Anh em không thể nhận mình là người có thói quen đọc sách, khi mà anh em thi thoảng có hứng mới cầm sách đọc vài trang. Anh em không thể nhận mình có thói quen tập luyện, khi trước mỗi lần tập anh em phải đấu tranh tư tưởng lắm mới có thể bắt bản thân khởi động.
Nhiều người lầm tưởng giữa thói quen và sở thích, dĩ nhiên họ phân biệt được khác nhau về mặt con chữ, nhưng sâu thẳm bên trong, họ vẫn đinh ninh cả hai là một.
Sở thích là thứ mà chỉ thi thoảng anh em mới thực thi. Trong khi thói quen là khi anh em chỉ cần làm mà không đặt thêm bất kỳ nghi vấn khác. Dù sở thích là cái nôi động lực, để thúc đầy thói quen được đều đặn thành hình. Nhưng khi đã gọi một việc là thói quen, anh em phải bỏ lại phía sau việc coi đó chỉ là sở thích. Lúc đó bản thân anh em đã vượt trên hơn nó rồi vậy.
Thói quen nào cũng phải nên bắt nguồn từ một sự hứng thú nào đó (thậm chí có thể rẻ tiền). Nhưng khi đặt nó vào một guồng quay không hồi kết, nó thực sự tác động to lớn và rất có ý nghĩa đối với cuộc đời anh em.
Thực chất con người ra quyết định và “sống” dựa nhiều vào quán tính của vô thức. Tức là dù cho anh em vừa nạp một luồng tư tưởng mới thật hay, vừa được khai sáng bởi những lời khuyên giá trị, thì khi đụng chuyện, anh em vẫn sẽ đưa ra những giải pháp mang tính an toàn cho bản thân, dựa hoàn toàn theo lối mòn tư duy cũ. Vì vậy mới nói, bản chất con người rất khó thay đổi, vì nó như thể một kiểu thói quen tư duy, chỉ có thể được bồi đắp dần đều theo thời gian mà ra vậy.
Người xưa có câu thói quen gặt định mệnh, nó hoàn toàn có cơ sở nếu anh em nhìn nó theo góc nhìn tâm lý. Cái đầu óc lí trí của anh em đôi khi chỉ hoạt động tốt trong trạng thái tâm bình thân lặng. Chỉ một chút áp lực thôi nó cũng đa lung lay rồi. Và không hề dễ chút nào để rọi được ánh sáng của ý thức vào từng manh mún hành vi hàng ngày được, nên anh em phải phó mặt cho vô thức nắm dây cương trong rất nhiều tình huống trong đời.
Hình thành thói quen, là cách anh em khắc ghi một hành động ăn sâu vào trong tâm khảm. Lặp đi lặp lại liên tục dù chỉ một thói quen rất nhỏ, theo thời gian cũng đã lái cuộc sống anh em đi rất xa. Mình không định lực để duy trì ý thức, thì ít ra, mình phải tác động một chút đến nội tâm, thông qua thói quen hàng ngày. Từ những thói quen rất nhỏ, như tập nói chậm, nói rõ ràng hơn so với bình thường cho đến chuỗi thói quen lớn hơn, như thói quen đọc sách, thói quen học thêm mỗi khi tan ca làm. Những thói quen nhỏ, nhìn vậy mà tác động rất ghê. Thói quen càng vi tế, anh em càng khó rèn cho nó vào khuôn khổ.
Chẳng hạn, không bao giờ nói dối, khi không thể làm gì khác ngoài việc nói dối, hãy im lặng. Thói quen này không dễ để thực hiện, dù cho hành vi dối đi hoàn cảnh một chút không gây hại đến ai. Nhưng luyện cho nó thành thục, lâu ngày tự dưng tâm hồn anh em sẽ ngay thẳng, khi nói biết bình tâm mà biết nên nói gì và không nên nói gì. Hướng về bên trong, anh em đặc biệt không dám dối chính bản thân mình. Người đàn ông nên biết sợ dư luận của chính anh, thay vì dư luận bên ngoài.
Viết một chút lại trượt hơi xa so với chủ để ở trên. Nhưng cái cốt yếu, việc anh em tự gán sở thích của mình cho một thói quen thường trực, cũng giống như anh em đang tự dối mình vậy. Tưởng không có gì hại, nhưng hại vkl.
Note thêm một chút, thói quen mà tôi đề cập ở trên, là những thói quen mang tính xây dựng và phát triển. Thói quen lướt mạng đến khuya cũng là một thói quen, thói quen xem sếch cũng là một thói quen, nhưng dĩ nhiên tôi có khùng đâu mà khuyến khích mấy thứ đó. Nhưng nghĩ lại, nếu đó cũng là những thói quen hàng ngày của anh em, nó sẽ vẫn nắm chắc một nguyên tắc bất biến – là theo thời gian nó sẽ càng bám rễ sâu sắc vào tâm hồn anh em, định hình luôn hướng đi của cuộc đời anh em vậy. Nên cẩn thận với chính thói quen của mình.