“Con người được sinh ra không chỉ như một giống loài bám đất, làm những công việc mưu sinh tích cóp vật chất duy trì sự sống qua ngày; nhưng con người còn được sinh ra với “đôi cánh lớn”, giúp họ mở rộng những tiềm năng, để soải cánh bay vào vùng trời tối thượng, khám phá những chân trời và những bình diện mới của sự tồn tại, để biết mình là ai và sự hiện hữu của mình có ý nghĩa gì.” Osho
Osho – đạo sư, nhà huyền môn gây nhiều tranh cãi nhất trong thế kỷ 21. Lời dạy của Osho tạo ra rất nhiều tác động tích cực cũng như gây nhiều tranh cãi khắp thế giới. Lý do chúng gây tranh cãi, một phần là do chúng ta quên. Chúng ta quên rằng bối cảnh những bài nói của Osho thời điểm ấy, phần nhiều được dành cụ thể và đích danh cho Ấn Độ – vùng đất có rất nhiều những mê tín dị đoan và những niềm tin có phần “kì dị”.
Trong một bối cảnh xã hội với hàng ngàn đức tin tranh đấu, đôi khi người ta phải trở nên cực đoan nếu muốn đem thông điệp của mình đến với mọi người.
Chưa kể với tốc độ phát triển của công nghệ ngày nay, chỉ một vài năm khoảng cách cũng đủ để đã tạo ra những khác biệt mang tính thời đại, thì những bài nói của Osho có thể coi như là dành riêng cho một dân tộc khác, ở một thời đại khác. Việc đem hết các lời dạy của ông để so sánh với thời đại này và dân tộc hiện tại này của chúng ta, đã là một sự chủ quan có phần không chuẩn xác. Vì để so sánh, việc hai đối thể ở trên cùng bình diện là điều tối cần thiết.
Bởi lẽ đó, nếu như bạn đọc có thể đọc Osho và đồng thời xét nó trên bình diện của một dân tộc Ấn Độ đầy rẫy những ước đoán, định kiến, nơi những niềm tin có phần mê tín đã chi phối cuộc sống của người dân trong thời gian rất dài, thì lời của Osho sẽ không quá “phản” lễ giáo-phong tục như người ta vẫn thường lên án.
Để hiểu một lời dạy, một thông điệp từ vị thầy, việc chúng ta biết và thấy lý do cũng như hoàn cảnh ra đời của lời dạy ấy là điều rất quan trọng và ý nghĩa.
Việc thấu hiểu bối cảnh này không chỉ giúp mang lại cho chúng ta khả năng quan sát lớn lao mà còn là khả năng nhận định và suy xét những lời dạy nào là thích hợp và cần thiết với bản thân mỗi người trong quá trình học hỏi và tìm tòi “ánh sáng”.
Bởi lẽ tuy văn hoá và niềm tin của mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo là khác nhau nhưng bản chất về sự hiện sinh của con người qua bao thời đại cũng không quá nhiều thay đổi. Những người không hứng thú với việc truy tìm “ánh sáng” thì cuộc sống của họ sẽ vẫn cứ là chuỗi ngày dò dẫm trong bóng tối của vô nhận biết, vô minh. Nhưng những người bắt đầu đặt chân vào hành trình truy tìm đúng sai thì đã một tay thắp lên ngọn đèn của riêng mình.
Việc tự thân đọc và ngẫm những lời dạy của Osho là rất quan trọng. Quan trọng hơn nữa là việc đem chúng vào ứng dụng trong đời sống để biết điều gì là thích hợp và đáng học hỏi, điều gì là chưa thích hợp, không đúng thời điểm hoặc thậm chí có thể sai.
Biết điều gì đúng, điều gì sai với bản thân mình trong từng hoàn cảnh cuộc sống, ấy là khởi đầu của việc biết sự thật, biết chân lý.
“Và chân lý sẽ giải phóng ngươi”, câu nói trong Kinh Thánh có nghĩa là, bất cứ lời dạy nào của ai và của thời đại nào, nếu bạn ứng dụng lời ấy vào cuộc sống và nó làm biến đổi cuộc đời bạn, nó “giải phóng” bạn, ấy thì lời đó chính là chân lý.
Chúng ta không biết cái gì là chân lý, cho tới khi chứng nghiệm được sự giải thoát của riêng mình. Osho không viết sách, ông chỉ thuyết giảng và đã thuyết giảng liên tục trong ba mươi năm ròng. Những bài giảng của ông được thâu băng, bóc băng và in thành sách cùng với việc chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng.
Khác biệt với tất cả những cuốn sách khác của Osho thường là những bài thuyết pháp chuyên đề hoặc ngẫu hứng về mọi chủ đề cuộc sống, bộ sách “Cuộc đời Osho” là công trình cá nhân được dịch giả (Phi Tuyết) sưu tầm, chọn lọc, chuyển ngữ và biên soạn trong hành trình kéo dài suốt bảy năm, với mong muốn đem lại cho bạn đọc một góc nhìn khác, một cách tiếp cận khác hoàn toàn với những gì bạn đã từng biết về Osho.
Những câu chuyện trong bộ sách vừa hài hước, thông minh, đầy tính khai phóng vừa chứa đầy ắp những chất liệu quý giá để chúng ta chiêm nghiệm, suy tư và đặt ra những câu hỏi trong trái tim mình về bản chất cuộc sống này.