Có anh em nào tự đặt cho mình câu hỏi đại loại như: “Tại sao phải hiếu thảo?” hay “Hiếu thảo để làm gì?” chưa?
Văn hóa người mình rất nặng chữ hiếu, đặc biệt là người xưa. Ngay cả trong những lời răn trong sách Phật, cũng cho rằng bất hiếu là tội lớn nhất của con người.
Và vì được xem như là một thứ hiển nhiên, một điều bắt buộc, một trách nhiệm phải gánh – đâm ra không ai tự đặt vấn đề lại với điều này, mà chỉ có như thế tuân theo.
Mình nói anh em nghe cái này. Cha mẹ có sai, cũng là người sinh ra mình, là người nuôi mình ăn học từ bé tới giờ… vì vậy nên cha mẹ nói gì cũng đúng. Anh em thấy có chút nào ăn khớp với nhau không, ừ thì không, nhưng cha mẹ nào cũng dùng một bài ca như thế để dạy cho con mình.
Bản thân họ cũng chịu đựng những vô lý và khó chịu trong tính cách của cha mẹ họ, giờ tiếp tục vứt điều đó lên tâm trí đứa con mình – vậy nên gia đình, dù mang tiếng là nơi ấm cúng, cũng khó tránh khỏi những bất công và chuyện đau lòng.
Điều này dẫn đến một cái nghịch lý rất buồn cười. Những cha mẹ này hiếm khi chịu lắng nghe lời con nói, mỗi lời đứa nhỏ nói ra đều bị xem là dấu hiệu của sự hỗn hào, đồng thời họ vẫn luôn than trời rằng mình không thể hiểu được đứa con. Sau cùng lại vớ thêm một cái lý do nghe rất hợp lý khác, là cha mẹ sinh con còn trời sinh tánh. Họ đang ngụy biện cho lối dạy con sai lầm của mình, và chính bản thân họ cũng đang lừa dối mình khỏi sự bất lực.
Giờ mà nói họ không biết dạy con, đảm bảo họ sẽ dẫy đựng lên mà trình bày rằng đã đầu tư biết bao nhiêu tiền của cho con ăn học mà nó vẫn hư, vẫn phá, vẫn không nghe lời mình. Đòi hỏi con phải nghe mình, trong khi chưa từng thực sự biết lắng nghe.
Và vì cái văn hóa nặng lễ nghĩa đó, họ vứt lên vai con mình chữ Hiếu nặng nề đến quá đáng; việc báo hiếu lẽ ra dựa trên tình yêu thương và sự tự nguyện, giờ trở thành một trách nhiệm chỉ để làm cho xong.
Có điều này nói nghe có vẻ hơi mất lòng, nhưng việc đứa con có hiếu thảo hay không, đó không phải là trách nhiệm của nó, mà phải từ sự tự nguyện mà ra. Tức là dù muốn hay không, cũng phải chấp nhận mình đẻ ra một thằng con mà xã hội và cả mình xem là “bất hiếu”.
Người làm cha làm mẹ hay viện cớ như, cha mẹ là người trao cho con cuộc sống này, nhưng không ai hỏi thằng nhỏ thử xem nó có thực sự thích cái cuộc sống mà hai người đã dúi vào tay nó hay là không, mà có muốn hỏi cũng không được. Sinh ra một cá thể mang trong người dòng máu của mình, trách nhiệm thì phải chăm sóc cho nó, nhưng nó có chăm sóc hay đối đãi tốt với mình hay không, hoàn toàn không phải là trách nhiệm.
Cho nên cư xử như thể đó là trách nhiệm của một đứa con, là cách nhanh nhất và cũng là dễ nhất để nó mất đi sự tôn trọng dành cho cha mẹ mình. Ừ thì nó vẫn làm đó, bề ngoài của nó vẫn là đứa con ngoan, nó vẫn chịu nghe những gì cha mẹ nó mắng, nhưng đâu ai biết nó dấu bên trong sự uất ức lớn thế nào.
Khi mà sự chăm sóc không còn dựa trên tình cảm chân tình nữa, thì người làm cha làm mẹ thà bỏ tiền ra thuê y tá về chăm còn hạnh phúc hơn.
Làm cha làm mẹ, lúc con nó còn nhỏ thì nó còn sợ mà nghe theo, nhưng đâu thể la mắng nó mãi được.
Đến khi nó lớn tòng ngòng rồi, biết ông bà già không thể đòn roi nó được nữa, thì thậm chí nó khinh khi cũng là chuyện rất thường tình.
Bởi zậy, nói làm cha làm mẹ thì vui thì sướng chứ bản thân mình thấy con đường này có nhọc nhằn kinh.
Không phải cứ đẻ đái ra, vứt tiền vào đó, la mắng vài câu là xong chuyện, vì nếu đơn giản như thế thì xã hội dễ bình quá rồi.
Thời giờ, khi mà đầu óc của mọi con người còn sống đang bận rộn hơn bao giờ hết, vui chơi giải trí sự nghiệp bạn bè, mọi thứ diễn ra quá nhanh và tấp nập – thì sự gắn kết mật thiết giữa các thành viên trong gia đình càng được đòi hỏi ghê hơn. Thế hệ của chúng ta, nếu có một điều gì đó tiếc nuối nhất thì chắc chắn sẽ thấy xót khoảng thời gian ít ỏi bên cha mẹ mình.
Nhưng mỉa mai ở điểm, cha mẹ không biết dạy con thế nào cho đúng, không biết trò chuyện với con ra sao, bản thân cha mẹ và con cái cũng ngày càng bận rộn, rồi mâu thuẫn với xa cách ngày càng lớn rộng hơn. Đến một ngày tuổi già ập đến, ra đi là chuyện không thể tránh khỏi, nhìn lại thấy đời sao buồn tênh, sinh con ra mà không gần gũi với con được là mấy, rồi nhắm mắt, rồi ra đi mà vẫn chưa có lời giải nào cho bài toán gia đình.
Uổng.
À, nhà mình không có chuyện gì đâu anh em, mình chỉ tự dưng trở thành một triết gia nửa mùa trong lúc đang đi vệ sinh thui à. Thật đúng là thiên đường cho những dòng suy niệm sâu sắc.