Nếu bạn đã trót làm nhà văn thì tốt nhất là bạn không nên đi phó đà. Bởi lẽ rất có thể thay vì được hưởng cái thú nguyệt hoa, bạn sẽ lại nổi hứng ngồi nghe “nàng Kiều lỡ bước” tâm sự về đời mình, rồi lại phải nhọc công viết nên một thiên “phóng sự tiểu thuyết” còn lưu truyền đến gần trăm năm sau.
Làm đĩ mở đầu bằng một tình huống rất thú vị. 1 nhà văn lâu ngày mới được gặp lại người bạn nối khố của mình. Để tỏ lòng quý mến, anh quyết định trốn vợ đưa bạn dạo chơi đất kinh kỳ một đêm, để xem những tia sáng văn minh mà mẫu quốc đã soi rọi đến cái xứ sở u tối này đã đến bậc nào. Ngặt nỗi, sự khai hóa của những người da trắng với đám dân An-Nam-mít tận tình quá mức, đến nỗi giữa thủ đô của một nước ngàn năm văn hiến mà thú vui phổ biến nhất toàn là rượu chè, thuốc phiện và đĩ điếm. Thế là chẳng còn cách nào khác, 2 anh đành tạm gác cái bổn phận của mình để đi uống rượu, hút cần và chơi gái cùng một lúc cho trọn cái tình anh em chí cốt.
Sự đời thật lắm éo le. Đương lúc hai chàng ngả lưng trên phản thả tâm hồn lơ lửng theo làn khói trắng để hưởng cái khoái lạc đê mê của bi thuốc phiện thì bỗng nhận một cái tát ngỡ ngàng từ định mệnh. Bởi cô gái vừa bước vào phòng để chuẩn bị ban phát ái tình cho hai chàng chính là Huyền – nàng thơ mà cả hai thầm thương trộm nhớ suốt một thời trai trẻ.
Ông nào bảo hai anh số hưởng khi sắp được phịt người trong mộng, là ông đấy chả biết đếch gì. Khi bạn còn ở cái thời ngây ngô của tuổi học trò mà đem lòng thích ai, bạn sẽ đặt người ấy ở một vị trí rất trang trọng trong tim mình. Bạn sẽ coi người ta như vầng trăng rằm lúc đêm khuya, một tạo vật đẹp đẽ mà bạn tự nhủ mình chỉ có thể ngắm nhìn và tôn thờ từ xa chứ không thể nào với tới được. Kể cả có đôi lúc dục tính bùng phát lúc dậy thì, bạn cũng tuyệt không muốn để những suy nghĩ đen tối vấy một vết gợn bẩn nào lên hình ảnh thuần khiết ấy.
Vậy mà, nàng thơ được hai anh yêu đến mức tôn thờ giờ lại đi xúc bình xăng con cho hết thảy đám đàn ông trên đời. Thế là hết. Đời như c*t. Cái bản ngã sụp đổ ấy đau đớn đến mức làm Quý, anh bạn của tác giả bật khóc nức nở. Cố nhiên, cả 2 anh chẳng còn thiết tha gì đến cái cảnh mưa Sở mây Tần đã háo hức từ trước nữa.
Nhưng nhà văn có đi phó đà vẫn là nhà văn. Những tâm hồn vị nhân sinh trong chốn lầu xanh vẫn không mất đi cái phẩm chất của nó. Thế là, 3 người cùng nhau thức trắng 3 đêm để nghe Huyền kể về cuộc đời cô. Để xem vì sao mà một cô gái đẹp, có học thức, con nhà danh giá, tử tế lại đến bước đường này.
Khi nghe tên tác phẩm, có thể bạn sẽ hình dung ra cảnh một cô gái trẻ mồ côi cha, mẹ lâm bệnh nặng nên đành bán nốt cả thân thể mình nhằm kiếm chút tiền thuốc thang. Hay một người con gái ở tuổi đôi mươi trót nghe lời dụ ngon dỗ ngọt của đám đàn ông đểu cáng mà bước chân vào vũng bùn ngồi tâm sự về cái đời nhơ nhớp của mình. Nhưng nếu “Làm đĩ” chỉ là một phóng sự về nghề mãi dâm như những bài báo trên Vietnamnet thì hẳn tác phẩm này đã chẳng có sức sống vượt thời gian đến thế.
Làm đĩ không nói về “làm đĩ”, tức không phải một phóng sự về nạn mại dâm, mà là một cuốn tiểu thuyết phản ánh sự suy đồi đạo đức của xã hội đã dần đẩy người ta đến bước trụy lạc. Vũ Trọng Phụng đã khéo mượn quá trình sa ngã của nhân vật Huyền để lên án cái văn hóa trọng vật chất mà làm băng hoại đạo đức của giới “thượng lưu” đương thời, nhằm cảnh tỉnh những con người đang quay cuồng trong cuộc “Âu hóa”.
Huyền vốn là một cô gái đẹp, có đức hạnh, xuất thân trong một gia đình tử tế. “Khi chúng tôi xuân xanh còn trong vòng đôi tám thì Huyền còn là một cô nữ sinh. Nó đẹp, ngoan, đứng đắn, con nhà lương thiện, con một ông phán, cháu một ông đốc tờ… Huyền có cái dáng điệu nghiêm trang, đến nỗi thằng học trò mất dạy vào bậc nhất cũng không dám bén mảng tới, vì vẻ đẹp của Huyền là vẻ đẹp của một người ngây thơ, trong sạch, mai sau sẽ trở nên đức phụ, cái thứ đẹp đáng kính trọng của những bông hoa mỏng manh, nó làm cho người hâm mộ nó, thấy mình là phàm tục, sợ mình là chưa xứng đáng, và nếu động vào thì ta phạm phải một điều bất lịch sự…. Trong số bạn học của tôi, có đến ba mươi thằng phải lòng nó, nhưng tịnh không một anh nào dám nói ra miệng. Đứa nào cũng phải giấu giếm sự mê gái ấy trong đáy lòng, hình như sợ rằng để biết rõ tư tưởng của nhau thì chỉ thấy nhau là đồ ngu. Cái giá trị của Huyền cao đến nỗi thằng nào tự phụ nhất đời, kiêu ngạo nhất đời, cũng thấy mình là chưa xứng đáng”.
Nhưng khi “Em đương hưởng lạc thú gia đình với sự kiêu ngạo ở cái tên Nàng Thơ mà một bọn si tình ngầm đặt cho em, thì cuộc đời đổi mới của xã hội này đem cái ảnh hưởng xấu đến khuấy rối mất cái phần đức hạnh của em. Xã hội lại đáng sợ hơn cả cái tuổi dậy thì.Hồi ấy, một trận cuồng phong dữ dội thổi đến xã hội ta. Cái phong trào vật chất đến với ta bằng những danh từ điêu trá: tiến bộ, duy tân, tân sinh hoạt… nó có một sức mầu nhiệm là lường gạt nổi hầu hết mọi người. Bao nhiêu lề thói, bao nhiêu nề nếp đã bị lôi cuốn đi theo trận cuồng phong. Một trật tự của xã hội thuần túy trọng tinh thần đã bị vật chất đảo lộn ngược cả.”
Giai đoạn đó là thời đại hỗn mang khi tinh hoa dân tộc đang dần bị lấn áp bởi nền văn hóa phương tây. Sẽ thật tốt nếu người ta tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng tiến bộ của phương tây như bình đẳng giới, không phân biệt giai cấp trong khi vẫn gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp. Nhưng không, những người truyền bá tư tưởng sống mới lại toàn là những kẻ thiếu trí tuệ và lương tâm, cho rằng cái gì “tây” cũng tốt, cái gì “ta” cũng hủ lậu, mà rao giảng những quan điểm lệch lạc tạo nên những nếp sống lai căng kệch cỡm.
Thay vì đem lại sự bình quyền nam nữ trong giáo dục để phụ nữ cũng được học hành tử tế, người ta chỉ cổ động cho việc cách tân trang phục theo cái nguyên tắc nam được hở chỗ nào, nữ cũng phải được hở chỗ ấy. Thay vì bình đẳng hóa lao động để nữ giới không còn phải ở nhà, đám văn sĩ vô lương tâm lại chỉ tìm cách kích động cho người ta đến những “chốn khiêu vũ phá tan hạnh phúc gia đình, làm cho đàn bà hóa ra đĩ, làm cho đàn ông mọc sừng”.
Cái công cuộc “Âu hóa” thần thánh được thực hiện bởi những nhà “Cách Mạng” như ông Văn Minh, ông Typn, như thương xót cho thân thể người phụ nữ bị giấu kín trong công dung ngôn hạnh suốt mấy ngàn năm mà đứng lên giật tung mọi gông xiềng đạo đức, cũng đồng thời lột bỏ hết thảy mọi sự kín đáo mà phô bày mọi bộ phận nên kín đáo trên cơ thể cho “khỏi có vẻ hủ lậu”. Một đám làm báo vô lương tâm cứ đội lốt “văn minh”, “tiến bộ”, “duy tân”, “nam nữ bình quyền”, mà cổ súy cho những điều hư hỏng, cốt sao cho thỏa mãn cái dục vọng của giới thượng lưu và túi tiền của một số nhà tư bản. Dần dà, người ta bắt đầu lầm tưởng phóng túng là “văn minh”, khiêu dâm là “tân thời”, làm xã hội suy đồi đến mức “Những ai không nhắm mắt chạy theo vật chất đều bị coi là gàn, là hủ, là đáng tự tử. Báo giới đầy rẫy những mục bàn luận cách tìm khoái lạc cho xác thịt. Thanh niên không còn lý tưởng nào mà thờ, nếu không công nhận cái lý tưởng vật chất. Văn chương và mỹ thuật đã bị đem ra lợi dụng, chỉ cốt để tán dương cuộc phụng sự Dâm thần.” Cái nền văn hóa ấy cuối cùng chỉ tạo ra những người như Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, ông Văn Minh, ông Typn, trong khi bỏ mặc những nạn nhân của xã hội do sự ngây thơ mà lầm bước như Huyền. Những người “khi nhắm mắt theo cuộc đời mới, em vẫn tưởng thế là hợp thời, là văn minh. Kíp đến lúc tỉnh ngộ thì đã muộn quá rồi. Đến lúc biết mình lầm, thì đã… làm đĩ!”
Tôi nghĩ một trong những điều khiến tác phẩm này vẫn còn sức sống lâu đến vậy, đó là nó vẫn còn giá trị rất lớn cho tới tận ngày nay. Thử nhìn ra xã hội ta hiện nay, cái nền văn hóa trọng vật chất chỉ cốt tìm mọi cách đem lại sự khoái lạc thân xác cho con người chẳng phải cũng đang được dịp đắc thế hay sao? Khắp mọi màn hình, chỗ nào cũng thấy có những sự khiêu dâm để mời mọc người xem click vào. Chẳng bộ phim nào không điểm một vài cảnh nóng rất vô vị để giữ người xem. Đầy rẫy những “ngôi sao” làm cái điều Huyền đã làm, tức là đem thân thể mình ra thỏa mãn cái dục vọng (trong con mắt) của người đời để kiếm sống, mà lại cứ được bọn làm báo vô lương tâm tâng bốc lên mãi, với đủ những mỹ từ như “quyến rũ”, “gợi cảm”. Khiêu dâm bắt đầu đội lốt cái đẹp, và sự gợi dục ẩn núp một cách công khai trong lòng nghệ thuật.
Bởi khêu gợi lên ngọn lửa dục đang âm ỉ cháy trong lòng hết thảy mọi người là một cách rất dễ để kiếm tiền. Càng làm người ta ham muốn, người ta sẽ càng click, sẽ càng mua hàng. Và trong khi tinh thần của nhiều thanh niên ngày một bị băng hoại, đến mức chả có hoài bão gì hơn việc thỏa mãn khoái lạc trong thân thể bằng phim sex, thì những nhà truyền thông và tư bản lại kiếm được bộn tiền. Đấy là cái mặt tối của xã hội trọng vật chất mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra vậy.
Tác phẩm này thường khiến nhiều người nghi ngại vì cái tên dễ gây hiểu lầm của nó. Đương thời, nhiều nhà báo đối thủ mà nổi bật là Thái Phỉ (tổng biên tập tờ báo dành cho thiếu nhi ở Việt Nam) đã phê phán Làm đĩ là văn chương “dâm uế”. Nhưng người trọn đời theo đuổi triết lý nghệ thuật vị nhân sinh đến mức chết năm 27 tuổi như Vũ Trọng Phụng, có đâu lại như đám nhà văn xu thời đi đem những cảnh gợi dục vào tiểu thuyết để câu khách?
Ngược lại, đọc hết tác phẩm cũng không thấy một đoạn nào khêu gợi lên cái ý dâm như những phim ảnh và tiểu thuyết diễm tình hiện nay vẫn đang làm. So với nền văn hóa đương thời, thiết tưởng ngôn từ trong “Làm đĩ” cũng hãy còn là ngây thơ, trong trắng lắm. Vũ Trọng Phụng là một con người dùng văn học để cống hiến cho nhân sinh. Không như những người muốn “tiểu thuyết chỉ là tiểu thuyết”, là những ánh trăng lừa dối mê hoặc lòng người trong phút chốc, Vũ Trọng Phụng muốn “tiểu thuyết phải là sự thực ở đời”, để cảnh tỉnh những người vì vô minh mà lạc bước. “Vì những lẽ ấy truyện Làm đĩ ra đời. Nó sẽ làm cho bọn đạo đức “không phải đường” phải nhăn mặt. Nó sẽ làm cho hạng người không muốn hiểu biết gì cả sẽ kêu suông: “Ôi phong hóa suy đồi!” Nhưng tác giả còn hy vọng ở những người biết nghĩ…”
Cá nhân tôi thấy đây là một tác phẩm rất hay của văn học Việt Nam thế kỷ XX, bởi những giá trị hiện thực có tính giáo dục được thể hiện qua văn phong châm biếm đầy sắc bén mang đậm chất Vũ Trọng Phụng, lại tinh tế đến mức tả cái sự dâm mà không thấy dâm. Thiên “phóng sự tiểu thuyết này” thực làm bõ cái danh “ông vua phóng sự” mà các bạn văn cùng thời như Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng đã ưu ái dành cho ông.