Có anh em nào còn nhớ cái cơ chế phóng chiếu mà tôi từng đề cập không í nhỉ?
Nay có hứng tôi biên lại, cũng tiện ôn bài luôn hê hê hê. Cái cốt lõi sẽ nằm ở đó, những cái mới sẽ được thêm vào, btw với tôi bài post nào chả là bài post mới.
Anh em sẽ phóng chiếu lên người ngoài những khao khát chưa được thoả mãn, những tối tăm không muốn ai nhìn thấy, những đặc điểm tính cách nằm tận sâu bên trong mình. Và cũng có xu hướng định hình luôn tính cách của người ta, thay vì nhìn nhận khách quan về chính bản thân họ.
Mối quan hệ giữa anh em với 1 người nào đó càng gần gũi, thì sự phóng chiếu này càng sâu sắc. Tức là sao? Tức là cái tính cách mà anh em phóng chiếu lên 1 người thân thiết, sẽ biểu lộ cái sâu thẳm của anh em nhiều hơn so với việc anh em phóng chiếu lên những cá nhân bình thường.
Một thằng bạn cùng lớp, anh em nghĩ nó thích thể hiện, coi trọng hình thức chữ bản thân nó không mấy chân tình thì điều này đồng nghĩa với một trong những thứ sau đây.
Một là anh em cũng là người trọng hình thức, cũng là người thích ra vẻ, nhưng anh em chối bỏ cái tính này của mình nên anh em khó chịu khi thấy người ta làm như vậy.
Hai là anh em không hay tỏ ra như thế nào cả, nhưng anh em rất khao khát được mọi người đánh giá là sống tình nghĩa, nên anh em ganh tỵ với thằng kia, vì nó thể hiện rõ ra những khao khát thầm kín của bản thân anh em. Và 1 lần nữa, anh em chối bỏ cái khao khát “được là ai đó” trong mình.
Phóng chiếu như thế, lên một người bình thường, anh em nhận ra mình phóng chiếu, nhận ra cái xấu của mình. Nhìn chung nếu có chút kiến thức, anh em có thể nhận ra được.
Nhưng anh em sẽ khó nhận ra, khó thừa nhận nếu không phải nói là chối bỏ kịch liệt, khi anh em phóng chiếu lên một ai đó thân thiết với mình. Cha mẹ, anh em, con cái, người yêu,… những người mà anh em thấy thoải mái khi ở gần, thấy nhiều cái tính tốt đẹp của họ và dĩ nhiên là yêu mến họ. Cho nên nếu có điều gì ở người ta làm anh em cảm thấy “hơi ghét ghét” hoặc ghét cay đắng mà có thể bỏ qua được vì thân thiết, những phóng chiếu đang cho anh em thấy, cái tầng sâu hơn của mình.
Trong rất nhiều gia đình, nơi mà cha mẹ lại thiếu niềm tin vào chính những đứa con mà mình đã sinh ra.
Họ mất tiền, nghi ngờ con mình ăn cắp. Họ hay thấy con mình lười biếng, mình thì còng lưng ra nuôi nó ăn học. Một câu cãi của con thành ra thứ gì láo xược. Tất tần tật những cái xấu xa cha mẹ đội lên đầu đứa trẻ của mình. Họ càng chối bỏ cái xấu của mình bao nhiêu, tâm hồn đứa bé mà họ sinh ra càng bị chạm đến bấy nhiêu. Vì mối quan hệ rất khăn khít, cái phóng chiếu của sâu sắc hơn bao giờ hết.
Nhà làm phim hay sách truyện rất giỏi trong việc thao túng cơ chế phóng chiếu này ở người xem. Rất nhiều người đón xem Phương Hằng, xem bà ta chửi thấy đã, thấy sướng – bà ta là một tấm gương đúng nghĩa, để khán giả truyền hình được dịp xả hết những gì tối tăm nhất trong tâm hồn mà họ kìm nén bấy lâu nay.
Phim hành động, đánh nhau, drama gia đình cũng là ngọn đèn sáng chói trong đêm đen đặc những bầy thiêu thân. Những thước phim, câu chuyện biết cách làm thoả mãn người xem, vì trong cuộc sống vô vị hằng ngày, họ giữ trong mình quá nhiều thứ không được giải toả hết. Cũng là lý do tại sao chúng ta thấy rất nhiều con nghiện phim thời điểm bi chừ.
Đây hẳn là chiếc xe bus chở tập thể những nhân cách khác nhau của tôi rồi.