Có lần, trong buổi trị liệu gia đình khi chồng cũ của tôi đang trong trại cai nghiện, con gái tôi vừa khóc vừa nhận xét: “Mẹ không bao giờ khóc, mẹ là một tảng đá.” Tôi thực sự sững sờ trước đánh giá đó. Tôi chưa từng nghĩ đến điều này, nhưng sau đó tôi nhận ra đó là sự thật.
Tôi tin rằng đó không hoàn toàn là một lời khen. Nhà trị liệu và những người khác trong buổi trị liệu nhìn tôi có phần nghi ngại.
Kể từ đó, tôi hiểu rằng con gái tôi, và đôi khi là những người khác, đã hiểu sai vẻ ngoài điềm tĩnh của tôi là thiếu cảm xúc. Nhưng không có gì xa sự thật hơn thế – tôi là một người rất nhạy cảm. Tuy nhiên, đâu đó trong cuộc sống, tôi đã học cách không để lộ điều đấy ra ngoài. Cuộc đời đã dạy tôi rằng suy sụp là một điều xa xỉ mà tôi không thể có.
Tôi là một người thực tế và thực dụng. Nói một cách lý trí, nếu tôi gục ngã, ai sẽ là người bảo vệ gia đình? Tôi cũng học được một sự thật cay đắng khác: không ai yêu thương một chiến binh cho đến khi kẻ thù đã ở ngay cửa, và ngay cả khi đó, tình cảm ấy cũng chẳng kéo dài lâu.
Ký ức là điều rất ngắn ngủi. Người ta dễ dàng quên đi những trận chiến mà họ không đổ máu. Câu nói của con gái tôi rằng tôi không bao giờ khóc không hoàn toàn chính xác – tôi khóc, nhưng chỉ khi không có ai nhìn thấy. Không phải là những người mạnh mẽ sẽ không khóc – họ chỉ khóc một mình vào ban đêm hoặc trong phòng tắm. Tôi tự mình liếm láp vết thương.
Nếu có thứ gì quý giá bị phá vỡ, tôi sẽ không đứng đó và than khóc. Tôi sẽ lấy chổi quét đi. Việc đứng nhìn những mảnh vỡ chỉ kéo dài nỗi đau. Tôi không nghĩ cách đối mặt với cuộc sống của mình là tốt hơn, nhưng tôi nghĩ rằng người khác được lợi từ những phản ứng bình tĩnh của những người như chúng tôi, những người đứng dậy và xử lý tình huống, dù có thể không nhận được sự trân trọng cho điều mình đã làm.
Nơi tôi lớn lên, thể hiện sự yếu đuối, như khóc lóc chẳng hạn, chẳng khác gì trở thành chú linh dương yếu ớt giữa thảo nguyên Serengeti. Những kẻ lợi dụng điểm yếu luôn rình rập, lén lút chờ cơ hội tấn công.
Bây giờ, phản ứng gần như bất biến của tôi là tỏ ra bình thản trước mọi khủng hoảng. Đó là một thói quen hiệu quả, nhưng không hề được ai công nhận. Những người có tính cách khắc kỷ thường bị hiểu lầm, bị cho là lạnh lùng hoặc vô cảm. Tôi đã không ít lần bị gọi là “đáng sợ”.
Dù chưa bao giờ chính thức nghiên cứu các nguyên tắc của nó hay tự tuyên bố mình là người theo Chủ nghĩa Khắc Kỷ, tôi thấy mình hoàn toàn phù hợp với mô tả đó. Chủ nghĩa Khắc Kỷ là một trường phái triết học Hy Lạp cổ đại từ năm 300 trước Công nguyên. Triết lý Khắc Kỷ dạy chúng ta cách giữ bình tĩnh khi đối mặt với nghịch cảnh và không phản ứng với những gì chúng ta không thể kiểm soát.
Một số đặc điểm chính của người theo Khắc Kỷ là kiên cường, trí tuệ cảm xúc và kiên nhẫn. Chấp nhận rằng cuộc sống thường phức tạp, họ chỉ tập trung vào những gì họ có thể kiểm soát và buông bỏ những gì họ không thể. Họ hiểu rằng cảm xúc là điều tự nhiên, nhưng không cho phép chúng chi phối hành động của mình.Người theo Khắc Kỷ không dằn vặt trước vấn đề, mà tìm kiếm giải pháp và chờ đợi thời điểm thích hợp để hành động.
Mô tả này tóm gọn con người tôi một cách chính xác. Một số lãnh đạo vĩ đại nhất trong lịch sử từng thực hành chủ nghĩa Khắc Kỷ, bao gồm Marcus Aurelius, Theodore Roosevelt, và Winston Churchill. Tôi cảm thấy như mình đang ở trong một cộng đồng đáng tự hào.
Học thuyết về sự thờ ơ có lẽ là nguyên nhân khiến Chủ nghĩa Khắc Kỷ mang danh là lạnh lùng, vô cảm và tàn nhẫn. NNhưng ngày nay, Chủ nghĩa Khắc Kỷ hiện đại thường được sử dụng để giúp thúc đẩy phát triển cá nhân và nghề nghiệp. Kiên cường và bình tĩnh khi đối mặt với bão tố là những đức tính quý giá cần có.
Người theo Khắc Kỷ tin rằng con người có quyền kiểm soát phản ứng của mình trước các tình huống bên ngoài. Bằng cách thừa nhận sức mạnh này, bạn có thể quản lý các phản ứng cảm xúc của mình một cách hiệu quả. Điều đó không có nghĩa là trở nên lạnh lùng và vô cảm, mà là lựa chọn sống có chủ đích.
Học thuyết Khắc kỷ dựa trên việc để lý trí dẫn lối. Ở mức độ lớn, chúng ta không thể kiểm soát hoàn cảnh bên ngoài, nhưng chúng ta có thể quyết định cách chúng ta phản ứng – nó thuộc về lựa chọn, là quyền kiểm soát của chúng ta.
Chúng ta thường có rất ít quyền kiểm soát những gì xảy ra, nhưng có toàn quyền kiểm soát cách chúng ta phản ứng.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ dạy rằng không phải những điều xảy ra không làm ta phiền lòng, mà chính quan điểm của ta về những điều đó mới làm ta bất an. Nếu có thể nhìn sự việc từ góc độ lý trí hơn, chúng ta có thể biến phản ứng của mình thành những cảm xúc lành mạnh.
“Những thứ bên ngoài không phải là vấn đề. Mà vấn đề là sự đánh giá của ta về chúng. Ta có thể xóa sạch nhận định đó ngay lúc này.” — Marcus Aurelius Antoninus
Trái tim tôi cũng biết đau như bao người khác, tôi chỉ không thường thể hiện điều đó ra bên ngoài. Đó đơn giản là cách tôi được tạo thành, là bản chất riêng tư và thực tế của tôi. Tôi không thấy giá trị gì trong việc tiếp tục thất vọng, cũng không thấy có ích gì khi khóc lóc về điều gì đó mà tôi không thể thay đổi, kể cả khi tôi không thích chúng. Làm vậy chỉ gây thêm căng thẳng, và ai cần thêm căng thẳng chứ?
Tôi tập trung vào việc dọn dẹp đống lộn xộn.
Tôi không hề cố tình áp dụng triết lý Khắc Kỷ; nó phát triển tự nhiên theo thời gian. Dần dần tôi nhận ra rằng 98% những điều tôi tự dằn vặt chưa bao giờ xảy ra, và điều đó đã ảnh hưởng đến tôi.
Tôi lớn lên trong một gia đình lạnh lẽo và đầy biến động. Mọi người trong nhà chỉ đang cố gắng để tồn tại; bất kỳ dấu hiệu yếu đuối nào đều bị lợi dụng làm vũ khí.
Tôi thừa nhận rằng tôi ít kiên nhẫn với những người luôn than khóc và vò đầu bứt tai thay vì chấp nhận tình huống như nó vốn có và xử lý nó. Không phải là tôi thiếu sự đồng cảm, mà là tôi đã học cách xử lý thông tin nhanh chóng và tập trung, không phải vào những gì đã xảy ra, mà là cách giải quyết nó. Điều này giống như phân loại bệnh nhân (tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ trở thành một bác sĩ cấp cứu giỏi).
Tôi sẵn sàng bỏ qua, buông tay và bước tiếp – một đặc điểm khác mà tôi bị chỉ trích. Nhưng tôi biết quá nhiều người giữ oán hận, vẫn còn giận dữ và cảm thấy là nạn nhân của những điều đã xảy ra nhiều năm trước. Từ chối buông bỏ những hành trang trói buộc họ, họ luôn cảnh giác cao độ trước một vết thương tương tự để thêm vào bộ sưu tập của mình.
Thật là “mua dây buộc mình”! Và cũng mua dây buộc cả những người yêu thương họ. Những người lớn lên hoặc sau này sống trong những gia đình xảy ra bạo hành đã học cách kìm nén nỗi đau, không để lộ cảm xúc của mình. Đó là cách để sinh tồn – giấu đi mọi yếu đuối và không bộc lộ sự dễ tổn thương.
Tôi chắc chắn rằng điều này đã ảnh hưởng đến con người tôi ngày hôm nay. Tôi cũng nghĩ rằng tính cách “khắc kỷ” của tôi phần nào bắt nguồn từ một tâm trí tự soi xét và phân tích – tôi hiếm khi để cảm xúc cản trở lý trí. Tôi đã học được cách phân tích lợi ích và chi phí rất giỏi.
Tôi cũng nghĩ đây là một trong những lý do giúp tôi trở thành một luật sư thành công. Tôi không để người khác thấy tôi đổ mồ hôi hay chớp mắt. Đối phương thường đầu hàng trong khi tôi chỉ đang suy nghĩ về bước đi tiếp theo. Sự bình tĩnh có thể làm người ta cảm thấy lo ngại, đặc biệt là những ai không quen với nó.
Đôi khi, tôi cũng bị áp lực, và không ai tránh được bi kịch. Nhưng việc thực hành các nguyên tắc khắc kỷ giúp tôi dễ dàng lấy lại cân bằng. Tôi không thể sống hạnh phúc giữa sự hỗn loạn liên tục và tôi chọn không làm vậy.
“Chỉ có một con đường dẫn đến hạnh phúc. Đó là ngừng lo lắng về những điều nằm ngoài khả năng của ý chí chúng ta.” — Epictetus
Chủ nghĩa Khắc Kỷ không nên bị đồng nhất với sự thiếu cảm xúc – nó là cách quản lý cảm xúc. Mặc dù tôi thấy đây là một triết lý sống hiệu quả và phù hợp với mình, tôi cũng nhận ra không phải ai cũng có bản chất phù hợp để thực hành nó.
Tôi không khinh thường những người dễ rơi nước mắt, những người suy sụp trước khó khăn. Chỉ là tôi không phải một trong số họ. Tôi có thể là một người theo Khắc Kỷ, nhưng tôi vẫn có một trái tim lớn. Tôi có thể cho bạn mượn sức mạnh của tôi khi bạn cần. Khi bạn bị áp đảo, ngập trong nỗi buồn hay tuyệt vọng,tôi sẽ ở bên cạnh để nâng đỡ bạn và giúp bạn thu dọn mảnh vỡ. Tôi có một cây chổi lớn.
Những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng ta có thể kiểm soát cách mình phản ứng. Chỉ khi nào ngày tận thế thực sự đến, đó mới là tận thế.
Tôi đã học được rằng việc liên tục dồn sức vào một cánh cửa khóa chặt chỉ gây đau đớn, vô ích và không mang lại lợi ích gì; thay vào đó, chúng ta sẽ phát triển khi dành thời gian và năng lượng để tìm kiếm một lối vào khác.