong chén rượu, cuộc cờ, trong ngồi lê tán gẫu… để mà giết thì giờ, để mà lấp cho đầy cái trống trải, để mà chạy trốn cái cảm giác bình thường.
Do đó, ở trong trạng thái cảm giác bình thường chẳng bao lâu, chúng ta đã cảm thấy nhàm chán, buồn nản, và thế là bình thường biến dần qua khổ, để rồi chúng ta lại tránh khổ tìm lạc, như thử ngựa quen đường cũ, thói lệ tình thường.” – Thiền sư Viên Minh.
Tóm lại:
Càng cố gắng duy trì cái sướng thì càng khổ.
Càng nôn nóng tiêu diệt cái khổ thì càng khổ.
Càng lăng xăng đi tìm thú vui thì càng khổ.
Ở trên là mình viết dựa trên lời dạy của thiền sư Viên Minh cùng một số trải nghiệm của bản thân. Dưới đây mình sẽ nêu một vài khía cạnh mà tâm ngu hành hạ cuộc đời chúng ta.
Tới đây thì mình chợt nhớ, về bản chất, “tâm ngu” có thói quen hướng về tham lam, tức giận và ngu si, đối trọng với nó là “tâm khôn” có thói quen hướng về vị tha, hiền thiện và trí tuệ sâu sắc. Là con người thì ai cũng có tâm ngu và tâm khôn, khác nhau là kẻ thì tâm ngu mạnh, tâm khôn yếu còn người thì tâm khôn mạnh, tâm ngu yếu. Con đường tu thân là con đường bồi dưỡng trí tuệ để nuôi lớn tâm khôn, đẩy lùi cái ngu.
Lan man như vậy đủ rồi, tâm ngu còn hành đời chúng ta ở sự mong cầu không giới hạn. Có một thì muốn hai, có hai thì muốn bốn. Mong cầu chưa có thì tâm ngu khổ. Có rồi thì tâm ngu sợ mất, khổ gấp đôi. Mất rồi thì tâm ngu tiếc nuối, đau buồn, khổ gấp bốn.
Nên hiểu rằng, phàm những gì hiện hữu trên cõi đời này, đã sinh ắt phải tử, có đây rồi thì một ngày kia phải mất, không sớm thì muộn. Chi bằng sống vô tư hồn nhiên như đứa trẻ, làm chỉ vì làm, đừng tham, sợ, lo lắng, bồn chồn để rồi chuốc lấy đau khổ thêm cho bản thân. Kẻ đi tìm hạnh phúc sẽ mãi không thấy hạnh phúc, chỉ có ưu tư, buồn khổ mà thôi. Vì thế mà Lão Tử khuyên ta “bất dục đắc”, đừng mong cầu.
Chúc cho những ai đọc được bài này sẽ hiểu hơn về bản thân, từ đó thay đổi suy nghĩ, lời nói, hành động theo chiều hướng tốt đẹp, hiền thiện, lợi mình lợi người.
Thân chào các bạn.
Như Tuệ.