Cứ mỗi lần bạn tắm biển đang vui thì mấy tay cứu hộ lại thổi còi toét toét gọi mọi người lên bờ khi trời chỉ vừa mới xẩm tối. Bạn đành tiu nghỉu ra về, bỏ lại sau lưng làn nước mát và những thứ mát mắt khác.
Người ta phải làm vậy vì thường khi trời tối, mực nước biển sẽ bắt đầu dâng lên cao hơn mức bình thường. Sự thay đổi của mực nước biển như vậy được gọi là thủy triều, cái này chắc bạn biết rồi.
Trong nhiều ngàn năm con người tưởng rằng nước biển dâng lên là do sản phẩm gì đó của thần biển Poseidon, cho đến một ngày có quả táo rơi đánh bốp vào đầu một nhà bác học nọ. Từ đó bao thế hệ học sinh dốt vật lý đã phải khốn khổ, cũng đồng thời khiến người ta nhận ra lý do chính cho sự dâng lên của mực nước biển là do lực hấp dẫn từ mặt trăng.
Vì mặt trăng quay quanh trái đất, nên trong một ngày, mọi vị trí trên trái đất đều sẽ có ít nhất một lần nằm trực diện với mặt trăng. Ở địa điểm đó, nước biển chịu lực hấp dẫn của mặt trăng và dâng lên cao. Đó là lý do vì sao cái lâu đài cát mà bạn vất vả đắp chiều hôm trước luôn biến mất vào sáng hôm sau.
Trong một tháng m lịch sẽ có hai ngày mà mặt trời, mặt trăng và trái đất sẽ thẳng hàng với nhau. Vào ngày đó, thủy triều sẽ dâng lên cao nhất do lực hấp dẫn của mặt trăng được cộng hưởng thêm với lực hấp dẫn của mặt trời. Không chỉ nước biển, mà mực nước sông, nước hồ cũng sẽ dâng lên cao nhất vào ngày đó, nhưng chúng ta khó quan sát được điều này. Hai ngày đó chính là ngày trăng tròn (Rằm) và ngày trăng non (mùng một m lịch).
Được rồi, giờ là điều thú vị. 70% cơ thể của chúng ta là nước. Theo bạn, nước trong cơ thể chúng ta có chịu ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn của mặt trăng không?
Chắc chắn là có rồi. Rõ ràng là một cái nam châm có thể hút được một thanh sắt lớn thì cũng có thể hút được những vụn sắt nhỏ.
Điều đó có nghĩa là, vào ngày trăng tròn và trăng non, nước trong cơ thể chúng ta cũng bị “hút” lên phía trên mạnh hơn so với ngày thường. Kết quả là máu sẽ tuần hoàn lên não mạnh hơn, các chất dẫn truyền thần kinh sẽ di chuyển nhanh hơn, các phản ứng sinh hóa trong cơ thể diễn ra mạnh hơn,…
Vì vậy mà vào cái ngày Artemis song ca cùng Apollon đó, mọi trạng thái tinh thần và sức khỏe trong cơ thể chúng ta đều sẽ được nâng lên. Nếu bạn đang vui, bạn sẽ thấy yêu đời hơn. Nếu bạn đang buồn, bạn sẽ thấy bi quan hơn. Nếu bạn đang có chút hưng phấn, bạn sẽ có cảm giác tràn trề sinh lực hơn. Nếu cuộc sống của bạn đang bức bối và căng thẳng, chị Hằng sẽ đổ thêm dầu vào lửa trong ngày chị ấy đến tháng.
Người xưa đã biết được điều này. Họ không biết về lực hấp dẫn, nhưng họ nhận thức được cơ thể mình thay đổi thế nào vào ngày trăng tròn và trăng non. Vì thế, họ quyết định thực hiện một điều gì đó làm cho cơ thể cảm thấy thanh thản và thoải mái vào những ngày này, để hiệu ứng đó được nhân lên bởi mặt trăng. Đó là lý do tục cúng rằm và mùng 1 ra đời. Ý tưởng là nếu ngày đó bạn ở nhà và hướng lòng thành về tổ tiên, quây quần bên gia đình thay vì đi ăn thịt chó và đánh tổ tôm, bạn sẽ cảm thấy thư thái hơn so với ngày thường. Các lễ hội được tổ chức vào ngày rằm như Tết nguyên tiêu (rằm tháng giêng), Trung thu (rằm tháng ? cũng nhằm mục đích như vậy. Qua hàng ngàn năm, hành vi này trở thành tín ngưỡng và phong tục. Ý nghĩa khoa học đằng sau nó không được phổ biến vì 95% dân số thời xưa không biết chữ, và Mark Zuckerberg cũng như Facebook chưa ra đời.
Những ngày rằm và mùng một là một phần quan trọng trong tín ngưỡng đông phương, nhưng bạn sẽ có thể bắt gặp những lễ hội, nghi thức, phong tục liên quan tới ngày trăng tròn và trăng non ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ở Thái Lan có lễ hội trăng tròn Koh Phangan, ở Ấn Độ có lễ hội Maha Shivaratri. Thường thì các lễ hội này được thiết kế một cách nhẹ nhàng và thanh tịnh để hướng người ta tới sự thư thái, thay vì trở thành những ngày lễ hết phòng nhà nghỉ như hiện nay.
Tất nhiên không phải mọi dân tộc đều tận dụng mặt trăng một cách tốt đẹp. Tôi đoán là vào thời đại chưa có nền văn minh, các bộ tộc hẳn đã chơi chất kích thích, hú hét và nhảy quanh đống lửa trong khi thực hiện các nghi lễ và rồi hiến tế trinh nữ cho thần mặt trời vào ngày trăng tròn vì sự hưng phấn của họ được nâng lên vào ngày đó. Nhưng rõ ràng là bạn sẽ không muốn làm những điều như thế. Bạn không nhất thiết phải cúng rằm hay mùng một, nhưng hãy làm gì đó vui vẻ để điều đó được nhân lên và tạo ra ảnh hưởng tích cực lên cuộc sống của bạn trong hai ngày này. Hoặc ít nhất hãy tránh làm những điều tiêu cực khi chị Hằng đến tháng, vì rất có thể bạn sẽ trở thành người sói đấy.