Lụm được tấm hình trên mạng buồn cười nên tự dưng nảy thêm vài ý. Nếu anh em thực sự để ý sẽ nhận ra với từng nhóm người khác nhau, anh em sẽ có những biểu hiện vô cùng riêng biệt. Với một số người, anh em là đứa chững chạc với một số khác thì không, nếu không phải nói là trái ngược hoàn toàn.
Việc diễn vai này xảy ra một cách rất tự nhiên, vì về cơ bản nó là kỹ năng được tôi luyện qua rất nhiều thế hệ con người. Từ khi con người ý thức được sức mạnh của tập thể, dù theo bất cứ dạng nào, họ đều muốn trở thành một phần trong tập thể đó. Một cá nhân bị ra rìa đồng nghĩa với mã gen của anh ta không thể được để lại. Nó ăn rất sâu vào trong vô thức tập thể, định hình nên khả năng hoà vào đám đông của con người hiện đại. Sau tất cả, mục đích duy nhất của việc đeo lên mình chiếc mặt nạ, chính là để sinh tồn (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).
Như tôi từng đề cập, một đám đông mang mộy tính cách rất khác biệt so với từng cá thể tạo thành nó. Và một người khi ở trong một đám đông (tâm lý), anh ta cũng rất khác so với khi bản thân anh ở một mình. Anh bị tác động bởi thái độ và tình cảm của người khác, anh xử xự dựa nhiều theo mối tương quan cảm xúc này. Vì vậy mà với những đám đông có đặc tính khác nhau, anh lại phải diễn một vai mới hoàn toàn.
Một người có tính cách độc nhất, xuyên suốt theo thời gian, chỉ xuất hiện ở trong sách và trên phim mà thôi. Với vai trò xã hội khác nhau, con người sẽ có những tấm mặt nạ rất khác. Một ông chú bảo vệ khó tính lại là một người cha, người ông ấm áp và tràn trề tình yêu thương. Lão sếp hàng ngày quát tháo anh em, biết đâu lại là người rất nhạy cảm, tinh tế. Nhưng vì đứng ở một vai trò nhiều trách nhiệm, cuộc đời không cho phép ông ta được sống đúng mình.
Như vậy thì việc diễn vai tính ra lại không hề tiêu cực, không hề là giả tạo. Cuối cùng cũng chỉ là một phương cách để cuộc sống này dễ dàng hơn, vì mấy ai quá khác biệt mà có bạn chơi cùng? Và nếu đó là những vai diễn như người tôn vinh các giá trị cao đẹp, nó lại mang lại nhiều điều tích cực cho vòng tròn quan hệ xung quanh.
Trong một số trường hợp, một người thật thà buộc phải sống mưu mẹo hơn để tránh bị người đời khinh khi. Một người đàn ông nhiều cảm xúc cũng phải vào vai một ông chồng, người cha vững vàng về tình cảm. Làm sao chúng ta trách được họ sống không đúng chính mình? Và nhìn rõ ràng hơn, bản chất thật của một con người có tốt đẹp đến mức để anh sống trọn với bản thân mà không gây tổn hại đến người khác hay không? Vai trò của những vai diễn là không thể chối cãi, anh em sắm vai một người tiền bối đưa ra lời khuyên, cũng đủ để cứu một mạng người rồi.
Tóm lại thì không có một lời khuyên nào ở đây cả. Persona là thứ bắt buộc anh em phải đeo, chỉ đến khi anh em thực sự trưởng thành, hẳn lúc đó mới có thể nhất nhất như một được. Người đạt được cảnh giới đó, phải trải qua một quá trình dài tìm mình trong thế giới nội tâm nhiều nhiễu loạn. Chỉ có thể là chính mình, nếu đó là một chính mình đã thực sự trưởng thành hơn.