Với mong muốn mang đến cho các bạn một cái nhìn đa chiều về những quy luật của cuộc đời nói chung và tâm thức nói riêng. Từ đó áp dụng điều chỉnh những suy nghĩ, lời nói, hành động của bản thân, tránh khỏi những sai lầm không đáng có cũng như những hối hận, tiếc nuối về sau. Hôm nay mình sẽ tiếp tục bàn về khổ vui ở đời.
Theo quan điểm của mình, sướng và khổ là hai trạng thái của tâm lý mang tính tương đối, ở bài trước, mình đã bàn về sướng khổ trên phạm vi hẹp là chính bản thân chúng ta, còn đối với xã hội thì sao? Cụ
Cần dạy rằng, sở dĩ những người có học thức, nhiều tiền, có địa vị… cảm thấy sướng là vì những người xung quanh họ đều thèm thuồng và cho đó là sướng. Người ngồi ô tô thấy mình sướng là vì có những kẻ đi bộ lê lết cực nhọc thèm thuồng được ngồi trong khoang xe tươm tất như mình… Kẻ đeo châu ngọc cảm thấy sung sướng, hãnh diện là vì nhiều người nghèo khó mong muốn sở hữu vật quý như họ.
Giả sử cả xã hội đều có xe hơi, đều đeo châu ngọc thì cái sướng của mình ắt hẳn sẽ không còn thật sướng nữa. Thật ra cái sướng của mình là do cái khổ của kẻ khác xấu số hơn mình mà có. Và vì thế mà người ta tạo ra biết bao nhiêu đau khổ cho nhau, chỉ để tranh giành lấy những cảm giác sung sướng hão huyền của bản ngã.
Mình được nghe một chú kể lại rằng, vào những năm 1980, cái sướng của chú là có sở hữu một đôi giày nguyên vẹn, cái áo không vá, cơm ngày ba bữa… Đến năm 2021, vẫn là chú, với đầy đủ nhà ở, thực phẩm ngon bổ, quần áo tươm tất, phương tiện đi lại, thiết bị giải trí… tuy nhiên, chú lại luôn cảm thấy chưa hài lòng với cuộc sống của mình, cứ mãi cảm thấy thua kém so với bạn bè, bà con, hàng xóm… So với ngày xưa, đời sống vật chất của chú tuy có khá lên, nhưng tinh thần của chú thì đã mất đi sự hoạt bát, thoải mái, vui vẻ rồi.
Mình không bác bỏ giá trị của những tiện nghi vật chất đối với trải nghiệm sống của mỗi người chúng ta.
Trên thực tế, mình cho rằng vật chất đóng một vai trò rất lớn trong việc xây dựng hạnh phúc tự thân của mỗi người – với điều kiện, phải biết đủ. Đến đây thì mình chợt nhớ concept về hạnh phúc, theo quan điểm của cá nhân mình, đối với những người không dấn thân vào con đường tu đạo, thì hạnh phúc thật sự là sự đẩy đủ của ba yếu tố chính:
1. Đầy đủ trong đời sống vật chất: chắc không phải bàn nhiều tại sao vật chất lại ảnh hưởng to lớn đến hạnh phúc của mỗi người chúng ta đâu ha ^^.
2. Một cơ thể khỏe mạnh: ai từng trải qua những cơn đau, những tai nạn thập tử nhất sinh có lẽ sẽ thấm hơn những điều mình sắp chia sẻ. Khi mang trên mình những căn bệnh, dù là nhẹ hay nặng, bạn sẽ cảm thấy cả cuộc sống như bị thu hẹp, từ những các bạn quan tâm đến những nguồn vui trong đời. Bạn sẽ không thể ung dung tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của hoàng hôn, của bình minh, của tiếng chim hót… bạn sẽ thôi chẳng buồn quan tâm hôm nay nghệ sỹ A cặp bồ với ai, hay hôm nay CĐM có trend gì mới… tất cả đều bạn quan tâm là cơ thể, là căn bệnh của mình, khao khát mãnh liệt nhất của bạn bấy giờ là được khỏi bệnh mà thôi. Thử hỏi, đối với những người sắp phải đối diện với sinh tử, bao nhiêu là tiền bạc, quyền lực, địa vị mà họ phải thức khuya dậy sớm, ăn nhậu ngày đêm, tàn phá sức khỏe… để mà đổi lấy, còn nghĩa lý gì nữa…?
3. Một tinh thần khỏe mạnh: theo mình, đây mới chính là yếu tố then chốt của một cuộc đời hạnh phúc viên mãn. Bởi hai lý do, đầu tiên là vì tinh thần có một ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến cơ thể vật lý, cùng một chế độ ăn uống, sinh hoạt như nhau, nhưng trạng thái thể chất của người vui vẻ, thoải mái lúc nào cũng khỏe mạnh hơn người sống u uất, lo lắng, buồn bã; thậm chí một tâm lý yếu ớt có thể dẫn đến những hành động điên loạn, mất kiểm soát, đây là lý do mà chúng ta có bác sỹ tâm lý. Lý do thứ hai: những trải nghiệm đau khổ, mệt mỏi về tinh thần đôi lúc còn kinh khủng hơn sự tra tấn vật lý.
Sở hữu một tinh thần khỏe mạnh cũng có thể định nghĩa là khi bạn không có những dằn vặt nội tâm vì đã làm ra những hành động trái với lương tâm – đạo đức, có những mối quan hệ tốt đẹp, có một đức tin để dựa vào…
Một trường hợp đặc biệt là những vị tu hành, những người có sự tu dưỡng nội tâm sâu sắc, dẫu cho nghèo khó, bệnh tật, đau thương… bủa vây, nhưng các Ngài vẫn ung dung tự tại, an nhiên hạnh phúc, có thể kể đến như Chúa Jesus, Đức Phật, Thánh Gandhi, Lão Tử… Sở dĩ được như vậy là bởi vì các Ngài đã thoát khỏi những ràng buộc về tâm lý, sở hữu một tinh thần cực kỳ mạnh mẽ rồi vậy.