27 tuổi bước vào ngành sách, sau 1 năm sếp gọi tôi ra bảo: Em không hợp với ngành sách, nên bỏ nghề đi. Sếp nói xong câu đó, cũng không vui, vừa tiến bước đến phòng vệ sinh, vừa nhìn tôi lạnh lẽo
1 tuần sau tôi bỏ việc. Dẫu vậy, tôi rất mê làm sách. Sách là cô đọng trí tuệ, hệt như kỉ niệm là cô đọng cảm xúc. Có lẽ vì thế, chẳng gì đẹp bằng tặng nhau một cuốn sách, và nói yêu thương
Ngành sách cũng không có gì để tự hào, biên tập viên sợ bị đuổi việc hơn sợ ngáo ộp, vì bị đuổi thì biết làm gì? Làm cái nghề sửa chữ người khác, bị đuổi rồi thì đi làm gì? Vào năm 28 tuổi cái chuyện theo đuổi ước mơ nó đau khổ lắm, nó vô vọng. Sếp thứ 2 của tôi là huyền thoại ngành sách, thường toan tính bị đuổi việc, thì đi bán xúc xích trước cổng trường. Ai cũng tưởng sếp tôi đùa, nhưng tôi biết là thật
Trong ngành sách, người làm chữ – khối sản xuất thì không nên hiểu nhiều về kinh doanh, nhờ đó họ rất trung thành, họ không biết tại sao một cuốn sách lại bán được, không biết các điểm phân phối hoạt động thế nào. Đa phần họ tự tưởng tượng ra việc kinh doanh. Đây là bài học cho các ông bà chủ, đừng để bọn thợ biết kinh doanh, thì nó trung thành
Bọn kinh doanh thì không được biết gì về sản xuất, và cũng chẳng cần hiểu. Hồi còn làm ở Alpha, giám đốc kinh doanh khi đó có ép anh em khối kinh doanh hiểu giá trị sách, cuối cùng giám đốc phải tự nghỉ việc. Nhờ chẳng hiểu gì về sản phẩm, anh em kinh doanh đi kiểm soát công nợ, phát triển điểm bán rất tốt. Bài học chán chết ở đây là, bọn kinh doanh càng khinh sản phẩm, thì kiểm soát công nợ và phân phối sản phẩm càng tốt
Còn người bán hàng thì khác. Những anh chị bán sách phải hiểu về sách, còn nếu không hiểu, thì cứ lập web bán hoặc trưng bừa sách ra cửa hàng đẹp, sẽ có người mua, nhưng chịu không lâu dài. Kinh nghiệm ngành sách là, bán sách phải hiểu về sách, bán sản phẩm thật phải hiểu về sản phẩm đó, thậm chí phải yêu
Khi còn làm sách, tôi phát hiện ra rằng có hai cách xử lý bản thảo. Một cách làm bản thảo HAY hơn, một cách làm bản thảo ĐÚNG hơn. Làm HAY hơn, thì phải làm sản phẩm vốn có xuất phát điểm thấp giống với sản phẩm thịnh hành. Bài học của ngành sách khắp thế giới là, hãy làm GIỐNG ngươi chiến thắng, bạn sẽ dễ thắng hơn
Còn làm ĐÚNG bản thảo thì sao? Bán cho thị trường ngách thôi, nó cần sự chính xác. Và bài học của ngành sách là cái gì cho thị trường ngách, thì làm cho nó kĩ thuật, khô cứng, thật đúng vào. Càng kĩ thuật, càng ngách
Ngành sách hay ngậm vốn, trốn nợ, quỵt tiền và cắn lẫn nhau, hệt như mọi ngành khác. Được cái trong ngành này, dù ghét nhau đến đâu, mọi người vẫn tỏ ra tử tế với nhau. Điều đó làm tôi dễ thở. Ở ngành khác, ghét là chửi chết luôn, cũng mệt
Ngành sách Việt Nam thì không coi trọng người sáng tạo. Tác giả và dịch giả vẫn bị xem là đối tượng bị bóc lột, lợi dụng, nói chung họ cũng biết thế, nhưng được ra sách, được ca tụng, có đồ đem đi khoe là vui rồi. Nếu có bị quỵt tiền, cắn mất nhuận bút, thì xem như là cái giá của danh dự đi, đã làm chữ nghĩa đừng có hám lợi
Để doanh nghiệp người ta hám lợi hộ cho! Vì địa vị của tác giả và dịch giả thấp quá, tức là tính sáng tạo ngành là đồ bỏ. NGành nào tính sáng tạo vẫn chỉ là thứ phụ, thì ngành đó không phát triển được .Đó là bài học ngành sách cho tôi
Năm nay tôi 35 tuổi, không còn làm ngành sách nữa. Lửa tri thức cũng không còn nóng nảy nhiệt thành gì
Nhưng nếu đôi chân này còn đi, mong là con đường vẫn xuyên qua những thư viện to lớn, nơi kết tụ tinh phách trí tuệ nhân loại. Khi đi ngang qua đó
Tôi sẽ mỉm cười, với bạn, với nhau
Được không? Bạn lòng?