Tại sao chúng ta ở đây? Chúng ta nên sống như thế nào? Làm sao chúng ta có thể đảm bảo mình đang làm đúng? Làm thế nào chúng ta có thể tự bảo vệ mình trước những căng thẳng và áp lực của cuộc sống hàng ngày? Chúng ta nên đối phó với nỗi đau và bất hạnh ra sao? Làm sao chúng ta có thể sống khi biết rằng một ngày nào đó mình không còn tồn tại nữa?
Tất cả câu hỏi đó đều có thể giải quyết bằng học thuyết 3 “KỶ LUẬT” của Marcus Aurelius trong cuốn sách “Suy Tưởng”. Gần 2 nghìn năm đã trôi qua kể từ khi được Marcus Aurelius viết ra, “Suy Tưởng” vẫn là một trong những cuốn sách có ý nghĩa sâu sắc và ảnh hưởng bậc nhất với bất kỳ ai đang tìm kiếm một cuộc sống có ý nghĩa.
🥇 KỶ LUẬT NHẬN THỨC
Đòi hỏi chúng ta duy trì tính khách quan tuyệt đối trong suy nghĩ: chúng ta nhìn mọi thứ một cách vô tư, đúng bản chất của chúng.
Ta thường dán nhãn “tốt” hoặc “xấu” cho các sự vật sự việc mà trên thực tế không tốt cũng chẳng xấu. Nói cách khác, vấn đề không nằm ở các sự vật sự việc mà nằm ở cách diễn giải ta đặt lên chúng. Do đó, nhiệm vụ của chúng ta là kiểm soát nghiêm ngặt chức năng nhận thức, với mục đích bảo vệ tâm trí khỏi những sai lầm.
🥈 KỶ LUẬT HÀNH ĐỘNG
Liên quan đến mối quan hệ của chúng ta với những người khác. Con người, đối với Marcus nói riêng cũng như các nhà Khắc Kỷ nói chung, là động vật xã hội. Marcus nói đi nói lại rằng chúng ta được tạo ra không phải vì bản thân mà vì người khác, và bản chất của chúng ta về cơ bản là vô vị kỷ. Trong mối quan hệ với những người khác, chúng ta phải làm việc vì lợi ích chung, đồng thời đối xử với từng cá nhân một cách công bằng và không thiên vị.
🥉 KỶ LUẬT Ý CHÍ
Theo một nghĩa nào đó là đối trọng của kỷ luật thứ hai, kỷ luật hành động. Kỷ luật hành động chi phối cách tiếp cận của chúng ta đối với những thứ nằm trong tầm kiểm soát, những việc chúng ta làm; kỷ luật ý chí chi phối thái độ của chúng ta đối với những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát, những việc chúng ta gây ra cho mình (do người khác hoặc do tự nhiên).
Chúng ta kiểm soát hành động của bản thân và chịu trách nhiệm về chúng. Nếu hành động sai, chúng ta gây hại nghiêm trọng cho chính mình (chứ không phải cho người khác hay cho logos, đây là điều cần nhấn mạnh). Ngược lại, những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát không có khả năng làm hại chúng ta. Các hành vi sai trái của một tác nhân con người (tra tấn, trộm cắp hoặc các tội ác khác) gây hại cho tác nhân chứ không phải cho nạn nhân. Các hành vi tự nhiên như hỏa hoạn, bệnh tật hoặc cái chết, chỉ có thể gây hại cho chúng ta nếu ta chọn coi chúng là có hại.